XIN CHÀO THỨ BẢY

XIN CHÀO THỨ BẢY
Tại Việt Nam, Tây lịch (lịch Gregorius) được áp dụng tại các công sở vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhà Nguyễn vẫn duy trì song hành lịch Hiệp Kỷ (tính Can Chi theo lịch Thời Hiến của nhà Thanh, Trung Quốc).
Nhiều quốc gia đã sử dụng Tây lịch, khởi đầu từ năm 1582 là Pháp, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…; lần lượt sau đó là một số quốc gia ở châu Âu, các nước theo Công giáo và Tin Lành rồi lan dần khắp các châu lục. Những nước ở châu Á có mối liên hệ lịch sử với Việt Nam đều sử dụng Tây lịch sớm hơn như Nhật Bản (1873), Triều Tiên (1896) hay Trung Quốc (1912)…
Từ năm 1946 đến nay, Tây lịch chính thức được dùng tại Việt Nam. Ở đây, chúng ta tìm hiểu về ngày Thứ Bảy, một thuật ngữ đã được ghi nhận rất sớm trong quyển Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình-Tịnh Paulus Của: "ngày thứ bảy".
Trong nhiều ngôn ngữ, tên của các ngày trong tuần được đặt theo tên của các hành tinh trong chiêm tinh học Hy Lạp, hoặc theo tên của các vị thần từ thời La Mã cổ đại. Cách tính 7 ngày/tuần hiện nay có thể bắt nguồn từ lịch của người Babylon ở vùng Lưỡng Hà; còn người sống trong nền văn minh Etrusca thì tính 8 ngày/tuần; người Ai Cập cổ đại tính 10 ngày/tuần.
Đến năm 321, Hoàng đế La Mã Constantine đã chính thức ban hành cách tính 7 ngày/tuần, bao gồm cả việc biến Chủ nhật thành một ngày nghỉ lễ. Về sau, điều này lan rộng khắp châu Âu và phần còn lại của thế giới.
Hiện nay, có 2 cách hiểu về ngày Thứ Bảy: 1. Từ năm 1988, Tiêu chuẩn quốc tế ISO 8601 quy định Thứ Bảy là ngày thứ sáu trong tuần. Có lẽ vì thế trong tiếng Litva, Thứ Bảy được gọi là Šeštadienis, nghĩa là… ngày thứ sáu. Nếu tính như thế thì Chủ nhật là ngày cuối tuần, còn thứ hai là ngày đầu tuần. Việt Nam cũng theo cách tính này.
2. Thứ Bảy là ngày cuối tuần, Chủ nhật là ngày đầu tuần. Trong tiếng Bồ Đào Nha, Chủ nhật (domingo) là ngày đầu tuần, còn ngày Thứ Bảy (sábado) là ngày cuối cùng của tuần (último dia). Cái từ sábado (Thứ Bảy) bắt nguồn từ tiếng Latin sabbatum - một từ có nguồn gốc từ tiếng Do Thái Shabbat (שבת), chỉ định ngày nghỉ ngơi của người Do Thái và một số nhóm Cơ đốc nhân, chủ yếu là Cơ đốc Phục Lâm. Tương tự, người Hồi giáo cũng coi Thứ Bảy là ngày thứ bảy trong tuần. Như vậy, nhiều người đã từ chối Tiêu chuẩn quốc tế ISO 8601, vẫn sử dụng Thứ Bảy làm ngày cuối cùng của tuần.
Trễ nhất là từ thế kỷ thứ 2, người La Mã đã đặt tên cho Thứ Bảy là diēs Sāturnī (Ngày của Sao Thổ). Trong tiếng Pháp, Thứ Bảy là Samedi, bắt nguồn từ một tiếng Latin có nghĩa là "ngày Sa-bát"; còn tiếng Anh, Thứ Bảy là Saturday, có thể bắt nguồn từ chữ Saturn.
Ở các nước thuộc bán đảo Scandinavia, Thứ Bảy được gọi là lördag (Thụy Điển), lørdag (Đan Mạch) hoặc Lauantai (Phần Lan), tất cả đều có nghĩa là "ngày tắm", do tập tục tắm vào thứ bảy của người Viking. Ở Trung Quốc, Thứ Bảy được gọi là Tinh kỳ lục (星期六: kỳ sao thứ sáu); người Nhật gọi là Thổ diệu nhật (土曜日: ngày sao Thổ ). Tương tự như vậy, trong tiếng Hindi, Thứ Bảy là Shanivar (शनिवार), cũng có nghĩa là "Ngày sao Thổ".
Ở hầu hết các quốc gia, Thứ Bảy là ngày cuối tuần và là ngày nghỉ chính thức - thường được tổ chức bầu cử. Ở Thụy Điển và Na Uy, Thứ Bảy là ngày duy nhất trong tuần mà trẻ nhỏ được phép ăn đồ ngọt. Ở Balkan, theo tín ngưỡng dân gian, người sinh vào Thứ Bảy có thể trở thành thợ săn ma cà rồng.
Hiện nay, ở Việt Nam, Thứ Bảy đơn giản là ngày nghỉ cuối tuần (cùng với Chủ nhật), không có từ lóng liên quan với ngày này. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, thành ngữ "Saturday night special" lại là từ lóng mang tính miệt thị, thường được sử dụng ở nước Mỹ và Canada, biểu thị cho bất kỳ loại súng ngắn rẻ tiền nào, đôi khi còn gọi là "súng rác" (junk guns).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến