Tiếng Việt: MẶT VÀ MẮT – Nguyễn Hưng Quốc

Tiếng Việt: MẶT VÀ MẮT 

Trong bài “Tiếng Việt: sự chuyển nghĩa của lớp từ vựng chỉ các bộ phận cơ thể”, tôi chỉ dừng lại ở các từ: bụng, ruột, gan, mồm, miệng, đầu, cổ, tay, chân… Nhưng chưa kịp đề cập đến mặt, dù có nhắc thoáng qua hai từ ghép mặt mày và mặt mũi.

Bây giờ xin bàn tiếp.

Trên khuôn mặt có đôi mắt. Mắt và mặt có rất nhiều điểm gần nhau. Gần nhau về ngữ âm và cũng gần nhau cả về ngữ nghĩa nữa.

Ở chữ mặt, chúng ta có thể nhận thấy quá trình chuyển nghĩa ở đó con người là một cái trục để quy chiếu các nghĩa phái sinh. Trên thân thể con người, mặt là bộ phận phía trước và bên ngoài, từ đó, nảy sinh ra các chữ: mặt bàn, mặt nước, mặt đất, rồi xa hơn nữa, mặt trăng, mặt trời. Khái niệm “phía trước” và “bên ngoài” gắn liền với không gian, từ đó, dẫn đến khái niệm mặt trước, mặt sau, cuối cùng, được trừu tượng hoá thành một khía cạnh hay một phương diện của vấn đề: mặt tích cực và mặt tiêu cực; mặt tình cảm và mặt pháp lý, v.v...

Nhưng mặt còn một hướng chuyển nghĩa khác, quan trọng hơn, chỉ tình cảm, tư tưởng, thái độ cũng như danh dự của con người, từ đó, chúng ta có: đẹp mặt và xấu mặt, ê mặt và nể mặt, trở mặt và chừa mặt, nóng mặt và mát mặt, v.v...

Rất gần với chữ mặt là chữ mắt.

Chữ mặt và chữ mắt có nhiều kết hợp giống nhau nhưng ý nghĩa thì khác hẳn nhau. Ra mắt khác với ra mặt: cả hai đều hàm ý một sự xuất hiện hay bộc lộ công khai, nhưng trong ra mặt có cái gì liên quan đến thái độ: khinh ra mặt, ghét ra mặt, chống đối ra mặt, v.v...

Ðẹp mắt khác với đẹp mặt: trong khi đẹp mắt giới hạn trong phạm trù thẩm mỹ; đẹp mặt gắn liền với phạm trù danh dự.

Nóng mặt là cảm giác bất bình khi cá nhân bị xúc phạm, trong khi nóng mắt là cảm giác bất bình khi chứng kiến một điều gì không vừa ý, dù điều đó không dính líu gì đến quyền lợi cá nhân mình cả.

Đỏ mắt chỉ sự trông chờ mòn mỏi, trong khi đỏ mặt thì chỉ sự thẹn thùng, xấu hổ.

Ở trên, chúng ta bắt gặp một số từ ghép có cấu trúc ngược, theo kiểu chữ Hán, ở đó từ tố mang ý nghĩa chính đứng sau: đẹp mắt thay vì mắt đẹp; nóng mặt thay vì mặt nóng, v.v...

Có điều, như nhiều nhà ngôn ngữ học đã nhắc: trong cấu trúc thuận, danh từ có ý nghĩa cụ thể; trong cấu trúc ngược, danh từ trở thành trừu tượng, chỉ một phẩm chất hay một đặc điểm thay vì một vật nào đó. Mát tay khác với tay mát. Tay mát bao giờ cũng có nghĩa cụ thể, chỉ một bàn tay nào đó mát dịu; còn mát tay lại chỉ những thầy thuốc giỏi, chữa bệnh mau lành.

Tương tự như vậy, chúng ta có các cặp: mặt đẹp / đẹp mặt; bụng xấu / xấu bụng; bụng tốt / tốt bụng; miệng thối / thối miệng; đầu to / to đầu; gan to / to gan; v.v...

Và v.v...

Nhưng...mà thôi. Chuyện ngôn ngữ thì bàn biết bao giờ cho hết.

Mai mốt lại tiếp.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến