GIÓ ĐƯA THƠ DỞ VỀ TRỜI [2]
GIÓ ĐƯA THƠ DỞ VỀ TRỜI [2]
3.
Khi nhà
thơ được quyền lực sủng ái
Làm được đôi câu thơ tự thấy
mình vĩ đại, người nghe thơ hóng hớt vỗ đùi khen “xuất thần” chỉ là những huyền
thoại, không còn mấy ai tin.
Nếu nhà thơ nào cũng hiểu, rằng
nhà thơ sinh ra như một mỹ nhân, có xấu mã cũng được tiếng đẹp lời, “lời có
cánh” – nói như thần thoại Hy Lạp, chỉ biết hiến tặng cho cuộc đời cái để mua
vui thì đúng là thơ mang lại cho cuộc sống “sự an bình và hạnh phúc” như Vũ Quần
Phương nói.
Nhưng sự thực hiểu được như thế
chỉ có Nguyễn Du và một ít người. Thành phần này biết rõ thơ chẳng làm nên cái
gì to tát, cho nên làm xong bài thơ họ không quan tâm đến số phận của thơ, cũng
như số phận chính mình và đồng loại. Giống như con chim “ngứa cổ hót chơi”, tiếng
hót của nó cũng như số phận chủ nhân của nó kéo dài và sống được bao lâu chẳng
cần quan tâm.
Ở đây, tôi đã loại trừ những nhà
thơ mà một phần thơ của họ gắn với hành động cứu dân cứu nước mà bọn học trò vẫn
học. Thực ra, nói công bằng, không phải nhờ thơ mà nhờ hành động làm nên sự
nghiệp long trời lở đất mà phần lớn thơ (tôi nhấn mạnh “phần lớn” nghĩa là
không phủ nhận một phần dù nhỏ thơ của họ là hay nhé!) của những người này được
ăn theo để thành bất hủ.
Nói rào như vậy cũng đồng nghĩa
với việc thơ muôn đời không thoát ra khỏi sự chi phối của quyền lực thống trị bằng
nhiều cách. Khi nhà thơ nắm được quyền lực trong tay thì chỉ cần phun nước bọt
cũng thành nhả ngọc phun châu. Nhưng với phận tôi đòi, không thể chối cãi một sự
thật rằng, diễn ngôn thơ thường là sản phẩm hóng hớt dưới chiếc ô quyền lực. Đó
là một trong nhiều lí do khiến cho nhà thơ trở thành kẻ hèn, chỉ biết dựa dẫm
vào quyền lực để tồn tại. Trong điều kiện ấy, nhà thơ có thể biết nói thật, rất
thật, nhưng ít khi nói thẳng. Nhà thơ vẫn biện bạch, rằng thơ luôn là những ẩn
dụ, càng kín đáo càng hay!
Đã đành thơ là những ẩn dụ kín
đáo, nhưng truy đến tận cùng vì sao thơ phải dùng ẩn dụ. Vì nó sợ sự kiểm duyệt
của quyền lực. Điều ấy có thể chia sẻ, như xưa nay người ta vẫn chia sẻ, và có
thể lấy đó tôn vinh thành “sự độc đáo” của thi ca.
Tuy nhiên, một khi nhà thơ bị
rơi vào sự sợ hãi bởi sự kiểm duyệt đáng sợ, thơ sẽ chạy theo những ngả rẽ
khác. Hoặc là nó chạy trốn vào những vấn đề vô thưởng vô phạt như nấp dưới váy
đàn bà, hoặc là nó không còn nói thật nữa mà nói dối, nói nịnh bằng những bản tụng
ca mà người ta thường chỉ trích là văn nô, bồi bút.
Nhưng ở kì này, tôi muốn nhấn mạnh
đến thân phận của nhà thơ khi được quyền lực sủng ái, như một hiện tượng thời sự. Thơ
bị quyền lực kiểm duyệt không đáng sợ bằng thơ được quyền lực sủng ái.
Trong điều kiện thơ bị quyền lực
kiểm soát, nhà thơ vẫn có những khoảng trống tự do nhất định bằng các ẩn dụ kín
đáo, sâu sắc, dù xét bản chất, vẫn là kẻ hèn như trên đã nói. Nhưng một khi được
quyền lực sủng ái (bằng tiền tài, danh vọng), nhà thơ sẽ không khác bọn hoạn
quan hay cung nữ nơi hậu cung. Bởi vì, gốc gác của nhà thơ chỉ là kẻ hầu hạ,
như đám xướng ca vô loài, khi nhà thơ thấy hầu hạ cho quyền lực sướng hơn phụng
sự cho thiên hạ, nhà thơ không chỉ làm thơ nịnh hót mà gắn với hành động nịnh
hót, các ẩn dụ biến thành trò chơi đánh đĩ ngôn từ.
Khi tranh nhau nịnh hót, nhà thơ
đố kị, tranh chấp thậm chí tàn hại nhau để độc quyền được quyền lực sủng ái. Và
khi ấy, loạn nhà thơ không khác loạn hậu cung!
Chuyện thơ cũng như chuyện đời,
nhưng thế giới nhà thơ là nơi tập trung nhất những thói đời hiểm ác chứ không
hiền lành như người ta vẫn tưởng!
Nhiều nhà thơ có tài chết cay đắng
vì cái loạn hậu cung này chứ không phải “an bình và hạnh phúc” như Vũ Quần
Phương nói!
Một ngày đẹp trời nào đó tôi sẽ
chứng minh đầy đủ về cái “loạn hậu cung” đã từng xảy ra trong thơ Việt hiện đại.
4.
Vì sao
thơ dùng ẩn dụ
Nhà thơ hậu hiện đại Lê Vĩnh
Tài, trong một bình luận ở kì 3, có vẻ tỏ ra khó chịu khi tôi đưa ra vấn đề, rằng
thơ dùng ẩn dụ, truy đến cùng gốc gác của nó là do sự hèn.
Đó là lí do tôi phải viết nhanh
kì 4 này để giải tỏa sự khó chịu ấy. Tin hay không tùy vào bạn đọc.
Có lẽ, theo Lê Vĩnh Tài, ẩn dụ
là một trong những đặc điểm căn bản của thi ca, tự thân thi ca là ẩn dụ chứ không
phải do hèn.
Nhiều nhà thơ rất dũng cảm vẫn
dùng ẩn dụ. Chẳng hạn như anh hùng ca, sản phẩm của kẻ thắng cuộc, không có lí
do gì để hèn, vốn đã tràn ngập những ẩn dụ. Những thi gia đầu đội trời chân đạp
đất như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Nguyễn Trãi, Puskin, Hugo… vẫn sử dụng những ẩn dụ. Ẩn
dụ làm thơ tinh tế, sâu sắc hơn.
Lý luận trên góc nhìn như thế
thì không còn gì để nói.
Nhưng tôi đã nhấn mạnh ở sự
“truy đến cùng”, là tôi đã có ý đồ giải huyền thoại về ẩn dụ của thi ca, muốn
tìm hiểu gốc gác sâu xa của những ẩn dụ. Nên nhớ, khi ẩn dụ mang lại những hiệu
quả nghệ thuật lớn lao, tự nó hình thành nên thói quen hứng thú dùng ẩn dụ và
người ta quên đi cội nguồn sâu xa của sản phẩm do mình làm ra.
Tôi tin, thơ ban đầu chỉ là lời
nói có vần điệu chứ không phải những ẩn dụ. Đôi cánh vần điệu làm cho lời thơ
bay cao, bay xa. Còn đi vào hiện tượng, nó nói thẳng băng như nó nghĩ chứ không
cần né tránh. Đồng dao, vè là những loại hình thơ nguyên thủy, chỉ cần vần thôi
đã gọi là thơ. Ca dao, tục ngữ cổ hoặc thuần dân gian thường văng toạc móng heo
những từ ngữ tục, trong nghĩa trần tục nhất, cho chuyện tình dục, tình yêu… Chẳng
hạn như “L. Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng”, hay “C. to không lo gì đói/ Đ. dạo cũng
có gạo mà ăn”. (Tôi viết tắt vì đang thực hiện cấm kị).
Từ khi nào thơ dùng ẩn dụ? Từ
khi xuất hiện các Cấm kị (taboo). Thơ sợ hãi trước các cấm kị nên dùng ẩn dụ. Cấm
kị là trò chơi của quyền lực được mệnh danh là văn hóa với tác dụng ngăn cản lời
nói thật, nói thẳng của con người. Bản chất của cấm kị, bề ngoài là xác lập trật
tự, ổn định xã hội, nhưng bên trong là để cho kẻ có quyền độc quyền thực hiện
những điều bị cấm đối với kẻ khác. Giống như người đàn ông cấm người đàn bà ngoại
tình để mình được tự do ngoại tình hay có được năm thê bảy thiếp; ông vua đặt
ra luật lệ “nam nữ thụ thụ bất thân” để độc quyền hưởng thụ sự trao thân vậy. Cấm
kị bản chất của nó là mưu toan dùng quyền lực trấn áp với ảo tưởng che đậy và
tiêu diệt sự thật, và đôi khi nhân loại rơi vào ảo tưởng vì cái gọi là cấm kị
“có lí” này. Nhà thơ bị lừa vào trò chơi gọi là thanh cao, trong sáng của ngôn
từ thơ. Trong khi bản chất của ẩn dụ, ở nghĩa đen nhất là che giấu sự thật, nếu
không nói là sự đánh tráo, đánh đĩ ngôn từ. Những bài thơ tương truyền của Hồ
Xuân Hương, tôi đảm bảo rất dâm, nói theo ngôn ngữ Nghệ Tĩnh là rất “nứng”,
nhưng cái sự “dâm” hay “nứng” ấy được đánh tráo sang cái hang cắc cớ, quả mít, ốc
nhồi, chuyện đánh đu… để được đánh giá là “thanh”.
Nhà thơ bất luận trong trường hợp
nào khi đã dùng ẩn dụ đều che giấu cái sự hèn bên trong. Bởi vì ẩn dụ nguyên thủy
là sự sợ hãi quyền lực, ánh hào quang quyền lực đã làm biến thái, uốn cong ngôn
ngữ với những trạng thái khác nhau.
Lacan gọi trò chơi cấm kị của
ngôn ngữ bằng thuật ngữ “trượt” (glissement), ngôn ngữ không còn quy chiếu vào
sự thực mà trượt trên chuỗi biểu đạt, thực chất là trượt theo quyền lực với những
ẩn dụ, biểu trưng. Nôm na, nhà thơ giống như đứa trẻ vì nói thật mà bị bố đánh
đòn vài lần, nó sẽ không còn nói như nó nghĩ nữa mà nói theo bố nó và người lớn
nghĩ. Nó bị quyền lực sai khiến và tự nó biến thành công cụ mà nó không biết.
Lacan nói, sự thật luôn là cái vắng
mặt khi bao viền xung quanh chúng ta toàn là những kí hiệu, biểu trưng, tức cái
ảo. Cấm kị muốn tiêu diệt dục vọng, nhưng đó là ảo tưởng, nó chỉ dịch chuyển từ
dục vọng này sang dục vọng khác, từ dục vọng thân xác sang dục vọng quyền lực.
Và các ẩn dụ ra đời với tư cách là những cái thay thế. Người ta không dám nói đến
Cái ấy (Id) nữa mà vay mượn các hình ảnh tương tự. Ví như, “Ước gì anh được
làm chày/ Cho em làm cối anh giã ngày giã đêm”… Trăng –
gió, Nguyệt – Hoa, Thuyền – Bến… là những dạng thức thay thế phổ biến cho
cái ấy, chuyện ấy.
Cấm kị tình dục chỉ là một vấn đề
giao thời từ “hoang dã” sang “văn minh”, khi đã đạt đến trình độ văn minh thật
sự tự nó cởi bỏ. Cấm kị chính trị mới quan trọng, nó đóng đinh trong lịch sử
loài người, nó làm cho thơ càng trở nên õng ẹo, yếu hèn hơn. Nhà thơ giống như
người đàn ông bị thiến, anh ta làm thơ như thể “làm sương cho sáo” – khổ
dâm. Cấm kị chính trị diễn ra khốc liệt trong các cuộc chạy đua của quyền lực
và hậu quả là nhà thơ trượt theo thói quen dùng các ẩn dụ ngay cả khi nổi loạn
muốn nói lên sự thật. Bản chất của ẩn dụ là nói né, nói tránh, nói vòng, nói lảng
để thực hiện chiến lược phản kháng lại quyền lực theo phương châm “văn chương tự
cổ vô bằng cớ”.
Thơ là diễn ngôn điển hình của
chiến lược phản kháng theo cách độc đáo của nó. Nó thấy ẩn dụ lung linh hơn, mặc
dù ẩn dụ làm nhòe mờ sự thật, nhưng vẫn vẫy gọi những sự thật thâm sâu hơn. Ẩn
dụ vì thế trở thành huyền thoại về tính độc đáo, cao siêu của thi ca. Những loại
hình thơ nguyên thủy trên kia chỉ còn được xem là vần vè dễ dãi.
Tất nhiên, trong điều kiện dân
trí lẫn quan trí có tầm, ẩn dụ thi ca có thể làm cho đối tượng được nói đến có
được hứng thú hoặc bị nhức đầu, nhưng với dân trí của thời đại chỉ biết đến miếng
cơm manh áo, và quan trí ở tầm… mặt dạn mày dày, cách nói “vô bằng cớ” của thi
ca chỉ là muỗi đốt gỗ.
Biết là vậy, nhưng cái hèn cố hữu
của nhà thơ vẫn không thể thay đổi khi anh ta chỉ còn biết dựa dẫm vào những ẩn
dụ khi đối mặt với cuộc đời. Hoặc là để thoát ra khỏi hàng rào cấm kị hoặc chạy
trốn vào trong những thứ huyền ảo mông lung nhưng lại ảo tưởng rằng mình cao
siêu.
Bài này chỉ luận về những ẩn dụ
tích cực. Ở đây đã gạt bỏ loại ẩn dụ đã hoàn toàn bị trượt sang dối trá với động
cơ ngợi ca quyền lực để tự tước đoạt quyền lực phản kháng của mình. Loại thơ
này muôn đời vẫn là kẻ tôi đòi hạ tiện bên cạnh kẻ tôi đòi đẳng cấp muốn làm
thay đổi số phận của mình nhưng bất lực bởi cái hèn cố hữu của nòi thơ…
CHU MỘNG LONG
Nhận xét
Đăng nhận xét