SỰ HỈNH THÀNH CHỮ QUỐC NGỮ
SỰ HỈNH THÀNH
CHỮ QUỐC NGỮ
Theo tên gọi thì đây là chữ để ghi tiếng nước nhà, cách gọi đó là do các nhân sĩ yêu nước đề xuất vì thấy nó dễ học, có lợi cho việc canh tân nước nhà. Thực ra đây là chữ của các giáo sĩ Cơ đốc đặt ra để phiên âm tiếng Việt, để học tiếng Việt nhằm mục đích truyền đạo cho người bản xứ.
Họ từ Châu Âu tới một khu vực có nền văn hóa cao như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Họ không thể đối xử như người Tây Ban Nha với người da đỏ ở Nam Mỹ. Buộc lòng họ phải thích nghi.
Tại Nhật, F.Xavier (1548) đã phiên một quyển giáo lý ra tiếng Nhật. Họ đã in nhiều sách vào cuối thế kỷ 16 như Ngữ pháp tiếng Nhật và Từ vựng Nhật – Bồ tại Nagasaki (1603). Ở Trung Hoa, giáo sĩ người Ý đã dịch Bộ Tứ thư ra chữ La tinh. Chính ông và một giáo sĩ khác đã soạn Từ điển Bồ - Hán (trong đó có chữ Bồ, chữ Hán gốc, chữ Hán phiên âm). Giáo sư người Pháp là Trigault (1626) đã cho in “Âm vận kinh vi toàn cục”, trình bày các phụ âm, nguyên âm, thanh điệu của tiếng Hán và sự kết hợp của chúng.
Như vậy là việc phiên âm tiếng bản địa bằng chữ La tinh nhằm mục đích truyền giáo là hiện tượng phổ biến, mang tính khu vực, chứ chữ quốc ngữ không phải là hiện tượng độc đáo, chỉ có ở Việt Nam như một số người đã lầm tưởng. Mặt khác, cần thấy rằng trong số các giáo sĩ Châu Âu có một số trước khi đến Việt Nam đã từng sống ở Nhật Bản. Việc phiên âm tiếng bản địa không phải là xa lạ với họ. Đương nhiên việc phiên âm này phụ thuộc vào trình độ tiếng Việt của họ. Bước đầu họ phải mò mẫm thử nghiệm. Đấy là chữ quốc ngữ ở giai đoạn manh nha.
Minh chứng cho thứ chữ phiên âm tiếng Việt ở thời kỳ này chỉ có thể tập hợp những bức thư, những bản tường trình lẻ tẻ viết tay bằng tiếng Ý, tiếng Bồ gửi cho cấp trên. Chẳng hạn João Roiz đến Cửa Hàn viết một báo cáo bằng tiếng Bồ gửi về La Mã (1621) trong đó có từ Annam (viết liền), unsai: ông sãi, ungue: ông Nghè (Nghè bộ - chức quan cai trị về địa ba tài chính), Cacham: Kẻ Chàm (Thanh Chiêm, Quảng Nam).
Văn kiện của Gaspar Luis viết từ Macao gửi về La Mã (đề ngày 17/11/1621) thuật lại các việc xảy ra ở miền Nam Việt Nam có những tên riêng như Facfo: Hải phố (Hội An), Tuson: Đà Nẵng, Cachiam: Kẻ Chàm, Noiicman: Nước Mặn (Bình Định) và danh từ chung như Ungue: ông Nghè, Ontrum: ông Trùm. Năm 1626, Gaspar Luis trong bản tường trình hàng năm, viết bằng tiếng La tinh ghi một số địa danh Dinhcham, Cacham, Nuocman, Quanghia, Quinhin, Ranran: Đà Nẵng.
Gaspar d’Amaral, người Bồ được cử đi Nhật năm 1623 sau đến Việt Nam (1630) và ở lại làm trưởng phái đoàn tại Kẻ Chợ (Thăng long). Ông đã viết bản tường trình hàng năm về cho Cha Giám sát các tỉnh Nhật Bản và Trung Hoa (1632).
Ở đây, chữ viết phiên âm đã có dấu ghi thanh điệu như đàng tlão, đàng ngoày, đàng tlân: Đàng Trong, Đàng Ngoài, Đàng Trên (vùng Cao Bằng do nhà Mạc cai trị), Oũ nghè: ông Nghè, nhà phũ: nhà Phủ (mỗi xứ có nhiều nhà Phủ), nhà huyện: nhà Huyện (mỗi Phủ có một số Huyện), đức vương: Đức Vương (thời đó người dân gọi Chúa Trịnh Tráng là Đức Vương), giỗ: giỗ, ngày giỗ, chai: chay, ăn chay, ma chay, chặp: chạp, tháng chạp, Kẻ uạc: Kẻ Vạc (ở gần Kẻ Nộ trong tỉnh Thanh Hóa).
Đến đây kể như chữ Quốc ngữ đã được hình thành. Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn Từ điển Việt – Bồ - La đã có mặt ở Việt Nam từ rất sớm, gần như đồng thời với Gaspar d’Amaral. Ông truyền giáo ở miền Bắc. Sau do Chúa Trịnh trục xuất, ông rời Bắc vào Nam. Truyền giáo được 5 năm (1640 – 1645). Rồi Chúa Nguyễn Phúc Loan cũng cấm đạo, ông đành trở về Châu Âu. Ngoài nhiều bài viết, ông để lại Từ điển Việt – Bồ - La, Ngữ pháp tiếng Việt và “Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tội mà beào đạo thánh Đức Chúa Blời”.
Về Từ điển Việt Bồ La ta sẽ xem xét vị trí của nó sau. Trong Ngữ pháp tiếng Việt có 2 chương trong 8 chương là 1 và 2 giới thiệu về lai lịch các con chữ, về các dấu trên nguyên âm và thanh điệu. Tác giả cho biết:
Về chữ viết như vậy là khá rạch ròi.
Còn trong Từ điển ta sẽ thấy diện mạo của các từ Việt vào thế kỷ 17 (không đơn thuần là cách ghi mà là cách phát âm của thời kỳ đó)
Có nhiều từ không khác ngày nay như: đi đây đi đó, dưa gang, ghen ghét, thơm tho. Có những từ khác cả về cách ghi lẫn cách phát âm: chuầng trâu bò, cớ gì cớ sao, blái giứa (trái dứa), tlả (trả), tlứng (trứng)…
Chữ Quốc ngữ thực sự trở thành một công cụ ghi chép với đầy đủ khả năng ghi phụ âm đầu, phần vần và thanh điệu mà bằng chứng là những tài liệu của Igesico Văn Tín và Bento Thiện, mặc dù thứ chữ phiên âm ấy không giống với chữ viết hiện đại.
Đến đây chữ Quốc ngữ được coi là bước vào giai đoạn hình thành. Từ điển Việt – Bồ - La là một cái mốc để gọi tên một thời điểm trong quá trình tiến hóa liên tục của thứ chữ phiên âm.
Sau thế kỷ 17 có “Sách sổ sang chép các việc” của Philiphê Bỉnh (bản viết tay năm 1822). Cuốn Từ điển Việt – La tinhcủa Pigneaux de Béhaine, trước tưởng rằng bị thất lạc trong một vụ hỏa hoạn ở Cà Mau, may có một bản sao được lưu trữ ở Văn khố Hội Truyền giáo ngoài.
Chữ Quốc ngữ trong từ điển này có những thay đổi cơ bản. Cuốn “Nam Việt Dương hiệp từ vựng” của JL.Taberd xuất bản tại Sérampore 1838 đã có cách ghi gần đúng với chữ Quốc ngữ ngày nay. Vậy mà tác giả đã nói rõ là ông chỉ sửa sang lại, còn bảo lưu cách viết của Pigneaux De Béhaine. Thấy có cách viết gần gũi với chúng ta ngày nay thì thật đáng mừng nhưng giải thích sao về sự đột biến này.
Từ điển Việt – Bồ - La thuộc thế kỷ 17. Từ điển Việt – La thuộc thế kỷ 19. Người viết bài này hiểu rằng giữa hai thế kỷ ấy có một khoảng trống vắng tư liệu cần phải lấp đầy và nếu làm được thì mới giải thích được cặn kẽ những biến đổi kia.
Quả thực trong kho lưu trữ của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris còn bảo tồn được những bức thư của các giáo dân gửi bề trên hoặc ngược lại với niên đại rõ ràng từ 1702 đến 1792. Những tài liệu này đã được công bố trong cuốn sách “Chữ Quốc ngữ thế kỷ 18”(do Đoàn Thiện Thuật sưu tầm và chủ biên, Nxb Giáo dục, 2008).
Về phần vần, xét qua những vần mà ngày nay ghi là ung, ông, ong, ta thấy như sau:
Cách viết của tác giả Việt – Latinh dù sao cũng chỉ là cách viết của một người chứ không phải của tất cả mọi người. Nói như vậy để khỏi ngộ nhận là vào thời kỳ của ông, mọi người đều viết như thế. Bên cạnh ông vẫn có người viết khác, nhưng ông đã chấp nhận một cách thì ông luôn luôn nhất quán, ông làm cho hệ thống chữ viết tiết kiệm và xóa đi được dấu vết của hệ thống chữ Bồ.
Nhưng cách viết của ông còn lâu mới thắng thế được và giành được địa vị độc tôn nếu không được JL Taberd tiếp tay.
Từ điển Nam Việt Dương hiệp Từ vựng ra đời là rất quan trọng. Nó là chỗ dựa cho mọi người muốn học chữ Quốc ngữ. Nó điển chế hóa chính tả và làm cho cách viết của Pigneaux De Béhaine lưu truyền đến ngày nay.
GS Đoàn Thiện Thuật
(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội)
********************************************************************************************************
Trước khi có những đề xuất cải tiến, chữ Quốc ngữ đã được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam vào thế kỷ 19. Nhà cầm quyền cũng có nhiều động thái để thúc đẩy sự truyền bá chữ quốc ngữ như đưa vào quy định bổ nhiệm, thăng tiến cho quan chức hay miễn thuế cho dân ở Nam Kỳ.
Thực hiện:
Diễm Anh - Nguyễn Thảo - Ngân Anh
Nhận xét
Đăng nhận xét