36. NHẬM DOANH DOANH CHÍNH TÀ LƯỠNG LẬP

36.
NHẬM DOANH DOANH
CHÍNH TÀ LƯỠNG LẬP

Nói về truyện kiếm hiệp, thì chắc chắn phải nói đến Kim Dung. Lời bình của các hậu bối về những tác phẩm của Kim Dung thì nhiều vô kể, nhưng có một vấn đề mà các "võ lâm cao thủ" tranh luận mãi mà vẫn chưa ngã ngũ. Đó là, trong truyện của Kim Dung, mỹ nhân nào đẹp nhất, hoàn hảo nhất?

Vũ Đức Sao Biển ( tác giả quyển "Kim Dung giữa đời tôi") thì bầu danh hiệu này cho nàng Triệu Minh (Ỷ Thiên Đồ Long Ký). Mấy fan trẻ thì lại nghiêng về phía Tiểu Long Nữ (đặc biệt là mấy "đại hiệp" fan của Lưu Diệc Phi, Lý Nhược Đồng). Nhiều người khác lại thích cái thông minh sắc sảo của Hoàng Dung (Anh Hùng Xạ Điêu). Riêng bài viết này thì vị trí đó thuộc về một người, Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ Triêu Dương thần giáo trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. 

Tại sao lại là Nhậm Doanh Doanh ? Cô không đẹp "tiên thiên thoát tục" như Tiểu Long Nữ, không thông minh sắc sảo như Hoàng Dung, nói về võ công thì cũng chưa chắc đã đọ nổi hai người kia, về tài lực và anh khí thì lại còn thua xa Triệu Minh. Có lẽ, chúng ta thích Nhậm Doanh Doanh, đơn giản vì cô là một....thánh cô của Ma giáo. Một thánh cô cai trị bọn thuộc hạ bằng trái tim thép, ai dám cả gan nhìn dung nhan kiều diễm của cô thì phải bị chọc mù mắt và đày ra ngoài hải đảo. Đến khi gặp Lệnh Hồ Xung, cô lại có lối tỏ tình rất "Ma giáo": ra lệnh cho thuộc hạ hễ gặp Lệnh Hồ Xung ở đâu là giết ngay ở đó! Vì cô nghĩ rằng phải làm vậy thì Lệnh Hồ Xung mới chịu ở bên cạnh cô để cô bảo vệ và chữa trị vết thương. Lối suy nghĩ logic kiểu đó, ngoại trừ Doanh Doanh ra, chắc chẳng có ai nghĩ ra được. Kể cả sắc sảo như Hoàng Dung hay thông minh như Triệu Minh.

Thế nhưng, đó lại cũng là một thánh cô ngồi che mặt sau bức rèm ở ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương khảy khúc Sở Hữu Tư dịu dàng làm xua tan mọi sầu muộn cho Lệnh Hồ Xung, tự đem thân mình cầm tù ở Thiếu Lâm để đổi lấy sinh mạng cho Lệnh Hồ Xung, cứu Nhạc Linh San và động viên Lệnh Hồ Xung nghe tâm sự của Linh San trước khi chết. Có thể nói, Nhậm Doanh Doanh là một cô gái vừa tà mà lại chính, vừa chính mà lại tà. Cái khí chất "chính tà lưỡng lập" đó còn có thể gặp lại ở một nhân vật trong bộ truyện này: Lam Phượng Hoàng, giáo chủ Ngũ Độc Giáo Miêu Cương. Nói thật, tại bác Kim Dung không chịu viết tiếp chứ để nhân vật này phát triển tình cảm với họ Lệnh thì chắc còn khối chuyện hay ho để xem. 

So với họ Nhậm, Tiểu Long Nữ quá đơn giản trong suy nghĩ, còn Triệu Minh thì lại quá "tiểu thư". Hoàng Dung thì quá thông minh, đôi khi trở thành xảo trá. Tình yêu của Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh là một tình yêu trong sáng, vượt qua mọi rào cản chính tà, cho - nhận, được - mất, tự do tự tại ( cả hai họ Lệnh - Nhậm có coi quy củ giang hồ ra cái gì đâu ! ). Nếu không yêu được như Nhậm Doanh Doanh thì thà như Lam Phượng Hoàng một mình một cõi, còn hơn khổ lụy si dại như nàng Nghi Lâm phải rơi nước mắt hằng đêm ở góc Hằng Sơn, hay tự làm khổ mình và khổ người khác như A Tử... 

Khi chúng ta ngồi nghe bài "Cao Sơn Lưu Thủy", hẳn sẽ không khỏi nghĩ đến hình ảnh Lệnh Hồ Xung - Nhậm Doanh Doanh cầm tiêu hợp tấu bản Tiếu Ngạo Giang Hồ, chu du bốn bể như nước chảy mây trôi...

Đọc Tiếu Ngạo Giang Hồ, không khỏi cất tiếng cười chua chát cho cái sự đen - trắng của thế sự. Cái gì gọi là chính, cái gì gọi là tà ? 

Chính ở trong tâm, mà tà cũng ở tại trong tâm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến