Tiếng Việt: BỤNG – Nguyễn Hương Quốc

Tiếng Việt: BỤNG 

Trong bài “Miếng ăn trong văn hóa Việt Nam”, tôi đã chứng minh miếng ăn là một ám ảnh lớn của người Việt Nam từ xưa đến nay. Chứng minh từ nhiều góc độ: huyền thoại, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn học, từ văn học dân gian đến văn học viết; trong văn học viết, tập trung vào dòng văn học hiện thực (phê phán) và thể tùy bút.

Tương ứng với việc coi trọng miếng ăn là vai trò của cái bụng.

Nói đến cái bụng cũng đồng thời nói đến lòng, dạ và ruột. Những khái niệm này không hoàn toàn đồng nhất với nhau, nhưng trong cách sử dụng của người Việt, bằng phép hoán dụ, chúng được xem như những từ đồng nghĩa.

Một nhận xét có tính khái quát đầu tiên cần nêu lên là: Đối với người Việt Nam, bụng chiếm tầm quan trọng đặc biệt trong thân thể. Quan trọng hơn óc, não. Và cũng quan trọng hơn cả tim.

Tầm quan trọng ấy có thể được nhìn thấy rõ nhất ở cách dùng các ẩn dụ. 

Nếu trong tiếng Anh hay trong chữ Hán, chữ trái tim, chữ heart hay chữ tâm được mở rộng thành một cái gì chính, nằm giữa, như chữ heartland là khu vực chính, nằm giữa và quan trọng nhất trong một vùng nào đó, được dịch ra chữ Hán là khu trung tâm, thì trong tiếng Việt, để biểu thị một ý niệm tương tự, người ta lại dùng chữ lòng, một bộ phận của bụng. Phần giữa bàn tay: lòng bàn tay; phần giữa căn nhà: lòng căn; phần giữa cái chảo: lòng chảo; phần giữa dòng sông: lòng sông, phần giữa con đường: lòng đường, v.v... 

Cũng liên quan đến khía cạnh ẩn dụ, chúng ta biết trong phần lớn các ngôn ngữ khác, từ tiếng Hoa đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, v.v..., người ta đều dùng hình ảnh trái tim để làm biểu tượng cho tâm hồn, cho tư tưởng và cho tình cảm. Tình yêu ở trong trái tim; niềm vui và nỗi buồn cũng ở cả trong trái tim. Sự chung thuỷ người ta để trong tim, tất cả những bí mật cũng đều được chôn kín trong trái tim. 

Trong tiếng Việt thì ngược lại. Với chúng ta, trung tâm của tư tưởng và tình cảm là phần bụng, bao gồm bụng và bộ phận chính trong bụng là lòng. 

Người khác nghĩ thầm trong đầu, chúng ta thì nghĩ thầm trong bụng. Trong các ngôn ngữ khác, một người thông minh là một kẻ có đầu óc nhạy bén, còn trong tiếng Việt, đó là một kẻ sáng dạ. 

Tình yêu cũng như vui buồn hờn giận người khác giấu trong trái tim, còn chúng ta thì để bụng. Yêu nhau, chúng ta nói là “phải lòng nhau”. Giận nhau, chúng ta nói là “mất lòng nhau”. Một người tốt, trong tiếng Anh là kẻ có trái tim tốt, a kindhearted person, trong tiếng Việt, là kẻ tốt bụng. 

Nhớ cái gì, đối với người nói tiếng Anh, là ấn sâu cái đó vào trong tim, là learn by heart, đối với người Trung Hoa, là làm cho nhập tâm, nhập vào trái tim, còn đối với người Việt Nam, là nhồi vào trong bụng, là nhớ thuộc lòng. 

Chính vì thế, khi đi thi, để kiểm tra lại kiến thức của mình, Tú Xương đã không sờ lên đầu hay sờ lên tim mà là sờ vào bụng: “Tiễn chân cô mất ba đồng lẻ / Sờ bụng thầy không một chữ gì.” Cuối cùng, thi hỏng; thay vì than như người nói tiếng Anh là “tan nát cả trái tim”, là heart-broken, Tú Xương lại thấy đau trong bụng: “Bụng buồn còn biết nói năng chi / Đệ nhất buồn là cái hỏng thi.”

Vai trò của các chữ bụng, lòng, dạ và ruột cũng có thể thấy rõ trong cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nhắc đến Truyện Kiều, người ta hay nói đến chữ tâm.

Nhưng xin lưu ý, trong 3254 câu thơ của Truyện Kiều, chữ tâm lại xuất hiện một cách hoạ hoằn. Chỉ có hai lần, trong hai câu thơ khác nhau. Một lần là “chữ tâm càng dập càng nồng” và một lần khác là “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Là hết. 

Trong khi đó thì Nguyễn Du dùng chữ dạ đến sáu lần, từ “Tình càng thấm thía, dạ càng ngẩn ngơ” đến “Mấy lời ký chú đinh ninh / Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi”. Ngay câu nói phân bua về việc ghen tuông của Hoạn Thư, “Rằng tôi chút phận đàn bà” cũng có một số bản ghi là “Rằng tôi chút dạ đàn bà”. 

Ngoài chữ dạ, trong Truyện Kiều còn có mười hai chữ ruột được dùng để chỉ tính tình và cảm xúc, chẳng hạn, “Tai nghe ruột rối bời bời” hay “Tơ tình đứt ruột, lửa phiền cháy gan”. 

Nhưng trong Truyện Kiều, xuất hiện nhiều nhất là chữ lòng. Nó xuất hiện đến 165 lần khác nhau. Nào là “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, nào là “Lòng đâu sẵn mối thương tâm”, nào là “Đã lòng hiển hiện cho xem / Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời”, v.v...

Nói cách khác, trung tâm trong Truyện Kiều là những lòng, dạ và ruột. Tức thuộc phần bụng. Cái bụng của Thuý Kiều.

Chứ không phải là trái tim (tâm).


Nguyễn Hương Quốc

Nhận xét

Bài đăng phổ biến