ĐOẠT & ĐẠT
ĐOẠT & ĐẠT
Đoạt và đạt là hai từ Việt gốc Hán, có hai nghĩa khác nhau, không thể hoán đổi vị trí cho nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có một lỗi khá phổ biến, đó là người ta không phân biệt được nghĩa của đoạt và đạt; thường lấy đạt để thay cho đoạt, dẫn đến chuyện ngược đời, là chữ đoạt thường bị chữ đạt “tiếm ngôi”, “đoạt quyền”. Ví dụ, đáng lẽ phải viết là đoạt giải nhất, đoạt giải nhì,… thì người ta lại viết là đạt giải nhất, đạt giải nhì...Điều đáng nói là cái sai này xuất hiện rất phổ biến trên sách báo, trong các loại giấy tờ, văn bản, quyết định, tổng kết, báo cáo… mang tính chính thống của nhà nước.
Ví dụ, trên báo chí: “Quỳnh là học sinh giỏi trong suốt tám năm, từng đạt giải ba môn Lịch sử cấp thành phố”; “Thương ngày nắng về […] Đài THVN, đạt giải Vàng”; “Lưới trời - Truyền hình Vĩnh Long, đạt giải Bạc”; “Trường THPT Chuyên Bắc Kạn khen thưởng các em đạt giải trong Kỳ thi”; “…gặp gỡ, giao lưu với các tác giả nhiều năm liền đạt giải cao”…
Sách xuất bản: “Những bài văn đạt giải Quốc gia” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội); “Những bài văn đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh – thành phố toàn quốc” (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội)…
Bây giờ, chúng ta thử xem từ điển định nghĩa thế nào về hai từ “đoạt” và “đạt”.
Về từ “đoạt”:
-Hán ngữ đại từ điển (La Trúc Phong chủ biên - Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã - 1993) giảng: “đoạt: giành được trong cuộc tranh đoạt; dùng sức lực giành được chiến thắng.” [đoạt: cạnh tiên thủ đắc, tranh thủ đáo-奪: 競先取得,爭取到] .
Về từ “đạt”:
-Hán ngữ đại từ điển (sách dã dẫn): “đạt: đến được địa điểm, hoặc một giai đoạn nào đó; đạt tới, hoàn thành, đạt được.” [đáo đạt; đạt đáo-到達;達到].
![]() |
Sách của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Ở đây, đáng lẽ dùng "đoạt giải", thì tác giả lại dùng "đạt giải" |
Theo đây, để không nhầm lẫn khi sử dụng từ đoạt và đạt, chúng ta cần ghi nhớ:
-Với GIẢI, trong đó có sự cạnh tranh, thi thố, thì phải dùng từ ĐOẠT: đoạt giải, đoạt chức vô địch; đoạt ngôi vô địch; Đoạt giải Nhất thi Toán toàn quốc….
-Với ĐẠT, chỉ sự cố gắng phấn đấu, đến được đích, hoặc đáp ứng đủ tiêu chuẩn, tiêu chí nào đó, và được khen thưởng, công nhận bằng danh hiệu nào đó. Những danh hiệu này thường không bị hạn chế về số lượng, không có sự cạnh tranh trực tiếp, miễn sao đáp ứng được tiêu chí của bên tổ chức đề ra. Ví dụ: Đạt danh hiệu học sinh tiên tiến (Cứ điểm tổng kết từ 8 trở lên là “đạt”); A là học sinh đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp THPT (Từ 9 trở lên được gọi là “điểm cao”); Đạt chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao (đáp ứng tiêu chí về chất lượng, mẫu mã…)…
![]() |
"Đạt điểm cao" và "đoạt giải" Ảnh: HTC |
HTC
Nhận xét
Đăng nhận xét