MÂY NHÀN thành MÂY NGÀN


MÂY NHÀN 
thành MÂY NGÀN
Vita (nhà giáo, nhà văn - TN) có tiểu thuyết Mây ngàn (xuất bản năm 1936 - TN) , Đoàn Chuẩn - Từ Linh có nhạc phẩm Gửi gió cho mây ngàn bay, Vũ Thành An có Mây ngàn lối xưa còn Nguyễn Du thì đã có hạc nội mây ngàn trong câu 2.402 của Truyện Kiều (theo hầu hết các bản Kiều đã có).
Về bốn chữ này của Nguyễn Du, Tản Đà giảng là: “Con hạc ở nội, đám mây ở ngàn, nói là tung tích vô định”. Trương Vĩnh Ký giảng là: “Như hạc ngoài đồng, như mây trên núi, biết đâu mà tìm”. Đào Duy Anh giảng: “Hạc ở ngoài đồng, biết là bay đi đâu, mây ở trên ngàn, biết là bay về đâu, ý nói tung tích không định”.

Xin thưa ngay rằng mây ngàn đúng ra là mây nhàn, như đã khắc in tại quyển Kim Vân Kiều truyện do Duy Minh Thị đưa in bên Quảng Đông (Trung Quốc), gọi tắt là bản DMT 1872. Cách đây hơn 10 năm, nhà Kiều học Thế Anh đã có bài Hạc nội mây ngàn hay Hạc nội mây nhàn, đăng trên trang VUSTA (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN) ngày 4.11.2008. Ông viết: “Quả thật Hạc nội mây ngàn rất quen thuộc và dễ chấp nhận đối với mọi người, còn Hạc nội mây nhàn nghe qua có vẻ lạ tai, nhưng trên thực tế theo tra cứu và tìm hiểu của chúng tôi thì đây chính là điển tích và là câu thành ngữ của Trung Quốc có nguyên văn là Nhàn vân dã hạc, chắc Nguyễn Du đã tiếp thu và vận dụng nó theo dạng sơ khai như trong bản DMT 1872, sau đó đã được chữa lại là Hạc nội mây ngàn và mọi người đều cảm nhận được ý nghĩa một cách đơn giản là “không biết được tung tích ở nơi nào, ví như loài hạc ở giữa đồng và đám mây ở trên ngàn, trên núi” mà không cần tìm đến nguồn gốc sâu xa của điển cố. Câu thành ngữ Nhàn vân dã hạc đã được ghi nhận trong các sách tra cứu của Trung Quốc như Cổ Hán ngữ đại từ điển (Thượng Hải từ thư xuất bản xã 2002), Hán ngữ điển cố từ điển (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã 1998), Thành ngữ thục ngữ từ điển (Thương vụ ấn thư quán xuất bản 1992), Hán ngữ thành ngữ đại từ điển (Trung Hoa thư cục xuất bản phát hành 2002)…, đại ý là tự do thoải mái, không bị ràng buộc, câu thúc”.

Ông Thế Anh đưa dẫn chứng:“Trong Đường thi cổ súy có câu thơ của Lý Quần Ngọc tiễn Tần Luyện Sư như sau:

Nhàn vân bất hệ đông tây ảnh
Dã hạc ninh tri khứ trụ tâm
(Mây nhàn lơ lửng đông tây
Hạc đồng đã biết rằng bay hay đừng)

Chúng tôi mạn phép nêu thêm một dẫn chứng từ tiểu thuyết Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần. Hồi 120 của tác phẩm này có câu: “Độc hữu Diệu Ngọc như nhàn vân dã hạc, vô câu vô thúc” nghĩa là: “Chỉ riêng có nàng Diệu Ngọc [mới] như mây nhàn hạc nội, không ràng không buộc”.

Ngày nay, hai tiếng mây ngàn đã trở nên thông dụng mà không có cách nào bắt nó phải “trở về nguồn” - vì cũng không cần thiết - nhưng với bản DMT 1872 thì câu 2.402 (ảnh) chắc chắn phải là Biết đâu hạc nội mây nhàn là đâu chứ dứt khoát không thể nào khác.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến