Nặng nề 'tạm ứng viện phí'
Quy trình cấp cứu tại bệnh viện luôn đặt sinh mệnh người bệnh
lên hàng đầu, đặc biệt trong các tình huống nguy kịch. Khi bệnh nhân (BN) được
đưa vào cấp cứu tại bệnh viện, điều đầu tiên các nhân viên y tế thực hiện là
đánh giá chức năng sống, bất kể người đó là ai, có thân nhân hay khả năng chi
trả hay không.
Nếu phát hiện BN ngưng tim, ngưng thở, quy trình hồi sức khẩn cấp, thậm
chí báo động đỏ, sẽ được triển khai ngay lập tức. Trong trường hợp này, các thủ
tục hành chính hay yêu cầu tạm ứng viện phí đều được tạm gác lại, mục tiêu duy
nhất là cứu người.
Trường hợp BN có sinh hiệu ổn định, không nguy hiểm tính mạng tức thì, sẽ
được phân loại mức độ ưu tiên từ nặng đến nhẹ. Các ca chấn thương nghiêm trọng
có thể được hội chẩn chuyên khoa, chỉ định mổ hoặc hồi sức. Trường hợp nhẹ hơn
sẽ được chuyển chuyên khoa hoặc chuyển viện nếu vượt ngoài khả năng chuyên môn.
Sau giai đoạn cấp cứu ban đầu, bệnh viện sẽ tư vấn phương án điều trị cho
gia đình BN, đồng thời thực hiện tạm ứng viện phí nếu cần. Cần hiểu rằng không
phải tất cả BN được đưa đến khoa cấp cứu đều trong tình trạng nguy kịch như
nhau, do đó quy trình tiếp nhận và xử lý cũng khác biệt.
Nếu có trường hợp yêu cầu tạm ứng viện phí trước khi cấp cứu người bệnh
đang nguy kịch, đó là sai với quy định và đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, đây
chỉ là những trường hợp thuộc số ít cá biệt, bởi hầu hết nhân viên y tế đều ưu
tiên cứu người.
Cụm từ "tạm ứng viện phí" từ lâu đã trở thành một phần không thể
thiếu trong quy trình điều trị, đặc biệt sau khi y bác sĩ đánh giá tình trạng
BN. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề nhạy cảm đối với nhiều phía.
Sinh mệnh con người là điều thiêng liêng nhất. Thế nhưng, trong cơ chế tự
chủ tài chính, viện phí cũng là yếu tố sống còn của các bệnh viện. Vì vậy,
"tạm ứng viện phí" - tuy là bước thủ tục hành chính - lại "nặng
nề" không nhỏ đối với người bệnh, thân nhân và cả bệnh viện.
Nhận xét
Đăng nhận xét