GỌI CHO ĐÚNG TÊN SỰ VẬT
GỌI CHO ĐÚNG TÊN SỰ VẬT
Nếu bạn tên Y, ai đó khi ra đường gọi bạn là X, bạn có biết là người đó
đã gọi mình, nêu tên mình? Nếu con mèo được gọi là con chó, con bò là “con trâu
màu vàng”, nếu đánh người gọi là “gạt tay trúng má”, nếu hối lộ, hối mại được gọi
là “nâng đỡ không trong sáng”, lâu dần sẽ dẫn đến đâu? Đến sự lộn xộn, hỗn loạn,
theo thuyết chính danh…
Thật vậy, việc gọi tên sự vật
không đúng hay không dám nhìn nhận đúng bản chất sự vật không đơn giản là những
trò chơi chữ, trò đùa, mà đó chính là một trong những nguyên nhân tạo ra những
sự hỗn độn trong xã hội. Điều này đã được Khổng Tử, nhà triết học đã có công
xây dựng nền tảng trật tự xã hội phương Đông hơn hai ngàn năm qua, đã sớm nghiệm
ra. Có lần được hỏi việc đầu tiên ông sẽ làm nếu như được giao trách nhiệm cai
trị một đất nước, vốn rất hỗn loạn thời Xuân Thu, ông trả lời: “Ắt là ta sẽ làm
cho ra chính danh”. Nghĩa là làm cho phù hợp giữa tên và thực tại, giữa lời nói
và việc làm, giữa vai trò và sự thực hiện. “Làm cho vua ở hết phận vua, tôi ở hết
phận tôi, cha ở hết phận cha, con ở hết phận con”, ông viết. Đơn giản chỉ có thế,
nhưng không dễ để thực hiện.
Các học thuyết của Khổng Tử có
cái quả đã lạc hậu, cổ lỗ trong thời hiện đại, nhưng thuyết chính danh thì có lẽ
là không. Ta hãy lấy ví dụ điển hình như vụ trạm BOT ở Cai Lậy. Nếu trạm thu
phí này mà “chính danh”, có nghĩa là được đặt đúng vị trí, nó có gây ra phản ứng
xã hội dữ dội trong thời gian qua? Vì sao mà hàng chục trạm thu phí BOT khác
không bị phản ứng, những người qua lại vẫn vui vẻ đóng phí? Các tài xế phản ứng
các trạm thu phí như trạm Cai Lậy không phải chỉ vì tiếc tiền, mà cái chính là
vì tính không chính đáng, không chính danh của nó như học thuyết của Khổng Phu
Tử.
Thời gian gần đây, có rất nhiều
những khái niệm khá tuỳ tiện được đưa ra trong việc điều hành, quản lý xã hội.
Nhiều người hẳn vẫn còn “ấn tượng” với khái niệm “đường cong mềm mại” của con
đường Trường Chinh ở Hà Nội. Một con đường thay vì thẳng tắp đẹp đẽ lại bị uốn
cong tránh né, thế nhưng các nhà quản lý đô thị lại dùng một khái niệm tu từ
văn chương như là để diễn tả “nét đẹp” của nó, “cong mềm mại” như thân hình của
các mỹ nữ, các “hotgirl”! Anh công an đấm muốn trẹo bản họng anh phóng viên
trong những hình ảnh mà ai cũng thấy rõ, thì bảo là “gạt tay trúng má”, cứ như
chuyện người lớn nựng nịu, “tát yêu” trẻ con. Và còn nữa là khái niệm “đúng quy
trình” như một tấm bùa hộ mạng cho nhiều việc làm sai trái gây hậu quả nghiêm
trọng của không ít quan chức…
Mới đây, một khái niệm mới xuất
hiện nữa là khái niệm “nâng đỡ không trong sáng” được đưa ra trong kết luận về
những sai phạm của ông Ngô Văn Tuấn, phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, trong đó
có việc nâng đỡ bước hoạn lộ thần tốc của bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Đại biểu quốc hội
Lê Thanh Vân đã nhận định rất xác đáng đây không phải là ngôn ngữ chuẩn mực
trong quy định của Đảng và nhà nước. Với khái niệm này, không sao có thể áp vào
một điều luật hay một nội quy, một điều lệ nào để xử phạt ông Ngô Văn Tuấn cả.
Có chăng thì các khái niệm như “hối lộ tình dục”, “hối mại quyền thế” nên được
áp dụng điều tra trong trường hợp này mới có khả năng “chính danh” hay “gọi tên
đúng sự vật” hơn cả.
Tất nhiên việc điều tra ra chứng
cứ tham nhũng, hối lộ, mà nhất là “hối lộ tình dục” sẽ là rất khó khăn do sự
“tinh tướng”, tinh vi của những kẻ phạm tội như đại biểu Lê Thanh Vân đã nêu
ra. Thế nhưng việc vượt qua những khó khăn này mới là trách nhiệm, là khả năng
nghiệp vụ, là “nghề” của các cơ quan điều tra, kiểm tra, thanh tra, của các cơ
quan phòng chống tham nhũng. Việc nhìn thẳng vào bản chất hiện tượng tham nhũng
hối lộ và khả năng lôi ra ánh sáng tất cả những gì “không trong sáng” của các
cơ hữu quan này mới cho thấy quyết tâm chống tham nhũng hối lộ mà Đảng và
nhà nước đang đặt trọng tâm hành động…
Chỉ có cách gọi cho đúng tên sự
vật, hay bắt chước nói theo cách tu từ văn chương, “trả lại tên cho em”, thì mới
có thể xử lý chính xác những gì “không trong sáng”, “đúng quy trình”…
Đoàn Đạt
Nhận xét
Đăng nhận xét