NGHỀ VĂN VỪA KHỔ VỪA NGHÈO SAO LẮM NGƯỜI THEO?


NGHỀ VĂN VỪA KHỔ VỪA NGHÈO
SAO LẮM NGƯỜI THEO?

Nhà văn mà “đông như quân Nguyên” ư? Tôi không thậm xưng mấy đâu, trong các ngành nghề có gắn với chữ “văn nghệ” ở Việt Nam, tôi khẳng định số người viết văn làm thơ là đông đảo nhất, dù cái nghề ngày càng mất giá và rất nghèo!

Viết văn mà ngày Tết không có nổi mấy đồng tiêu vặt

Để chứng minh cho luận điểm của mình, tôi sẽ cho ngay những con số cụ thể. Ngay từ thời kì 1930-1945, giai đoạn văn học Việt hiện đại vừa mới hình thành, theo nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ thì năm 1944 đã có khoảng 1.000 người sống bằng việc viết lách. Đó là một con số ấn tượng và tôi tin rằng Phan Cự Đệ có căn cứ khoa học.
Thời kì tiền chiến gần như là giai đoạn trăm hoa đua nở của văn học Việt, nhiều tờ báo, nhà xuất bản tư nhân xuất hiện, những người liên quan tới việc viết lách rất nhiều. Thời kì ấy đa số các nhà văn là nhà báo, họ vừa viết tin bài, viết thơ, tiểu thuyết dài kì, chuyện phiếm, đả kích đăng trên khắp các mặt báo rồi sau đó in vào sách. Viết văn, viết báo là một nghề mới và được rất nhiều người ưa chuộng, những nhân vật là văn sĩ là nhà báo xuất hiện trong các tác phẩm của Nam Cao, Nhất Linh, Khái Hưng...
Nam Cao - người th hiện những bi kịch đói nghèo trong trang viết.
Viết văn đã trở thành nghề kiếm sống chuyên nghiệp trong khi thu nhập mang lại chẳng là bao. Đa số các nhà văn đều sống trong cảnh nghèo khó, đặc biệt là những người như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Lan Khai… Đọc hồi kí của các nhà văn hồi ấy, thấy ai cũng vay nợ liên miên, đến mức ngày Tết cũng không có nổi vài đồng tiêu vặt, có khi phải nhịn đói hoặc chạy vạy từ nhà này qua nhà khác. Về chuyện đói nghèo của các văn sĩ, tôi rất thích bài thơ Gửi Trương Tửu của Nguyễn Vỹ viết về thời cảnh lúc đó, một bi hài kịch của các nhà văn nước Việt nhưng không phải không có thật!

"...Thời thế bây giờ vẫn thấy khó,
Nhà văn An nam khổ như chó!
Mỗi lần cầm bút viết văn chương,
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,
Và nhìn chúng mình hì hục viết,
Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết,
...
Chứ như bây giờ là trò chơi,
Làm báo làm bung chán mớ đời!
Anh đi che tàn một lũ ngốc,
Triết lý con tườu, văn chương cóc!
Còn tôi bưng thúng theo đàn bà,
Ra chợ bán Văn, ngày tháng qua!
Cho nên tôi buồn không biết mấy!
Đời còn nhố nhăng ta chịu vậy!
Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí thằng say mấy cũng vừa!
Mẹ cha cái kiếp làm thi sĩ!
Chơi nước cờ cao gặp vận bĩ!
Rồi đâm ra điên, đâm vẩn vơ,
Rốt cuộc chỉ còn… mộng với mơ".

Đói khổ như thế mà số người viết văn vẫn đến cả nghìn là một con số rất đáng bàn, tất nhiên trong những người ấy, không phải tất cả trông chờ vào ngòi bút, họ là những thư kí, tham tá, ông giáo trường tư…ngoài công việc nhiệm sở, buôn bán thì viết văn thêm.
Văn chương không mang lại ấm no mấy cho cuộc sống nhưng có vẻ là một thứ nghề rất mốt và được xã hội trân trọng. Những chuyện đại loại như những tiểu thư “lá ngọc cành vàng” sau khi đọc xong một cuốn tiểu thuyết lãng mạn liền viết thư hẹn họ với tác giả là những chuyện rất thật và có lẽ đó cũng là một phần thưởng tinh thần mà cái danh hiệu “văn sĩ” mang lại và được nhiều người ưa chuộng, khao khát.

Ở miền Nam, theo một nghiên cứu thì trong một giai đoạn ngắn, từ 1954 đến 1973, đã có gần 200 tiểu thuyết gia. Nếu cộng cả những người viết thơ, truyện ngắn, trào phúng con số chắc chắn lên đến hàng nghìn.
Ngày Thơ Việt Nam là lễ hội thơ ca thu hút nhiều văn nhân thi sĩ tham gia.
Còn bây giờ, con số những người viết văn làm thơ còn đông gấp bội. Riêng Hội nhà văn Việt Nam đã có hơn một nghìn hội viên và lúc nào cũng gần 1.000 lá đơn xếp hàng chờ đợi trở thành hội viên. Trong một buổi tổng kết gần đây, một người có trách nhiệm của Hội nhà văn đã tổng kết rằng: Có rất nhiều lá đơn mà cả người viết đơn và người giới thiệu đã đều… chết mà vẫn chưa được duyệt.

Điều ấy cho thấy khao khát được trở thành nhà văn là ước vọng lớn đến thế nào. Những con số nói trên chỉ mới tính ở hội trung ương, còn ở các địa phương, nếu cộng dồn số người viết văn, làm thơ chắc chắn sẽ được một con số rất ấn tượng. Có một câu thơ khá vui về hiện tượng này, tôi không nhớ là ai viết:

"Đất nước chín vạn nhà thơ
Đi trong đêm tối cũng sờ thấy nhau".

Viết văn để bất tử, mưu sinh, và giải khuây

Bây giờ ta sẽ tìm nguyên do vì sao có nhiều người viết văn làm thơ đến thế. Tôi nghĩ yếu tố đầu tiên là truyền thống trọng văn, trọng chữ của dân tộc. Từ xa xưa, người Việt rất chuộng những người biết chữ, biết văn. Những ông đồ, ông giáo dạy chữ thánh hiền thỉnh thoảng viết những bài thơ, câu đối đều được kính trọng khâm phục. Tục lệ đi xin chữ, xin câu đối treo trong nhà là một truyền thống rất lâu đời và gần đây mới mai một đi.

Trong truyện ngắn Chữ người tử tù Nguyễn Tuân miêu tả viên quản ngục đã đối đãi với một kẻ tử tù trọng thị và khúm núm thế nào chỉ để mong rằng người ấy cảm động ban cho vài chữ treo trong nhà. Những chữ ấy khác gì những báu vật, nhất là người cho chữ nổi tiếng là bậc tài cao, học rộng, khí chất ngút trời.

Trọng chữ, trọng văn nên thậm chí trong một làng xã, khi có các viên quan văn, quan võ cùng nghỉ hưu thì dường như vị quan văn vẫn được người ta kính trọng, tôn sùng hơn. Ta thấy rõ điều này khi đọc sách của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Khái Hưng… trong những tác phẩm viết về nông thôn Việt Nam.

Một người xuất thân khoa bảng và có những áng văn thơ lưu danh thì không những là niềm tự hào của dòng họ ấy mà còn cả làng, cả tổng, cả huyện.

Thời hiện đại, văn chương đã bớt đi những danh giá vốn có của mình nhưng nó vẫn là đam mê, khát vọng của rất nhiều người. Văn chương của những người chuyên nghiệp, viết văn để theo đuổi ước mơ bất tử hoặc mưu sinh đã không ít, lại còn một bộ phận không nhỏ viết văn để giải khuây, để tâm sự, ghi lại cuộc sống đời thường. Tôi sẽ nói thêm chút về những người ở vế sau.

Rất nhiều người, ví dụ khi đã nghỉ hưu hoặc có một quãng thời gian thảnh thơi, nhàn rỗi họ liền lấy thơ văn làm niềm giải khuây. Những người ấy có thể có giấc mơ văn chương từ lúc trẻ nhưng chưa có điều kiện vì thiếu thời gian, bận công việc, giờ là lúc thực hiện những khát vọng của mình. Hoặc khi nghỉ hưu, quỹ thời gian rảnh rỗi quá lớn, nhiều người lấy văn chương để lấp đầy những khoảng trống ấy, để có cơ hội gặp gỡ bạn bè chung sở thích, một chút vui vẻ, an nhiên lúc xế chiều.

Một số ý kiến khắt khe cho rằng, không thể gọi những người hoạt động văn chương nghiệp dư là nhà văn được. Tôi nghĩ cũng không cần quá rạch ròi như thế vì trước hết văn chương là thứ rất khó lượng đoán. Thứ nhì, có thẻ hội viên là nhà văn toàn quốc cũng không có gì đảm bảo những gì anh viết ra là hay hoặc có giá trị. Nhà văn là một danh hiệu rất mơ hồ, nhiều khi chúng ta quá kì vọng và ảo tưởng về nó. Văn chương đôi khi chỉ là một cuộc chơi, một thú vui mà bất kì ai cũng có thể tham dự.

Nhưng nói đi thì nói lại, cũng như bất kì nghề nghiệp nào khác, văn chương cũng cần những tiêu chuẩn nhất định để đánh giá. Tôi nghĩ rằng sự đánh giá công bằng nhất là độc giả và thời gian. Được độc giả thích thú hoặc mong chờ (kể cả ít thôi cũng được) và không bị thời gian đào thải quá nhanh đã là thành công của người viết rồi.

Đội ngũ nhà văn có “đông như quân Nguyên” nhưng trong số ấy thỉnh thoảng nhô lên vài viên tướng giỏi, dăm dũng sĩ quả cảm đã là điều may mắn cho cả nền văn học rồi.

UÔNG TRIỀU


Nhận xét

Bài đăng phổ biến