NGÔN NGỮ THƠ và NGÔN NGỮ ĐỜI THƯỜNG - Nguyễn Hưng Quốc

NGÔN NGỮ THƠ 
và 
NGÔN NGỮ ĐỜI THƯỜNG 

Trong tiếng Anh, chữ “fiction” vừa có nghĩa là hư cấu vừa có nghĩa là truyện, là tiểu thuyết. Theo Anna Balakian, trong quyển Sự hư cấu của nhà thơ (The Fiction of the Poet), sự đồng nhất giữa sự hư cấu và thể loại truyện như vậy là một thói quen kỳ quái. Theo bà, ngay cả trong những quyển tiểu thuyết huyền hoặc nhất, mối quan hệ giữa tưởng tượng và hiện thực cũng còn rõ ràng hơn là trong thơ, kể cả những loại thơ được gọi là hiện thực. Balakian đồng ý với quan niệm của Mallarmé là sự hư cấu đích thực là sự hư cấu của các nhà thơ (1).

Vấn đề này sẽ rõ hơn khi chúng ta phân tích bản chất của ngôn ngữ, phương tiện đặc biệt của thơ. Việc phân tích này đã được nhiều người làm và đã đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Phương thức nghiên cứu phổ biến nhất là đối chiếu ngôn ngữ thực dụng hàng ngày và ngôn ngữ thơ. Theo I.A. Richards, người đặt nền móng lý thuyết cho Phê Bình Mới tại Hoa Kỳ, loại ngôn ngữ thứ nhất có chức năng quy chiếu hay định danh; loại thứ hai có chức năng biểu cảm; loại thứ nhất là những lời tuyên bố (statement), loại thứ hai là những lời tuyên bố vờ (pseudo-statement) (2). Theo Wheelwright, khác với ngôn ngữ thực dụng - mà ông gọi là steno-language -, ngôn ngữ thơ cũng như ngôn ngữ của huyền thoại và của tôn giáo - ông gọi chung là depth-language - có ba đặc điểm chính: tính chất hàm nghĩa (connotation), tính chất nghịch lý (paradox) và tính chất đa hiệu (plurisignation) (3). Theo Shklovsky, ngôn ngữ thực dụng là thứ ngôn ngữ tự động hoá, ngôn ngữ thơ là thứ ngôn ngữ được lạ hoá (defamiliarise), do đó, thực chất nó là sự bạo động có ý thức đối với ngôn ngữ thực dụng (4).

Những quan điểm trên được nhiều người đồng tình. Từ Oswald Ducrot và Tzvetan Todorov (5) đến Paul de Man (6), Dina Scherzer…(7) đều cho ngôn ngữ văn học, khác với ngôn ngữ thực dụng hàng ngày, là thứ ngôn ngữ hư cấu, không có ý nghĩa quy chiếu, tự nó đầy đủ trong thế giới tưởng tượng của nó. Tuy nhiên, dù sao, những quan điểm này cũng bị nhiều người nghi ngờ.
Thứ nhất, không ở đâu có sự phân biệt rạch ròi như vậy. Bất cứ loại ngôn ngữ nào cũng pha trộn nhiều đặc điểm khác nhau. Do đó, quan niệm của Jakobson được coi là hợp lý hơn: theo Jakobson, ngôn ngữ thơ không khác ngôn ngữ thực dụng về bản chất mà chỉ khác về chức năng: trong lúc ngôn ngữ thực dụng nhấn mạnh vào chức năng quy chiếu, chức năng biểu cảm, khuyến lệnh hay đẩy đưa..., ngôn ngữ thơ nhấn mạnh vào chức năng thẩm mỹ (8).

Thứ hai, nó không giải thích được tại sao ngôn ngữ thơ hay ngôn ngữ văn học nói chung lại có những đặc điểm như thế. Jonathan Culler trả lời: đó là do các quy ước riêng trong việc đọc thơ. Có ba quy ước chính: một là, coi bài thơ như một tiếng nói phi ngã, không gắn liền với một hoàn cảnh phát ngôn nào nhất định; hai là, coi bài thơ như một chỉnh thể thống nhất và mạch lạc; ba là, coi bài thơ như một văn bản có ý nghĩa, ngay cả khi ngôn ngữ bài thơ có vẻ tầm thường và vô nghĩa thì những sự tầm thường và vô nghĩa ấy cũng là những sự tầm thường và vô nghĩa có ý nghĩa: chúng thể hiện những sự tầm thường và vô nghĩa ấy một cách cụ thể (9). Có điều nói đến quy ước là nói đến lịch sử: quy ước chỉ hình thành dần dần trong lịch sử. Mà Culler lại không chứng minh được điểm này.

Theo tôi, ngôn ngữ thơ hay văn học nói chung khác với các loại ngôn ngữ thực dụng khác chủ yếu là ở điều kiện tồn tại của nó.

Có thể gọi ngôn ngữ thực dụng là ngôn ngữ trực tiếp, bao gồm, trước hết, ngôn ngữ đối thoại, sau đó, ngôn ngữ trong thư từ, lời nhắn, thông báo và phần nào cả báo chí nữa. Ngôn ngữ đối thoại dựa trên quan hệ nói - nghe. Các loại ngôn ngữ sau dựa trên quan hệ viết - đọc. Quan hệ khác nhau song tất cả các hình thức ngôn ngữ trực tiếp này đều có một đặc điểm chung: cụ thể. Tất cả đều cụ thể. Một là, có một người phát ngôn (addresser) cụ thể. Hai là, có một hoặc nhiều người thụ ngôn (addressee) cụ thể. Ba là, có một không gian cụ thể: trong nhà, trong lớp, trong tiệm, trong văn phòng, trong công sở, ngoài đường, ngoài chợ... và một thời gian cụ thể để những khái niệm mơ hồ như “bây giờ”, “lúc ấy”, “lát nữa”... có ý nghĩa. Bốn là, mối quan hệ giữa người phát ngôn và người thụ ngôn là một quan hệ cụ thể: vợ với chồng, cha mẹ với con cái, thầy với trò, bác sĩ với bệnh nhân, người bán và khách hàng, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu của nhau hoặc chỉ là hai người hoàn toàn xa lạ chỉ gặp nhau trong một dịp tình cờ nào đó, với một lý do nào đó. Năm là, giữa người phát ngôn và người thụ ngôn có một số kinh nghiệm chung, một số hiểu biết chung để họ dễ dàng hiểu nhau ngay cả khi sự diễn đạt loanh quanh, ngập ngừng, dở dang. Cuối cùng, sáu là, những cuộc đàm thoại ấy bao giờ cũng xoay quanh một hoặc nhiều đề tài cụ thể, kể cả những cuộc đối thoại nhạt nhẽo và khách sáo nhất. Về nắng. Về mưa.

Tính chất cụ thể trong ngôn ngữ trực tiếp dẫn đến nhiều hệ quả quan trọng:
Thứ nhất, ngôn ngữ luôn luôn ám chỉ hay liên hệ đến một cái gì ở ngoài nó. Sự liên hệ ấy có bốn nội dung chính: một là liên hệ đến hiện thực người ta đang đề cập; hai là liên hệ đến không gian diễn ra cuộc trò chuyện: đây, đó, kia, nọ...; ba là liên hệ đến thời gian: bây giờ, hôm qua, ngày mai...; và bốn là liên hệ đến người phát ngôn, người thụ ngôn, biểu hiện rõ nhất là trong cách dùng các đại từ: tôi, anh, chị, em...

Thứ hai, mục đích của hầu hết các cuộc đối thoại là để hiểu nhau. Nhưng thế nào là hiểu? Hiểu, với người thụ ngôn, có hai nghĩa: một là nắm bắt được ý định của người phát ngôn; hai là nắm bắt được cái vấn đề, cái sự việc được đề cập. Loại ý nghĩa thứ nhất có thể được gọi là ý nghĩa chủ định. Loại thứ hai có thể được gọi là ý nghĩa quy chiếu. Từ việc khu biệt hai loại ý nghĩa ấy dần dần hình thành hai thói quen chính khi diễn dịch sự phát ngôn của người khác: thứ nhất là loay hoay suy diễn những hậu ý của người phát ngôn; thứ hai là liên tưởng đến cái hiện thực mà người phát ngôn ám chỉ. Thói quen thứ nhất dẫn đến thuyết chủ định (intentionalism). Thói quen thứ hai sẽ dẫn đến thuyết coi văn học là một sự phản ánh hiện thực.

Hệ quả sau cùng của tính chất cụ thể trong ngôn ngữ trực tiếp, đặc biệt trong các cuộc đàm thoại là, trừ trường hợp có sự khác biệt trong ngôn ngữ, câu chuyện thường diễn ra khá thoải mái. Người phát ngôn được thuận lợi: ngoài phương tiện chính là ngôn ngữ, họ có thể sử dụng một số phương tiện khác: ánh mắt, giọng nói, điệu bộ. Người thụ ngôn cũng được thuận lợi: nhờ nắm vững “hậu cảnh” của vấn đề, họ rất dễ dàng theo dõi và tiếp tục câu chuyện.
Thơ hay văn học nói chung là thứ ngôn ngữ gián tiếp, chủ yếu dựa trên quan hệ giữa viết và đọc. Nếu ngôn ngữ trực tiếp là một thứ quan hệ cụ thể, ngôn ngữ gián tiếp lại là một thứ quan hệ xa cách và trừu tượng. Trong công việc sáng tạo, người viết bao giờ cũng bơ vơ: ngồi lặng lẽ trước trang giấy trắng, hắn không thể hình dung được ai sẽ là người đọc mình. Có thể là nhiều, rất nhiều người. Cũng có thể sẽ chẳng có ai cả. Ở Việt Nam, dường như chưa có ai tả cái nỗi niềm bơ vơ, cô đơn và khắc khoải ấy hay hơn Nguyễn Tuân:

“Đêm thanh vắng còn gì dễ sợ bằng trang giấy trắng cứ trắng nguyên như thế cho tới gần hết đêm. Mà canh này nối tiếp canh khác đêm cứ trôi đều trên cái trắng băng ấy. Mà thế nào thì sáng mai cũng phải sang được bờ bên kia cũng đang nhờ nhờ trắng một nỗi niềm toát bệch mồ hôi. Thấy nguyền rủa bè lũ hình tượng chữ nghĩa nó hè nhau từ giã mình, mình bỗng chốc là kẻ cùng đường bên sông chữ quạnh trắng thê lương” (10).

Không những người viết bơ vơ, cả ngôn ngữ cũng “bơ vơ”: chỉ có chữ và chữ. Chữ trần trụi, tênh hênh trên trang giấy, không được sự trợ thủ của bất cứ một thứ phương tiện nào khác. Như trong lời nói. Không một ánh mắt, một giọng điệu, một cử chỉ đi kèm. Chỉ có chữ thôi. Một mình chữ.

Cuối cùng, người đọc cũng bơ vơ: đối diện với trang sách, hắn phải tự mình giải đáp hết mọi thắc mắc cho mình. Không hiểu nghĩa một từ nào đó: tự tra từ điển lấy. Không hiểu ý nghĩa một hình tượng, một chi tiết nào đó: tự đoán lấy. Không có ai để hỏi. Khác với cảnh đối thoại bình thường, người nói ở gần, ngay bên cạnh, có thể nhờ giải thích thêm, nhờ xác minh lại, trong việc đọc, tác giả hoàn toàn xa lạ, hoặc không xa nhưng lạ, hoặc không lạ nhưng xa, hoặc đông hơn, đã tiêu diêu đâu đó tận miền cực lạc nào. Khác với ngôn ngữ trong thư từ, lời nhắn, thông báo bao giờ cũng đơn nghĩa, ngôn ngữ của thơ hay văn học nói chung chứa đựng nhiều ẩn dụ, hoán dụ mơ hồ và nói như Cleanth Brooks, đầy nghịch lý (11), khiến người đọc càng dễ hoang mang, ngờ vực, thiếu tự tin, do đó, càng thấy “bơ vơ” hơn.

Hoàn cảnh khác, quan hệ khác, do đó bản chất của thơ hay văn học nói chung - một thứ ngôn ngữ gián tiếp - sẽ khác hẳn lời nói trong các cuộc đối thoại thông thường cũng như các loại ngôn ngữ thực dụng khác.


Chú thích:
1.      Balakian, A. (1992), The Fiction of the Poet, from Mallarmé to the Post-symbolist Mode, Princeton University Press, Princeton, tr. 16.
2.      I.A. Richard (1960), Principles of Literary Criticism, Routledge & Kegan Paul, London (in lần đầu năm 1924).
3.      Wheelwright, R. (1954), The Burning Fountain: A Study in the Language of Symbolism, Indiana University Press, Bloomington.
4.      Shklovsky, V. (1917), "Art as technique", in lại trong Russian Formalist Criticism, Four Essays, Lee T. Lemon và Marion J. Reis dịch, University of Nebraska Press, Lincoln, tr. 3-24.
5.      Ducrot, O. và Todorov, T. (1972), Dictionaire encyclopédique des sciences du langage, Seuil, Paris (bản dịch tiếng Anh của Catherine Porter,Encyclopedic Dictionary of the Sciences of Language, Johns Hopkins University Press, Baltimore, 1979), tr. 333.
6.      De Man, P. (1971), Blindness and Insight: Essays in the Rhetoric of Contemporary Criticism, Oxford University Press, New York, tr. 17.
7.      Scherzer, D. (1986), Representation in Contemporary French Fiction, University of Nebraska Press, tr. 1-2.
8.      Jakobson, R. (1987), Language in Literature, do Krystyna Pomorska và Stephen Rudy biên tập, The Belknap Press of Harvard University Press, Cambridge, tr. 62-94.
9.      Culler, J. (1975), Structuralist Poetics: Structuralism, Linguistics and the Study of Literature, Cornell University Press, tr. 161-188.
10.   Nguyễn Tuân (1982), Tuyển tập, tập 2, Văn Học, Hà Nội, tr. 369-370.
11.   Brooks, C., "The Language of Paradox", in trong tập The Language of Poetry, Allen Tate biên tập, Russell & Russell (in lần 2), New York, 1960, tr. 37-61.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến