BỎ RƠI VIỆT NAM:-41-TRẬN NÉM BOM GIÁNG SINH

 
41-TRẬN NÉM BOM GIÁNG SINH

Tin rằng Bắc Việt đang kéo dài các cuộc đàm phán ngay khi thỏa thuận đã gần hoàn tất, Nixon đã ra lệnh phát động Chiến dịch Linebacker II, khôi phục toàn diện các hoạt động không quân chống lại Bắc Việt. Nixon đã viết trong hồi ký của mình, “Bắc Việt cho rằng họ có thể tóm thóp chúng ta và sẽ tiếp tục siết cổ chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hành động mạnh mẽ.” Ông muốn chứng minh với cả Bắc Việt và Thiệu rằng ông vẫn có thể trừng phạt Bắc Việt nếu cần.  Kissinger sau đó đã viết rằng đây là “lần tung xúc xắc cuối cùng của Nixon… có ích nếu nó hiệu quả; còn nếu nó thất bại thì là một mình chứng cho phe cánh hữu thấy rằng ông đã làm tất cả những gì có thể”.Trong hồi ký của mình, Nixon viết rằng đây là “quyết định khó khăn nhất” mà ông phải đưa ra trong cuộc chiến, nhưng cũng nói thêm rằng “đó cũng là một trong những quyết định rõ ràng nhất và cần thiết nhất”. Sau khi đưa ra quyết định, ông nói với Đô đốc Moorer, “Tôi không muốn nghe thêm bất kỳ điều vớ vẩn nào về việc chúng ta không thể đánh trúng mục tiêu này hay mục tiêu nọ nữa. Đây là cơ hội để các ông giành chiến thắng trong cuộc chiến này, và nếu không, tôi sẽ bắt các ông chịu trách nhiệm”.
 
Khi các phi hành đoàn máy bay ném bom chuẩn bị thực hiện các mệnh lệnh mới, Nixon đã viết cho Thiệu một lần nữa. Lo sợ rằng tổng thống miền Nam  sẽ coi việc tiếp tục ném bom là tín hiệu cho thấy thỏa thuận hòa bình đã chết, Nixon đã cử Tướng Haig trở lại Sài Gòn cùng với bức thư cho Thiệu. Nixon đảm bảo với tổng thống miền Nam  rằng ông có ý định tiếp tục thỏa thuận hòa bình ngay khi Bắc Việt quay lại bàn đàm phán. Cuối thư, ông viết thêm bằng chính tay mình: “Tôi đã yêu cầu Tướng Haig xin câu trả lời của ngài cho lời đề nghị cuối cùng này để chúng ta cùng nhau làm việc nhằm tìm kiếm một giải pháp theo hướng tôi đã chấp thuận hoặc mỗi bên đi theo một con đường riêng. Kết luận,  tôi xin nhấn mạnh là Tướng Haig không đến Sài Gòn với mục đích đàm phán với ngài. . . . Ngài phải quyết định ngay liệu ngài có muốn tiếp tục là đồng minh của chúng tôi hay muốn tôi tìm kiếm một giải pháp với kẻ thù chỉ phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ.”
 
Bắt đầu từ ngày 18 tháng 12 và trong 11 ngày tiếp theo, các máy bay B-52, F-105, F-4, F-111 và A-6 của Hoa Kỳ đã tấn công các mục tiêu trên khắp Bắc Việt, thực hiện hơn 3.000 phi vụ và thả hơn 40.000 tấn bom. Khu vực Hà Nội-Hải Phòng bị tấn công đặc biệt dữ dội, nhưng thiệt hại thì rất lớn ở khắp mọi nơi.  Có báo cáo rằng “Hầu như toàn bộ năng lực công nghiệp [của Bắc Việt] đã biến mất. Các nhà máy phát điện và lưới truyền tải của họ đã bị đánh tan tành. Các kho chứa khí đốt và dầu chỉ còn là những bức tường bị cháy rụi. Các sân ga đường sắt trông giống như cảnh quan trên mặt trăng. Đường bộ và kênh rạch bị tắc nghẽn bởi phương tiện vận tải bị phá hủy, các khu vực lưu trữ SAM [tên lửa đất đối không], xe tăng, pháo binh và xe tải đã bị nghiền nát. Giao thông quân sự giảm xuống chỉ còn nhỏ giọt.”
 
Lực lượng phòng không Bắc Việt đã trả đũa, bắn hạ 15 chiếc B-52 và 11 máy bay khác, nhưng phi cơ Mỹ vẫn tiếp tục bay đến. Vào giai đoạn sau của chiến dịch, hệ thống phòng không của Hà Nội đã bị phá hủy và Bắc Việt gần như không có khả năng chống lại các cuộc không kích; cựu sĩ quan tình báo MACV, Tướng Davidson đã báo cáo rằng trong ba ngày cuối cùng của chiến dịch, máy bay Hoa Kỳ hầu như không thu hút hỏa lực nào. Không bị hỏa lực phòng không của Bắc Việt cản trở, máy bay ném bom của Hoa Kỳ đã hoàn thành việc tiêu diệt hầu hết các mục tiêu ưu tiên của họ. Khoảng 80 phần trăm nguồn điện của Bắc Việt đã bị phá hủy, và gần 25 phần trăm nguồn cung cấp dầu mỏ của quốc gia đã bị phá hủy. Trong lời khai trước Ủy ban Tài chính Hạ viện vào cuối năm, Đô đốc Moorer tuyên bố rằng vụ ném bom vào tháng 12 đã làm giảm khả năng gây chiến của Hà Nội xuống còn “ít hơn một nửa” so với trước khi các cảng của Hà Nội bị đánh bom vào tháng 5 năm 1972.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến