AI TIẾP KIẾN AI?

AI TIẾP KIẾN AI?

Entry này của tôi lấy “cảm hứng” từ một entry trên blog của nhà văn Phạm Viết Đào, viết về một mẩu tin đã đăng trên trang web của Đảng Cộng Sản Việt Nam liên quan đến việc đoàn đại biểu quân sự Việt Nam sang thăm Trung Quốc và được ông Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước của TQ tiếp đón. Chỉ là một mẩu tin nho nhỏ, nhưng điều đáng nói ở đây là cách dùng từ trong cái tựa đề của mẩu tin ấy. Nguyên văn cái tựa ấy như sau:


“Đoàn đại biểu chính trị quân sự nước ta tiếp kiến Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.” Entry ấy ở đây.

Điều đáng nói (tranh luận, phê phán?) ở đây là cách dùng của hai từ “tiếp kiến”. Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì dùng từ “tiếp kiến” như vậy là sai, vì đoàn đại biểu nước ta là khách, còn phía TQ là chủ, vậy phải viết là TQ tiếp kiến ta, chứ không phải là ngược lại.

Tôi đọc, thấy cũng có lý. Nhưng trước hết, cứ phải đi tra từ điển cái đã. Theo Đại từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB Văn hóa-Thông tin (1999) – là cuốn từ điển tôi hay dùng vì có sẵn ở nhà – thì từ này có nghĩa là “gặp và nói chuyện”. Định nghĩa như thế này thì còn sơ sài quá phải không, vì mới giải thích nghĩa Hán Việt sang nghĩa “nôm”, nhưng chưa cho ta biết cách dùng.

Tôi bèn lên mạng tìm tiếp. May quá, còn nhiều cách giải thích khác nữa, giúp tôi hiểu rõ cách dùng từ “tiếp kiến” hơn.

Ví dụ ở đây: http://www.baochivietnam.com.vn/trao-doi/chu-nghia/229.
 Một lời giải thích rất hay, dành cho những người làm nghề viết lách chuyên nghiệp (vd như nhà báo ở trang web của ĐCSVN). Xin chép nguyên văn dưới đây:

Nói tóm lại: “yết kiến” là ông nhỏ với ông to, “tiếp kiến” thì ngược lại, ông to với ông nhỏ, còn “hội kiến” thì là hai ông vỗ vai nhau. Chấm hết.

Nhắc lại nhé: Ông (bà) to “tiếp kiến” ông (bà) nhỏ; ông (bà) nhỏ “yết kiến” ông (bà) to; còn hai ông (bà) ngang cấp với nhau thì dùng từ “hội kiến”. Nhớ cho rõ để mà dùng đúng nhé.

Lời giải thích nói trên cũng đúng với định nghĩa của wiktionary. Theo wiktionary thì tiếp kiến có nghĩa là từ dùng để nói về một nhân vật quan trọng đón rước người đến thăm chính thức. Có thể đọc ở đây:
http://vi.wiktionary.org/wiki/ti%E1%BA%BFp_ki%E1%BA%BFn

Như vậy, entry của nhà văn PVĐ khi phê phán cách dùng từ “tiếp kiến” trên trang web của ĐCSVN là theo nghĩa ở trên. Tức phân biệt chủ, khách, và thứ bậc to nhỏ. Ông to đứng ra tiếp người khác thì ông ấy là chủ ngữ của động từ tiếp kiến.

Cách dùng này có thể thấy rõ qua những tựa báo sau đây:

Chủ tịch nước tiếp kiến những nhà khoa học được trao giải thưởng, ở đây: http://tintuc.xalo.vn/001082883708/Chu_tich_nuoc_tiep_kien_cac_nha_khoa_hoc_duoc_trao_Giai_thuong_Nhan_tai_dat_Viet_2009.html

Tổng thống Indonesia tiếp kiến Thủ tướng VN, ở đây: http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/indonesia-vietnam-09-14-2011-129795473.html.

Nhưng hình như cũng còn một cách dùng khác, không phân biệt là ai chủ ai khách, mà chỉ phân biệt to, nhỏ mà thôi. Theo cách dùng này, người nào nhỏ thì phải “tiếp kiến” người to, tức là ngược lại với cách dùng ở trên (và không phân biệt ai chủ, ai khách, nhớ nhé).

Cách dùng này không hề kém phổ biến, mà thậm chí còn phổ biến hơn thì phải. Này nhé, thử đọc các tựa báo dưới đây:

Tổng giám đốc công ty dầu khí của ta tiếp kiến lãnh đạo cấp cao của chính phủ Lào, ở đây (nhớ là ông TGĐ ấy đến Lào, tức là khách, chứ không phải là chủ): http://www.pvep.com.vn/Default.aspx?pageid=32&mid=79&breadcrumb=138&intSetItemId=138&action=docdetailview&intDocId=737

Trên trang Đại sứ quán VN tại Thổ Nhĩ Kỳ thì có Đại sứ Nguyễn Sỹ Xung tiếp kiến Phó TTg Thổ Nhĩ Kỳ, ở đây: 

Gặp sinh viên được tiếp kiến Tổng thống Nga: 

Bộ trưởng tư pháp Campuchia tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: http://moj.gov.vn/ct/tintuc/lists/thongtinkhac/view_detail.aspx?ItemID=4255

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tiếp kiến Quốc vương và hội kiến Thủ tướng Campuchia: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=73&NewsId=223701 

A ha, ở đây ta thấy rõ sự khác biệt về “đẳng cấp” giữa tiếp kiến và hội kiến. Ông NSH gặp quốc vương người ta thì phải tiếp kiến, gặp thủ tướng (ngang hàng) thì hội kiến.

Trên trang web Hoa Trạng nguyên thì có tin 125 Hoa Trạng nguyên tiếp kiến Chủ tịch nước, ở đây: http://hoatrangnguyen.vn/home/THONG-TIN-GIAI-THUONG/125-Hoa-Trang-nguyen-tiep-kien-Chu-tich-nuoc/2010/11/channel352/article10627/topic-1/View.htm.

Cô nữ sinh viên người Chu Ru tiếp kiến Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng, tin ở đây: http://www.dhts.edu.vn/nu-sinh-vien-nguoi-dan-toc-chu-ru-dau-tien/06/08/

Ông Lý Kim Nguyên thì tiếp kiến Phó chủ tịch nước, còn PCT nước thì tiếp ông Nguyên, ở đây: 

Quay trở lại trang web của Đảng Cộng sản VN. Tựa của mẩu tin thì viết Đoàn đại biểu quân sự tiếp kiến Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình, ở dưới có tấm hình ghi là Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình tiếp ông gì đó, nhớ nhé, chỉ có “tiếp” thôi, không có “kiến”, ở đây: http://www.cpv.org.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30106&cn_id=479322

Như thế cũng không sai, phải không, vì ông PCT nước TQ thì to hơn đoàn đại biểu quân sự của ta mà?

Cũng là một bài học về dùng tiếng Việt, và nhất là tiếng Hán – Việt. Mà này, bây giờ mối đe dọa TQ đang ngày đêm rình rập, thì liệu mình có nên dùng tiếng Hán – Việt như vậy nữa không, hay là … quay trở lại phong trào dùng chữ nôm (thuần Việt), như HCT đã từng có một thời thực hiện không nhỉ? Ví dụ: không nói là xạ thủ, mà nói là người bắn, chẳng hạn?


(Sưu tầm)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến