BỎ RƠI VIỆT NAM:-39-HOÀ ĐÀM BẾ TẮC

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
39-HOÀ ĐÀM BẾ TẮC

Trong khi đó, Lê Đức Thọ đã tuyên bố khi trở lại Paris rằng nếu Washington thực sự muốn giải quyết, họ phải “tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận giữa hai bên” hoặc “người dân Việt Nam sẽ không còn cách nào khác ngoài việc kiên quyết tiếp tục cuộc chiến của mình”. Khi Kissinger và các nhà đàm phán Bắc Việt gặp nhau tại phiên họp dự kiến ​​vào ngày 20 tháng 11, Lê Đức Thọ không có gì ngạc nhiên khi bác bỏ những sửa đổi do Thiệu đề xuất. Ngày hôm sau, ông ta đưa ra một loạt các yêu cầu mới của riêng mình. Thọ đã rút lại  nhượng bộ đã đưa ra trước đó rằng các tù binh chiến tranh người Mỹ sẽ được thả trước khi các tù nhân chính trị do Sài Gòn giam giữ được trả tự do. Ông cũng yêu cầu tất cả các kỹ thuật viên dân sự người Mỹ phải rời đi cùng với quân đội Hoa Kỳ.  Yêu cầu sau là then chốt vì, nếu được chấp thuận, sẽ có tác động làm suy yếu đến hiệu quả quân sự của miền Nam, do rất cần một số lượng lớn nhân viên hợp đồng dân sự để bảo dưỡng và bảo trì các thiết bị tinh vi mà miền Nam  đã nhận được theo các chương trình Tăng cường.
 
Khi Kissinger thông báo cho Nixon về các yêu cầu mới của Bắc Việt, tổng thống tức giận gửi cho người đàm phán chính của mình một bộ hướng dẫn mới. Trừ khi Lê Đức Thọ thể hiện “cùng thiện chí hợp lý như chúng ta đang thể hiện”, ông nói, “Tôi sẽ chỉ đạo anh ngừng các cuộc đàm phán và sau đó chúng ta sẽ phải tiếp tục hoạt động quân sự cho đến khi bên kia sẵn sàng đàm phán”. Ông căn dặn Kissinger cảnh báo Bắc Việt rằng “giờ cuộc bầu cử đã qua, ông [tổng thống] sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào mà ông cho là cần thiết để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ”. Rõ ràng là Nixon đang mất kiên nhẫn với Bắc Việt;  Kissinger sau đó đã viết trong hồi ký của mình rằng giai đoạn này phản ánh “trạng thái tinh thần đen tối nhất và có lẽ là độc ác nhất của tổng thống [Nixon].
 
Cuộc họp tiếp theo giữa Kissinger và các nhà đàm phán Bắc Việt không mang lại kết quả nào; các cuộc đàm phán đã bế tắc một cách vô vọng. Kissinger đã gửi Nixon một thông điệp đưa ra hai lựa chọn: tăng cường ném bom Bắc Việt để buộc họ quay lại bàn đàm phán hoặc đợi đến tháng 1 để tiếp tục đàm phán và sau đó đưa ra một thỏa thuận có thể chấp nhận được. Theo Nixon, Kissinger khuyến nghị theo đuổi lựa chọn đầu tiên, nhưng sau này Kissinger vẫn khẳng định rằng mìn đã không làm vậy. Sau đó các tài liệu được giải mật của Nhà Trắng cho đến nay vẫn không giải quyết được sự khác biệt lớn trong ký ức của họ hoặc làm sáng tỏ thêm bất kỳ điều gì về nguồn gốc của sự kiện được gọi là trận ném bom Giáng sinh.  Bất kể ai là người đầu tiên ủng hộ việc tiếp tục ném bom, các sự kiện trong những tuần tiếp theo đã dẫn đến các cuộc tấn công mới vào Hà Nội.
 
Sau khi các cuộc đàm phán đi vào bế tắc, Nixon đã gửi cho Kissinger một loạt chỉ thị mâu thuẫn nhau. Ban đầu, ông đã gửi một thông điệp yêu cầu Kissinger làm việc với Thọ để đạt được một giải pháp, bởi vì “chúng ta phải thừa nhận thực tế cơ bản là chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc đạt được thỏa thuận theo các nguyên tắc 8 tháng mười”. Sau đó, không muốn loại bỏ “con bài” ném bom khỏi bàn đàm phán, ông đã yêu cầu Kissinger “hoãn” các cuộc đàm phán trong một tuần và rằng ông đã chuẩn bị sử dụng ném bom nếu cần thiết để buộc phải đạt được thỏa thuận. Nixon nói, “Tôi thừa nhận rằng đây là một lựa chọn rủi ro cao, nhưng mục tiêu của chúng ta vẫn tiếp tục là kết thúc chiến tranh trong danh dự. Và nếu vì theo đuổi chiến lược của chúng ta và gặp sự cố về thời điểm cuộc bầu cử mà chúng ta hiện đang ở trong góc hẹp trong quan hệ công chúng, chúng ta đành phải chịu trận và đi cho tới cùng …  cho dù chi phí cho sự ủng hộ của công chúng sẽ rất lớn.”
 
Ngày hôm sau, tổng thống lại thay đổi thái độ và ra lệnh cho Kissinger tiếp tục các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Kissinger đã sắp xếp một cuộc giải lao. Ông bay trở lại Washington để gặp tổng thống. Nixon bảo ông ta “hãy từ bỏ lập trường là chúng ta thực sự có một lựa chọn khả thi để cắt đứt các cuộc đàm phán với miền Bắc và tiếp tục ném bom trong một khoảng thời gian. Đơn giản là nó sẽ không hiệu quả. . . . Chúng ta không được có ảo tưởng là bây giờ chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hòa giải.” Thay vì tăng cường các cuộc ném bom vẫn đang diễn ra để bắt đầu đáp trả cuộc xâm lược năm 1972, ông chỉ đạo rằng phải giảm bớt.
 
Nixon đã do dự vì ông đang ở trong một vị trí khó khăn. Người dân Hoa Kỳ đã sẵn sàng để chiến tranh kết thúc. Bắc Việt đã chuẩn bị ký hiệp định ngày 8 tháng 10, nhưng Thiệu và những yêu cầu liên tục của ông về việc sửa đổi đã gây ra phản ứng dữ dội từ họ và dẫn đến bế tắc ở Paris. Nixon phải chấm dứt chiến tranh, nhưng không phải theo cách mà ông có vẻ như đang bán đứng Thiệu và miền Nam . Do đó, tổng thống đã cố gắng đi trên dây giữa Bắc Việt và Thiệu, điều này có thể giải thích sự dao động trong chỉ thị của ông cho Kissinger.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến