2 ĐỀ THI NGỮ VĂN GÂY NHIỀU PHẢN ỨNG

2 ĐỀ THI NGỮ VĂN
GÂY NHIỀU PHẢN ỨNG

Những ngày vừa qua, cộng đồng mạng lan tỏa đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 của trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) về câu chuyện Chi Pu không biết hát. Từ cuộc tranh luận của Hương Tràm: "Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền"... học sinh hãy hóa thân vào Chi Pu, kể lại một ngày sau khi ra mắt MV.

Trao đổi với Zing.vn, thầy Nguyễn Tiến Đường - Hiệu trưởng trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ - cho biết đề thi được thực hiện chuẩn về kiến thức, kỹ năng theo đúng văn bản chỉ đạo của ngành.

Tại Hà Nội, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội) đưa ra câu hỏi về đề xuất cải tiến bảng chữ cái “Tiếng Việt” thành “Tiếq Việt” của PGS.TS Bùi Hiền cũng dư luận được quan tâm. 

Thiếu tính giáo dục 

Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Ngữ Văn, THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM) cho rằng ông không thích và không đồng tình về hai đề thi trên.

Thầy Đỗ Đức Anh phân tích câu chuyện Chi Pu “không biết hát” và đề xuất "Tiếq Việt" của PGS Bùi Hiền đều đang được dư luận, giới nghệ sĩ, chuyên gia đang tranh luận, chưa ngã ngũ đúng sai.

Những đề thi này khiến học sinh gặp khó khăn trong việc nêu quan điểm, giáo viên cũng không dễ chấm bài. Nếu muốn các em thể hiện sự tranh luận, giáo viên nên dành câu hỏi cho phần thi đối đáp. 

“Tôi thấy thương và tội cho học trò khi phải làm những đề thi này”, thầy Đức Anh nêu quan điểm.

Đề thi về Chi Pu tại trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Facebook.
Riêng về đề thi có hình ảnh Chi Pu, thầy Đức Anh nói người ra đề đã bị dẫn dụ trước câu chuyện của dư luận hơn là ý nghĩa giáo dục khi mang vào đề thi.

“Tôi không biết quan điểm của mọi người thế nào nhưng cá nhân khi đọc không biết đề văn mang lại thông điệp, truyền tải ý nghĩa giáo dục gì. Hơn nữa, việc cho học sinh nhập vai kể chuyện có phần gượng ép, phù hợp học sinh lớp 6 hơn là lớp 10”, nam giáo viên chia sẻ.

Theo ông, việc lựa chọn ngữ liệu cho một đề văn phải đề cao tính thẩm mỹ, văn chương và giáo dục. Hai đề thi gây tranh cãi gần đây không đạt được những yếu tố này.

“Một số trường học, tỉnh thành nghĩ rằng văn chương phải gắn với đời sống nên hiện tượng nào đang xôn xao cũng cho vào đề thi. Việc lạm dụng này sẽ khiến nhiều đề thi không có tính giáo dục, không chuẩn mực. Hơn nữa, nếu cứ chọn tính thời sự sẽ khiến đề thi dễ đoán. Trong khi đó, những năm gần đây, đề thi của Bộ GD&ĐT không còn chạy theo tính thời sự”, thầy Đức Anh nói.

Giáo viên này cho hay có một thực tế đang xảy ra là trước mỗi kỳ thi, học sinh thường “lùng sục” xem vấn đề nào đang hot trên mạng, gây tranh cãi để đoán có thể vào đề thi. Thói quen này có thể khiến các em bị xao nhãng không cần thiết trong học tập.

"Đề thi mở nhưng không thể mở vô tội vạ” là quan điểm của thầy Đức Anh về xu hướng ra đề hiện nay. Thậm chí, một số trường còn ra đề thi tưởng tượng theo hình ảnh, trong khi đó, văn học là sự tưởng tượng của ngôn ngữ.

Đề thi Ngữ văn nên hướng đến chân - thiện - mỹ

Theo TS Văn học Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, hàng loạt đề thi Ngữ văn có hình ảnh Sơn Tùng M-TP, Bà Tưng, Ngọc Trinh trước kia và hiện tại là Chi Pu chưa đạt chuẩn mực.

TS Tuyết nhận định những đề thi yêu cầu học sinh luận bàn về hiện tượng của đời sống xã hội ngày càng trở nên quen thuộc, đem lại sự hứng thú cho thí sinh, góp phần đưa văn chương tới gần cuộc sống, giảm thiểu khoảng cách giữa " lý thuyết màu xám" và "cây đời mãi xanh tươi".

Ví dụ, đề thi đại học khối D năm 2012 yêu cầu bàn luận về quan niệm: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa nhưng mê muội thần tượng lại là thảm họa"...

Tuy nhiên, khi lạm dụng tâm lý đám đông, bỏ qua những yêu cầu chuẩn mực của môi trường sư phạm về đạo đức, thẩm mỹ..., đề bài có thể tạo hứng thú cho một bộ phận học trò nhưng lại không có giá trị định hướng cho xúc cảm thẩm mỹ, xúc cảm đạo đức tích cực vốn luôn là nhiệm vụ sư phạm của nhà trường.

Những ngữ liệu, học liệu đưa vào nhà trường, các đề thi, đặc biệt là đề thi có tác động lớn tới tâm thế cộng đồng, luôn phải đảm bảo tính chuẩn mực, sư phạm, không giới hạn năng lực tư duy sáng tạo và quan điểm cá nhân nhưng cũng không được làm phương hại tới mục đích cao nhất của giáo dục là hướng tới chân - thiện - mỹ.
Do vậy, các phát ngôn, ca từ, hiện tượng xã hội... cho đến nguồn gốc xuất xứ của chúng luôn cần có sự lựa chọn thấu đáo, thận trọng trước khi trở thành ngữ liệu, học liệu trong nhà trường.

Tội cho cả người được học sinh bàn luận

TS Văn học Phạm Hữu Cường - người có kinh nghiệm nhiều năm ôn thi đại học, cao đẳng - bày tỏ việc lạm dụng tính thời sự đưa vào môn Ngữ văn khiến một số đề thi trở nên... lố bịch.

Đề văn cho học sinh lớp 12 tại trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội.

Về đề thi cải cách "Tiếq Việt" của PGS Bùi Hiền, TS Phạm Hữu Cường cho hay đề có tính chất hợp lý khi gắn văn bản đọc hiểu với sự trong sáng của Tiếng Việt, định hướng cho học sinh việc giữ gìn sự trong sáng đó.

Tuy nhiên, đề thi có một số điều không ổn, ví dụ ngay cả câu từ dùng trong đề cũng chưa chuẩn: "Đề xuất cải tiến bảng chữ cái 'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt' của PGS.TS Bùi Hiền, lẽ ra phải là: “Đề xuất cải tiến bảng chữ cái 'Tiếng Việt', trong đó có việc chuyển từ 'Tiếng Việt' thành 'Tiếq Việt'".

TS Cường không tán thành việc đề thi cho học sinh bàn luận về đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, bởi năm nay ông đã 83 tuổi, dành nửa cuộc đời để nghiên cứu bảng chữ cái ấy.

“Chúng ta để cho học sinh lớp 12 mới 18 tuổi bàn về công trình nghiên cứu của một PGS.TS từng là phó hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ là sự bất kính. Người trẻ có thể có những quan điểm, phán xét về người già, đó là điều tối kỵ trong sư phạm”, TS Phạm Hữu Cường nêu góc nhìn của mình.

Công trình của PGS Bùi Hiền có những điểm tích cực và cả điều chưa hợp lý. Khi theo dõi sẽ thấy nhiều người tỏ thái độ "ném đá" trên mạng xã hội. Học sinh đi theo phần lớn dư luận sẽ có những góc nhìn không tốt về một nhà khoa học.

TS Phạm Hữu Cường cho rằng khoảng 70% học sinh chưa biết PGS.TS Bùi Hiền là ai và càng không thể biết đầy đủ về công trình mà giáo sư đã công bố. Vì thế, các em bàn luận về vấn đề này sẽ tạo nên những phán xét bừa bãi về công trình nghiên cứu khoa học.

Quyên Quyên


Nhận xét

Bài đăng phổ biến