CHỖ ĐAU HAY ĐỤNG

 CHỖ ĐAU HAY ĐỤNG

Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương) giải thích: Chỗ đau hay đụng Chỗ đang đau là chỗ hay bị va chạm phải hơn cả. Hay dùng để khuyên mọi người hãy cố tránh cho các chỗ đang đau khỏi bị va chạm nhằm giảm nhẹ bớt cảm giác đau”.

          Giải thích như vậy là hời hợt và không đúng.

          Về nghĩa đen, “chỗ đau” ở đây chỉ vết thương chưa lành, thường nằm ở vị trí như đầu gối, cùi tay, đầu ngón chân…nên hay đụng phải. Tuy nhiên, dẫu không nằm ở vị trí “nhạy cảm” ấy, thì với vết thương ở bất cứ đâu, chỉ cần vô tình “đụng” nhẹ một cái cũng khiến người ta đau. Trong khi những chỗ khác, thì dù có va chạm cũng không ai để ý. Bởi vậy, người ta có cảm giác “chỗ đau” là chỗ “hay đụng” phải so với những chỗ khác.

Nghĩa bóng: với người mang nỗi đau tinh thần, thì chỉ cần một lời nhắc nhớ, gợi lại của bất cứ ai, bất cứ điều gì tương tự, dù vô tình hay hữu ý, dù nặng hay nhẹ, cũng đủ đụng chạm đến ký ức, khiến người ta cảm thấy đau đớn, buồn tủi.

Ví dụ 30/4/1975 là một sự kiện mà "khi nhắc lại có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn" (trích lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Với "hàng triệu người vui", có khi không mấy ai để ý, nhưng với "hàng triệu người buồn", thì những từ ngữ như "ba mươi tháng tư một chính bảy lăm", "giải phóng miền Nam", "Sài Gòn", "TP Hồ Chí Minh", "Ngô Đình Diệm",... "Dương Văn Minh", ...và rồi "di tản", "thuyền nhân", "tị nạn", "Mỹ nguỵ"... luôn gợi nhớ, đụng chạm vào vết thương lòng... Người ta cảm thấy dường như những từ ngữ ấy hay được nhắc đến hơn bất cứ những từ ngữ nào khác. 

Như vậy, câu tục ngữ là lời tự thán về cảnh ngộ của ai đó, nhưng cũng là lời dân gian răn dạy phải biết ý tứ, tránh đụng chạm đến nỗi đau đớn, buồn tủi của người khác.

HOÀNG TUẦN CÔNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến