BỎ RƠI VIỆT NAM:
31-ĐÁNH GIÁ HIỆU SUẤT CHIẾN ĐẤU CỦA MIỀN NAM
Hiệu suất của QLVNCH cần được xem
xét kỹ lưỡng hơn, nhưng người ta phải nhớ rằng điểm mấu chốt: rốt cục, miền Nam
đã chống lại được mọi thứ mà quân Bắc Việt có thể ném vào họ. Ngoài việc gây ra
thất bại quân sự cho kẻ thù, quân phòng thủ VNCH đã giành được một chiến thắng
tâm lý quyết định. Họ đã đứng lên chống lại những chỉ huy tài giỏi nhất của
Quân đội Bắc Việt, đánh bại họ và ngăn cản họ thành lập “chính phủ giải phóng” ở
miền Nam. Tổng thống Thiệu và chế độ của ông đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng mạnh
mẽ hơn bao giờ hết, ít nhất là trên bề mặt. Ông và quân đội mình đã giành chiến
thắng. Chiến thắng này dường như là bước ngoặt đối với miền Nam.
Cũng như trong Chiến dịch Lam Sơn 719, hiệu suất thực tế của QLVNCH trên
chiến trường là lẫn lộn. Cuộc tấn công của Quân đội Bắc Việt đã chứng minh quá
rõ những thiếu sót nghiêm trọng liên tục về mặt lãnh đạo và tinh thần trong
QLVNCH. Tại Quảng Trị, những binh lính
thiếu kinh nghiệm của Sư đoàn 3 mới thành lập đã hoảng hốt và bỏ chạy trước cuộc
tấn công của kẻ thù. Đây không phải là trường hợp cá biệt. Việc đào ngũ dưới hỏa
lực địch của quân đội miền Nam là một vấn đề liên tục trong thời gian diễn ra
cuộc tấn công của Cộng sản.
Theo Tướng Abrams, tài lãnh đạo tiếp tục là thất bại nghiêm trọng nhất
trong QLVNCH. Ví dụ, Tướng Lãm, tư lệnh Quân đoàn I, đã bộc lộ những khuyết điểm
tương tự đã gần như gây ra thảm họa trong Chiến dịch Lam Sơn 719. Ông từ chối
đưa ra quyết định ngay cả khi bắt buộc phải làm như vậy. Hầu hết các chỉ huy sư
đoàn đều không khá hơn là bao, kể cả chỉ huy ở An Lộc. Theo Đại tá William
Miller, cố vấn cấp cao của Sư đoàn 5 vào đầu trận chiến, “một lò so đã bung ra
trong người Tướng [Lê Văn] Hưng” khi QĐNDVN tràn vào Lộc Ninh, và ông đã không
thể thực hiện lệnh chỉ huy khi cần thiết nhất. Theo Chuẩn tướng McGiffert, phó
tư lệnh Bộ Tư lệnh Hỗ trợ Vùng 3, Hưng “nghẹt thở” dưới áp lực và “không làm gì
cả trong một thời gian dài.” Trong cuộc tấn công, Thiệu đã thay đổi chỉ huy
“trong mỗi trường hợp hiệu quả không đạt yêu cầu lọt vào sự chú ý của ông”,
nhưng Abrams cảm thấy rằng vấn đề thực sự là thiếu các nhà lãnh đạo giàu kinh
nghiệm để đề bạt. Vấn đề lãnh đạo cũng bộc lộ xuống chuỗi chỉ huy. Sau trận chiến,
McGiffert nói rằng các chỉ huy trung đoàn tại An Lộc, với một vài ngoại lệ,
không khá hơn mức trung bình, phát biểu rằng “không có sự kiểm soát. Không có sự
giám sát; không có sự nhấn mạnh mệnh lệnh đến tận vị trí thành viên.” Một viên chức miền Nam tại Qui Nhơn, khi nói
về thất bại của miền Nam trong việc ngăn chặn QĐNDVN ở Tỉnh Bình Định, đã nói với
Craig Whitney của tờ New York Times, “Người Mỹ rất chân thành, họ đã nỗ lực
giúp đỡ lực lượng vũ trang Việt Nam, và từ A đến Z, họ đã mang thiết bị đến
đây, nhưng có một điều mà người Mỹ không thể mang đến đây là năng lực lãnh đạo—họ
không thể mang điều đó vào từ kho vũ khí của mình.” Cường độ chiến đấu đã bộc lộ
những điều tồi tệ nhất ở một số người miền Nam, được minh họa tốt nhất qua những
gì một cố vấn ở An Lộc gọi là “thương binh Olympic”. Gợi nhớ đến những sự kiện
tương tự trong Chiến dịch Lam Sơn 719, trong đó trực thăng sơ tán đương đầu với
hỏa lực dữ dội từ mặt đất để hạ cánh xuống ngay
hoặc gần An Lộc để đón thương binh chỉ để gặp những tên “thương binh” bỏ
xuống các đồng đội bị thương nặng hơn để tranh nhau trèo lên trực thăng đang cất
cánh. Sự cố này không phải là riêng lẻ, cũng xảy ra tương tự ở Quảng Trị và
Kontum.
Trong nhiều trường hợp, người miền Nam không dám chiến đấu và thường đầu
hàng với sức kháng cự chỉ mang tính tượng trưng hoặc không có. Ví dụ, khi kể về
sự sụp đổ của Tân Cảnh, một phóng viên của tạp chí Time đã trích dẫn một trong
năm sĩ quan Mỹ đã sống sót sau thảm họa, viết rằng, “Tân Cảnh sụp đổ vì binh
lính VNCH không bao giờ nhấc cái mông lên và đứng dậy chiến đấu.” Ngay cả khi
các cuộc không kích hiệu quả đã mang lại cho họ một cơ hội để phản công lại
quân Bắc Việt, họ vẫn không chịu nắm bắt thời điểm đó, thường rúc trong các
hang ổ của mình thay vì áp sát kẻ thù. Đó là trường hợp trong những ngày đầu của
trận chiến giành Quảng Trị, trong đó một sĩ quan Hoa Kỳ đã nhận xét rằng “hầu hết
các kế hoạch của QĐVNCH [để phản công] sẽ gặt hái thắng lợi nếu các chỉ huy chiến
trường dám hành động để tận dụng sự hỗ trợ của không quân chiến thuật đầy hiệu
quả.” Thật không may, các chỉ huy thường là gốc rễ của vấn đề. Do lãnh đạo kém,
nhiều binh lính miền Nam đã mất tinh thần và hoảng sợ. Đó là trường hợp ở Quảng
Trị, nơi lực lượng chiến đấu miền Nam hoàn toàn sụp đổ. Paul A. Daly, cố vấn cấp
cao của Quảng Trị, sau đó đã nói rằng Quân đội Bắc Việt không “thắng” Tỉnh Quảng
Trị, mà đúng hơn là quân miền Nam đã “để thua” tỉnh này. Ông được trích dẫn trong một báo cáo hậu chiến
của CORDS: “Về mặt tâm lý, quân Bắc Việt đã ghi điểm cao với việc đưa pháo
130mm và xe tăng vào trận địa. Để biện minh cho sự sụp đổ của mình, một số chỉ
huy miền Nam đã sử dụng điều này làm cái cớ—mà không cân nhắc đến việc họ có
nhiều pháo binh hơn và xe tăng tốt hơn, chưa kể đến TACAIR (Không quân Chiến
thuật), các cuộc không kích B-52 và hỏa lực hải quân. Cuối cùng các tin đồn,
đoàn người tị nạn và binh lính rút lui đã làm phần còn lại.”
Mặc dù trường hợp rõ ràng nhất về tính thần chủ bại của QĐVNCH là ở Quảng
Trị, các câu chuyện tương tự cũng có thể được kể trên nhiều chiến trường miền
Nam trong những ngày đen tối của năm 1972. Ví dụ, tại Bồng Sơn, một thị trấn
trên bờ biển phía đông Kontum, phóng viên Craig Whitney của tờ New York Times,
khi mô tả tình hình ở đó, đã trích dẫn cố vấn cấp cao Hoa Kỳ trong khu vực, Thiếu
tá George H. Watkins Jr.: “Quá hèn nhát. . .
. Tinh thần binh sĩ sụp đổ. Một số bỏ chạy và không biết đi đâu. Một số
đào ngũ sang VC. Họ chỉ không biết phải làm gì, và đó là do họ thiếu sự lãnh đạo
sâu sát.” Khi quân miền Nam đứng lên và chiến đấu, họ thường chỉ làm như vậy một
cách miễn cưỡng. Trong nhiều trường hợp, binh lính dù không muốn ở đó nhưng vì
không có lựa chọn nào khác ngoài phải chiến đấu để sống còn. Ở An Lộc, một số cố
vấn Hoa Kỳ nhận xét rằng thành phố có thể đã thất thủ chỉ cần quân địch mở toác
con đường về phía nam để quân miền Nam bỏ trốn qua đó. Điều tương tự cũng đúng
với Kontum, nơi một cố vấn nói rằng QĐNDVN đã phạm sai lầm khi cắt đứt con đường
giữa Kontum và Pleiku, bởi vì khi làm như vậy, họ đã “khiến binh sĩ VNCH không
còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu.”
Lãnh đạo và kỷ luật ở một số đơn vị QĐVNCH tệ đến mức dân chúng thể hiện không gì ngoài sự khinh miệt đối với bọn lính
này, nhiều tên trong số chúng dường như dành nhiều thời gian để cướp bóc hơn là
chiến đấu. Tại An Lộc, các vụ cướp bóc và đấu súng giữa quân ta với nhau để
giành giật các đợt thả hàng bằng máy bay vào thành phố cho thấy tình trạng vô kỷ
luật của một số binh lính miền Nam. Thật không may, hành vi của họ không phải
là ngoại lệ. Sydney Schanberg của tờ New York Times đã viết về tình hình ở Huế
vào ngày 4 tháng 5: “Các đào binh của quân đội miền Nam chạy trốn khỏi Sư đoàn
3 tan tác đã bỏ lại thành phố Quảng Trị ở phía bắc cho lực lượng Bắc Việt vào
thứ hai mà không có một trận giao tranh nào, hôm nay lại lang thang khắp Huế
như những tên côn đồ có vũ trang—cướp bóc, hù dọa và bắn vô tội vạ vào những kẻ
làm phật ý chúng.”
Một khía cạnh khác của vấn đề lãnh đạo miền Nam liên quan đến năng lực
chiến thuật. Một báo cáo tháng 11 năm 1972 nêu rõ:
Các hoạt động trong môi trường thông thường do cuộc tấn công gần đây của
kẻ thù áp đặt … đã chỉ ra rằng có hai lĩnh vực hoạt động sẽ còn tiếp tục cần đến
hỗ trợ của cố vấn Hoa Kỳ. Vẫn cần có
chuyên môn trong lĩnh vực phối hợp hỗ trợ hỏa lực và kiểm soát. Vấn đề không phải
là thiếu kiến thức kỹ thuật, mà là do các chỉ huy không đảm bảo hỏa lực được
tích hợp đúng cách vào kế hoạch cơ động của các đơn vị trên bộ. Lĩnh vực hoạt động
thứ hai cần cố vấn hỗ trợ là lập kế hoạch và triển khai vũ khí kết hợp. Cũng
như việc tích hợp hỏa lực, các khía cạnh kỹ thuật của vấn đề tương đối dễ nắm vững,
nhưng chúng phải được áp dụng liên tục và nhất quán bởi chỉ huy thích hợp. . .
. Lần này đến lần khác, trong cuộc tấn công mùa xuân, những thiếu sót này đã lộ
rõ trắng trợn. .
Một phần, lỗi cho những thiếu sót này là do cố vấn của Hoa Kỳ, vốn đã làm
việc với các chỉ huy của QĐVNCH trong nhiều năm. Trong quá trình huấn luyện,
các cố vấn nhấn mạnh nhiều vào việc lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động chiến
thuật; tuy nhiên, trọng tâm chủ yếu là các hoạt động quy mô nhỏ, chẳng hạn như
các nhiệm vụ tìm-và-diệt. Trong khi tình
hình trong cuộc tấn công của QĐNDVN năm 1972 lại rất khác xa với loại tình huống
mà ngay cả những chỉ huy giỏi nhất của QĐVNCH đã từng trải qua. Đối mặt với xe
tăng khác xa với việc truy đuổi du kích. Như một cố vấn sau này đã mô tả về
tình hình ở An Lộc, “Lãnh đạo cấp trung đoàn và cấp cao hơn không được chuẩn bị
về mặt chiến thuật hoặc tâm lý cho một chiến dịch kéo dài và dữ dội như chiến dịch
Bình Long; các chỉ huy cấp tiểu đoàn thiếu sự chuẩn bị cho sự phối hợp chặt chẽ
cần thiết giữa các yếu tố hỏa lực và cơ động.”
Mặc dù có những trường hợp sa sút về mặt lãnh đạo và lòng dũng cảm, nhiều
binh sĩ miền Nam khác, TQLC và địa phương quân đã chiến đấu anh dũng, thường
trước những khó khăn áp đảo. Khi được chỉ huy một cách khéo léo, binh lính miền
Nam sẽ chiến đấu rất kiên cường và ở nhiều nơi chiến đấu giỏi. TQLC ở Quân đoàn
duy trì kỷ luật và trật tự trong suốt cuộc tấn công, ngay cả khi sức mạnh của kẻ
thù vượt trội khiến họ phải từ bỏ các vị trí phòng thủ. Những chiến sĩ bảo vệ An Lộc bị bao vây liên
tục đẩy lùi các cuộc tấn công biển người
của Cộng sản, cầm cự lâu hơn người Pháp ở Điện Biên Phủ..
Tuy nhiên, để hoàn toàn khách quan, cần lưu ý rằng khi người miền Nam trụ
lại và chiến đấu, thường là nhờ sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ. Các thành viên
của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã đến Sài Gòn vào cuối năm 1972 để điều
tra việc tiến hành phòng thủ chống lại cuộc tấn công Phục sinh. Sau đó, họ đã
trích dẫn sự hỗ trợ của không quân Hoa Kỳ là yếu tố chính dẫn đến chiến thắng của
QĐVNCH. Trong một cuộc họp báo được trình bày trước các thành viên ủy ban tại
Trụ sở MACV, báo cáo viên được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự hỗ trợ của
không quân Hoa Kỳ; báo cáo viên trả lời: “Hôm.nay chúng ta sẽ ngồi họp ở một
nơi khác.”
Tướng Abrams, người rời Sài Gòn vào tháng 6 để trở thành tham mưu trưởng
Lục quân, trước đó đã nhận xét rằng sức mạnh không quân của Mỹ, chứ không phải
vũ khí của miền Nam, đã gây ra tổn thất cho kẻ thù. Những người tham gia ở mọi
cấp độ sau đó đã lặp lại đánh giá của ông. Báo cáo sau trận đánh của Sư đoàn 21
QĐVNCH nêu rõ, “Độ chính xác, sức tàn phá và khả năng phản ứng của không quân
chiến thuật Hoa Kỳ đã tạo ra sự khác biệt giữa thắng lợi và thảm bại.” Chuẩn tướng McGiffert, từng là phó của Tướng
Hollingsworth tại Bộ tư lệnh Hỗ trợ Quân Khu III khi cuộc tấn công bắt đầu, thậm chí còn nhấn
mạnh hơn trong đánh giá của mình về tác động của sức mạnh không quân Hoa Kỳ. Trong trận chiến giành An Lộc, ông được trích
dẫn là đã nói rằng lực lượng B-52 là “vũ khí hiệu quả nhất mà chúng ta có thể tập
hợp” và khẳng định rằng mối đe dọa của các cuộc không kích bằng máy bay ném bom
“buộc kẻ thù phải chia nhỏ các đơn vị trên bộ thành các đơn vị nhỏ và khiến cho
việc tập hợp lực lượng để tấn công trở nên khó khăn”. Khi được hỏi sau trận chiến
rằng ông nghĩ gì về khả năng của QĐVNCH giữ được An Lộc mà không cần sự hỗ trợ
của không quân chiến thuật Mỹ, McGiffert trả lời, “Không cần bàn cãi —sẽ không
bao giờ thành công được”.
Ngay cả các quan chức miền Nam cũng chia sẻ tình cảm của McGiffert. Tướng
Cao Văn Viên đã viết sau chiến tranh: “Sức mạnh hỏa lực khủng khiếp do Không
quân Hoa Kỳ tung ra, đặc biệt là các cuộc không kích của B-52, đã làm giảm hiệu
quả mọi nỗ lực của địch trên ba mặt trận, phá vỡ các tuyến tiếp tế của địch và
giúp QLVNCH bảo toàn được lực lượng trên bộ của họ. Nó cũng mang lại cho QLVNCH
sự nghỉ ngơi rất cần thiết để phục hồi sau cú sốc ban đầu, củng cố các tuyến
phòng thủ và tập hợp lại để phản công.” Ông nói thêm, “Nếu không có sự hỗ trợ
này, thành công của QLVNCH trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược của địch là điều
không thể.”
Trong khi sức mạnh không quân chiến thuật đóng vai trò quan trọng đối với
thành công của miền Nam trên chiến trường, thì chiến dịch không kích chống lại
Bắc Việt cũng quan trọng không kém. Nó làm giảm đáng kể khả năng duy trì cuộc tấn
công của Hà Nội. Các nhà phân tích tình
báo Hoa Kỳ ước tính rằng các cuộc không kích vào Bắc Việt đã tàn phá hệ thống
cung cấp đường bộ của Bắc Việt, cắt giảm lượng hàng nhập khẩu đường bộ từ Trung
Quốc từ 160.000 tấn xuống còn 30.000 tấn mỗi tháng. Đến cuối chiến dịch, các quả
bom của Hoa Kỳ đã phá hủy hầu như toàn bộ các cơ sở lưu trữ dầu của Bắc Việt và
ba phần tư công suất phát điện của đất nước. Thiệt hại như vậy đã cản trở
nghiêm trọng khả năng tiếp tế của Hà Nội cho các lực lượng của họ ở miền Nam.
Tướng Frederick C. Weyand, người tiếp quản quyền chỉ huy MACV từ Tướng
Abrams, đã tóm tắt vai trò tập thể của không quân dưới mọi hình thức khi ông
nói rằng “không có khả năng lực lượng miền Nam có thể ngăn chặn cuộc xâm lược nếu
không có hiệu quả to lớn của không quân. . . .
Tôi không thấy bất kỳ ai trong bất kỳ lực lượng nào, có thể nghi ngờ về
vai trò quyết định của các máy bay pháo kích cánh cố định, không quân chiến thuật
và B-52. . . .”
Một yếu tố quan trọng khác trong chiến thắng của miền Nam là sự hiện diện
của các cố vấn Mỹ trên trận địa, nơi họ đảm nhiệm một số vai trò quan trọng. Đầu
tiên, các cố vấn, những người thường ở lại với các đối tác của họ trong suốt trận
chiến và chia sẻ số phận của họ hàng ngày, đã thể hiện rõ ràng quyết tâm của
người Mỹ, điều này đã khích lệ các đối tác của họ. Việc nâng cao tinh thần của
lực lượng phòng vệ có tầm quan trọng đặc biệt trong những giờ phút đen tối nhất
của cuộc chiến. Khi các cố vấn được sơ tán, thường là trái với mong muốn của họ,
các đơn vị miền Nam mà họ bỏ lại thường xuyên sụp đổ. Khi các cố vấn ở lại
trong và xung quanh An Lộc để phối hợp hỗ trợ của Hoa Kỳ, trong khi vẫn liên lạc
thường xuyên với Tướng Hollingsworth, sự lãnh đạo tuyệt vời của họ bằng tấm
gương đã khích lệ rất nhiều cho binh sĩ miền Nam. Trung tướng Phillip Davidson
đã viết rằng các cố vấn “làm vững chắc tinh thần của các chỉ huy QĐVNCH trong
thời điểm nguy cấp tuyệt vọng”.
Thứ hai, các cố vấn Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sự
hỗ trợ không quân quan trọng của Hoa Kỳ. Họ là cầu nối giữa những người bảo vệ
VNCH và máy bay chiến thuật và trực thăng Mỹ. Nếu không có các cố vấn và điện
đài của họ, những người lính VNCH trên mặt đất sẽ không thể nói chuyện với máy
bay. Sau trận chiến, Tướng McGiffert nói rằng những chiến sĩ bảo vệ An Lộc
không thể cầm cự nếu các cố vấn không ở đó để kiểm soát các cuộc không
kích. Ông nói về các cố vấn, “Nhiệm vụ
chính của họ và lý do chính để họ tồn tại là phối hợp các hoạt động hỗ trợ
không quân chiến thuật của Hoa Kỳ và nếu không có họ thì việc phòng thủ An Lộc
sẽ gần như là không thể.”
Thứ ba, các cố vấn cung cấp nguồn “sự thật thực tế” duy nhất cho các chỉ
huy cấp cao của Hoa Kỳ kiểm soát các tài sản không quân. Khi sự nhầm lẫn và gần
như hoảng loạn thường xuyên xảy ra, việc xác định chính xác những gì đang diễn
ra trong các trận chiến quan trọng là chìa khóa. Do đó, khi nói về An Lộc, Tướng
McGiffert lưu ý, “Đó là cách duy nhất chúng ta có thể có được bất kỳ loại phân
tích khách quan nào về những gì thực sự đang diễn ra ở đó, đó là nói chuyện với
họ [các cố vấn] hàng ngày.”
Cuối cùng, quân đội miền Nam vẫn quá phụ thuộc vào Hoa Kỳ. Không quân Hoa
Kỳ đã cứu miền Nam. Quân đội miền Nam ở Quân đoàn I thậm chí còn dựa vào hỏa lực
của hải quân Hoa Kỳ để thay thế các khẩu pháo bị Bắc Việt chiếm được khi quân đội
Sài Gòn rút khỏi Quảng Trị. Máy bay vận tải của Mỹ đã vận chuyển quân đội miền
Nam và vật tư trên khắp đất nước. Các cố vấn Hoa Kỳ đã hỗ trợ các đối tác của họ
và phối hợp với hỏa lực của Hoa Kỳ. Quân đội miền Nam đã sống sót sau cuộc xâm
lược của QĐNDVN năm 1972, nhưng họ mắc nợ Hoa Kỳ cho phần lớn thành công của
mình chứ không phải vì khả năng đánh bại quân địch trên chiến trường. Trong
nghiên cứu gần đây đã được chỉnh sửa về Chiến dịch Phục sinh, Dale Andrade kết
luận rằng “Mặc dù Việt Nam hóa, quân đội miền Nam vẫn thể hiện vào năm 1972 nhiều
vấn đề tương tự như mười năm trước đó, một thực tế đã được chứng minh rõ ràng
trong Chiến dịch Phục sinh. . . . Cuộc tấn
công Phục sinh cho thấy mối quan hệ đối tác này [giữa Hoa Kỳ và QLVNCH] có thể
hiệu quả, nhưng chỉ khi hỏa lực của Hoa Kỳ vẫn dồi dào.”
Nhận xét
Đăng nhận xét