PHAN BỘI CHÂU

 Giai thoại

PHAN BỘI CHÂU

  Phan Bội Châu 潘佩珠 (1867 – 1940) tên thật là Phan Văn San, tự là Hài Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Kinh Tử, Việt Điểu, Hàn Mãn Tử, v.v... Ông sinh tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. 

   Đỗ đầu xứ tỉnh Nghệ, thi hương mấy khoa đều hỏng, mãi đến năm 34 tuổi (1900) mới đỗ giải nguyên; liền sau đó, ông quay sang hoạt động chính trị.  
  Ông là một nhà cách mạng Việt Nam trong phong trào chống Pháp. Ông đã thành lập phong trào Duy Tân hội và khởi xướng phong trào Đông Du.
1/
Ăn ngô, hái thị

  Tương truyền ông rất thông tuệ, khoảng 8, 9 tuổi đã làm được những bài văn ngắn và thường dự những cuộc thi ở phủ, huyện. Năm lên 6, nhân có đĩa bắp (ngô) bưng lên mời khách, khách ra câu đối: 

- Ta ăn ngô (ngô là bắp ngô mà lại có nghĩa là ta)
  Ông đối liền:
- Họ hái thị (thị là quả thị mà cũng có nghĩa là họ)
2/
Một cũng đủ rồi 

  Phan Bội Châu hồi còn trai trẻ, có lần sang làng Xuân Hồ hát ví phường vải, bị bên gái hỏi như sau:

Sách rằng Nghiêu hữu cửu nam,
Biết Đan Chu là một, hỏi tám chàng tên chi? 

   Phan vò đầu vò tai mãi mà không biết trả lời ra sao; vì khi học Bắc sử chỉ thấy sách chép rằng vua Nghiêu có chín con trai, người con đầu là Đan Chu, chứ tám người sau có thấy ghi tên đâu. 

 Sau bí quá, Phan đành phải tìm cách đánh trống lảng vậy; bèn láu lỉnh vặn lại rằng:

Các em là phận nữ nhi,
Một Đan Chu cũng đủ, hỏi mần chi những tám người?
 

  Thế là Phan đã chuyển bại thành thắng, chẳng những gỡ được thế bí mà còn quay lại tấn công nữa, làm cho cô nào cô nấy thẹn chín người . Và rồi lại đến lượt chính các cô đâm ra lúng túng không tìm được câu trả lời.
3/
Nghe thơ đoán người

    Năm Nhâm Tý (1912) sau khi hội Việt Nam Quang phục được  thành lập, nhiều người trong nước sang tìm Phan Bội Châu ở Quảng Đông, bàn với ông rằng muốn cuộc vận động cách mạng trong nước có kết quả tốt , cần có nhiều cuộc bạo động gây tiếng vang kinh thiên động địa để kích thích lòng người. Ông cho là phải, và quyết định tìm người đủ can đảm và nhiệt tình để làm “cái công việc của Trương Tử Phòng và An Trọng Cẩn” (Muốn nói việc trừ khử những tên trùm hại nước, như việcTrương Tử Phòng người nước Hán sai lực sĩ định trừ khử Tần Thủy Hoàng và An Trọng Cẩn người Triều Tiên, ám sát viên tổng giám Nhật Bản ở Triều Tiên). Nguyễn Hải Thần và Đặng Tử Vũ đón biết ý ông liền xung phong xin đi làm nhiệm vụ ấy ở hai sứ Bắc kỳ và Trung kỳ. Ông đang tìm một người thứ ba nữa cho Nam kỳ, thì không có ai xung phong. Duy có một người tên là Bùi Chính Lộ, vừa vượt ngục ở trong nước, chân ướt chân ráo trốn sang là biết rõ tình hình trong Nam. Phan Bội Châu liền chỉ định Bùi đi Nam kỳ. Khi ra đi, Nguyễn Hải Thần và Đặng Tử Vũ đều có thơ lưu biệt, duy chỉ có Bùi Chính Lộ là lầm lì không nói năng gì. 

 Thơ của Nguyễn Hải Thần có câu:

Thành tam thập tải bình sinh chí,
Phát tứ thiên niên lịch sử quang
.
Nghĩa là:
Thỏa chí bình sinh ba chục tuổi
Sáng trang lịch sử bốn nghìn năm.


Đặng Tử Vũ làm thơ nôm có câu:
Đỉnh chung vứt lại cho ai cả.
Bảo kiếm mang theo trả nợ đời.


 Phan Bội Châu nghe xong mấy câu thơ thì có vẻ không bằng lòng. Ông cho rằng một người vừa huênh hoang vừa tham danh vọng (Nguyễn Hải Thần), một người còn luyến tiếc lợi lộc cá nhân (Đặng Tử Vũ), ông định không để cho họ đi nữa, nhưng vì việc gấp rút quá rồi, vả lại cũng không còn tìm ra ai được nữa, nên rút cuộc làm lơ. 

  Quả nhiên hai người về đến Bắc kỳ và Trung kỳ thấy bọn mật thám hoạt động ráo riết quá, thì khiếp sợ, chẳng dám làm gì, chẳng qua phung phí hết số tiền lớn mang theo, rồi cuối cùng cũng chỉ giết được một tên tuần phủ già và hai viên sĩ quan Pháp đã về hưu trí trong một khách sạn nọ. 

 Còn Bùi Chính Lộ đi đường Thái Lan – Khơ Me, vừa mới đến Băng Cốc thì bọn chó săn đánh hơi, theo riết không rời một bước. Ông tìm đủ trăm phương nghìn kế để bứt mình ra khỏi nanh vuốt của chúng nhưng vẫn không xong. Cuối cùng trong một phút phẫn uất, ông rút hai quả tạc đạn ném chết hai thằng mật thám, rồi mới để chúng bắt. Và sau đó, khi chúng dẫn đến nhà lao, thì ông liền tự sát.
4/
Hai hồn thơ lớn gặp nhau

 Tương truyền khi Phan Bội Châu bị an trí ở Huế, cụ có thành lập một thi xã  lấy tên là “Mộng Du thi xã” để xướng họa thơ phú làm vui . Bấy giờ nhà thơ Hàn Mặc Tử hiệu Phong Trần đang sống ở Quy Nhơn, có gửi đến Mộng Du thi xã 3 bài thơ để góp vui, đồng thời gửi gắm tâm sự của nhà thơ. 

 Trong đó có bài nhan đề “Đêm không ngủ”, nội dung như sau:

Non song bốn mặt ngủ mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn. 

  Cụ Phan đọc thơ Hàn Mặc Tử rất mến phục tài năng của nhà thơ, cụ có lời nhận xét rằng: 

 “Tôi về nước đến nay, được xem nhiều văn thơ quốc âm, song chưa được bài thơ nào hay đến thế . Hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau, cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn thơ đó” 

 Rồi cụ Phan lần lượt họa lại cả ba bài thơ của Hàn Mặc Tử. Bài “Đêm không ngủ” được họa lại nguyên vận như sau:

Chợi lợi vườn danh tí chẳng màng
Sao ăn không lọt ngủ không an
Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn
Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng
Mưa gió bao phen gốc chẳng tàn.

   Dư luận đương thời đọc thơ hai người đều ngợi khen, cho đó là những lời tâm sự của hai hồn thơ lớn đầy tâm huyết với non sông đất nước.
5/
Nam Đàn tứ hổ là đây 

  Phan Bội Châu còn có tên là Phan Văn San, đỗ đầu xứ và nổi tiếng về tài năng uyên bác, mẫn tiệp cùng với ba người  bạn học cùng quê ở huyện  Nam Đàn tỉnh Nghệ An là Nguyễn Đình Sang, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý được gọi là “Nam Đàn tứ hổ”. 

  Một lần “tứ hổ” tham gia hát ví, có cô gái trong phường vải hát lên một câu rằng:

Nam Đàn tứ hổ là ai?
Nói cho em biết để mai em chào!

Câu hỏi quá dễ, nhưng trả lời được ngay cũng là chuyện không đơn giản. Hơn nữa, làm sao mà trong hai câu lục bát kể được tên cả bốn người. Ấy vậy mà Phan Bội Châu đã ứng tác, đáp lại ngay bằng một giọng xuề xòa, thân mật:

Nam Đàn, tứ hổ là đây
San, Sang, Lương, Quý một bầy bốn anh!


 Một bầy bốn anh! Chỉ có chàng trai Phan Bội Châu tinh nghịch và thân quen với các cô gái tài hoa mới dám nói năng như vậy. Vì “bốn anh” này, đều là những nho sĩ nổi tiếng ở Nam Đàn, ai cũng phải kính trọng . Phan Bội Châu dám gọi họ là “một bầy”, lại còn ngụ ý tự hào về quê hương Nam Đàn văn vật của mình: người giỏi có đến mấy bầy, mấy đống. 

 Thế là nhờ tài mẫn tiệp của chàng Phan mà nhóm “Nam Đàn tứ hổ” khỏ bị bẽ mặt với các cô phường vải hôm ấy.
6/
Trời xanh còn hãm anh hùng 

  Tương truyền có lần Phan Bội Châu thi hỏng về, bỏ sang phường vải Nam Kim để hát cho khuây khỏa, vì ông rất mê loại ca hát dân dã này. Có cô gái biết là ông đương ức vì không đỗ, liền hát trêu rằng:

Nghe chàng ứng thí mới về,
Bài ra nặng nhẹ quyển đề làm sao?


 Đang bực vì thi hỏng, nghe hát như vậy, Phan Bội Châu liền lấy việc các o vẫn mong chuyện "võng anh võng nàng" ra để hát giễu lại như sau:

Ơ tề (ơ kìa) ngồi rứa không lo
Người ta chị tú cô nho ơ tề!

  Các cô không chịu kém, tức thì hát trả lời ngay:

Ơ hay ngồi rứa làm sao
Chờ cho tuấn kiệt anh hào ra tay

  Bấy giờ Phan mới trả lời câu hỏi ghẹo lúc ban đầu:

Hỏi ta ta cũng tạ lòng
Trời xanh còn hãm anh hùng chút chơi …

  Đến đây thì các o đã hiểu chí lớn của Phan, không ai còn hát chọc ghẹo gì ông nữa.
7/
Chị em cất gánh sơn hà

  Phan Bội Châu tham gia hát phường vải, đến đâu cũng được các phường quý mến. Tên tuổi ông lừng lẫy và chắc chắn ông đã được … lọt vào mắt xanh của nhiều cô. Ông đến đâu là họ hát mừng ông đến đó,mừng mà có gợi ý nhắn nhủ  , gợi ý yêu thương. Một lần, các cô ở phường vải Yên Quả hát:

Ầm ầm nghe tiếng ong san
Chị em cất gánh lên ngàn tìm hoa

“Ong san” có nghĩa là ong san tổ, tiếng địa phương hát ong san, nghe như ông San. Ở quê nhà, Phan Bội Châu vốn tên là Phan Văn San. Hát như vậy là trân trọng ông vô cùng, và cũng có phần khêu gợi. Nhưng Phan Bội Châu để ý đến tình dân tộc, đến nhiệm vụ cứu nước nhiều hơn là để ý tình riêng. Ông hát đối lại, chuyển ngay thành chủ đề yêu nước:

Chị em cất gánh sơn hà
Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam

 Hai câu này ông San đã dựa theo hai câu trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát để hát. Đó nguyên là hai câu trong đoạn nói về Bà Triệu:

Cũng toan cất gánh sơn hà
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam
.
8/
Làm thơ dựa ý ca dao 

   Một lần Phan Bội Châu cùng bạn là Vương Thúc Quý đi chơi, đến một đoạn đường, hai người cùng nghe câu hát vẳng lên:

Vai mang khăn gói qua sông
Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng cứ theo.


  Hai ông thách nhau, dựa vào ý của câu ca dao ấy mà làm thơ, mỗi người làm một bài hay chỉ vài câu cũng được. Vương Thúc Quý làm trước, đọc rằng:

Giang sơn một gánh tình chưa vẹn
Ân ái đôi bên lẽ khó tròn

 
   Phan Bội Châu thì đọc:

Khoan khoan chờ với ơ ông lái
Huơ huớ van chi rứa mẹ già

  Vương Thúc Quý vỗ vai bạn:
- Ông có thể đi xa, vì nghĩa cả mà làm việc lớn, còn tôi thì khó dứt nhà đi đâu được.
 Một  lần khác, Phan Bội Châu cùng ông bạn là Cử Thụy đến chơi nhà ông Tú Quýnh. Cả mấy người đang ngồi trà nước thì nghe bên hàng xóm, một bà mẹ đang khuyên bảo cô con gái, rồi bà kết luận bằng câu tục ngữ:

Đừng chê mất lề con gấy (con gái)
Chê rồi lại lấy, bất quá đừng chê


  Mấy ông nghe bật cười, bảo nhau dựa vào ý câu tục ngữ ấy mà làm thơ. Ông cử Thụy đọc trước:

Rứa cũng khăng khăng giữ lấy lề
Đã chê đừng lấy, lấy đừng chê
Nói lên rồi lại quên liền đó
Chẳng nhớ lời tê tới bữa tê.

Còn Phan Bội Châu thì đọc rằng:

Trơ tráo nhân tình mới bữa tê
Chê rồi lại lấy cũng hay chê


 Chỉ mới nghe ông Phan đọc hai câu, cả hai ông cử, tú kia đều đứng dậy, chấp tay xin nhận thua. Tú Quýnh thì vỗ đùi: Trơ tráo! Trơ tráo! Chữ dùng đến thế thì nghiêm khắc, sắt đá vô cùng! Cử Thụy thì bình phẩm: ông sẽ là người chung thủy suốt đời với một chí hướng đã vạch ra từ ban đầu dù gian nan vất vả đến đâu cũng không thay đổi. 
9/
Mặc ai khanh tướng công hầu 

 Tại một cuộc hát phường vải ở làng Kiện Liên, có Phan Bội Châu tham dự, một cô gái hát lên:

Nhất vui thơ túi, rượu bầu
Biết ai khanh tướng, công hầu là ai!


 Câu hát kể cũng bình thường. Người hát chỉ muốn xem trong hàng ngũ tao nhân mặc khách đến vui chơi, ai là người mai sau sẽ gặp hội công danh. Thế nhưng lúc bấy giờ, đất nước đang ở trong vòng nô lệ, nghĩ chuyện công danh để vinh thân phì gia thì lại là kẻ thiếu tâm huyết. Cho nên, trả lời không khéo thì dễ bị coi thường. Vả chăng, chí hướng bình sinh của cậu Tú San là cứu nước, cứu dân, nên Phan đã đáp lại câu hát trên như sau:

Mặc ai khanh tướng công hầu
Dưới thành luống những muốn câu cá kình

  Cô gái phục lắm, liền hát một câu ca ngợi rằng:

Rõ ràng cốt cách trượng phu
Nước non luống dậy cơ đồ có phen

 Nghe đâu ở địa phương Nam Đàn, người ta còn nhớ tên cô gái tác giả những câu hát trên.
10/
Câu hát đoán tên 

   Chuyện rằng ở làng Hữu Bằng, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) có ông Cửu Thiện vốn tự đắc là người thông thái, nhiều chữ nghĩa điển tích. Nghe tin bên Nam Đàn có Phan Bội Châu nổi tiếng hay chữ liền tìm đến để thử tài. Khăn gói trên vai, ông đến vùng này đúng vào một đêm hát phường vải, có Tú San (Phan Bội Châu) tham dự. Cửu Thiện vào cuộc giữa sự ngạc nhiên của mọi người. Thường tình thì phường bạn người ta thường quen nhau, nếu có mời được “thầy dùi” nào thì sớm muộn cũng có tin thóc mách. Đằng này, Cửu Thiện từ dáng người đến giọng nói đều xa lạ. Phe bên nữ liền hát ngay một câu:

Tối tăm biết trúc là mai
Biết đào là liễu, biết ai mà chào!


   Theo lệ, thế nghĩa là người ta đòi hỏi phải xưng danh trước đã, có lẽ cũng đúng vào bản ý của Cửu Thiện. Ông đã có chuẩn bị trước để đối phó với tình huống này, mà phải đối phó một cách hiên ngang, vừa tự giới thiệu mình, vừa dồn đối phương vào chỗ bí. Cửu Thiện ung dung hát lên một câu như sau:

Đào nguyên một giải thanh thanh
Tiền Triều đã định, liên thành còn in

  Hát cái gì lạ vậy? Các bạn phường vải ngơ ngác đã đành, mà các thầy nho sĩ tham dự đêm hôm ấy cũng lúng túng, ngỡ ngàng. Mọi người nhìn dồn cả vào cậu Tú San, lúc ấy cũng đang suy nghĩ. Lát sau, đột nhiên cậu Tú mỉm cười, gật đầu, rồi khẽ lẩm nhẩm câu thơ bên tai một chị vẫn nổi danh tốt giọng. Chị bạn hào hứng hát lên rằng:

Hương Sơn là chốn quê nhà.
Phải tên danh Bích có là đúng chăng?


  Nghe xong Cửu Thiện giật mình, không ngờ câu hát của ông đã dụng ý dùng điển tích sâu xa, lấy tài liệu ở riêng địa phương mình, người ngoài khó lòng hiểu được, thế mà Phan Bội Châu vẫn luận ra, chỉ trong chốc lát. Đào Nguyên là một tên gọi khác của sông Ngàn Phố, thuộc huyện Hương Sơn. Tiền Triều cũng là một địa danh cũ. Nếu không đọc sách huyện chí địa phương thì không thể nào biết được. Lại còn chữ “liên thành”. Dụng ý của Cửu Thiện là mượn chữ trong sách cổ “liên thành vi bích” (ngọc bích là ngọc liên thành). Phan Bội Châu vạch đúng thành ngữ ấy, lại dùng chữ tên “danh Bích” cũng có ý sách mé đối chút. Đúng đó là tên trong sổ bộ của Cửu Thiện.
  Ông Tú San hay chữ nhất nước! Điều đó quả thực hôm nay Cửu Thiện mới được chứng kiến rõ ràng. Cả đám phường vải, làng văn làng nho Nam Đàn lâu nay vẫn biết thế rồi, mà đến bây giờ lại càng tự hào thêm về người đồng hương của họ. Nghe nói, tiếp đó, Cửu Thiện đã nài nỉ xin gặp cho được Phan Bội Châu để theo về đến tận nhà, trò chuyện hỏi han suốt đêm cho thỏa lòng khao khát.
11/
Thơ tặng người đồng cảnh 

   Phan Bội Châu tuy học giỏi, nhưng đi thi lại rất long đong. Phải sáu lần thi hương mới được tên treo trên bảng. Chính vì vậy, nên đối với những người cùng hoàn cảnh, ông rất thông cảm. 

  Giai thọai tặng thơ được truyền lại như sau: Bấy giờ có nhà nho Trần Quý Cáp người Quảng Nam, nhà nghèo, học giỏi, mà cứ thi hỏng mấy lần. Khóa Quý Mão (Thành Thái 1903), Cáp vào trường nhất, trường nhì đều ưu cả, nhưng đến trường ba thì trượt. Lúc đó Phan Bội Châu đã đậu giải nguyên rồi, đang ở trường Giám trong kinh. Thấy cảnh ngộ của Trần cũng long đong về đường khoa cử như mình trước kia, Phan Bội Châu bèn tìm đến thăm. Trong lúc đàm đạo, nhân được biết Trần là người khẳng khái có lòng với nước với dân, nên Phan Bội Châu có làm tặng Trần bài thơ như sau:

Ngã tích như quân lệ ám thùy,
Quân kim đối ngã cưỡng khai my.
Túy tinh ngã bối song cuồng nhãn,
Đắc táng nhân gian nhất cuộc kỳ.
Thiên địa hữu tình dung ngã kiện,
Giang sơn vô ngữ tiếu nhân si.
Bằng kim thả chước tôn tiền nguyệt,
Mai ý xung hàn chỉ tự tri.

   Dịch thơ:
Tớ trước như ngươi lệ nhỏ đầy,
Ngươi nay gặp tớ gượng tươi mày.
Bọn ta say tỉnh hai tròng mắt,
Cờ thế hơn thua một cuộc xây.
Trời đất có lòng nuôi sức khỏe,
Non sông không nói mỉa người ngây.
Thôi đành rót rượu cùng trăng uống,
Mai nở mùa đông chỉ tự hay.

   Trần đọc thơ rất cảm khái, tặng lại Phan một đôi câu đối:

Quân dĩ tác Nam du, Vân Lĩnh Hành Sơn tiềm nhĩ;
Ngã tằng văn Bắc địa, Hồng Sơn Lam Thủy hùng tai!


 Tạm dịch:
Bác tới miền Nam, Vân Lĩnh Hành Sơn cao vút;
Tôi nghe đất Bắc, Hồng Sơn Lam Thủy hùng thay!


  Vì Trần Quý Cáp đỗ ba khoa tú tài liên tiếp, theo lệ được vào thi hội cũng như đã đỗ cử nhân, ông đỗ tam giáp tiến sĩ khoa Giáp Thìn (Thành Thái 16, 1904), rồi sớm dấn thân vào con đường cách mạng. Bộ ba Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân ở Quảng Nam theo khẩu hiệu “khai dân trí , chấn dân khí , hậu dân sinh”, chủ trương xu hướng bất bạo động. Phan Bội Châu và Trần Quý Cáp trở nên đôi bạn chí thiết.
12/
Thơ Kiều gởi gắm tâm sự

  Năm 1925, Phan Bội Châu đang hoạt động ở Trung Quốc thì bị bắt đưa về Việt Nam. Vì áp lức đấu tranh của nhân dân cả nước, Pháp không kết án được cụ, phải đưa cụ về an trí ở Huế. Chính quyền thực dân tìm cách mua chuộc, đã cố sức vận động mời cụ ra làm với “Nhà nước bảo hộ”. Họ đề nghị cụ có thể giữ chức cố vấn cho Nam triều hoặc thượng thư bộ Học. Hay nếu cụ không muốn tham gia chính quyền, thì sẽ thu xếp để cụ có thể làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. 

  Cụ Phan là người kiên quyết chống thực dân, chủ trương bạo động. Nhưng đồng thời cụ cũng là người khá rộng rãi trong cách xử xự. Đôi khi cũng dễ tin người. Nhiều đồng chí của cụ và nhiều đồng bào khác biết tính ấy, nên rất sợ cụ nể nang mà nhận lời cầu khẩn trên đây. Dù sao khi đã ra làm việc cũng là hợp tác với chính phủ thực dân, đó là điều có hại cho uy tín của cụ, chưa nói đến khả năng xấu là mắc mưu xảo quyệt của chúng sau này. Vì vậy đã có nhiều thư từ gửi đến xin cụ bảo trọng khí tiết. Nhân dân ở Huế, cử hẳn một đoàn đại biểu đến tận nhà trọ của cụ để biểu lộ niềm tôn kính đối với cụ và bày tỏ lòng dân. 

   Để trả lời chung, cả những người có thư có lời trực tiếp khuyên răn và cả những ý kiến ngoài dư luận, Phan Bội Châu đã gửi gắm tâm sự bằng một bài thơ tập Kiều như sau:

Dù chăng xét tấm tình si
Thiệt đây mà có ích gì cho ai
Vội chi liễu ép hoa nài
Còn thân ắt cũng đền bồi có khi
Sinh rằng : từ thuở tương tri
Tấm riêng riêng những nặng vì nước non
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
Muôn đội ơn lòng!.....


   Mọi người đọc thơ đều yên tâm và cũng rất cảm thông với nỗi khổ tâm của cụ “Tấm riêng riêng những nặng vì nước non”. Bài thơ gửi gắm tâm sự của cụ Phan được truyền bá rộng rãi trong nhân dân Huế đương thời.
13/
Nhuyễn Kiều

 Phan Bội Châu lúc trẻ tục gọi Nho San hoặc Tú San, là người mê Kiều, thuộc Kiều, thường dùng thơ Kiều ứng dụng mọi nơi mọi lúc… 


Chuyện kể rằng, hồi đi hát phường vải, Nho San có nhiều câu ví tập Kiều, mượn Kiều, còn lưu truyền trong dân gian xứ Nghệ

Một cô gái ví trêu một anh hay đánh bạc:

Một tay xây dựng cơ đồ
Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành.

  Nho San đã gà cho anh con trai đáp lại như sau:

Tung hoành bể Sở sông Ngô
Rồi ra xây dựng cơ đồ một tay


  Một cô gái làng Thịnh Lạc hát nhạo một anh hay đi bắt cá đêm dưới sông:

Hỏi anh cơn cớ làm sao
Năm canh cứ lặn dưới rào cả năm?

  Tú San đã gà cho anh chàng đáp lại rằng:

Ra tay giúp nước phò vương
Dễ dò bốn bể, khôn lường lạch sông (1)

(1) Nguyên văn Kiều là rốn bể, nhưng khi tập Kiều, nho San đổi lại là bốn bể

   Sau một thời gian đi xa, Phan Bội Châu về quê vẫn tham gia hát ví. Các cô gái hát mừng:

Mừng chàng nay đã phản hồi
Bấy lâu góc bể chân trời ra sao?

   Chàng Phan đáp lại rằng:

Mừng nay ta được trùng phùng
Cánh hồng tiện gió, vẫy vùng bể khơi.


   Do thuộc Kiều đến độ nhuyễn, nên trong thơ văn Phan Bội Châu sau này người ta vẫn còn thấy nhiều câu phảng phất hơi thơ Kiều:

- Xuân sao xuân khéo bẽ bàng
Non sông điểm ngọc tô vàng cho ai


- Thương ôi trăm sự tại người.
Chữ đồng ai dám ngăn rời chữ tâm 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến