"NHÌN TỔNG THỂ" LÀ NHÌN THẾ NÀO?

 "NHÌN TỔNG THỂ"

LÀ NHÌN THẾ NÀO?

Bỏ qua chuyện nhìn sách giáo khoa như nhìn gái mà người anh kính mến của tôi ở Viện Ngôn ngữ học lỡ mồm phát ngôn cho vui.
Nhưng cụm từ "nhìn tổng thể" thì phải bàn bạc thấu đáo. Bởi lẽ, không phải một ông Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết dùng nó mà rất nhiều quân xanh quân đỏ của ông sử dụng để tấn công, chỉ trích dư luận. Tôi và bạn Nguyễn Tiến Tường bị quân xanh của ông Thuyết chỉ đích danh với lời nhạo báng là "thầy bói sờ voi". Còn những cụm từ "cắt xén", "xuyên tạc" thì chính ông Thuyết sử dụng nhiều lần thành từ khoá cho đám học trò của mình nhai đi nhai lại một cách hào hứng để chụp mũ dư luận.
Tệ hại hơn, ông Đào Tiến Thi, nguyên biên tập viên NXB Giáo dục, dùng bài học toán "bốn cái làn" kết tội những ai chia sẻ là tội phạm làm tin giả, vu khống Cánh Diều và đòi bỏ tù họ. Phát ngôn của một nhà biểu tình, một nhà đấu tranh dân chủ đấy! Xem chừng ông Thi có dùi cui quyền lực, ông sẽ tống cả vạn người vào tù mà không cần xét xử!
Bây giờ thì tôi trả lời cho cái gọi là "nhìn tổng thể" chứ không thì ông bạn Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Hiệp nói tôi bóp méo ý ông.
Những người bình thường ắt họ nhìn hiện tượng, trực quan từ những bài học cho trẻ: cái chữ, cái câu, đoạn văn, văn bản mà nói. Tất cả những thứ ấy hiện chình ình trước mắt chứ phóng to làm gì? Trẻ em khi học vần, đọc trơn cũng phải như vậy chứ không có nghĩa là trơn tuột cho qua. Tôi, nhà chuyên môn, tôi không từ trực quan những bài học ấy mà đã "nhìn tổng thể" đúng nghĩa. Cả loạt bài, từ bài đầu tiên đến bài này, tôi đã vạch ra là sai từ gốc, sai có hệ thống chứ không phải là những hạt sạn.
Gốc là các giáo sư tiến sỹ không hiểu đến nơi đến chốn "dạy học phát triển năng lực" là gì, hoàn toàn không hiểu tâm lý trẻ em, từ tiềm năng đi đến đích cần phát huy trong từng lứa tuổi nên đã xây dựng nên một Chương trình với Chuẩn đầu ra vượt tầm của trẻ, dễ gây rối loạn chức năng từ nhận biết chữ đến kiến thức tự nhiên lẫn xã hội. Do Chuẩn đầu ra của Chương trình như vậy mới dẫn đến hậu quả, Sách giáo khoa viết dưới dạng tích hợp như một món lẫu thập cẩm, gán ghép khiên cưỡng giữa học tiếng, học chữ với kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Tất cả đồng thời nhồi một lúc 9 loại tri thức khác nhau vào đầu trẻ lớp Một để được gọi là giáo dục toàn diện. Một chương trình gọi là "dạy học phát triển năng lực" nhưng thực chất là nhồi sọ hơn cả nhồi sọ mới làm lung lay não bộ trẻ em dẫn đến lung lay não bộ của toàn dân.
Đến khi nghe trả lời của những người có trách nhiệm xây dựng chương trình và làm sách, kể cả hội đồng thẩm định thì tôi còn phát hiện thêm: hình như tri thức chuyên ngành của giáo sư tiến sỹ cũng rất có vấn đề. Họ là những nhà ngôn ngữ học, nghiên cứu văn học mà tự tin nói những từ có trong từ điển Hoàng Phê (40.000 từ) là từ thông dụng thì cụ Hoàng Phê đã chết cũng khóc. Rồi nữa, những tiếng lóng "chả", "chén", "tợp", "nhá", "khổ mỡ"... mang nghĩa tình thái rất rõ trong đối thoại của dân vỉa hè được đưa vào sách nhiều lần và đặt trong mọi ngữ cảnh, nhưng họ vẫn tự đắc khen "hay hơn", "thi vị hơn". Những từ ngữ lấc cấc, những câu văn cù nhầy, nhảm nhí mà lại bảo không sai tinh thần nguyên tác của truyện ngụ ngôn thì các nhà ngụ ngôn như Easop, La Fontaine, Tolstoy có sống lại cũng phải gọi các nhà ngữ văn học Việt Nam là bậc thầy của họ.
Cải biến ngôn ngữ như vậy để trẻ em thành những kẻ ăn nói lấc cấc như bọn vô học bụi đời sao?
Rồi nữa, sự kéo dài ngủng ngoẳng câu chuyện gốc ra để chia thành hai phần: một phần học trước sự láu cá, khôn vặt, lưu manh rồi phần sau tẩy não, khác nào để trẻ con phạm tội rồi đưa vào trại giáo dưỡng hay nhà tù. Có phương pháp giáo dục nào ngược đời vậy?
Chỉ ra sai từ gốc và dẫn đến sai cả hệ thống như vậy, đã đảm bảo "nhìn tổng thể" chưa? Theo tôi, không phải giao lại cho hội đồng thẩm định hay người làm sách rà roát để nhặt sạn nữa. Vẫn thực hiện chủ trương dạy học phát triển năng lực, nhưng làm lại từ đầu bằng những người có tâm yêu trẻ và có tầm hiểu biết. Kỷ luật cả hội đồng thẩm định và người làm sách, kể cả buộc bồi thường ngân sách và tiền mua sách của phụ huynh. Cục Xuất bản, In và phát hành cần xếp sách giáo khoa Tiếng Việt Một của Cánh Diều vào loại tuyên truyền văn hoá độc hại, lệnh thu hồi, tiêu huỷ ngay lập tức. Làm nhanh đê khỏi mất công cãi vã gây mất an ninh chính trị và mất thời gian người khác.
Nhà đấu tranh dân chủ Đào Tiến Thi trong một lời bình luận nói rằng mọi người bị mắc mưu nhà cầm quyền. Để người dân quên chuyện tham nhũng, tiêu cực, nhà cầm quyền đã thổi ngọn lửa căm hận sang giáo dục và trút lên đầu các giáo sư tiến sỹ. Một mặt anh ta hung hăng yêu cầu nhà cầm quyền bỏ tù hàng vạn người share bài toán "bốn cái làn" để bịt mồm dư luận; mặt khác anh ta lại vung tay chỉ trích nhà cầm quyền dùng thủ đoạn xúi dân làm mất uy tín giáo dục hay làm hại trí thức, bản chất anh ta là gì vậy?
Chu Mộng Long


Nhận xét

Bài đăng phổ biến