Tiếng Việt: BẢN ĐỒ TỪ VỰNG TRÊN CƠ THỂ - Nguyễn Hưng Quốc

Tiếng Việt: 
BẢN ĐỒ TỪ VỰNG TRÊN CƠ THỂ 

Sẵn nói chuyện bụng lần trước, chúng ta thử nhìn sang các từ chỉ các bộ phận trên cơ thể trong tiếng Việt xem sao.

Liên quan đến đề tài này, từ lâu, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra đặc điểm này: nhìn chung, các bộ phận bên ngoài phần lớn đều là từ thuần Việt: tóc, tai, trán, miệng, cằm, vai, ngực, ức, bụng, v.v...; trong khi đó, các bộ phận bên trong lại thường là các từ Hán Việt: tuỷ, não, tâm, can, mật, tiểu trường, đại trường, v.v...

Nói chung là thế. Tuy nhiên, ở từng vùng cụ thể, sự phân bố cũng như tỉ lệ và chức năng giữa hai lớp từ vựng ấy khác hẳn nhau. 

Ví dụ ở vùng mặt, không khó để nhận ra, thứ nhất, số lượng từ Hán Việt tương đối ít; thứ hai, phần lớn gắn liền với khoa tướng số: thái dương, lưỡng quyền và nhân trung. Tả khuôn mặt một cô gái đang yêu, chúng ta dùng chữ “gò má”: “gò má đỏ au...”; nhưng khi muốn nhấn mạnh đến tính khí hay số mệnh của cô gái ấy, chúng ta lại dùng chữ “lưỡng quyền”, chủ yếu tập trung vào một đặc điểm chính: cao hay thấp.

Ở tứ chi cũng thế. Từ Hán Việt chỉ xuất hiện với khoa tướng số: gò Mộc Tinh, gò Thổ Tinh, gò Thái Dương… rồi Tâm đạo, Sinh đạo, Trí đạo, v.v… Còn lại, toàn bộ đều là các từ thuần Việt. Này nhé: vai, nách, cánh tay, bắp tay, khuỷu tay, cùi chỏ, cẳng tay, cổ tay, cườm tay, nắm tay, bàn tay, mu bàn tay, lòng bàn tay, chỉ tay, ngón tay, đốt ngón tay, lóng tay, móng tay, phao tay, dấu tay, v.v… Dưới chân thì: cẳng, giò, đùi, vế, đầu gối, khoèo (vùng phía sau đầu gối), ống quyển, bụng chân, cổ chân, bàn chân, gót chân, lòng bàn chân, gan bàn chân, ngón chân, v.v… Không có từ Hán Việt nào cả. 

Ở phần ngực, ngược lại, hầu hết các từ bên trong lại là từ Hán Việt: tim (tâm), phổi (phế), mạch, động mạch, tĩnh mạch, tâm thất, tâm bì, v.v... Tất cả các thuật ngữ gốc Hán Việt này đều gắn liền với khoa giải phẫu học. 

Điều này chứng tỏ có lẽ khi tiếp xúc với người Trung Hoa, ngành giải phẫu học và cùng với nó, trình độ khoa học của người Việt Nam tương đối thấp. Vì thấp hơn nên chúng ta chưa có tên gọi các bộ phận bên trong lồng ngực của con người. Và vì chưa có cho nên chúng ta mới phải vay mượn từ chữ Hán. 

Điều này không những đúng đối với phần ngực mà còn đúng cả với hầu hết các bộ phận khác trong cơ thể. Sọ là từ thuần Việt nhưng cái phía bên trong sọ là tuỷ thì lại là từ Hán Việt. Da là từ thuần Việt nhưng gân, do chữ cân mà ra, lại là từ Hán Việt. Thịt là từ thuần Việt nhưng bộ phận nhỏ của thịt là cơ, cơ bắp thì lại là từ Hán Việt. 

Ở vùng hạ bộ hay âm bộ, tức bộ phận sinh dục, ngược lại, vừa có tên gọi bằng chữ thuần Việt vừa có tên gọi bằng chữ Hán Việt. 

Trong phần lớn các trường hợp, đặc biệt hai từ chính chỉ bộ phận sinh dục của nam và nữ, người ta có khuynh hướng dùng từ Hán Việt: những chữ như dương vật, ngọc hành, và âm hộ đều có âm hưởng thanh tao hơn chữ c., cu, buồi, l., đồ (Nhớ câu tục ngữ: “Miệng nhà quan có gang có thép / Đồ kẻ khó vừa nhọ vừa thâm) và đách. 

Nguyên tắc lựa chọn ở đây chủ yếu là nguyên tắc “đạo đức” hoặc ít nhất, lịch sự: tránh cảm giác sỗ sàng, thô tục, thậm chí, thô bỉ. 

Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ giới hạn trong vài từ chính mà thôi. Trên thực tế, chữ “cửa mình” hay “dạ con” không hề gợi cảm giác tục tĩu hơn chữ “âm đạo” hay “tử cung”. Trong cả văn viết lẫn văn nói, trừ một số trường hợp thật tế nhị, người ta thường dùng “hòn dái” thay cho “tinh hoàn” hay “âm hành”, “đì” hay “bìu dái” thay cho “âm nang” hay “hạ nang”, “hột le”, “mồng đóc” hay “ghe” (Xem Từ điển Từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, 2000) thay cho “âm hạch” hay “âm vật”, v.v... 

Hơn nữa, hình như người Việt Nam thường ở trong trạng thái phân vân: họ vừa muốn tránh cảm giác thô tục trong từ thuần Việt lại vừa muốn tránh cảm giác quá nghiêm túc trong từ Hán Việt bằng cách sử dụng các tiếng lóng: lô, bòi, chim, bướm, hĩm, húm, lá đa, cái “tỉnh tình tinh”, của quý, đồ nghề, v.v... 

Có điều, những sự phân vân như thế thường chỉ xuất hiện trong giới có học. 

Riêng giới lao động thì thường sử dụng các từ thuần Việt một cách thoải mái hơn, do đó, chúng ta có các từ ghép để chỉ một số vật thể hoặc vật dụng quen thuộc như: cặc bần (rễ cây bần, thường đâm ngược lên khỏi mặt đất), cặc khỉ (cốm thèo lèo làm bằng bột chiên trong dầu), cặc vịt (vật dùng khui rượu, “corkscrew”), cặc bò (thứ roi làm bằng dương vật bò phơi khô), lồn mèo (cái đầu hồi, nơi hai mái nhà giáp nhau), lồn trâu (cổ áo bà ba rộng mà thon), lồn xa (miếng gỗ xẻ một đầu dùng làm nơi gác con quay kéo vải), lồn lá tre (thứ lồn xa hẹp bề ngang), lồn lá vông (thứ lồn xa hình bầu), v.v... (Tất cả các chữ này đều có trong Việt Nam Tự Ðiển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ).

Thử tưởng tượng, một buổi đẹp trời, sau khi tái ngộ và chung sống với Thuý Vân, một hôm Thuý Kiều thỏ thẻ bảo Kim Trọng:

-    Anh lấy giùm em cái áo đi.
-    Cái áo nào vậy, em?
-    Thì cái áo lồn trâu em thường mặc ở nhà đó.
-    Em để đâu?
-    Em vắt trên cái lồn xa đó.
-    Anh không thấy.
-    Thì anh xem ở cái lồn lá vông xem sao.
-    Cũng không thấy.
-    Sao lạ vậy? À, mà em nhớ rồi, hồi sáng em treo nó gần cái cặc bần. Anh chịu khó ra lấy đi.
-    Anh xem rồi. Nhưng chỉ thấy cái cặc bò thôi.
Xin nhắc lại: Tất cả những từ ấy đều là những từ phổ thông trong dân gian. Và không hề bị xem là tục.

Nếu ở vùng ngực, hầu hết các bộ phận bên trong đều là từ Hán Việt và nếu ở vùng hạ bộ và âm bộ, hầu hết các bộ phận đều có tên gọi vừa bằng chữ thuần Việt vừa bằng chữ Hán Việt thì trong vùng bụng, số lượng các bộ phận có tên gọi thuần Việt và các bộ phận có tên gọi Hán Việt xem như ngang bằng nhau. 

Thuần Việt thì có ruột, cật, bầu dục, ruột già, ruột non, lá lách, lá mía, bong bóng, dạ con, bọng đái, v.v... Hán Việt thì có thận, mật, gan, trường (hay tràng), tì, tuỵ, bàng quang, v.v... 

Giữa hai lớp từ thuần Việt và từ Hán Việt trong vùng bụng, lớp từ thuần Việt rõ ràng là có mức độ phổ biến cao hơn hẳn. Trừ các từ mật và gan không có từ tiếng Việt tương đương để thay thế, hầu hết các từ khác đều có từ tiếng Việt tương đương và trong những trường hợp ấy, từ thuần Việt bao giờ cũng thông dụng hơn. 

Chẳng hạn giữa chữ ruột và chữ trường. Trong ngôn ngữ hằng ngày, người Việt vẫn thường dùng và thích dùng chữ ruột hơn là chữ trường. Ngay chữ đoạn trường, vốn gắn liền với Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du, gần đây cũng có khuynh hướng bị chữ đứt ruột thay thế. Khi nói một nỗi đau đứt ruột hay một tiếng kêu đứt ruột, chúng ta có cảm giác là đỡ sáo cũ hơn là nói một nỗi đau đoạn trường hoặc một tiếng kêu đoạn trường. Chữ trường, khi đứng một mình, chỉ xuất hiện trong các món ăn, chủ yếu là món nhậu, như dồi trường, chẳng hạn. 

Riêng chữ thận, gốc chữ Hán, chỉ phổ biến khi nói về thân thể con người từ khía cạnh y học; vượt ra ngoài khía cạnh y học, người ta hay dùng chữ quả cật thuần Việt: “no cơm ấm cật” hay “chung lưng đấu cật”. Khi nói về loài vật, chữ thận ấy hầu như hoàn toàn bị lép vế trước chữ quả cật và một chữ thuần Việt khác: quả bầu dục.

Nếu ưu thế áp đảo của lớp từ Hán Việt ở vùng ngực tiết lộ về trình độ giải phẫu học và khoa học của người Việt và nếu việc thịnh hành của lớp từ Hán Việt ở vùng hạ bộ cho thấy ý thức luân lý của người Việt thì mức độ phổ biến của lớp từ thuần Việt ở vùng bụng lại mang nhiều ý nghĩa về văn hoá. Nói một cách tóm tắt, trong văn hoá Việt Nam, vùng bụng có một tầm quan trọng rất đặc biệt. 

Nói cách khác, trên bản đồ từ vựng trên cơ thể, chúng ta có thể đọc thấy được rất nhiều chuyện.

Rất, rất nhiều chuyện.

Nguyễn Hưng Quốc



Nhận xét

Bài đăng phổ biến