SƠN THUỶ CÓ TÌNH VỚI AI?

 
SƠN THUỶ CÓ TÌNH VỚI AI?
 
Thác Bản Giốc, một điển hình của
Sơn thuỷ hữu tình
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Ở đây sơn thủy hữu tình,

Có thuyền có bến có mình có ta.

Ở đây sơn thủy bao la,

Có thuyền có bến có ta có mình.

      (Ca dao)

 

Sơn thuỷ hữu tình 山水有情 nghĩa là gì?

Hầu hết các sách từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay, đều giảng là “cảnh sông núi tươi đẹp, hài hoà, dễ làm rung động lòng người” (Từ điển tiếng Việt – Hoàng Phê chủ biên); “nói cảnh thiên nhiên tươi đẹp dễ quyện lòng người” (Từ điển từ và ngữ Việt Nam – GS Nguyễn Lân); “cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hài hoà (có núi non, sông nước), rung động lòng người.” (Đại từ điển tiếng Việt – Nguyễn Như Ý chủ biên)…

Ở đây, chúng ta thấy điểm chung là dù giải thích thế nào, nhà biên soạn từ điển đều gắn với đặc điểm “dễ làm rung động lòng người”, “dễ quyện lòng người”, “rung động lòng người”…Có nghĩa sơn thuỷ hữu tình là cảnh đẹp sông núi khiến con người phải rung động.

 Vấn đề đặt ra là, “thiên nhiên tươi đẹp” thì có muôn vàn cảnh trí khác nhau. Cỏ non xanh rợn chân trời, hay Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng, trong hai câu Kiều cũng là những kiểu “thiên nhiên tươi đẹp dễ quyện lòng người”. Thế nhưng đều không thể gọi là “Sơn thuỷ hữu tình”. Theo đây, hữu tình ở đây không phải là người có tình với sông núi, nên “dễ quyện lòng người”, mà là sông và núi “có tình” với nhau.

Quan niệm của nhà phong thuỷ coi sơn  là chủ (vì sơn ở thế tĩnh), thuỷ  là khách (vì thuỷ ở thế động). Nếu thuỷ từ xa đến mà ầm ào chảy xiết, chảy thẳng một mạch không lưu luyến, không đọng lại gì; sơn thấy thuỷ đến như ở thế phản kháng, chống đỡ xói lở, thì thế đất ấy không những không đẹp, mà còn hiểm trở, gây cho người ta cảm giác bất an.

Thế của sơn-thuỷ (chủ-khách) phải thân tình, chào đón, hoà quyện, quyến luyến nhau. Ví tựa dòng nước từ xa đến như vui mừng được gặp sơn, trước khi chảy đi xa còn vòng lại (nhiễu) như lưu luyến chẳng muốn rời, đôi khi còn tụ lại thành ao, hồ đầm, vụng, vịnh... Sơn thấy thuỷ cũng như mừng rỡ chào đón khách từ phương xa đến. Thế nên, cái cảnh Sơn thuỷ hữu tình 山水有情, còn được nhà phong thuỷ ca ngợi như Chủ khách tương nghênh (Chủ khách đón nhau).

    Chúng ta hãy đọc lại mấy câu ca dao:

Ở đây sơn thủy hữu tình,

Có thuyền có bến có mình có ta.

Ở đây sơn thủy bao la,

Có thuyền có bến có ta có mình.

    Ở đây, sơn-thuỷthuyền-bếnmình-ta, đều là những cặp “tình nhân” đẹp đôi, Sơn thanh thuỷ tú, Trai tài gái sắc, Kẻ đợi người chờ quyến luyến, hoà quyện với nhau như không muốn rời. Và Sơn thuỷ hữu tình phải được hiểu là Phong cảnh tươi đẹp, như hoà quyện với nhau của một vùng non nước, tựa như sơn-thuỷ có tình với nhau vậy.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến