NGỔN NGANG CHẤT LƯỢNG PHÊ BÌNH - Phạm Quang Trung


NGỔN NGANG 
CHẤT LƯỢNG PHÊ BÌNH

“Làm thế nào để nâng cao chất lượng phê bình văn chương ?” là câu hỏi thể hiện mong muốn, hơn thế là đòi hỏi gióng riết không chỉ của giới văn chương. Một khi nền văn chương đến độ trưởng thành thì ý thức về nó, phản ánh dưới dạng quan niệm chi phối, quan niệm thực thi càng được xem trọng, hẳn chẳng có gì khó hiểu cả. Mối gỡ nên bắt đầu từ đâu. Đã có nhiều ý kiến, phần nhiều là tâm huyết và hiệu quả. Riêng tôi xin đi vào cơ cấu của phê bình và đội ngũ phê bình, những mong góp phần tháo gỡ vấn đề hệ trọng, bức bách này.

Tôi tán đồng với giáo sư Trần Đình Sử khi anh chia phê bình hiện nay thành 3 bộ phận: phê bình chuyên nghiệp, phê bình nghệ sĩ và phê bình báo chí. Ơ dạng thức sau cùng, ta nghĩ trước tiên đến những bài đọc sách (tôi không nói tin sách hay điểm sách – những chuyên mục còn cách rất xa phê bình). Trong tình hình tác phẩm mới, cả thơ lẫn văn, được in ra khá dễ dàng, vì thế số lượng thật đồ sộ, khó lòng bao quát được hết, thì việc xuất hiện ngày càng nhiều, ngày một thường xuyên việc đọc sách trên báo chí, chuyên và không chuyên về văn chương, nên xem là yêu cầu khách quan và cần thiết. Tuy tôi không nghĩ bài đọc sách nào cũng là bài phê bình thực  thụ. Không phải ở độ dài ngắn mà ở tính chất, ở chất lượng. Nhiều bài đọc sách viết sơ sài, chung chung, thiếu căn cứ lý luận, và lấy việc cung cấp thông tin về tác phẩm, tác giả là chính.

Còn về cơ cấu đội ngũ? Nói gì thì nói, sự tồn tại các thế hệ nhà phê bình là một thực tế. Sự phân biệt già trẻ một cách tương đối cũng nên đặt ra. Không phải để phân hạng theo tước xỉ đâu. Cũng như văn chương, giá trị của phê bình ở chất lượng thấp cao, hay dở. Y lại tiếng tăm và kinh nghiệm để cho mình cái quyền ăn nói, cái quyền đưa ra lời phán xét cuối cùng, xếp ngôi định thứ, luôn tỏ ra quá lỗi thời và kém khôn ngoan. Những bậc thức giả, thức ngôn chả ai làm thế bao giờ. Phân biệt già trẻ để thấy mặt mạnh mặt yếu của từng thế hệ, giúp bổ sung cho nhau, tạo ra một đội hình vừa khác biệt vừa đồng thuận, thỏa mãn những nhu cầu luôn sôi động và biến đổi của đời sống văn chương.

Cần thấy rõ sự bất cập của từng thế hệ cầm bút viết phê bình. Thế hệ già thì không còn nhiều thời gian, sức lực và cả sự tinh nhạy để bao quát sự diễn biến nhanh của sáng tác. Còn thế hệ trẻ? Độ chín nghề nghiệp vẫn luôn là một đòi hỏi  nóng bỏng. Vừa qua tôi có đọc một vài tâm sự  của một cây bút phê bình trẻ về nghề của mình. Bên cạnh những ý nghĩ đúng và đây là lý do cho phép tôi đặt nhiều hy vọng vào anh và thế hệ trẻ cầm bút trẻ thì không khỏi còn những suy nghĩ  non nớt và bồng bột. Chẳng hạn anh bảo: “Con người ai cũng ảo tưởng, cũng muốn ảo tưởng, bởi vì ảo tưởng là một mặt căng phồng của ước mơ. Làm người ai chẳng ước mơ, càng trẻ càng nhiều ước mơ, do đó nhiều ảo tưởng về bản thân. Điều này không có gì đáng sợ, nó lại có cái tốt là khiến người ta tự tin và mạnh mẽ” -  những chỗ in nghiêng là do tôi chủ ý nhấn mạnh. Sao lại viết như thế được! Làm người chỉ nên có ước mơ, càng giàu có càng tốt và càng ý nghĩa, nhưng lại hết sức tránh ảo tưởng – nghĩa là những ước mơ viển vông ít có cơ sở thực hiện. Và nếu vậy thì chỉ có ước mơ (chứ không phải “ ảo tưởng”) mới đem lại “tự tin và mạnh mẽ” cho con người. Do vậy tôi trộm nghĩ, với những cây bút trẻ, việc quan trọng bậc nhất, quan trọng hàng đầu chưa hẳn là ở lòng trung thực để gắng giữ cho mình giọng nói riêng, mà có lẽ ở tính khoa học, ở “ kiến thức sâu rộng” và ở khả năng  “cảm thụ nhạy bén” (Xin xem tạp chí “ Sinh viên Việt Nam”, Số 33, ra ngày 14/8/2001).

Nói về cơ cấu của phê bình và đội ngũ phê bình trong yêu cầu nâng cao chất lượng nghề nghiệp, tôi lại nghĩ tới quan niệm đã trở thành kinh điển của Biêlinxky: “Phê bình là mỹ học đang vận động”. Nhà phê bình Nga vĩ đại gọi phê bình là “ mỹ học” (hiểu theo nghĩa là “ lý luận nghệ thuật”). Tính khoa học đặc biệt được ông đề cao và vì vậy không phải ai cũng viết được phê bình. Viết được những áng phê bình hay lại càng khó, không dễ mà làm nổi. Phải am hiểu bản chất đặc thù của văn chương đến một độ nhất định (Ấy là để tránh chông chênh, sơ sểnh). Lại còn phải luôn tiếp cận những quan niệm văn chương tiên tiến nhất (Ấy là để tránh lạc hậu, lỗi thời). Tất cả tập trung ở hệ tiêu chí đánh giá đúng đắn mà ta quen gọi là chuẩn mực. Đây là lẽ hằng thường, là cái bất biến (cố nhiên nên hiểu một cách tương đối) chi phối hoạt động phê bình.

Câu nói của Biêlinxky còn bao hàm vế tối quan trọng thứ 2:  mỹ học đang vận dụng. Đã có nhiều cách hiểu khác nhau, tôi thì nghĩ đơn giản, điều đó có nghĩa phê bình là “mỹ học” đang được vận dụng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn văn chương. Phẩm chất và bản lĩnh của nhà phê bình bộc lộ chủ yếu ở đây! Như ta biết, văn chương mỗi dân tộc trong từng thời điểm nhất là ở những điểm giao giữa các giai đoạn, các thời kỳ,  thường xuất hiện những vấn đề riêng cần được tháo gỡ. Có vấn đề thuộc tư tưởng lại có vấn đề thuộc nghề nghiệp; có vấn đề thuộc về người cầm bút, lại có vấn đề liên quan tới cơ chế xã hội; có vấn đề thuộc nội dung, lại có vấn đề thuộc về thi pháp… Cần thấy rằng, các vấn đề của đời sống văn chương bao giờ cũng được nảy sinh từ những hiện tượng văn chương cụ thể mà rõ nhất là từ các tác phẩm văn chương. Phê bình với chức phận riêng của mình buộc phải lên tiếng, không được thoái thác chối từ.

Có nhiều cái khó cần vượt qua để phê bình và nhà phê bình đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn văn chương. Trước tiên là khả năng làm chủ tinh thần sáng tạo của các nhà văn: không chỉ đa dạng mà còn đa tạp, đa hướng, lại thường biến động khôn lường; không chỉ ở bề mặt mà còn ở bề sâu; không chỉ trên phương diện cá nhân mà còn liên quan đến xã hội.    

Sau nữa là khả năng vươn tới làm chủ xu hướng chung của thời đaị. Bởi văn chương khi nào cũng thuộc về một thời. Sự chi phối của thời đại tới văn chương và nhà văn có khi rõ rệt dễ thấy, cũng có khi sâu xa khó thấy hơn, nhưng bao giờ cũng là sưc mạnh thực tế, đi ra ngoài ý muốn của người viết.

Để thấm nhuần tinh thần của thời đại qua tinh thần của sáng tạo, nhà phê bình phải thật sự sống tỉnh táo và mê say, tự nguyện và trách nhiệm, để trở thành con người của thời đại mình trong ý nghĩa sâu xa và tính toàn vẹn của nó. Theo tôi, đó là điều mà cả đội ngũ phê bình trong những dạng thức khác nhau  sẽ còn cần tiếp tục trau dồi với ý thức cao nhất.    

PHẠM QUANG TRUNG


Nhận xét

Bài đăng phổ biến