CÓ THỰC NGƯỜI VIỆT NAM YÊU THƠ? - Nguyễn Hưng Quốc

CÓ THỰC 
NGƯỜI VIỆT NAM YÊU THƠ? 

Không ai có thể phủ nhận các sự kiện là người Việt ai cũng ít nhiều làm thơ, nơi nào cũng in thơ và ở đâu cũng có thơ; cả lịch sử văn học cổ điển chủ yếu là lịch sử thơ. Tất cả đều có thật. Và quá hiển nhiên.

Nhưng, dù vậy, tôi vẫn nghi ngờ cái kết luận cho dân tộc Việt Nam là một dân tộc thi sĩ.

Theo tôi, đó chỉ là điều phóng đại, hoặc đúng hơn, một sự ngộ nhận. Sự thật, người Việt Nam rất rẻ rúng thơ.

Thích làm thơ không có nghĩa là yêu thơ, càng không có nghĩa là coi trọng thơ.

Thử lấy một ví dụ: có phải những thanh niên trong số yêu nàng, bao nhiêu người làm thơ mà Nguyễn Nhược Pháp kể trong bài “Sơn Tinh Thuỷ Tinh” đều là những kẻ thực sự yêu thơ chăng?

Không đâu. Thơ, trong trường hợp này, cũng tương tự hoa cúc và lá sân trường đối với người con trai trong thơ Nguyên Sa mà thôi: giả dụ người nữ sinh anh yêu bỗng dưng thay màu áo, không mặc áo vàng hay áo xanh nữa, hẳn tình cảm của anh đối với hoa cúc và lá sân trường sẽ phôi pha ngay tức khắc (1). Không ai nói Kiều Nguyệt Nga yêu hội hoạ, dù nàng từng vẽ chân dung Lục Vân Tiên, vẽ đẹp và vẽ đúng, sau một cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngắn ngủi. Điều này hoàn toàn chính xác: Kiều Nguyệt Nga chỉ yêu Lục Vân Tiên.
Rồi hiện tượng đọc thơ cũng vậy. Nhớ hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương:

Anh ơi, từ buổi tình sâu nặng
Em thuộc gì đâu, chỉ thuộc thơ!
(Đi thi)

Người con gái ấy yêu thơ lắm? Chưa chắc. Chị chỉ yêu cái tình yêu của chị, từ đó, chị say mê tìm kiếm những lời đồng điệu từ tác phẩm của người khác để có lẽ, một là, tìm ra cách diễn tả tâm sự của chính mình; hai là, tìm một sự cảm thông, chia sẻ.

Trong cả hai trường hợp làm thơ và đọc thơ vừa kể, người ta chỉ coi thơ như một phương tiện hầu đạt đến một cái gì khác, ngoài thơ, không phải thơ. Làm sao có thể gọi đó là lòng yêu thơ được? Một tình yêu thực sự không thể chấp nhận hành động hay thái độ biến đối tượng được yêu thành một phương tiện.
Ngay cả những nhà thơ chuyên nghiệp, những người, nói như Ngô Thì Sĩ, mắc “bệnh nghiện thơ”, làm thơ rất nhiều, rất đều, và trong họ, có kẻ làm thơ rất hay, tiếng tăm lừng lẫy, vẫn không thoát khỏi thói quen coi thơ chỉ như một phương tiện.

Gọi là thói quen có lẽ không chính xác. Còn hơn là một thói quen, nó là một truyền thống kiên cố và đầy tự giác, được đúc kết thành hệ thống lý luận xuyên suốt toàn bộ lịch sử văn học Việt Nam thời trung đại, tức là từ thế kỷ 10 đến cuối thế kỷ 19. Đó là quan điểm văn dĩ tải đạo (dùng văn để chở đạo) và thi ngôn chí (thơ để nói chí). Cả hai đều được vay mượn từ Trung Hoa.

Ở Trung Hoa, hai quan điểm này khác nhau khá xa ở xuất xứ, đối tượng và nội dung: trong khi quan điểm thi ngôn chí xuất hiện rất sớm, ngay thời cổ đại, chỉ nhắm đến thơ và nhấn mạnh đến yếu tố bên trong, yếu tố chủ quan của nhà thơ: chí; quan điểm văn dĩ tải đạo chỉ ra đời từ đời Tống, chủ yếu là từ Chu Đôn Di (1017-1073), nhắm đến toàn bộ sinh hoạt văn học nói chung và nhấn mạnh một yếu tố bên ngoài: đạo.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, một là do trong thời gian rất dài không có sự phân biệt giữa thơ và văn; hai là do Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá đời Tống, lúc Nho giáo đang cực thịnh và đã hoá thành công thức, cách hiểu khái niệm “chí” rất hạn hẹp, chỉ là khát vọng sống đúng với đạo lý của thánh hiền (chí ư đạo), bởi vậy, chí và đạo là một, thi ngôn chí và văn dĩ tải đạo chỉ là một. Lê Quí Đôn viết: “Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là Đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không thì hỗn loạn (2). Nguyễn Văn Siêu tự hỏi: “thế nhưng thế nào là đạo?”, rồi tự trả lời: “đó là cái tâm ta sẵn có” (3). Cái mà tâm ta sẵn có tức là chí.

“Đạo” là một khái niệm khá mơ hồ trong nền triết học Đông phương. Một cách vắn tắt, nó có hai nghĩa: một là những nguyên lý, những quy luật tiến hoá của vũ trụ và vì vũ trụ và con người có quan hệ mật thiết với nhau, do đó, nó cũng là những quy luật vận động của lịch sử và đặc biệt, những nguyên tắc hành xử của con người nói chung; hai là những con đường thánh nhân và tiền nhân đã đi. Cách hiểu thứ nhất dẫn đến việc coi thơ văn là để nói cái chung, cái phổ quát, việc đề cao cái nhìn siêu cá thể trong văn học. Cách hiểu thứ hai dẫn đến tinh thần nệ cổ, phục cổ và từ đó, hình thành vô số những quy phạm cứng nhắc câu thúc giới cầm bút.

Dù hiểu theo nghĩa nào thì quan điểm văn dĩ tải đạo và thi ngôn chí cũng đều phủ nhận tính chất độc lập và giá trị tự tại - dù một cách tương đối - của văn học. Chức năng giáo dục lấn át chức năng giải trí. Giá trị đạo đức khuynh đảo giá trị thẩm mỹ. Làm thơ, viết văn không phải là để tìm kiếm cái Đẹp mà là để khẳng định một điều được coi là đúng và tốt.

Văn thơ, do đó, chỉ được coi là phương tiện để thể hiện đạo, hơn nữa, còn là phương tiện thứ yếu. Trong bảng giá trị ngày xưa, lập ngôn - tức văn học hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả học thuật - chỉ được xếp ở hàng thứ ba, sau lập công và lập đức. Trương Đăng Quế có tập thơ mang tựa đề khá tiêu biểu Học văn dư tập, nghĩa là tác phẩm được hoàn thành trong những thì giờ thừa còn lại sau khi đã làm tròn các bổn phận đối với xã hội. Trong văn học, thơ được xếp ở bậc cuối cùng: “trên thì chương sớ, tấu nghị; thứ thì trước thuật, khảo luận; thứ nữa thì ngâm vịnh thơ ca” (4).

Dù đã bị sắp vào hạng bét trong hệ thống thể loại văn học, thơ vẫn tiếp tục bị phân biệt thành nhiều thứ hạng khác nhau, trong đó, loại thơ chỉ nhắm đến cái đẹp hình thức, tức loại, nói theo chữ của Nguyễn Văn Siêu, chỉ “chuyên chú ở văn chương” (5) bị coi là thấp nhất. Chả trách gì Ngô Thì Sĩ, sau khi tự nhận mình “mắc bệnh nghiện thơ”, dường như có chút thẹn thùng, phân bua tiếp: “nghiện thơ vẫn hơn là nghiện cái khác” (6). Chả trách gì Nguyễn Huy Tự, sau khi dựa theo Đệ bát tài tử Hoa tiên ký của Trung Hoa viết quyển truyện thơ Hoa Tiên nổi tiếng, về già bỗng hối hận, nói với con cháu: “Xưa, ta đọc lầm, loại sách ấy có thể di hại đến tính tình”. (7)

Có thể nói, mặc dù làm thơ nhiều, cha ông chúng ta ngày xưa chỉ yêu đạo, yêu chí, yêu cái tâm thành của mình đối với đạo mà thôi. Thơ được dùng chỉ vì đó là một thứ công cụ thích hợp và hữu hiệu. Thân phận của thơ cũng giống thân phận một người vợ bé được lấy chỉ vì mục đích có con thừa tự. Đó là cuộc hôn nhân nhiều âu yếm mà lại thiếu tình yêu, bởi vậy, không hiếm bẽ bàng: hầu hết các nhà thơ lớn đều day dứt trong lòng cái mặc cảm là mình điên, mình ngông, mình dại, mình là thứ... vô tích sự.

Thái độ rẻ rúng thơ như thế kéo dài mãi đến đầu thế kỷ 20 với mức độ có khi còn trầm trọng hơn. Việc mất nước một cách quá nhanh chóng trước sức mạnh kỹ thuật hùng hậu của thực dân Pháp khiến mọi người sững sờ, kinh ngạc. Loay hoay tìm kiếm nguyên nhân, người ta, thoạt đầu, đổ tội cho sự bất lực của triều đình, sau, cho hệ thống giáo dục lạc hậu, chỉ trọng từ chương, sau nữa, đổ tội cho văn chương bát cổ, văn chương cử tử và sau cùng, đổ tội cho thơ ca. Khát vọng cứu nước và duy tân càng lớn, óc thực dụng càng nặng. Văn học chỉ được thừa nhận trong chừng mực nó góp phần thúc đẩy quá trình giải phóng dân tộc hoặc hiện đại hoá đất nước. Đó là lý do tại sao Phạm Quỳnh coi thơ cũng như kịch, tiểu thuyết chỉ là thứ “văn chương chơi […] không có ích gì cho việc truyền bá sự học” (8). Nguyễn Bá Học còn khe khắt hơn, cho “thơ phú ca dao... những lối ngâm hoa vịnh nguyệt dù hay cho quỷ khốc thần kinh cũng không đáng một đồng tiền kẽm” (9).

Quan niệm này có ảnh hưởng ngay đến Tản Đà, nhà thơ xuất sắc nhất thời ấy, khi ông tự chia tác phẩm của mình thành hai loại: “Có văn có ích, có văn chơi” (Lo văn ế). Văn chơi ở đây chủ yếu là thơ. Cho nên, mặc dù làm thơ cực hay, Tản Đà vẫn cứ loay hoay mãi với cái thuyết Thiên lương lẩm cẩm của ông:

Hai chữ “Thiên lương” thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong.
(Tiễn ông Công lên trời)

Như vậy, bạn thấy không, người Việt Nam đâu có thực sự yêu thơ?


Chú thích:
1. Thơ Nguyên Sa, trong bài “Tuổi mười ba”:
Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường…
2. Nguyễn Minh Tấn (chủ biên) (1981), Từ trong di sản, nxb Tác Phẩm Mới, Hà Nội, tr. 98.
3. Như trên, tr. 125.
4. Lời của Nhữ Sĩ Bá, trích từ Nguyễn Minh Tấn, sđd, tr. 136.
5. Trích từ Nguyễn Minh Tấn, sđd, tr. 125.
6. Như trên, tr.62-63.
7. Dẫn theo Nguyễn Duy Quý (1994), "200 năm danh nhân văn hoá Nguyễn Huy Tự", Tạp chí Văn Học (Hà Nội), số 2/1994, tr. 2.
8. Dẫn theo Thanh Lãng (1972), Phê bình văn học thế hệ 1932, tập 2, Phong trào văn hoá xuất bản, Saigon, tr.81.
9. Như trên, tr. 80.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến