QUẮC CẦN CÂU

 
QUẮC CẦN CÂU
Ám chỉ một người say rượu đến mức không còn biết gì nữa, người ta thường nói “say quắc cần câu”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, từ “say quắc cần câu” gắn với nền văn hóa sông nước, đời sống sinh hoạt gắn với con thuyền, làng chài, cần câu. Ví von đó xuất phát từ chính đời sống thường nhật của con người.
Đời sống thuyền chài
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải, câu là cong, quắc là cái cuốc lớn có dáng chữ câu. Chữ Hán là Câu quắc túy và cũng nói đảo là quắc câu túy. Khi vào thành ngữ Việt, người ta thuận mồm thêm chữ “cần” thành 4 chữ cho nhịp nhàng. Tuy nhiên, đó là cách nói phổ biến của người miền Nam, còn người miền Bắc hay nói “say còng văn queo”.
Ở Việt Nam, do nhiều lý do khác nhau, sông nước và những thực thể liên quan đến sông nước có một vai trò to lớn trong đời sống tinh thần và vật chất của con người. Theo lối tư duy đó, thực thể nào gần gũi nhất thì xuất hiện trước nhất, nhiều nhất và có tầm tác động lớn nhất. Với tư cách là chủ thể tri nhận, con người thường phóng chiếu hình bóng của chính mình lên môi trường sông nước, hẳn nhiên, qua tương tác, môi trường ấy không thể không ngược chiếu lại chính con người và xã hội.
PGS.TS Trịnh Sâm, Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, người xưa thường sử dụng những hình ảnh ẩn dụ trong đời sống, người uống rượu nhiều thì được ví “uống như hũ chìm”. Người miền Nam gắn với chiếc xuồng ba lá, người miền Bắc gắn với ghe chài. Trong phân biệt về tửu lượng, người miền Nam được cho là có tửu lượng thấp, uống ít, nhanh say nhưng cũng nhanh tỉnh. Người sống ở ghe chài có tửu lượng cao, uống được nhiều, lâu say, lâu tỉnh thì rõ ràng để hiểu được chúng, quả không đơn giản. Về văn hóa rượu, ở đây còn có khá nhiều ý niệm cũng được xây dựng dựa vào ghe chài tức ghe bóc chài, không phải là ghe đánh cá, mà là ghe chở lúa, ghe ăn lúa, còn bạn ghe chài không phải là bạn trên thuyền đánh cá mà bạn chài trên ghe chở lúa, sông nước: Xuồng chìm tại bến, quắc cần câu, uống tới bến...
Cần câu trĩu nặng
Cách lý giải đơn giản nhất theo nghĩa đen của “quắc cần câu” là việc mô tả hình dáng người say giống như chiếc cần câu bị cong khi kéo câu. Cái dáng liêu xiêu, không vững vàng đó phù hợp với hình ảnh ví von, nên được mặc nhiên chấp nhận. Sự dễ hiểu và gần gũi của hình ảnh đó khiến nó trở thành một phần của đời sống, mặc nhiên được hiểu là như thế, dù việc bóc tách từng lớp ngữ nghĩa, có lẽ ít người làm.
GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam nhìn nhận, đúng là văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam gắn liền với đời sống sông nước với những “cái” cùng “con”. Mỗi sự vật sự việc đều được gắn với những hình ảnh thân thuộc ấy để dễ nhớ. Hình ảnh một người say liêu xiêu, lảo đảo, không còn điều khiển được hành vi nữa được ví như một chiếc cần câu cong vút khi kéo câu, đầy mong manh, lung lay, cảm giác chỉ cần chạm nhẽ là có thể gãy, đổ.
Thông qua những trải nghiệm có tính tương tác, con người thường dùng những hiểu biết, những kinh nghiệm từ chính bản thân mình, từ người khác, từ môi trường xung quanh, bằng con đường dùng một miền ý niệm, thường có tính vật chất, cụ thể, dễ quan sát và có tầm hiểu biết nhiều hơn để nhận thức một miền ý miền niệm khác, thường là phi vật chất, trừu tượng, khó quan sát và hiểu biết ít hơn. “Quắc cần câu” chỉ trạng thái của một ngưới say, dường như cũng gắn với đặc tính sông nước ấy.
Biến tấu khó lý giải
TS Vũ Đức Trung, nguyên giảng viên khoa Văn hóa Dân gian, trường Đại học Văn hóa cho biết, thực tế có một số thành ngữ bị biến tấu để nói cho vần điệu, so sánh cho có hình ảnh chứ nếu mổ xẻ rõ ràng nó là cái gì thì rất khó, kiểu như “nghèo rớt mồng tơi”, “mê tít thò lò”, “say quắc cần câu”... Sự phối kết hợp giữa các từ ngữ không liên quan gì về mặt ngữ nghĩa tạo ra sự khó hiểu nếu bóc tách từng thành tố. Chúng ra đời trên cơ sở của những từ tố gồm có hai từ đơn tiết (nghèo rớt, say quắc, mê tít), mà thành tố thứ hai (rớt quắc, tít) có tác dụng miêu tả và/hoặc nêu lên mức độ tối cao của thành tố thứ nhất (nghèo, say, mê). Để tạo ra sắc thái hài hước, người ta đã ghép vào yếu tố thứ hai một thành phần thêm nghĩa (mồng tơi, cần câu, thò lò) mà thành phần này chỉ thích hợp về ngữ nghĩa với thành tố thứ hai của từ tổ cơ sở chứ không thích hợp với thành tố thứ nhất của từ tổ đó và/hoặc với toàn bộ từ tổ.
Do phương thức cấu tạo đặc biệt đó mà những thành ngữ đang xét vô hình trung có thể được xem như là những đơn vị gồm có hai từ ghép vào nhau (nghèo rớt mồng tơi = nghèo rớt + rớt mồng tơi; say quắc cần câu = say quắc + quắc cần câu;  Trong “say quắc cần câu”, chẳng hạn, thì “quắc” vừa miêu tả vừa nêu lên mức độ tối cao của “say”; “cần câu” thì chỉ có quan hệ ngữ nghĩa tự nhiên và hợp lý với “quắc” nhưng lại không có quan hệ ngữ nghĩa tự nhiên và hợp lý với “say”. “Say quắc” là say đến quằn người lại còn “quắc cần câu” là cong như cái cần câu bị cá đớp mồi mà kéo xuống. Xét riêng thì hai từ tổ trên đây vẫn hợp lý về ngữ nghĩa nhưng phối hợp chúng lại mà nói “say quắc cần câu” thì rõ ràng là đã làm phát sinh vấn đề về mặt luận lý và người ta cứ phải đặt câu hỏi không bao giờ trả lời được: Say quắc cần câu là say như thế nào?
Thế nên, với những phương thức biểu đạt không dựa trên sự logic rõ nghĩa mà chỉ là hình thức thêm bớt cho có vần có điệu, nếu đi mổ xẻ từng câu chữ xem nghĩa gốc thực sự của nó là như thế nào, dường như là không tưởng. Có chăng chỉ là những suy luận dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có để lý giải theo suy nghĩ chủ quan mà không thể chắc chắn có một kết quả đúng được.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia định nghĩa: Say rượu (còn gọi là xỉn) là một trạng thái sinh lý gây ra bởi việc tiêu thụ thức uống có cồn như rượu, bia... có thể dẫn tới ngộ độc do sử dụng quá mức. Vấn đề phát sinh khi chất cồn trong rượu, bia tích tụ trong máu nhanh hơn khả năng chuyển hóa của gan. Trong trạng thái say rượu, tâm trí và cơ thể trở nên suy yếu. Triệu chứng phổ biến thường gặp ở người trong trạng thái say rượu có thể bao gồm nói líu lưỡi, nói nhiều, mất thăng bằng, phối hợp cơ thể kém, mặt đỏ, nôn mửa. Người say rượu nặng, còn gọi là say "quắc cần câu", thường có biểu hiện thay đổi các hành vi thông thường của họ.
Phong Lâm

Nhận xét

Bài đăng phổ biến