CHUYỆN CHIẾC ÁO DÀI Ở HỌC ĐƯỜNG

 

CHUYỆN CHIẾC ÁO DÀI Ở HỌC ĐƯỜNG

Tôi đã đoan chắc, chiếc áo dài mỏng không là lý do để Hiệu trưởng Hùm và cô giáo Huệ ở An Giang khép tội học sinh. Không học phụ đạo làm thất thu trong nghề buôn ở học đường mới là lý do chính.

Nhưng chuyện cái quần cái áo ở học đường thì đến lúc cũng phải nói cho ra nhẽ. Ở đây chỉ nói trang phục áo dài.

Gần như nhà trường nào cũng bắt buộc nữ sinh mặc áo dài trắng. Lý do, đó là áo dài truyền thống với vẻ đẹp kín đáo, duyên dáng, cả trinh tiết, của người phụ nữ Việt Nam.

Tôi khẳng định cái lý do được biện minh trên là sai từ gốc đến ngọn. Không chỉ sai mà còn là lời biện minh của thứ đạo đức, thẩm mỹ rởm.

Người có học ai cũng thừa biết chiếc áo dài phổ biến hiện nay gắn liền với phong trào Âu hoá thời 36-39 và từng đi vào kiệt tác Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Những ông Tây học như Văn Minh, TYPN đã chế biến ra chiếc áo dài với chất liệu lụa mỏng, có chít eo, và đủ các mốt "lưỡng lự", "chiếm lòng", "chờ một phút"..., cùng với luận thuyết qua lời quảng cáo của thằng Xuân Tóc Đỏ: quần áo không phải để che thân mà để làm đẹp cho phụ nữ. Mặc áo dài thời bấy giờ là để khoe các đường cong của thân xác, khoe cả nội y có viền đăng ten. Đạo đức, thẩm mỹ của mấy ông Tây học ấy là làm đẹp cho người khác để mình được nhìn cho thoả mắt, còn vợ mình thì bị cấm. Tác giả thời trang TYPN tự phơi chân tướng hiếu dâm và ích kỷ khi cấm bà vợ của ông ta mặc trang phục do ông ta tạo ra.

Chiếc áo dài có duyên dáng thật, nhưng kín đáo ở đâu thì chỉ có anh mù mới dám khẳng định. Còn trinh tiết thì hỏi bà Phó Đoan "thủ tiết hai đời chồng" và cô Tuyết lẳng lơ "bán xử nữ" hay "trinh tiết một nửa"???

Áo dài hiện nay, kể cả áo dài nữ sinh, là chiếc áo dài tân thời ra đời trong bối cảnh ấy. Khác với áo dài truyền thống của các cụ bà đi chùa, vải gấm dày, kín cổ, không chít eo.

Chiếc áo dài tân thời từng bị các cụ Nho công kích quyết liệt là "khiêu dâm". Tất nhiên, đến hôm nay đã thành phổ biến và không bị gọi là khiêu dâm. Tuy nhiên không thể không nghi ngờ cái thị dục của những người chủ trương bắt nữ sinh phải mặc đồng phục áo dài trắng. Và cũng không có một quy định nào chế tài chiếc áo dài tân thời ấy phải dày bao nhiêu, vì nguồn gốc của nó là lụa mỏng.

Lẽ nào các ông Hùm bà Beo của An Giang, hoặc thoả mắt rồi chán hoặc đố kỵ với nữ sinh mà buộc tội nữ sinh khiêu dâm? Nếu nói áo dài khiêu dâm thì ai dâm khi đã đặt ra quy định đồng phục áo dài? Mà trong vụ này, như bài trước tôi phân tích, dâm tiền có sức mạnh hơn dâm xác thịt. Chỉ vì mấy đồng tiền dạy thêm mà ông Hùm bà Beo đã đánh tráo sang đạo đức, thẩm mỹ để làm nhục nữ sinh và gây án suýt chết người.

Tôi xin nói thêm, rằng không có vẻ đẹp nào thuần tuý tinh thần. Vẻ đẹp bắt đầu từ thân xác. Chiếc áo tôn vinh vẻ đẹp thân xác và chuyển vẻ đẹp thân xác thành tinh thần. Và bản thân vẻ đẹp không có tội, dù là vẻ đẹp thân xác. Tội lỗi thuộc kẻ hành dâm. Cũng như kẻ hiếp dâm không thể  đổ tội cho kẻ bị chụp mũ là khiêu dâm.

Mà cũng thật quái lạ. Khi bắt tất cả nữ sinh mặc áo dài, các trường học lại quy định không được trang điểm, không được mang guốc cao gót. Buộc tất cả nữ sinh phải mặc áo dài đã là phản nhân văn, vì không phải ai mặc áo dài cũng đẹp. Tôi nghe từng có em thân hình béo mập phải tự tử vì không phải khoe đường cong thẩm mỹ mà khoe thịt cho các bạn chê cười. Chiếc áo cái quần khắc phục nhược điểm của tự nhiên, và nó đòi hỏi phải đồng bộ. Mặc áo dài mà không được trang điểm, không được mang guốc cao gót, chỉ được phô mặt mộc, chỉ đi dép lẹp xẹp, liệu có đẹp hay duyên dáng không?

Thế mới biết cái quân buôn gian bán lận trong giáo dục ngu mà tỏ ra hiểu biết, thẩm mỹ lệch lạc mà tỏ ra có óc thẩm mỹ. Các loại ông Hùm bà Beo trong giáo dục ở xứ sở này chẳng khác gì đám dân quê ngu dốt học đòi làm sang. Vậy mà hàng ngày họ vẫn lớn tiếng dạy dỗ con em người ta cả Trí, Đức, Mỹ.

Mà nữa, học đường hiện đại không phải là thánh đường như trong giáo dục kinh viện. Triết lý giáo dục hiện đại là "Học để sống", có nghĩa là học đường phải gắn liền với cuộc sống bên ngoài. Lý do gì cuộc sống bên ngoài được ăn mặc tự do, người ta còn tổ chức các cuộc thi và biểu diễn đến mức "lộ hàng" và bắt học sinh đi cổ vũ, trong khi nhà trường thì buộc phải ăn mặc theo thị hiếu của mấy ông Hùm bà Beo gọi là nhà giáo dục?

Chu Mộng Long



Nhận xét

Bài đăng phổ biến