"XOAY XỞ” HAY “XOAY SỞ”?
"XOAY XỞ” HAY “XOAY SỞ”?
HOÀNG TUẤN CÔNGTrong tiếng Việt, xoay xở thường bị xem là một từ láy. Có lẽ người ta cho rằng, xở chỉ là yếu tố láy của xoay. Bởi thế, Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Văn Hành chủ biên – NXB Giáo Dục – 1994) thu thập và giải nghĩa như sau:
-“xoay xở đgt. Làm bằng mọi cách sao cho đạt được mục đích, có được cái cần có. Xoay xở để kiếm cho bằng được một căn hộ đẹp. Anh ta là người giỏi xoay xở. Xoay xở đủ cách vẫn không được việc. “Xem ra chỉ có cái tài chạy việc vặt và xoay xở chứ chẳng có nghề ngỗng gì ra hồn.” (Ma Văn Kháng)”.
Bởi không xác định được nghĩa của xở, cho nên trong khi nói và viết (đặc biệt là viết) nhiều người lầm XỞ thành SỞ (viết xoay xở thành xoay sở).
Vậy xở trong từ xoay xở có nghĩa là gì?
Xoay xở là từ ghép đẳng lập, trong đó cả xoay và xở đều là những thành tố có khả năng độc lập trong hành chức: xoay nghĩa là chạy vạy, tìm đủ mọi cách cho được, có được, kiếm ra (như xoay tiền; tài xoay; khéo xoay); xở nghĩa là làm, sửa soạn, tháo, gỡ (như xở việc; Vội không xở kịp; Xở xong cũng vừa lúc trời sáng…).
Ở Thanh Hoá hiện nay, từ xở vẫn được dùng khá phổ biến. Ví dụ khi hỏi: Nhà bác xở cơm chưa?, có nghĩa là Nhà bác đã sửa soạn/chuẩn bị cơm nước xong chưa? Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy nghĩa đẳng lập của xoay và xở trong nhiều cuốn từ điển:
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “xoay • Quay đi, chuyển đi <> Trời đất xoay-vần. Nghĩa bóng: Tìm đủ mẹo, đủ cách mà làm cho được việc gì <>Xoay tiền.”; “xở • 1 Gỡ, tháo <>Bị đánh không kịp xở. Xở việc. Xở rối”.
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “xoay • Chạy, tìm đủ cách để làm cho được: Xoay tiền; Xoay trăm nghìn cách, thử ba bốn lần (NĐM)”; “xở • đt. C/g. Xởi, gỡ lần-hồi, tháo bớt ra: Xở bớt nợ”.
Đồng nghĩa với xoay xở là xoay trở, xoay xoả. Trong đó, trở trong xoay trở có nghĩa là thay đổi tư thế, lật đi lật lại (thể hiện sự loay hoay, trăn trở, vận động); còn xoả (trong xoay xoả) chẳng qua chỉ là biến âm của xở mà thôi.
Bây giờ chúng ta thử xét nghĩa của thành tố sở. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) ghi nhận một số nghĩa của sở như sau:
1 - cây nhỡ cùng họ với chè, lá hình trái xoan, có răng, hoa trắng, hạt ép lấy dầu dùng trong công nghiệp và để ăn.
2 - cơ quan quản lí một ngành chuyên môn của nhà nước ở cấp tỉnh và thành phố.
3 - [cũ] tổ chức kinh doanh của nhà nước hay tư nhân thời trước.
4 - [cũ] công sở hoặc sở tư [nói tắt], trong quan hệ với nhân viên làm việc.
Theo đây, sở không có cùng trường nghĩa với xoay, không thoả mãn nguyên tắc cấu tạo của một từ ghép đẳng lập. Và, trong tất cả các cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay không có cuốn nào ghi nhận xoay sở.
Như vậy, với trường hợp xoay xở và xoay sở, thì chỉ có một phương án đúng duy nhất, đó là XOAY XỞ. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta cần ghi nhớ, xở trong xoay xở có nghĩa là làm, sửa soạn, tháo, gỡ, gần nghĩa với xoay (chạy, tìm đủ mọi cách để có được); trong khi đứng cạnh xoay, sở trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Bởi vậy, trong tiếng Việt, chỉ có XOAY XỞ, không có XOAY SỞ.
Nhận xét
Đăng nhận xét