TỔNG CHỦ BIÊN CHƯƠNG TRÌNH KHÔNG NÊN LÀM SÁCH GIÁO KHOA

 TỔNG CHỦ BIÊN CHƯƠNG TRÌNH

KHÔNG NÊN LÀM SÁCH GIÁO KHOA

Cuộc tranh luận gay gắt về sách giáo khoa (SGK) tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều do GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên, NXB Đại học Sư phạm TP.HCM phát hành) trên mạng xã hội và báo chí những ngày qua, thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn xã hội.

Lý do cơ bản không phải chỉ vì giáo dục tác động trực tiếp tới nhiều gia đình, mà còn bởi mức độ nghiêm trọng và những vấn đề lớn mà nó đặt ra.

Đến nay, báo chí đã phản ánh được quan điểm, ý kiến của nhiều bên như phụ huynh, bạn đọc, chủ biên, chủ tịch hội đồng thẩm định, những người phản biện.

Từ ý kiến của họ và diễn biến của vụ việc, chúng ta có thể thấy rất nhiều vấn đề đang đặt ra cần phải giải quyết. Có như vậy, cơ chế “một chương trình, nhiều bộ SGK" mới thực sự được thực hiện đúng, đem lại hiệu quả thực tế.

Cần điều chỉnh quy chế biên soạn SGK

Cơ chế “một chương trình, nhiều SGK” vốn được thừa nhận và thực hiện trên thế giới từ lâu. Lịch sử hình thành, phát triển của nó đã hơn cả thế kỷ.

Ở Nhật Bản, nó được gọi là cơ chế “kiểm định sách giáo khoa”, được thực hiện ngay từ thời Minh Trị (thế kỉ XIX), bị gián đoạn trong giai đoạn tồn tại chế độ phát xít và tái xuất hiện năm 1947.

Cơ chế này được thực hiện để khắc phục những hạn chế cố hữu khi Nhà nước (Bộ Giáo dục) trực tiếp biên soạn và phát hành SGK, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhóm tác giả, nhà xuất bản để từ đó nâng cao chất lượng sách.

Để phát huy được sức mạnh của cơ chế này, việc phân định vai trò, trách nhiệm của những người tham gia biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK một cách rạch ròi, có sự kiểm soát lẫn nhau và chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng, dư luận xã hội, giới chuyên môn, là rất quan trọng. Sự rạch ròi này cần phải được thể hiện rõ trong quy chế.

Ở Việt Nam, những nội dung này được thể hiện trong Thông tư số 33/2017TT-BGDĐT ban hành ngày 22/12/2017. Đọc thông tư này và quan sát thực tế việc biên soạn, thẩm định, lựa chọn, sửa đổi SGK chưa hoàn thiện.

Ví dụ, “Tiêu chuẩn cá nhân biên soạn SGK” quy định: “Người tham gia biên soạn SGK không tham gia thẩm định sách giáo khoa”.

Tuy nhiên, quy định không nói rõ “người tham gia biên soạn SGK” này không được tham gia thẩm định chính sách của mình hay tất cả sách giáo khoa khác (ít nhất là sách cùng môn học).

Đặc biệt, không có quy định cấm người tham gia biên soạn chương trình tham gia biên soạn sách. Vì vậy, trong thực tế, GS Nguyễn Minh Thuyết vừa là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời là chủ biên SGK tiếng Việt 1.

Hệ quả của việc chồng chéo chức năng này là gì? Nó dễ làm phát sinh hệ quả xấu. Thật đáng lưu ý khi sự cố đầu tiên lại xảy ra với chính bộ sách do tổng chủ biên chương trình là chủ biên.

Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người dân, đơn vị xuất bản mà còn gây tổn hại tới danh dự, uy tín của chính những người tham gia làm sách và làm chương trình.

Đó là bởi vì ở cương vị là tổng chủ biên hay tham gia biên soạn chương trình, những người như GS Nguyễn Minh Thuyết sẽ có cả “quyền lực” và “quyền uy” nhất định đối với việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định SGK, dù là gián tiếp hay trực tiếp.

Đơn giản nhất, xét về logic, không ai hiểu chương trình phổ thông bằng GS Nguyễn Minh Thuyết. Một trong những tiêu chuẩn để thẩm định, xét duyệt SGK là sách có dựa trên chương trình, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của chương trình hay không.

Vì vậy, lẽ ra quy chế phải ngăn ngừa chuyện người tham gia làm chương trình hay tổng chủ biên trở thành tác giả. Nếu họ trở thành thành viên của “hội đồng thẩm định”, ít nhiều sẽ thích hợp hơn.

Lý tưởng nhất, họ tách rời vai trò biên soạn, thẩm định và lựa chọn. Do vậy, chúng ta cần sửa đổi quy chế để ngăn ngừa hệ lụy xấu của việc tương tự xảy ra trong tương lai đối với các bộ sách khác.

Cũng cần sửa đổi quy chế để cấm một người trở thành tác giả của nhiều bộ SGK ở cùng một bộ môn gây ra xung đột lợi ích.

Theo như thông tin công bố công khai, có thể thấy tác giả Nguyễn Thị Ly Kha vừa là tác giả bộ sách Cánh diều, vừa là đồng chủ biên sách tiếng Việt của bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục).

Tên, chức danh của thành viên của các hội đồng thẩm định, sau khi đã thẩm định xong, cần được công bố, để công chúng giám sát trách nhiệm của họ và để nhân dân tin tưởng rằng những người đó không tham gia khâu biên soạn sách.

Trong số 15 người thuộc Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt Cánh diều, hiện tại, công chúng mới chỉ biết được hai người đứng đầu là GS Trần Đình Sử (chủ tịch) và GS Mai Ngọc Chừ (phó chủ tịch). Danh tính của các thành viên của hội đồng phản biện 4 bộ sách tiếng Việt còn lại (NXB Giáo dục) cũng cần phải được công khai.

Tranh luận xảy ra khi SGK đã được chọn

Việc phê bình, tranh luận về SGK trong cơ chế một chương trình nhiều bộ sách là cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tiêu cực, tạo ra động lực thúc đẩy các tác giả, nhà xuất bản làm sách ngày một tốt lên.

Quan sát vụ việc vừa qua, chúng ta sẽ thấy một điều rất đáng tiếc là việc phát hiện vấn đề, tranh luận giữa các bên chỉ xảy ra sau khi sách đã được lựa chọn xong. Khi đã lựa chọn xong, việc tranh luận này, cho dù cần thiết, đã đẩy phụ huynh, học sinh, các trường chọn sách vào sự đã rồi, gây ra nhiều thiệt hại mà lẽ ra có thể tránh được.

Việc tranh luận này phải được tiến hành trong khoảng thời gian từ khi sách mẫu được công bố công khai cho đến trước khi các địa phương bắt đầu tiến hành lựa chọn.

Cần phải có văn bản ngay từ bây giờ quy định rõ các nhà xuất bản, sau khi được chấp nhận bản thảo cuối cùng, thì vào ngày nào, tháng nào phải công bố công khai sách mẫu trên website để giới chuyên môn và công chúng đọc, bình luận, đánh giá.

Trong việc xét duyệt SGK trước đó, hội đồng thẩm định đóng vai trò quyết định nhưng nó diễn ra trong phạm vi hẹp và kín. Công chúng và báo chí khó có thể biết được thông tin bên trong.

Vì vậy, sau khi đã công bố nội dung sách thì lần đầu tiên, giới chuyên môn, những người bình luận công chúng, báo chí mới có thể tiếp cận. Khi đó, họ sẽ có đánh giá, bình luận đa chiều. Những đánh giá bình luận, dù là khen hay chê, sẽ là thông tin tham khảo hữu ích cho địa phương, các trường lựa chọn.

Đương nhiên, một khi làm như vậy sẽ có cuộc chiến truyền thông mà phía sau sẽ có sự tham gia của đội ngũ các nhà xuất bản. Tuy nhiên, trong không gian mở như hiện tại, với sự tham gia của nhiều bên, sự tranh luận đa chiều sẽ tạo ra hệ quả khách quan là soi rõ điểm mạnh, yếu, ưu và nhược điểm của từng bộ sách.

Việc làm này đương nhiên sẽ gây áp lực rất lớn cho tác giả, nhà xuất bản. Nhưng, một khi làm SGK, điều này là đương nhiên vì SGK phải được công chúng, nhân dân giám sát tối đa. Dưới áp lực như vậy, từ tác giả, nhà xuất bản tới hội đồng thẩm định, sẽ phải làm hết trách nhiệm của mình và hạn chế được sai sót.

Vai trò và trách nhiệm của giới chuyên môn

Những vấn đề của Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều vừa qua được đưa ra, bởi những phụ huynh và công dân mạng, chứ không phải xuất phát từ bài nghiên cứu, tiểu luận hay ý kiến của một nhà nghiên cứu, người có uy tín lớn trong giới học thuật.

Ngay cả sau khi cuộc tranh luận đã bùng nổ làm cho cả xã hội quan tâm và các cơ quan có trách nhiệm phải giải trình, chúng ta cũng chỉ thấy có chủ biên và chủ tịch hội đồng thẩm định lên tiếng.

Giới chuyên môn đã đi đâu? Các cơ quan nghiên cứu như khoa ở trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu đã làm tốt vai trò chuyên môn và trách nhiệm của mình chưa? Tại sao họ lại im lặng khi xã hội đang đặt ra đòi hỏi về chuyên môn của chính họ? Đây là vấn đề đáng lưu tâm.

Sự lên tiếng của công dân, công chúng, của những người thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, là đáng trân trọng và phải biết ơn họ vì đã phát hiện vấn đề và thúc đẩy dư luận quan tâm tới giáo dục.

Tuy nhiên, đối với một vấn đề thuộc về chuyên môn, tiếng nói của giới chuyên môn là cần thiết, không thể chối bỏ. Vấn đề sai sót, chưa đáp ứng được chuẩn mực phổ quát và ngay cả chính quy định trong thông tư nói trên của Bộ GD&ĐT là chuyện lớn.

Vấn đề này chưa thấy người có chuyên môn lên tiếng, đưa ra kiến giải, bình luận để công chúng tham chiếu, nâng cao nhận thức. Những người có chuyên môn ít nhiều lên tiếng (chủ yếu trên mạng xã hội), rất tiếc lại là những người đã… về hưu.

Sự lành mạnh của cơ chế “một chương trình, nhiều SGK” sẽ phụ thuộc rất lớn và sự hoàn thiện, chuẩn mực của quy chế và sự giám sát của giới chuyên môn, công chúng. Sự im lặng khó hiểu mà dễ hiểu của giới chuyên môn hiện tại làm cho ưu điểm của cơ chế này không phát huy được.

Trong tương lai, chắc chắn sẽ lại có những vụ việc tương tự đối với các bộ sách khác xảy ra, nếu như cơ chế một chương trình nhiều SGK không được hoàn thiện về cơ chế. Vụ việc lần này là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với tất cả bên liên quan.

Từ đây, Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi quy chế biên soạn, thẩm định, lựa chọn SGK để ngăn chặn tối đa các hệ lụy xấu và kích thích sự cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy giáo dục tiến lên.

-------------------------------------------

Ông Nguyễn Quốc Vương là nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản. Ông từng là giảng viên khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội, hiện là người dịch, viết chuyên nghiệp và hỗ trợ phong trào phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam.

Ông viết và dịch nhiều cuốn sách về giáo dục như: Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? (2017), Môn Sử không chán như em tưởng (2017), Nước Nhật nhìn từ những thứ bình thường (2016), Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam (2017), Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm (2019), Đường xa nghĩ về giáo dục Việt Nam (2019).

NGUYỄN QUỐC VƯỢNG





Nhận xét

Bài đăng phổ biến