HÀNH TRÌNH CHỮ QUỐC NGỮ KHAI TỬ CHỮ HÁN
HÀNH TRÌNH CHỮ QUỐC NGỮ
KHAI TỬ CHỮ HÁN
TRÊN ĐẤT VIỆT
Sau khi được các nhà truyền giáo
phát minh vào đầu thế kỷ 17 mà điểm nhấn là bộ tự điển Việt – Bồ - La của cha Đắc
Lộ, chữ Quốc ngữ có nhiều cải biến để ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, suốt gần
3 thế kỷ, chữ Quốc ngữ không được trọng dụng mà chỉ ‘lưu hành nội bộ’ trong cộng
đồng của người theo đạo Công giáo.
Các triều đình phong kiến Việt
Nam vốn có ác cảm với các nhà truyền giáo phương Tây đã không tôn trọng chữ Quốc
ngữ. Với các nhà nho thì chữ Hán được coi là chữ Thánh hiền và họ không chấp nhận
chữ Quốc ngữ của Tây phương. Đó là lý do chữ Quốc ngữ dù ra đời thế kỷ 17 nhưng
không được phổ biến trong thế kỷ 18, 19. Vào thời điểm đó, ngoài chữ Hán thì ở
Việt Nam còn có chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều là những văn tự ghi tiếng nói của
người Việt Nam. Nếu so sánh thì chữ Quốc ngữ rất gần chữ Pháp, lại rất tiện lợi,
dễ học, dễ nhớ hơn nhiều so với chữ Nôm.
Chữ Nôm tuy là để ghi tiếng của
người Việt nhưng lại mượn chữ Hán thành ra có thể coi là là cách thức dùng chữ
Hán giải mã tiếng Việt. Nếu chữ Hán khó một thì thì chữ Nôm khó 10 vì người giỏi
chữ Nôm thì phải cực thạo chữ Hán và nhanh ý để nhìn hình đoán chữ.
Đáng lẽ với sự tiện lợi của chữ
Quốc ngữ như vậy thì phải được dân ta khi đón nhận nồng nhiệt. Nhưng như đã
nói, giới sĩ phu Việt Nam đã cực lực chống lại các chính sách ngôn ngữ của nhà
cầm quyền Pháp. Họ quan niệm chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, là công cụ
truyền bá của các nhà truyền giáo. Họ muốn duy trì học chữ Hán bởi vì học chữ
Hán là được giáo dục về luân lí về lịch sử, còn học chữ Quốc ngữ thì chỉ như một
trò chơi, khi người ta biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ người ta không biết gì cả.
Ngay cả khi không thể dùng chữ
Hán để ghi văn bản của người Việt thì họ thà dùng chữ Nôm còn hơn dùng chữ Quốc
ngữ. Năm 1867, Nguyễn Trường Tộ chính thức đề nghị triều đình Huế sử dụng chữ
Nôm.
Phải đến khi người Pháp dùng các
biện pháp chế tài mạnh mẽ thì chữ Quốc ngữ mới bắt đầu được dùng. Ngày
22.2.1869, Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ
Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ vốn do người Pháp cai trị
khi đó. Trước đó, năm 1861, một trường dạy tiếng Việt được thiết lập ở Sài Gòn
để đào tạo những viên thông ngôn người Pháp.
Nghị định 82 ký ngày 6. 4. 1878
do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm
1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ: “Kể từ mồng một Tháng Giêng năm
1882 tất cả văn kiện chánh thức, nghị định, quyết định, lịnh, án tòa, chỉ thị...
sẽ viết, ký tên và công bố bằng chữ Quốc ngữ; nhân viên nào không thể viết thơ từ
bằng chữ Quốc ngữ sẽ không được bổ nhậm và thăng thưởng trong ngạch phủ, huyện
và tổng...”
Để khuyến khích việc truyền bá
chữ Quốc ngữ, nhà chức trách thuộc địa Nam Kỳ còn ra nghị định ngày 14.6.1880
giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết viết
chữ Quốc ngữ
Cũng may là người Pháp áp việc
dùng chữ Quốc ngữ ở Nam Kỳ đầu tiên. Người miền nam nhìn chung có tâm lý phóng
khoáng và thực dụng nên tiếp nhận việc dùng Quốc ngữ khá dễ dàng. Cuối thế kỉ
XIX, các trí thức Nam Kì như cụ Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Tống,
Trương Minh Kí, Nguyễn Trọng Quản... là những người đi đầu trong chủ trương
truyền bá chữ Quốc ngữ và phát triển tiếng Việt.
Khi người Việt ở Nam Kỳ nhận thấy
sự tiện lợi của chữ Quốc ngữ thì chính quyền Pháp bắt đầu tạo áp lực để dùng chữ
Quốc ngữ thay thế chữ Hán ở Bắc và Trung Kỳ vào đầu thế kỷ 20. Triều đình Huế
lúc này đã quá suy yếu nên đành phải nhượng bộ trước áp lực của người Pháp. Thượng
thư bộ Học là Cao Xuân Dục có công văn trả lời Toàn quyền Đông Dương với ý tán
đồng "cả nước cùng học chữ Quốc ngữ La Tinh, tuyển chọn các vị cử nhân, tú
tài, tôn sinh, ấm sinh người bản quốc sung làm giáo sư và thành lập viện dịch
chữ Quốc ngữ... Nay vâng mệnh Hoàng đế bản quốc lập ra trường chuyên dạy thứ chữ
này chính là muốn thống nhất một lối dùng làm thứ chữ dạy học phổ thông”.
Năm 1910, chính phủ Đông Pháp mở
rộng chính sách dùng chữ Quốc ngữ, giao cho Nha Học chính giảng dạy ở Bắc Kỳ.
Năm 1915 thì kỳ thi Hương cuối cùng diễn ra ở Bắc Kỳ mặc cho sự chống đối của
giới sĩ phu. Ở Trung Kỳ thì đạo dụ của vua Khải Định ngày 26 tháng 11 âm lịch
năm Mậu Ngọ (tức ngày 28.12.1918) chính thức bãi bỏ khoa cử và năm 1919 là năm
cuối mở khoa thi ở Huế.
Trong việc phát triển chữ Quốc
ngữ, người Pháp có chủ trương và toan tính riêng phục vụ lợi ích của họ. Tuy
nhiên, việc này lại mang rất nhiều tiện lợi cho người Việt Nam khi chúng ta
không còn phụ thuộc vào hệ thống chữ Hán khó đọc, khó nhớ nữa. Các nhân sĩ tiến
bộ ngoài Bắc cũng nhanh chóng nhận ra lợi ích của chữ Quốc ngữ để kêu gọi mọi
người hưởng ứng rộng rãi. Đầu thế kỉ 20 ở ngoài Bắc, hoạt động của Đông Kinh
Nghĩa Thục (1907) cũng đã dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ, coi chữ Quốc ngữ
là phương tiện khai hoá quốc dân. Các cụ khẳng định:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách các nước, sách Chi Na
Chữ nào chữ ấy dịch ra cho tường.
Trong Văn minh tân học sách của
Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết: "Người trong nước đi học nên lấy chữ
Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong thời gian một vài tháng, đàn bà, trẻ
con đều biết chữ và người ta có thể dùng Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép
việc đời nay... Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy".
Có lẽ điều người Pháp không thể
ngờ rằng chữ Quốc ngữ chính là phương tiện để người Việt phổ biến, hun đúc lòng
yêu nước, tinh thần đòi độc lập.
Việc chúng ta chuyển từ Hán tự
sang chữ Quốc ngữ cũng phải trả một cái giá, đó là hầu hết người Việt Nam ta
không đọc được chữ các cụ ngày xưa (nhất là khi vào đền chùa). Tuy nhiên, cái
giá đó quá rẻ so với việc đại bộ phận người dân biết chữ thay vì chỉ một số nhỏ
biết chữ Hán thời phong kiến.
Thế nhưng, nếu cải cách chữ theo
như đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - tác giả công trình nghiên cứu cải tiến bảng
chữ cái tiếng Việt thì e rằng thế hệ sau này xa lạ với các dòng chữ mà chúng ta
viết hiện giờ. Cái giá khi đó lại trở thành quá đắt.
Anh Tú
Bài viết có tham khảo thông tin
trong bài Chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam qua các thời kì lịch sử của GS-TS Nguyễn
Thiện Giáp
Nhận xét
Đăng nhận xét