GIÓ ĐƯA THƠ DỞ VỀ TRỜI [1]
GIÓ ĐƯA THƠ DỞ VỀ TRỜI [1]
Kể từ Hoài Thanh chủ
trương chỉ bình chứ không phê, người Việt, từ người làm thơ đến người thưởng
thức thơ, chỉ còn biết tâng hót nhau và thơ từ đó rơi vào bệnh đồng bóng… Đến mức
hình thành luôn cả một lễ hội về thơ trong không khí hơn 8000 lễ hội
hiện nay ở Việt Nam để… thần thánh hóa nhà thơ.
E chừng có ngày người ta lập dự
án xây nên một Đền thơ nghìn tỉ để lập đàn tế các nhà thơ cũng nên!
Tôi dạy thơ, viết phê bình thơ,
làm luận án về thơ, không có lí do gì tôi phải thù địch thơ. Đôi lúc tôi cũng
làm thơ để… không mang tiếng lạc loài giữa “nước thơ”! Nhưng bình thơ thì phải
sòng phẳng, có khen hay và có chê dở chứ không coi thơ là cái đền thiêng bất khả
xâm phạm.
Tôi yêu các nhà thơ cổ điển có
hào khí, yêu các nhà Thơ Mới và thơ phản chiến ở miền Nam đầy tính nhân văn,
yêu thơ cách mạng một thời sục sôi, và yêu những nhà thơ hiện đại, hậu hiện đại
với những cách tân và những suy nghĩ mới mẻ về thời cuộc.
Hiện tại tôi yêu thơ của những
người bạn trên FB, có người từng gặp mặt và chưa từng gặp mặt, yêu cái tâm hồn
tinh tế và đầy khai phóng của Inra Sara, cái dí dỏm, bông đùa, cợt nhả của Lê
Vĩnh Tài, kể cả cái mộc mạc, hồn hậu của Phạm Vân Hiền, Văn Công Mỹ…
Tôi không lấy sở thích của mình
áp đặt cho người khác, nhưng những nhà thơ này không tự huyễn hoặc đồng bóng là
có thật, đáng quý.
Và tôi tin các bạn này sẽ thể tất
trước những lời phê bình của tôi!
Đối với những nhà thơ từng chửi
tôi, thù ghét tôi, cũng đã từng xỉa xói bắt tôi công khai xin lỗi nhà thơ vì viết
bài xúc phạm họ, cũng là chuyện bình thường, mặc dù tôi chưa hề gọi tên những
“nhà thơ” ấy ra chỉ trích. Tôi không sợ, vì biết thành phần ấy là ai, dù họ rất
đông…, như quân Nguyên. Thơ không có tội, nhưng những người này đã làm thơ thúi
rữa ra mà tưởng mình vĩ đại. Có khi những người này càng thù tôi càng tốt. Để
tôi tránh xa. Và chắc chắn không đánh được tôi thì họ cũng biết tránh xa. Tránh
voi xấu mặt nào!
Nay, nhân Ngày thơ Việt Nam,
đăng lại chùm bài năm trước với một chút sửa đổi cho “dễ thương” hơn.
1.
Vĩ cuồng
Duy nhất một lần tôi đến dự Ngày
Thơ. Ngày Thơ thật nhộn nhạo, như một lễ hội trong hơn 8000 lễ hội tháng Giêng
của quốc gia mà bất cứ thổ dân nào trên thế giới cũng ganh tị. Chữ nghĩa bày la
liệt trên Đồi Thi Nhân, long lanh màu sắc chữ Tàu, chữ Ta đủ loại. Và cũng la
liệt chai, hũ, thõng với các loại rượu và đồ nhắm…
Hội thơ đông người, cũng la liệt
các thành phần khác nhau. Phần lớn là tò mò đến để mua vui khi cái thành phố
này không có chỗ để mua vui. Thành phần chính hiển nhiên là các nhà thơ. Cũng đủ
loại, có nhà thơ đã thành danh và có nhà thơ chưa ai biết.
Nhà thơ chưa ai biết thì lặng lẽ,
khép nép ngồi hóng hớt những nhà thơ thành danh đang hoa chân múa tay, miệng mồm
trệu trạo.
Tôi cũng ngồi lặng lẽ khép nép…
để quan sát xem họ diễn thơ như thế nào.
Một anh nhà thơ, nghe nói rất
thành danh mà tôi chưa biết đang say khướt, khệnh khạng, khật khưỡng đến chỗ
tôi ngồi. Một anh bạn trịnh trọng giới thiệu với anh ta, đây là ông Chu Mộng
Long, giảng viên đại học, nhà lí luận phê bình. Tôi bẽn lẽn nói không dám,
không dám…
Chưa kịp giới thiệu về anh ta,
anh ta đã hất hàm hỏi:
– Mày biết tao là ai không?
Tôi cảm thấy khó chịu nhưng ráng
nín nhịn:
– Dạ xin lỗi, em không biết ạ…
Anh ta lại khật khà khật khưỡng
đi đi lại lại trước mặt tôi, nhìn tôi như nhìn một đứa trẻ con. Anh tự giới thiệu
một hơi về danh tính, về thành tích thơ ca của anh ta rồi đọc luôn một hơi mấy
bài thơ. Đọc ngân nga đến vang trời đất. Xong, anh ta hất hàm hỏi:
– Mày thấy thơ tao thế nào?
Tôi hỏi lại:
– Sao anh không lên sân khấu mà
đọc cho sang, lại đọc ở đây?
Anh ta rướn cổ lấy hơi rồi bỗng
lục khục ụa ra một bãi nhầy nhụa xuống đất, rồi lại cố gắng hoa tay múa chân:
– Thơ tao không phải đọc ở chỗ ấy.
Thơ tao là âm thanh của vũ trụ, là ánh sáng của nhật nguyệt, là màu sắc, hương
vị của thảo mộc… Mày có nghe thấy không???
Anh ta chồm vào mặt tôi, nói như
quát vì sợ tôi không nghe. Tôi đáp:
– Dạ tôi nghe thấy hết. Thơ đó
rõ ràng bay ra từ miệng của anh nên nó là âm thanh tiếng nói của anh, khi anh đọc
thơ có long lanh ánh sáng của nước bọt và hương vị của thịt chó mắm tôm…
Trông mặt anh ta bắt đầu hằn lên
những đường nhăn dữ dội, tôi bịt miệng bịt mũi lại và vội bỏ ra về. Xuống dưới
đồi tôi nôn thốc nôn tháo và không dám đến Ngày hội thơ nữa vì sợ cái “vũ trụ
thơ” ấy lắm lắm.
2.
Tôi chả
tin
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tự sự: “Một
dân tộc yêu thơ như nước ta, nếu thực sự ai cũng học hỏi được những tinh túy từ
thơ ca thì sẽ bớt đi rất nhiều những ứng xử hung hăng, bạo lực với đồng loại và
môi trường sống như hiện tại”. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì sung sướng cười:
“Nhớ lại một xã hội trước đây ai cũng yêu thơ, thuộc thơ, thầy cô và học trò đều
yêu thơ, khắp trường lớp vang lên sang sảng những tiếng thơ, thấy an bình và hạnh
phúc lắm. Hồi đó, con người ai cũng hồn hậu, trong trẻo”. (Dẫn theo FB Inra
Sara).
Tôi chả tin vào cái lí sự từ suy
nghĩ “rất thơ” của hai ông nhà thơ này. Là do hai ông hoang tưởng ai cũng làm
thơ và yêu thơ theo cách của hai ông.
Ông Trần Đăng Khoa chắc thừa biết
thơ cũng có đến vài loại, tinh túy có, cặn bã có. Tinh túy là gì khó nhận ra vì
hiếm hoi, nhiều khi chỉ nói cho sang, nhưng cặn bã thì dễ thấy vì đầy rẫy ra đấy.
Có loại hiền lành đến mức thương khóc cho một con ruồi lỡ cánh rơi vào bát
canh, nhưng cũng có loại sắt máu đến mức hô hào người ta giết, giết nữa
bàn tay không phút nghỉ. Loại thứ hai có vẻ đáng ghét, nhưng dù sao cũng chân
thật hơn loại thứ nhất. Bởi vì loại thứ nhất dễ lừa người ta hơn, dễ chừng nhiều
người bảo nó thiền, như thơ thiền Hoàng Quang Thuận vậy!
Ông Vũ Quần Phương nhớ lại và nuối
tiếc cái xã hội trước đây trong cái hũ nhà thơ thời ông. Trong khi mở hết nút
hũ ra xem, có phải nó thật sự “an bình và hạnh phúc” như ông ca ngợi không? Ở
trong cái hũ của sự đói khát, bưng bít, thơ đúng là cứu cánh để người ta giải
thoát bằng cách tự ngửi, tự ca, tự khen, nói chung là tự sướng trong cái hũ của
mình. Ông muốn quay về cái thời đó để tự lừa dối mình trong những ước mơ viễn
vông lần nữa sao?
Tôi không chắc thời đó con người
ai cũng “hồn hậu, trong trẻo”. Trong giới nhà thơ các ông có chắc không có chiến
tranh diễn ra? Các ông đổ tội cho chính trị, nhưng tôi tin những số phận như Trần
Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… đều bắt đầu từ sự đố kị, ganh ghét, tranh chấp khốc liệt
từ trong nội bộ của giới nhà thơ các ông!
Khi nhà thơ được quyền lực sủng
ái, thế giới nhà thơ không khác hậu cung của một ông vua dâm dục! Nhà thơ không
khác giới hoạn quan và các mỹ nhân đấu nhau đến chí tử để được sủng ái!
Ông Vũ dựa vào cơ sở nào để nói
rằng, “Từ khi kinh tế khá lên thì mơ ước bị coi là viển vông và tâm hồn con người
ta cằn cỗi đi nhưng nếu càng lúc càng mất đi khát vọng thì sẽ là thảm họa”.
Thưa ông, tôi nghĩ khác, kinh tế khá lên thì ước mơ cũng cao hơn, tất nhiên cấp
thiết hơn chứ không viễn vông về một thiên đường bánh vẽ như thời của ông. Thơ
bây giờ cũng không ít hơn xưa, nếu không nói nó nhiều gấp vạn lần thời ông (mỗi
ngày người ta tự do sản xuất ra hàng triệu tập), nhưng rất may là loại thơ diễn
những trò đểu, trò lừa đã không còn thu hút hay lừa được ai. Tôi không sợ thứ
“thảm họa” như ông nói. Tôi chỉ sợ có một thứ thảm họa khác, thảm họa nhà nhà
làm thơ, người người làm thơ, không chỉ tốn tiền dân (loại thơ bao cấp) mà còn
làm suy đồi cả một thế hệ. Bởi vì bản chất của thơ, khi rơi vào một thái cực
nào đó, là một thứ ma túy, đồng bóng, rất nguy hiểm!
Rất may là đến lúc người đọc
quay lưng với thơ, nhưng các ông lại ngửa mặt than trời, rằng tâm hồn con người
thời nay đã trở nên “cằn cỗi”?!
Xin nói thẳng, con người bây giờ
đã chán tận cổ cái món ăn tinh thần cằn cỗi do các nhà thơ đẻ ra chứ không phải
vì tâm hồn người ta cằn cỗi.
Người ta đang cần một cái gì mới,
trẻ trung, khởi sắc từ thực tiễn sống động, nóng bỏng. Thơ không chạy theo kịp
thời đại, thơ chỉ còn là đống giấy gói thịt cá tanh tưởi. Mà nữa, thơ đạt đến cảnh
giới của sự hồn nhiên chân thật hay mang chút dũng khí thì ít (ở đâu cũng thế,
không cần phải là “cường quốc thơ” như ta), còn thơ đểu hay thơ hèn thì nhiều,
nhiều vô kể, cho nên đến lúc nó bị chối bỏ bởi Thượng đế thật sự của nó, người
đọc, là điều hiển nhiên!
Không còn có những cơn lên đồng
về thơ nữa là dấu hiệu của sự lành mạnh đó!
Người đọc thời nay không như người
đọc thời đói khát xưa, đến con bọ hung cũng ăn đâu ông Trần, ông Vũ ạ! Thời đó
làm được đôi câu thơ thường được người đọc bốc lên trời như Thượng đế, còn thời
nay khi mọi thứ đều no phè, ông nhà thơ trong mắt người đọc mà được xem như gái
đĩ “mua vui cũng được một vài trống canh” là quý lắm rồi! Cụ Nguyễn Du từng ẩn
dụ qua thân phận nàng Kiều chứ tôi không dám mạo phạm đâu!
Trên mạng, người ta đang lưu
truyền câu này khá hay và chân thật: “Thời buổi này, người ta cảm thấy hèn
và chịu nhục lắm lắm mới làm thơ!” Nói thêm, bằng nghịch đề: Thời buổi này
làm thơ mà không thấy mình hèn và nhục thì chỉ có bọn mặt dạn mày dày, nếu
không thì cũng chỉ là loại mắc bệnh hoang tưởng! Vì sao tôi sẽ giải thích rõ
hơn bằng bài tiếp theo!
Dù sao, khi nhà thơ biết ngậm
ngùi khóc cho đứa con tinh thần của mình cũng là lúc báo hiệu cho một sự đổi
thay. Ít ra anh ta sẽ hồi tỉnh nếu biết phản tỉnh!
CHU MỘNG LONG
[Còn tiếp]
Nhận xét
Đăng nhận xét