BỎ RƠI VIỆT NAM:-35-KISSINGER THƯƠNG LƯỢNG CÙNG THIỆU

 

BỎ RƠI VIỆT NAM:
35-KISSINGER THƯƠNG LƯỢNG CÙNG THIỆU

Sau cuộc họp, Kissinger bay đến Sài Gòn để tóm tắt cho Tổng thống Thiệu về các cuộc thảo luận ở Paris. Từ đầu tháng 5, Kissinger và Đại sứ Bunker đã cố gắng trấn an Thiệu rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “hỗ trợ toàn diện” và hứa sẽ “thông báo kịp thời và đầy đủ” cho ông về bất kỳ cuộc thảo luận nào với Bắc Việt. Vào tháng 6, Bunker thông báo với Kissinger rằng ông đã gặp Thiệu để đảm bảo với ông ta một lần nữa “về sự ủng hộ liên tục của Tổng thống và rằng chúng tôi không có ý định nhượng bộ kẻ thù tại bàn đàm phán những gì mà họ không thể đạt được trên chiến trường”. Thiệu nói với Bunker rằng ông hiểu “kế hoạch trò chơi”. Tuy nhiên, ông vẫn lo sợ về một giải pháp có lợi cho Hoa Kỳ và Bắc Việt trong khi phớt lờ nhu cầu của miền Nam. Khi Kissinger thông báo với Thiệu về sự thay đổi bề ngoài trong thái độ đàm phán của Bắc Việt tại phiên họp tháng 8, nhà lãnh đạo miền Nam không mấy ấn tượng. Ông rất khó chịu về ý tưởng ngừng bắn tại chỗ và phản đối bất kỳ điều gì trông giống như một chính phủ liên minh. Ngoài ra, ông còn lo sợ về một nền hòa bình được đàm phán bao gồm cả việc rút quân hoàn toàn của Hoa Kỳ và sự hiện diện liên tục của quân đội Bắc Việt tại miền Nam.  Theo đó, ông đã phản đối tới tấp Nixon và Kissinger về thỏa thuận này cho đến tận cuộc họp tiếp theo của Kissinger với Bắc Việt vào ngày 15 tháng 9. Nixon đã gửi cho Thiệu một lá thư vào cuối tháng 8, trong đó hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho miền Nam, nói rằng “Hoa Kỳ đã không kiên trì đi suốt con đường này, với biết bao hy sinh của rất nhiều người Mỹ, chỉ để đảo ngược hướng đi trong vài tháng cuối năm 1972. . . . Nhân dân Mỹ biết rằng đất nước mình không thể mua được hòa bình hay danh dự hoặc chuộc lại những hy sinh của mình bằng cái giá là bỏ rơi một đồng minh dũng cảm. Tôi không thể làm điều này và sẽ không bao giờ làm như vậy.”  Cùng lúc đó, Nixon đã gửi điện cho Kissinger, đang ở Moscow để hội đàm với các nhà lãnh đạo Liên Xô về tình hình Việt Nam, nói rằng “người Mỹ không còn quan tâm đến một giải pháp dựa trên sự thỏa hiệp nữa. Họ ủng hộ việc tiếp tục ném bom và muốn thấy Hoa Kỳ chiến thắng sau tất cả những năm tháng này.” Vì vậy, tổng thống đã buộc Kissinger phải “cứng rắn” với Bắc Việt khi ông trở lại Paris lần sau.
 
Vào ngày 11 tháng 9, Hà Nội đã ra tuyên bố rằng “giải pháp cho vấn đề nội bộ miền Nam phải xuất phát từ tình hình thực tế rằng ở miền Nam hiện có hai chính quyền, hai quân đội và các lực lượng chính trị khác.” Điều này khiến Kissinger phấn khởi vì lần đầu tiên Bắc Việt cho biết họ sẽ không yêu cầu một chính phủ liên minh ba bên để thay thế chính phủ Thiệu ở miền Nam. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở Paris vào ngày 15 tháng 9, Lê Đức Thọ một lần nữa đề xuất một chính phủ liên minh, mà Kissinger đã nhanh chóng bác bỏ. Tuy nhiên, Kissinger tin rằng ông đang đạt được tiến triển với Bắc Việt và, theo sự thúc đẩy của Tho, đã đồng ý với một “thỏa thuận về nguyên tắc” vào ngày 15 tháng 10.
 
Thọ và Kissinger đã gặp lại nhau vào ngày 26 tháng 9 và giải quyết phần lớn các vấn đề quân sự còn lại. Trong một thay đổi lớn so với các cuộc thảo luận trước đó, Thọ đã từ bỏ yêu cầu về một chính phủ liên minh và thay vào đó đề xuất một “Chính phủ lâm thời của sự hòa hợp quốc gia”, có chức năng duy nhất là sắp xếp các cuộc bầu cử cho miền Nam trong vòng 90 ngày sau khi chiến tranh kết thúc. Kissinger đã hoãn thảo luận về đề xuất này, nói rằng mình cần thời gian để nghiên cứu nó qua đêm.  Họ chia tay và Thọ hứa rằng cuộc họp tiếp theo sẽ có tính “quyết định”. Hai ngày sau, Bắc Việt gửi Kissinger một công hàm cho biết phái đoàn của họ sẽ đến cuộc họp tiếp theo “với tinh thần xây dựng và thái độ nghiêm túc, trong nỗ lực cuối cùng để đạt được thỏa thuận về những điều cốt yếu với phía Mỹ”.
 
Vẫn lo ngại rằng Thiệu có thể phá hỏng bất kỳ thỏa thuận nào mà Kissinger đã đưa ra, Nixon đã cử Tướng Haig đến Sài Gòn để hội đàm với tổng thống miền Nam. Haig mang theo một thông điệp cá nhân từ Nixon gửi cho Thiệu: “Tôi cam kết chắc chắn rằng sẽ không có giải pháp nào đạt được, mà các điều khoản của nó chưa được thảo luận trực tiếp với ngài trước đó”. Ông cũng bao gồm một gợi ý không mấy tinh tế để “tránh tạo ra một bầu không khí có thể dẫn đến những sự kiện tương tự như những sự kiện mà chúng ta ghê tởm vào năm 1963”—ám chỉ đến cuộc đảo chính dẫn đến cái chết của Tổng thống Ngô Đình Diệm.
 
Thiệu lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể đang chuẩn bị thực hiện một thỏa thuận riêng với Bắc Việt. Vào ngày 2 tháng 10, khi Haig vẫn còn ở Sài Gòn, Thiệu đã nói với Quốc hội miền Nam:
 
“Một giải pháp chính trị là một vấn đề nội bộ của miền Nam. Người dân miền Nam có quyền và có trách nhiệm giải quyết vấn đề này giữa họ. Không ai được phép can thiệp. . . . Chỉ có chính phủ Việt Nam Cộng hòa hiện tại mới có thẩm quyền thảo luận và chấp thuận bất kỳ giải pháp chính trị nội bộ nào cho miền Nam, và không ai có quyền làm điều đó thay họ.”
 
Mặc dù lo sợ, Thiệu cũng chẳng làm được gì nhiều. Như Nguyễn Tiến Hưng, một trong những cố vấn thân cận nhất của Thiệu, đã viết sau chiến tranh, tổng thống miền Nam  “không thể cho phép mình hưởng sự xa xỉ của một sự rạn nứt công khai với Hoa Kỳ.”
 
Khi Haig trở về Washington, ông và Kissinger đã gặp Nixon để thảo luận về tình hình Thiệu. Tổng thống đã lắng nghe báo cáo của Haig và nói với Kissinger rằng “cái đuôi không thể vẫy con chó” (tương tự “trứng mà đòi khôn hơn vịt”): nếu Kissinger thuyết phục được Lê Đức Thọ chấp nhận lời đề nghị mà Hoa Kỳ đưa ra vào tháng 9, ông ta nên đến Sài Gòn và “nhét [thỏa thuận] xuống cổ họng [Thiệu].”
 
Khi Kissinger và Haig chuẩn bị lên đường đến Paris, Nixon đã gặp ngoại  trưởng ngoại Liên Xô Andrei Gromyko tại Washington để chính thức ký kết các thỏa thuận hạn chế vũ khí chiến lược (SALT).  Trong cuộc họp của họ, Nixon cảnh báo rằng lời đề nghị mà Kissinger đưa ra tại các cuộc đàm phán Paris sắp tới là tối hậu, và nếu Thọ từ chối, Hoa Kỳ sẽ “phải chuyển sang một số phương sách khác sau cuộc bầu cử”.
 
Tổng thống và cố vấn an ninh quốc gia của ông đã bất đồng quan điểm về chiến lược đàm phán. Kissinger đang thúc đẩy một thỏa thuận ngay lập tức, nhưng Nixon đã dao động. Kissinger tin rằng Bắc Việt, lo sợ Nixon và quyền lực mới có được sau khi đánh bại McGovern, sẽ có nhiều khả năng muốn  đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử. Nixon có quan điểm ngược lại, lập luận rằng ông sẽ có nhiều quyền lực hơn để đáp trả sau cuộc bầu cử nếu Bắc Việt tỏ ra khó khăn trong các cuộc đàm phán cuối cùng; do đó, ông đã chỉ thị cho Charles Colson, một trong những cố vấn chính trị hàng đầu của ông, “nói với ông ấy [Kissinger] rằng sẽ gây tổn hại—chứ không giúp ích gì cho chúng ta—nếu đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử”.
 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến