NẾU TIẾP TỤC DẠY SÁCH TIẾNG VIỆT 1, CÁNH DIỀU SẼ CÓ HẠI

 NẾU TIẾP TỤC DẠY

SÁCH TIẾNG VIỆT 1, CÁNH DIỀU SẼ CÓ HẠI

* Sách Tiếng Việt 1, bộ sách Cánh Diều vẫn đang tạo ra hai luồng ý kiến tranh luận tranh cãi gay gắt. Được biết, ông từng giữ vị trí Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), có 44 năm trực tiếp đứng trên bục giảng, đồng thời là nhà nghiên cứu có nhiều công trình về tiếng Việt, ông đánh giá như thế nào về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?

- Tôi đã đọc rất nhiều ý kiến nói về sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh Diều. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, nhà văn cũng đã gửi link cho tôi. Tôi cho rằng, dư luận xã hội phản ứng về bộ sách này là hoàn toàn có cơ sở. Tôi đọc thì thấy, bộ sách này có rất nhiều điểm không được.
Trước hết, cần hiểu rằng, chức năng của một cuốn sách dạy tiếng Việt không phải chỉ là dạy chữ, ghép vần mà phải dạy tiếng Việt có tính bài bản ngay từ đầu.
Đặc biệt, dạy tiếng Việt cho trẻ em cần phải hướng tới mục đích tối thượng là, dạy như thế nào đó để cho các em biết sử dụng tiếng Việt và yêu thích tiếng Việt. Nếu dạy mà để cho học sinh sợ tiếng Việt thì đó là thất bại của người dạy và của SGK. Hơn nữa, không chỉ học sinh, mà phụ huynh và giáo viên cũng sợ thì rõ ràng sách soạn ra có nhiều vấn đề cần phải xem xét.
Thứ nhất, liệu sách soạn ra có khó quá không? Có phù hợp với trình độ của giáo viên cũng như năng lực tiếp nhận của học sinh không? Thứ hai, các chủ đề được đưa vào giảng dạy có thích hợp và gắn với cuộc sống thực tiễn không? Một vấn đề đáng quan tâm nữa là phương pháp và cơ sở khoa học để xây dựng bài học… nhằm cung cấp kiến thức tiếng Việt cho học sinh.
Nếu nhìn một cách tổng quan như vậy, có thể thấy, một điểm nổi bật ở bộ sách này là, nó còn xa mới đáp ứng được các tiêu chuẩn cần có của bộ sách công cụ mà ta gọi là sách giáo khoa. Cụ thể, có nhiều bài tập đọc rất thiếu tính văn học. Điểm yếu này làm cho tiếng Việt được trình bày trong sách mất đi cái hay, cái đẹp vốn có của nó. Chưa kể, có một điều đáng buồn là, ở nhiều bài đọc, ngôn ngữ được sử dụng là thứ khẩu ngữ sống sượng. Vì thế, khi đọc lên, nhiều chỗ, nhiều đoạn làm cho người ta phải giật mình. Tiếng Việt vốn là một ngôn ngữ giàu hình ảnh, mượt mà, nhưng người biên soạn rất yếu về tư duy văn học nên đọc các bài đọc của họ biên soạn đôi khi thấy ngô nghê, thậm chí ngớ ngẩn. Tôi khẳng định điều ấy, vì những ngày qua, chỉ riêng các phụ huynh không làm việc trong ngành giáo dục cũng đã nhận ra các kiểu lỗi thuộc loại này. Cho nên, nếu chỉ đánh giá về “chất văn” trong một bài dạy tiếng Việt thì bộ sách còn thua xa các dạy tiếng Việt cho học sinh ngày xưa.

*Có ý kiến cho rằng, hạn chế đáng nói ở sách này việc dùng những từ địa Phương (phương ngữ) ông có chung đánh giá như vậy không?

- Theo tôi, việc dùng từ địa phương trong một bộ sách dạy tiếng Việt không phải là nguyên nhân chính dẫn đến các phản ứng. Nói cách khác, đó mới chỉ là cách nhận xét cảm tính. Trên thực tế, việc đưa từ địa phương vào sách đúng lúc, đúng chỗ có khi còn gây hứng thú. Vì sao? Vì các từ địa phương là những từ ngữ của một vùng, gắn với con người các sản vật riêng của vùng đó. Nếu biết sử dụng thích hợp thì nó sẽ có hiệu quả. Nhưng lạm dụng mà dùng không đúng lúc, đúng chỗ thì phản tác dụng. Có rất nhiều từ địa phương đến nay trở thành khá phổ biến (như: ba, má…), nếu đưa vào sách, trẻ em không hiểu thì các bậc phụ huynh vẫn có thể giải nghĩa cho con. Trong trường hợp ấy, sách đã cung cấp cho các em những hiểu biết phong phú về tiếng Việt và các sản vật địa phương (măng cụt, sầu riêng…).
Về phương pháp, chỉ cần đọc một số bài cũng thấy có nhiều sự gán ghép rất tùy tiện. Người biên soạn muốn dạy các âm hoặc vần nào thì cố “gò” các âm và các vần ấy vào các đoạn văn tự nghĩ ra, bất chấp tính lô gic hay đúng sai. Cách làm việc kiểu này dẫn đến một hệ lụy: nhiều bài đọc hay đoạn văn rất tối nghĩa, lủng củng. Đây là điều gây ra những phương hại cho học sinh. Học tiếng Viêt qua các văn bản lủng củng, rối rắm chưa kể còn nhiều chỗ sai thì người học làm sao yêu thích tiếng Việt??? Học sinh chán, cô giáo sợ mà phụ huynh cũng sợ chính là ở chỗ này.

*Ông có thể lấy một vài ví dụ cho thấy điều này?

- Ví dụ, ở bài tập đọc Thỏ thua rùa, có câu “Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. Ở đây, từ “nhá” dùng không đúng, vì “nhá” là động từ chỉ dùng khi sau nó là vật cứng, khó nuốt (ví dụ như chó nhá xương…). Còn con thỏ là loài động vật thường chỉ ăn cỏ, ăn lá… những thứ mềm. Trong văn cảnh của bài cũng đã có “cỏ, dưa” những thứ mềm, sao lại dùng “nhá”? Dạy thế là không đúng cả về lý thuyết lẫn thực tế. Nó rất sống sượng và chủ quan, áp đặt.
Tương tự, ở bài “Chuột út”, người biên soạn viết “Mẹ bận làm bếp. Chuột út buồn, lũn cũn ra sân. Đến trưa về nhà, nó ôm mẹ kể…”. Chỉ đọc đến đây, bất cứ nhà giáo dục nào cũng thấy, dạy như thế là sai quá. Mẹ làm bếp sao chuột út lại buồn? Thật vô lý mà cũng không có lô gic chút nào. Thông thường, cần giáo dục các em tình thần giúp đỡ mẹ, chuột út phải vui, cùng làm hoặc học theo mẹ chứ! Chưa kể chuột út đã không không giúp mẹ, lại còn bỏ đi chơi đến trưa mới về? Sách dạy Tiếng Việt mà dạy trẻ cái nết hư như vậy thì ý nghĩa giáo dục ở đây là gì??? Không ai hiểu nổi mục đích ý nghĩa của câu chuyện mà người biên soạn đem tới cho người học??? Còn về mặt ngôn ngữ, càng đọc lại càng thấy các nhà biên soạn rất ngô nghê về tiếng Việt. Khi miêu tả con chuột, người ta thường nói chuột chạy, chuột bò, chứ không ai nói chuột “lũn cũn”. Vì “lũn cũn” thường chỉ bước dáng đi ngắn và thấp. Đó là tính chất của hành động ở loài động vật hai chân. Chuột là loài động vật có 4 chân. Miêu tả như vậy là làm sai lạc tiếng Việt (nếu dùng biện pháp nhân hóa thì lại là một việc khác).

Bài “Nhà cô Nhã”, tác giả soạn sách viết “Nhà cô Nhã ở bờ hồ. Nhà nhỏ, nhà nho nhỏ”. Cách dùng cụm từ “ở bờ hồ” là thiếu chính xác. Dùng đúng phải là “ở bên hồ”. Vì rằng, cụm từ “ở bờ hồ” thường được hiểu theo nghĩa địa danh (bờ Hồ - Hồ Hoàn kiếm).

Bài “Nhà dì” là một bài đọc rất lộn xộn, nếu đưa vào dạy sẽ làm hỏng tư duy lô gic của học sinh: “Nhà dì Nga có pi a nô. Cả nhà Bi đi phố, ghé nhà dì, nghe pi a nô. Dì Nga pha cà phê. Bố mẹ có cà phê. Bi có phở. Bé Li có na”. Đây là một bài đọc có tính chắp vá, hổ lốn. Trong thực tế, việc nhà di có pi a nô và mỗi lần gia đình bé ra chơi thăm dì được nghe pi a nô là chuyện bình thường của đời sống hiện đại. Lỗi của người soạn sách không phải ở chỗ đưa từ “pi a nô” vào bài đọc. Bởi xã hội chúng ta ngày nay, gần như nhà nào cũng có ti vi thì cây đàn pi a nô không còn xa lạ. Nhưng điều đáng chê trách ở đây là người soạn sách tạo ra một đoạn văn phi lý vì dùng từ “ghé”. Thực tế không thể có việc gia đình Bi đi phố ghé nhà dì để nghé pi a nô như tác giả gán ghép. Còn việc ra chơi thăm dì được nghe pi a nô lại là lô gic thường nhật. Đoạn tiếp theo của bài đọc lại càng lổn nhổn: Đang kể chuyện dì Nga pha cà phê, mà Bi lại có phở, Li có na…? Áp đặt để dạy chữ như thế quá sống sượng.

Bài “Quà quê” cũng được soạn theo cách tương tự: “Quế có bà ở quê, khi bà ra phố, cả nhà có quà. Quà là rổ khế, rổ mơ, cá rô, cá quả. Có khi là cô gà ri”. Ai cũng thấy phi lý, bởi thời bây giờ lại mang quà là rổ khế? Như thế kỳ cục quá. Hơn nữa, mang rổ mơ ra phố làm quà lại càng là câu chuyện quá buồn cười. Buồn cười vì không ai làm thế cả. Buồn cười vì bây giờ ở quê cũng chẳng mấy nơi còn mơ? Mơ chỉ còn ở các địa Phương miền đồi núi. Người biên soan vừa thiếu vốn sống thưc tế và không am hiểu gì văn hóa ứng xử của người Việt. Soạn một bài đọc mà soạn như vậy thì quá cẩu thả... Đặc biệt, cụm từ, “khi bà ra phố, cả nhà có quà” là cụm từ gieo vào đầu trẻ một lối suy nghĩ không đúng với truyền thống văn hóa của người Việt. Chả lẽ, bà ra phố là cả nhà có quà??? Bà có thể ra phố mua bán hoặc tham quan… Còn việc bà ra phố thăm nhà em, có quà là câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở bài về “Quạ và gà nhép”. Khi đọc cụm từ “Thì ra quạ sắp chộp gà nhép” ai chẳng bật cười? Vấn đề không phải ở chỗ, “chộp” là từ phương ngữ mà ở chỗ, người viết không hiểu nghĩa của từ “chộp”. Con quạ là loài chim, khi nó bay thì phải dùng cánh sà xuống. Nó muốn bắt gà thì phải quắp, chứ không thể “chộp” được. Trong cơ cấu nghĩa của từ, các nét nghĩa hình thành theo một hệ thống. Với các động từ, mỗi loại lại đòi hỏi chủ thể hành động khác nhau. Ví dụ, “sủa” là động từ dùng cho loài chó. Nói “người sủa” là dùng cách nói tu từ rồi. Mỗi một động từ dùng phải có chủ thể phù hợp chứ không dùng lung tung như thế được.

Bài Đi nhà trẻ: “Chị Trà cho bé Li đi nhà trẻ. Qua chợ, chị chỉ cho bé cá trê, cá mè”. Sao qua chợ chị lại chỉ cá trê, cá mè? Ở đây có vấn đề về lô gic. Dạy như thế rất kỳ cục. Sao qua chợ lại chỉ cho bé cá trê, cá mè mà không phải là cá khác, sự vật khác???

Bài “Ve và gà” là một sự gán ghép, phóng tác tùy tiện không theo qui tắc nào cả: “Cả mùa hè, ve chỉ ham múa ca”. Con ve nó kêu, nói nó “ca” thì được, chứ không thể “múa”. Mà trong nguyên tác, là kiến chứ không phải gà. Kiến mới tích lũy thức ăn chứ gà thấy kiến là mổ ngay. Dạy thế này là sai về mặt hiểu biết khoa học và làm hỏng tư duy lô gic của học sinh. Trong thơ ca, có một nhà thơ miêu tả con ve rất hay và ấn tượng (Tiếng ve kêu úp mặt vào cây (Hoàng Nhuận Cầm)). Nếu người biên soạn biết khai thác ngữ liệu thì bài đọc sẽ hay và hấp dẫn chứ không ngô nghê quá như thế.

Đặc biệt, trong nhiều bài đọc, các nhà biên soạn đã lạm dụng từ “có” vì dùng rất nhiều và cũng rất sai. Ví dụ: Bài Bé Lê: “Bé Lê mê tivi. Ti vi có sâm cầm”, “ti vi có cá mập”. “Có” là từ chỉ sự tồn tại của vật trong không gian. Tivi làm sao có sâm cầm, có cá mập được?
Một số ví dụ nêu ra có thể thấy, các tác giả biên soạn sách “Cánh diều” dường như có tri thức nền rất yếu. Hơn nữa, chính họ lại có vốn tiếng Việt quá mỏng, thành ra sản phẩm của họ rất sống sượng, tùy tiện và đôi khi rất buồn cười.

Rõ ràng, đó không phải chỉ là những hạt sạn, mà là cái sai cơ bản, những cái sai không thể cho phép khi dùng nó làm tài liệu dạy cho học sinh.
KHÔNG THỂ NÓI DẠY TIẾNG VIỆT CHỈ ĐỂ DẠY ÂM, GHÉP VẦN
*Một trong những lý do mà nhà biên soạn đưa ra là do các âm, vần chưa học thì chưa thể đưa vào, đành tìm chữ có các âm, vần đã học để thay thế. Ví dụ, chưa học vần “ăn”, nên không thể đưa “ăn” vào, mà phải là “nhá”? Và nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn đầu lớp 1 thì ưu tiên dạy âm và vần trước, dạy chữ trước. Sau này biết đọc chữ rồi thì chú trọng nghĩa sau?

- Theo tôi, nói như thế là rất sai về phương pháp luận. Dạy tiếng Việt phải chú ý tới mục tiêu, hiệu quả đạt được. Mục tiêu sách lớp 1 phải hướng tới cho các em biết đọc và biết viết. Vậy phải hiểu được nghĩa của từ, lượng từ cung cấp có thể ít hay nhiều, nhưng phải có nghĩa. Nếu bảo chỉ cần học âm, ghép vần là không đúng về mặt khoa học. Chữ không có nghĩa là con chữ vô hồn. Bởi thế, ông cha mình thường nói “chữ nghĩa” là vì chữ phải gắn với nghĩa. Chứ nếu chữ không mang nghĩa, chỉ học nguyên vỏ âm thanh thì chẳng để làm gì. Nhất là lại dùng cho người bản ngữ và dạy các em nhỏ. Dạy các em điều không có trong thực tế thì dạy vô ích, lãng phí. Thời gian đó dùng để dạy cho các em điều đúng thực tế thì nhận thức tăng lên rất nhiều. Còn dạy ghép vần mà ghép lung tung về nghĩa như đã phân tích thì gây hại về mặt tư duy cho học trò.
Nếu cố tình bao biện rằng, lớp 1 chỉ cần học âm, ghép vần thì học luôn cách ghép vần của sách cũ, không cần học sách mới làm gì. Vừa tốn tiền, vừa rắc rối và không hiệu quả.
*Cũng có ý kiến cho rằng, dạy những câu văn thơ mượt mà như sách cũ thì sẽ gây cho trẻ học vẹt, không nhớ được các âm, vần như học các đoạn văn trúc trắc như sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều?
- Nói như vậy là sự quá nhầm lẫn, thiếu cơ sở khoa học. Khi dạy những câu trúc trắc, ngô nghê, ngay từ đầu trẻ đã thấy chán tiếng Việt và thấy tiếng Việt chẳng hấp dẫn gì cả. Dạy tiếng Việt thành công là phải tạo ra được sự ham thích, mà sự ham thích phải bắt đầu từ cái đẹp, cái hay. Không đẹp, không hay làm sao ham thích?
Còn các câu văn, lời thơ mượt mà, sao lại nói là học vẹt? Có những câu thơ, lời văn học từ ngày nhỏ mà nhiều người vẫn nhớ tới tận bây giờ, và vẫn ứng dụng trong cuộc sống. Ví dụ, cho đên bây giờ, tôi rất nhớ những câu mà sách Tập đọc lớp 1 thuở xưa đã dạy:

“Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá mà quàng phải dây
Thủng thẳng như chúng tôi đây
Chẳng đá nào vấp chẳng dây nào quàng”.

Đó. Chỉ 4 câu ca dao mà người dạy đã truyền tải đến người học một thông điệp: Đừng bao giờ vội vàng. Mọi việc cứ phải bình tĩnh giải quyết. Cái triết lý ấy có khác chi câu thành ngữ kiểu “Dục tốc bất đạt”! Nó là ca dao, mượt mà nên lời hay ý đẹp của nó làm người học nhớ mãi. Như thế sao gọi là học vẹt? Quan niệm như thế nguy quá!
Tôi cho rằng, dạy tiếng Việt phải gắn với dạy văn hóa. Vì sao vậy? Vì ngôn ngữ là loại ký hiệu phong phú nhất, tinh tế nhất lưu trữ các thông điệp về văn hóa. Dạy bất cứ ngôn ngữ nào cũng phải làm cho người học hiểu được văn hóa của cộng đồng nói ngôn ngữ ấy. Điều này càng quan trọng đối với dạy tiếng mẹ đẻ. Sở dĩ văn hóa dân tộc còn tồn tại đến giờ, là bởi có những câu nói mang tính triết lý về cuộc sống, có hình tượng đẹp được cô đọng vào trong các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, có sức in sâu vào tâm trí con người. Dạy những thứ đó không thể nói đó là dạy để học vẹt.
Tôi muốn nhấn mạnh, dạy tiếng phải kèm với dạy văn hóa. Muốn hiểu sâu về ngôn ngữ thì phải hiểu về văn hóa. Dạy chữ và vần mà không có nghĩa thì không có thể đi vào nhận thức một cách sâu xa được. Đó là cách nói bao biện.

GIÁO VIÊN QUAN TRỌNG, NHƯNG ĐẦU TIÊN PHẢI CÓ NGỮ LIỆU TỐT
*Trong bộ sách này xuất hiện nhiều những truyện ngụ ngôn, những câu chuyện có nhân vật mưu mô, xảo quyệt cũng gây tranh cãi. Ý kiến của ông thế nào về việc này?

-Trẻ em mới cắp sách đi học cũng có thể dạy cái xấu, nhưng phải có sự cân đối, tính toán, đưa như thế nào là có lợi. Bởi trẻ em như tờ giấy trắng, dạy bài học cảnh giác cũng cần, nhưng quan trọng hơn là đem đến cho trẻ những câu chuyện đẹp về cuộc đời, về nhân nghĩa, về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đó là tính trung thực, sự dũng cảm, tình thương yêu…
Đặc biệt, khi nói tới cái xấu, cái ác, thì nội dung và phương pháp phải hướng trẻ tới cái thiện, biết phân biệt giữa thiện và ác. Đã nói dạy là phải có tính giáo dục. Dạy tiếng Việt là phải có giáo dục, dạy cái thiện chứ không dạy cái ác. Kể cả việc đưa ra cái ác, nhưng đưa cái ác ra để phê phán, để hướng thiện, giáo dục về cái thiện, đó chính là nghệ thuật của việc dạy người.
Với cách nhìn như vậy, khi đọc bài “Ước mơ của tảng đá”, người đọc không biết mục đích của nội dung bài học là gì, ủng hộ nhân vật nào? Hành động của bác gió ác độc, đẩy tảng đá xuống biển, nếu trẻ học theo thì nguy hiểm quá.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nếu sách chỉ thấy nói về gian manh, độc ác trẻ em sẽ dễ nhiễm, thấm vào nhận thức.

*Có ý kiến cho rằng, quan trọng là giáo viên hướng học sinh tới nội dung gì. Nếu giáo viên hướng cho học sinh cái đẹp, thì kể cả dạy về cái xấu, cái ác cũng không đáng lo, thưa ông?

- Đúng là giáo viên rất quan trọng, nhưng đầu tiên phải là SGK. SGK là công cụ chung cho mọi giáo viên. Ở đó, có một kho ngữ liệu. Khi có ngữ liệu tốt, giáo viên dễ xử lý, bài giảng hấp dẫn. Còn khi ngữ liệu không tốt thì chính người giáo viên sẽ gặp khó khăn, đôi khi phải lúng túng, gượng ép. Và khi giáo viên cảm thấy bị gượng ép, tức là thất bại. Tôi lấy ví dụ, trong sách có sử dụng một câu chuyện phỏng theo Lep Toxtoi. Tôi không rõ là người phóng tác có hiểu đúng tinh thần của bản gốc không? Tôi nghi ngờ vì một nhà văn vĩ đại như Toxntoi sẽ không thể nhầm lần như vậy. Lẽ nào ta lại dạy cho trẻ em là thú có mỏ? Mỏ chỉ có ở loài chim. Vậy mà bài đọc lại có: thú mỏ đỏ? Học tiếng Việt như thế thì học môn sinh vật sẽ thế nào? Giáo dục là cả một hệ thống. Nếu học môn này lại phá môn khác như vậy thì mọi việc sẽ ra sao??? Hay là phải đưa ra một khái niệm mới: thú có mỏ???

*Theo ông, có nên chọn nhiều truyện ngụ ngôn nước ngoài cho các bài tập đọc hay không?

- Tôi cho rằng, dạy tiếng phải gắn liền với dạy về văn hóa và phải quan niệm, mỗi bộ SGK phải là một tấm gương về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi cho rằng, ở Lớp 1, SGK chưa cần ngữ liệu nước ngoài. Bởi, trong trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ… rất hay, vừa đẹp về ngôn từ vừa đẹp về ý nghĩa nội dung. Vậy tại sao lại không sử dụng mà phải đi vay mượn của người khác, chưa kể khi “phỏng theo” lại không chính xác, thậm chí có khi còn làm méo mó đi? Đó là còn chưa nói tới chuyện bản quyền. Khi phóng tác mà làm sai lệch nội dung, không đạt yêu cầu thì thậm chí vi phạm pháp luật.

KHÔNG THỂ TIẾP TỤC DẠY SÁCH TIẾNG VIỆT 1, CÁNH DIỀU
*Từ những phân tích như vậy, theo ông, có thể tiếp tục đưa sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều vào giảng trong nhà trường?

- Theo tôi, về mặt chất lượng, cuốn sách không đạt. Bộ sách này có một số vấn đề cần phải xem xét lại. Thứ nhất về ngữ liệu sử dụng để biên soạn sách; Thứ 2 là về tri thức về ngôn ngữ học (thể hiện qua việc cung cấp cho các em vốn từ, nghĩa của từ sai rất nhiều); Thứ 3 là việc rèn luyện tư duy logic cho học sinh: khi những bài học cung cấp có vấn đề về tư duy logic thì sẽ làm cho tư duy lo gic của trẻ em kém đi, thậm chí lệch lạc.
Cá nhân tôi cho rằng, bộ sách này không nên dạy vì dạy không có lợi. Nếu tôi có con cháu học bộ này thì tôi sẽ không cho học, vì về nhà, tôi sẽ phải dạy lại, hoặc biên soạn lại, nếu không muốn con cháu bị hỏng mất tư duy.

*Giả sử có thể sửa, để dạy tiếp được không, thưa ông?

- Như tôi đã nói, đây không phải là sạn. Nếu là sạn còn có thể nhặt bỏ ăn tiếp được. Còn ở đây, sai nhiều quá. Sai cơ bản, tựa như nồi cơm còn sống, cố ăn sẽ hại tới sức khỏe. Nếu muốn dùng để dạy, phải biên soạn lại, chứ không thể sửa theo kiểu chắp vá được.
*Từ sự việc này, ông có góp ý gì đối với việc biên soạn sách giáo khoa?
- Theo tôi, việc biên soạn bộ sách dạy trong nhà trường phổ thông thì Nhà nước nên dành một khoản kinh phí, mời những chuyên gia giỏi, các nhà nghiên cứu, nhà văn, tham gia biên soạn. Những người này phải có đủ tâm huyết, hiểu biết, ý thức trách nhiệm, chứ không thể làm theo cách đấu thầu như hiện nay. Kinh nghiệm nhãn tiền: Nhiều công trình trọng điểm mà “đấu thầu” đã có kết quả thế nào? Với giáo dục thì càng nên tránh. Sai lầm của một công trình, có thể sửa trong vài hoặc mươi năm. Sai lầm của một bộ sách, khắc phục phải mất vài chục năm, thậm chí trăm năm. Tôi rất mong Bộ Giáo dục nghiên cứu đề nghị này của tôi.
Một chương trình nhiều sách giáo khoa là tốt, nhưng phải còn tùy vào bối cảnh và trình độ phát triển của nước ta nữa. Không phải cái gì cũng áp dụng nước ngoài vào VN là phù hợp. Ví dụ, như Covid-19, nếu đem cách ứng phó của nước ngoài vào VN thì không ổn. Tiếp thu rất cần nhưng tiếp thu thế nào cho hiệu quả là quan trọng.

• Xin trân trọng cảm ơn ông!
--------------------------------------
Nói tiếng Việt nghèo nàn là không đúng. Tôi dạy tiếng Việt nhiều năm cho người nước ngoài, họ rất yêu, thích tiếng Việt. Còn việc nhiều thuật ngữ khoa học (không thể dịch sang tiếng Việt) là do trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của mình chưa phát triển, chưa có được những thuật ngữ khoa học như vậy, chứ không phải tiếng Việt nghèo. Nếu chỉ lấy một khu vực, đó là khoa học kỹ thuật để đánh giá tiếng Việt là sai lầm, vì vốn từ khoa học kỹ thuật chỉ là rất nhỏ so với vốn từ toàn dân. Tiếng Việt, nếu càng tìm hiểu sâu, sẽ càng thấy hay và tinh tế. Cần dạy cho trẻ nhỏ biết yêu tiếng Việt, yêu văn hóa Việt Nam từ những bài học đầu tiên.
Mai Loan (thực hiện) ---------------------------- PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt nguyên là Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997:


Nhận xét

Bài đăng phổ biến