TIẾNG ĐỆM

 TIẾNG ĐỆM
Một trong những đặc thù trong kho tàng tiếng Việt là có nhiều từ đệm.
Lợi ích trước hết của từ đệm ai cũng biết là làm cho lời nói/câu văn viết sinh động hơn, hay hơn vì sinh vần sinh điệu, dù chưa hẳn khi đem "chẻ tách" từng từ riêng biệt được ghép thành từ đệm ra, mỗi từ riêng đều có nghĩa.
1. Phân tích nguồn từ đệm vốn rất phong phú trong tiếng Việt có thể tạm chia ra ba loại.
Trước hết, trong cuộc sống hằng ngày có thể gặp rất nhiều từ đệm mà nếu tách riêng ra thì cả hai từ đều có nghĩa riêng. Đó là: "cày bừa", "lợn gà", "cơm nước", "xe pháo", "chữ nghĩa", "sâu bọ", "tiền bạc", "trời đất", "cầu cống", "nhà cửa", "vợ con", "giường chõng", "đất cát", "điện đóm", "ăn nói", "bom đạn", "tôm tép" (chỉ là hạng tôm tép)...
Thứ hai là loại từ đệm mà từ thành phần thứ hai lại không có nghĩa hoặc nghĩa không rõ ràng, cụ thể, có vẻ chỉ được ghép với nhau cho có vần điệu, hay ho. Vốn từ đệm này cũng rất đa dạng, phổ biến: "đất đai", "áo sống", "cây cối", "nước nôi", "giỏi giang", "con cái", "chim chóc", "lính tráng", "gió máy", "máy móc", "thuốc men"...
Loại từ đệm thứ ba tuy tách ra mỗi từ thành phần đều có nghĩa riêng nhưng chúng được ghép với nhau lại không với mục đích "cộng nghĩa". Ví dụ: "béo tốt" (trông anh ta béo tốt thế mà lười biếng). 
Chữ "tốt" ở đây không có ý nghĩa khen, tích cực như vốn có của từ này; "gầy gò" (thân hình cậu bé thật gầy gò). 
Chữ "gò" ở đây không mang nghĩa "gò" là "khoảng đất cao nổi lên giữa đồng bằng" hay "dùng búa đánh/đập tấm kim loại thành vật gì đó" như ghi trong từ điển.
2. Một điểm hay khác của từ đệm tiếng Việt là sự thể hiện cung bậc, mức độ vấn đề, biểu đạt mục đích/ ý nghĩa mà người nói/ viết truyền tải qua từ đệm họ dùng về đặc tính, hành động... 
Ví dụ, cũng là từ đệm biểu đạt sự/cái "đau" nhưng cung bậc từ nhẹ đến nặng đã có từ khác nhau: "đau yếu", "đau lòng", "đau xót", "đau khổ", "đau đớn", "đau quặn"... 
Hay như khi thể hiện tính cách một con người lại tùy mục đích khen, chê mức nào mà có các từ đệm: "dễ tính", "cảm tính", "khó tính", "nóng tính", "cáu tính", "cục tính", "xấu tính", "bẳn tính"... 
Cũng vậy, diễn tả sự nghèo nhưng mức độ khác nhau lại tăng lên với các từ đệm: "nghèo khó", "nghèo khổ", "nghèo kiệt", "nghèo xơ xác", "nghèo kiết xác"... Tương tự là nói/viết về sự/việc "phá": "phá cách", "phá bỏ", "phá phách", "phá hoại", "quấy phá"...
Như trên đã đề cập, từ đệm là "đặc sản" làm cho tiếng Việt phong phú, hay hơn nếu biết khai thác, sử dụng đúng chỗ, đúng ngữ cảnh, đúng lúc... 
Ngược lại nếu sử dụng từ đệm không trúng chẳng những không hiệu quả mà đôi khi còn mang đến "hậu quả" như làm sai khác vấn đề, câu chuyện, từ nhẹ thành nghiêm trọng hoặc ngược lại. Vì thế, khi sử dụng từ đệm phải cẩn trọng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến