Những Sai Sót Khó Tin Trong Bài Học “Đồng Tháp Mười Mùa Nước Nổi”

 
Những Sai Sót Khó Tin Trong
Bài Học “Đồng Tháp Mười Mùa Nước Nổi”
- Sách Giáo Khoa Ngữ Văn Lớp 6,
Tập Một Do Nhóm Cánh Diều Biên Soạn

Phần 1
Năm nay là năm thứ hai, Bộ giáo dục và đạo tạo triển khai việc thay đổi sách giáo khoa (SGK) phổ thông theo chương trình đổi mới được ban hành năm 2018. Cách đây 1 năm nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa Cánh Diều do GS Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên kiêm chủ biên đã tạo nên cú sốc liên quan đến bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1. Cứ ngỡ đây là bài học để Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự rút kinh nghiệm và cẩn trọng hơn. Thế nhưng, bước đầu tìm hiểu sách Ngữ văn lớp 6 tập một vừa được Bộ trưởng Bộ giáo dục ký ban hành đưa vào sử dụng, chúng tôi rất bất ngờ về những sai sót rất khó tin trong một bài học từ trang 55 đến trang 58 nhan đề: “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết bài học “Đồng Tháp Mười màu nước nổi” in trong SGK Ngữ văn lớp 6 tập một được trích từ bài viết đăng trên báo Văn nghệ, số 49, năm 2011 của tác giả Văn Công Hùng. So với nguyên bản khá dài, bài học trong SGK được biên tập, rút gọn lại và chia thành 6 đoạn. Mục tiêu chính của bài học này là giới thiệu với học sinh về thể loại du ký thông qua việc đọc hiểu văn bản và trả lời các câu hỏi có liên quan.
Để bạn đọc tiện theo dõi, chúng tôi phân tích và chỉ ra những điểm sai sót về kiến thức; hoặc kiến thức còn đang tranh cãi trong nội dung bài du kí “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” in trong trong SGK Ngữ văn lớp 6, tập 1 như sau:

1. Cho đến thời điểm năm 2011 (thời điểm tác giả viết bài du ký), về phương diện phân chia địa giới hành chính, ở Việt Nam chỉ có tỉnh Đồng Tháp trong đó có một huyện là Tháp Mười. Cách gọi “Đồng Tháp Mười” là cách gọi có từ thời Pháp thuộc chỉ một vùng đất ngập nước trải rộng và bao gồm 3 tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nội dung bài du kí “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của tác giả Văn Công Hùng in trong SGK khi thì tác giả gọi “Đồng Tháp” khi thì gọi “Đồng Tháp Mười”, khi thì “Tháp Mười”. Đây vừa là sự sai sót vừa là sự nhập nhèm, lẫn lộn về kiến thức địa giới hành chính trong khi miêu tả.

2. Bài du kí trong SGK có tựa đề/chủ đề liên quan đến hiện tượng “mùa nước nổi” nhưng toàn bộ nội dung bên dưới gồm 6 đoạn trích hoàn toàn không thấy tác giả đề cập gì đến hiện tượng này. (Trước hết, đây là lỗi về lập luận và tính mạch lạc của văn bản – chúng tôi sẽ phân tích kỹ hơn ở phần 2). Thay vào đó, tác giả lại đề cập đến hiện tượng “lũ”. Ở đây có hai vấn đề cần bàn:
- Một là, theo thói quen lâu nay, người dân cả nước nói chung vẫn gọi hiện tượng nước dâng lên gây ngập ruộng đồng, vườn tược từ khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch hàng năm ở các tỉnh ĐBSCL là “lũ”. Tuy vậy, nếu so với “lũ” ở các tỉnh miền Trung thì “lũ” ở ĐBSCL là hiện tượng tự nhiên có tính tuần hoàn do nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. “Lũ” ở miền Tây, vì thế, không phải là “thiên tai” (tai họa của trời) trái lại, khi “lũ về” còn mang theo phù sa cùng các sản vật thủy sản nước ngọt... Đó là lý do, các nhà khoa học và người dân sống ở ĐBSCL gọi “lũ” ở miền Tây là “mùa nước nổi” để phân biệt với “lũ” với tính chất “thiên tai” ở các tỉnh miền Trung. Về chuyện này, SGK Tiếng Việt lớp 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng tổng chủ biên, mới đây có đưa vào bài học “Mùa nước nổi” (trang 12) ghi lại cảm nhận và suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng ngay câu mở đầu như sau:
“Mùa này, người làng tôi gọi là mùa nước nổi, không gọi là nước lũ vì nước lên hiền hòa…”
- Hai là, tác giả bài du kí ngay câu đầu trong SGK Ngữ văn lớp 6 viết: “Nói đến Đồng Tháp Mười là nói đến lũ” nhưng không giải thích “lũ” là cách gọi khác của hiện tượng “mùa nước nổi”.
Ngoài ra, cả đoạn 1, tuy tác giả có nhắc đến “lũ” nhưng thực chất lại nói về chuyện không có/còn “lũ”, “lũ không về”. Điều đó cũng có nghĩa là chẳng có “mùa nước nổi” nào cả. Và tại sao lại như thế tác giả cũng không giải thích. Vì thế, cả đoạn 1 trong bài đọc này hoàn toàn không có thông tin hay giá trị gì liên quan đến “mùa nước nổi” ở Đồng Tháp Mười như tiêu đề bài viết đã thông tin. Với các em học sinh lớp 6 nhất là học sinh ở các tỉnh ngoài ĐBSCL thì đây là một sự đánh đố quá sức.

3. Cũng ở đoạn 1 trong SGK, những nhận định của tác giả về “lũ” ở Đồng Tháp Mười theo chúng tôi là rất chủ quan và mâu thuẫn với đoạn 6. Cụ thể:
- Tác giả viết: “Nói đến Đồng Tháp Mười là nói đến lũ”, “lũ là nguồn sống của cả cư dân miền sông nước”, “làm nên một nền văn hóa đồng bằng”,… Xin hỏi dựa vào đâu để tác giả đưa ra những nhận định này?
Ngoài ra, dựa vào đầu mà tác giả lại nói “lũ không về” làm cho “toàn bộ đời sống bị ngưng trệ”. Đã vậy nhận định này lại vô cùng mâu thuẫn với nhận định ở cuối bài viết (đoạn 6) mà tác giả kết luận: “Người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng”. Hay “cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái”… Nhận định này của tác giả cho thấy dù có hay không có “lũ” – “mùa nước nổi” về thì người dân miền Tây hôm nay cũng đã thích nghi, vẫn vui vẻ sống chứ không có chuyện “toàn bộ đời sống bị ngưng trệ”.

4. Đoạn 1 và đoạn 6 trong SGK, tác giả có đề cập đến hiện tượng tự nhiên ở miền Tây là “nước ròng” và “nước kiệt”.
Ở phần chú thích phía dưới (trang 55), những người biên soạn SGK đã giải thích “nước kiệt” chỉ hiện tượng “nước cạn khi thủy triều xuống”. Đến trang 58, các tác giả biên soạn sách chú thích “nước ròng” cũng là “nước kiệt”. Chú thích trên thật ra cũng không đúng hoàn toàn. Lẽ ra, phải nói rằng “nước ròng” ở miền Tây chỉ hiện tượng thủy triều xuống trong khoảng thời gian nhất định của một ngày.
Nếu theo cách giải thích này thì người dân miền Tây có thói quen gọi “nước ròng” hơn là “nước kiệt”. Và ngược lại với “nước ròng” là “nước lớn”. Ca dao Nam bộ nói về hiện tượng “nước ròng”, “nước lớn” như sau:
- Nước ròng trong ngọn chảy ra/ Nghe chồng em chết anh bôn ba qua liền”.
- “Nước ròng bỏ bãi xà cừ/ Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông”.
- “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê”…
Đến đây có thể thấy, trong khi các tác giả biên soạn sách chú thích “nước ròng” cũng là “nước kiệt” thì tác giả bài du ký lại viết: “Bởi không có lũ, nước kiệt đi thì toàn bộ vùng đất này sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng, phèn nổi lên rất nhiều và đậm”. Câu văn này, cho thấy tác giả bài du ký hiểu “nước kiệt” là do “lũ không về”. Điểu này vừa sai vừa không khớp với chú thích mà nhóm tác giả biên soạn sách lý giải.

5. Tiếp theo ở đoạn thứ 2 (trang 56 của SGK), liên quan đến tên gọi địa danh “Tràm Chim” tác giả bài du ký viết:
“… Còn Tràm Chim thì chính Hữu Nhân đã giải thích cho tôi rằng tràm chim chỉ đơn giản là tràm và chim. Trước đó, tôi nghĩ tràm là cách gọi một vùng đất nổi lên, như một cái vườn giữa hàng ngàn héc ta nước và ở đó có nhiều chim. Giống như giồng, như cù lao, như gò, như rạch, kinh…Thế mà nó đơn giản đến không ngờ là gồm những cây tràm kết thành rừng và chim thì dày đặc thành vườn”.
            Có thể nói, vấn đề lý giải tên gọi địa danh “Tràm Chim” hiện nay là vấn đề khá phức tạp, các nhà nghiên cứu về địa danh vẫn đang tranh luận và chưa có sự thống nhất. Dẫu vậy, theo học giả An Chi hay tác giả Huỳnh Công Tín (trong sách “Cảm nhận bản sắc Nam bộ”, nhà xuất bản văn hóa thông tin, 2006) thì cách thích Tràm Chim là vùng đất chỉ “đơn giản có tràm và chim” là cách giải thích hời hợt và thiếu cơ sở nhất.
Về vấn đề, này chúng tôi cho rằng, tác giả bài du ký có quyền tin theo cách giải thích của bạn mình nhưng thiết nghĩ không nên khẳng định một cách tuyệt đối như thế. Và nếu thận trọng hơn, tác giả nên để ngõ nhiều cách hiểu giống như cách giải thích về tên gọi địa danh “Tháp Mười” ngay ở câu văn phía trên. Điều quan trọng hơn, chúng tôi rất băn khoăn là với học sinh lớp 6 thì có cần học những kiến thức vẫn còn đang tranh cãi như thế này không?

6. Liên quan đến khu di tích Gò Tháp ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, tác giả bài du ký viết:
“Từ thành phố Cao Lãnh, Hữu Nhân chở tôi bằng xe máy gần buổi sáng thì đến khu di tích Gò Tháp. Đây là khu gò rộng 5000 mét vuông và cao hơn 5 mét so với mặt nước biển Hà Tiên…”
Viết như trên, chúng tôi thật sự không hiểu tác giả đang miêu tả toàn bộ khu di tích Gò Tháp hay chỉ nói về cái “Gò Tháp” trong toàn bộ Khu di tích quốc gia ở tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích 320 ha. Đây cũng là một sự nhập nhằng về thông tin và kiến thức mà nếu cẩn trọng sẽ không khó để tác giả tìm hiểu qua sách báo hay các cẩm nang du lịch địa phương hoặc đơn giản nhất là truy cập vào trang web của “Ban quản lý Khu di tích Gò Tháp”.
Tóm lại, có thể nói, về nội dung, bài du ký “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” có “quá nhiều sạn”. Theo cảm nhận của chúng tôi, tác giả Văn Công Hùng khi viết bài này cố làm ra vẻ hiểu biết về văn hóa (tự nhiên và con người) miền sông nước ĐBSCL nhưng đáng tiếc nhiều kiến thức mà ông trình bày vừa sai vừa rất khiên cưỡng.
Nói khác đi, bài viết này theo chúng tôi mang dáng dấp của một bài tạp văn với những ghi chép, góp nhặt, tản mác, vụn vặt của tác giả trong lúc “trà dư tửu hậu” hơn là một tác phẩm có tính mẫu mực để minh họa cho thể loại văn du kí. Trong hiểu biết của chúng tôi, nếu nhóm tác giả biên soạn SGK Ngữ văn 6 – Cánh Diều muốn học sinh có kiến thức về văn hóa và con người miền Tây qua thể loại du ký hoàn toàn có thể giới thiệu một đoạn trích nào đó trong tác phẩm nổi tiếng“Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của học giả Nguyễn Hiến Lê thay vì bài tạp văn này.
Một cách nghiêm túc nhất, với những sai sót như thế, bài viết du ký này lẽ ra cần phải được biên tập kỹ hơn trước khi đăng báo huống hồ là đưa vào SGK để làm văn liệu giảng dạy cho các cháu học sinh. Chỉ riêng chuyện này thôi, chúng tôi cảm thấy rất bất ngờ khi nhóm tác giả biên soạn SGK lại lựa chọn đưa vào. Và Hội đồng thẩm định không hiểu sao lại bỏ phiếu thông qua?

Phần 2
Ở phần trước, chúng tôi đã phân tích và chỉ ra những điểm sai sót về kiến thức, hoặc kiến thức còn đang tranh cãi trong nội dung bài du kí “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của tác giả Văn Công Hùng in trong SGK Ngữ văn lớp 6 tập một. Tiếp theo đây, chúng tôi xin phân tích và chỉ ra những sai sót về hình thức trình bày, biểu đạt của tác giả trong văn bản này.
Một văn bản rời rạc, thiếu mạch lạc trong lập luận và liên kết giữa các đoạn văn
Như đã nói, qua tìm hiểu chúng tôi được biết bài học “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” vốn có xuất xứ từ bài viết đăng trên báo Văn nghệ, số 49, năm 2011 của tác giả Văn Công Hùng. Khi lựa chọn để đưa vào SKG Ngữ văn lớp 6, tập một, nhóm tác giả biên soạn đã rút ngắn và biên tập lại 6 đoạn văn từ trang 55 đến trang 58. Xét toàn bộ chỉnh thể, cấu trúc của văn bản này, có thể nói đây là một văn bản rời rạc, thiếu mạch lạc trong lập luận và liên kết. Cụ thể như sau:

- Văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” được cấu trúc thành 6 đoạn văn. Tuy vậy, trong 6 đoạn này tác giả không một lần đề cập nào đến hiện tượng “mùa nước nổi”. Về mặt lập luận đây là một sai sót sơ đẳng và nghiêm trọng nhất của văn bản này. Lẽ ra, khi tác giả nêu vấn đề “mùa nước nổi” ở đầu bài thì ít nhất phải có một hoặc vài luận điểm nào đó giới thiệu, giới thuyết, luận bàn về vấn đề ấy. Dù rằng, tác giả có đề cập đến “lũ” – một cách gọi khác của hiện tượng “mùa nước nổi”. Nhưng như thế là một sự đánh đố với các em học sinh lớp 6 vì xét về nguyên nhân và tính chất thì hiện tượng “lũ” ở miền Tây rất khác với “lũ” ở miền Trung hay các vùng miền khác (như chúng tôi đã phân tích ở phần trước).
Bên cạnh đó, mỗi đoạn trong bài viết tác giả lại bàn về một vấn đề khác nhau và mối liên kết giữa 6 đoạn văn này cũng rất lỏng lẻo, rời rạc. Cụ thể, đoạn 1 nói về chuyện “lũ” không về (khi thì “Đồng Tháp”, khi thì “Đồng Tháp Mười”); đoạn 2 kể lại chuyện được bạn chở vào “lõi Đồng Tháp Mười”, đoạn 3 kể về chuyện thưởng thức hai món ăn cá linh và bông điên điển, đoạn 4 nói về sen ở Tháp Mười, đoạn 5 nói về việc bạn chở đến khu di tích Gò Tháp, cuối cùng là đoạn 6 kể về việc trở lại thành phố Cao Lãnh cùng với đó là những nhận xét của người viết về cuộc sống của người dân nơi đây.
Không những vậy, nội dung và ý nghĩa của đoạn 1 (mở đầu) và đoạn 6 (kết thúc) trong văn bản này lại rất mâu thuẫn nhau. Cụ thể, đoạn 1 tác giả lại nói vì “lũ không về” làm cho “toàn bộ đời sống bị ngưng trệ” còn đoạn 6 lại kết luận “người dân ở đây vui vẻ sống, hiền lành sống, năng động sống với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng”. Hay “cuộc sống cứ thế trôi, bình dị và an lành, tự tin và khảng khái…”.

- Trở lên là xét trong cấu trúc tổng thể của bài du ký, còn xét trong từng đoạn văn có khi giữa các câu trong cùng một đoạn có khi chẳng ăn nhập gì với nhau. Thậm chí, còn “đá” nhau chan chát. Ví dụ, ở đoạn 4 tác giả viết:
“Về đây mới thấy, sen xứng đáng để…ngợp. Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết bung nở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn, lác. Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen”.
Có thể thấy, trong 3 câu văn trên thì ý nghĩa của câu thứ 2 và thứ 3 mâu thuẫn nhau. Trong câu 2, tác giả bảo “bạt ngàn sen chen giữa từng tràm”, “ngạo nghễ giữa năn, lác” nhưng ngay sau đó câu thứ 3 thì nói ngược lại: “Không chen chúc chật chội, chúng chiếm những không gian rộng lớn, bát ngát chỉ mình sen”.
Một ví dụ khác, ở đoạn 1, câu văn thứ tư “Năm ngoái, chúng tôi lại xuống Long An” là câu văn rời rạc, thiếu mạch lạc không liên quan gì đến các câu còn lại trong đoạn. Vì 3 câu đầu đang nói về lũ ở Đồng Tháp Mười, các câu sau vừa tiếp tục bàn và miêu tả lũ và việc đào kinh…

Lỗi dùng từ
Văn bản bài học “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” in trong SGK Ngữ văn lớp 6, tập một của nhóm Cánh Diều có nhiều sai sót trong cách dùng từ như: dùng từ không chính xác, từ sáo rỗng và không đúng chỗ… Xin đơn cử ra vài trường hợp tiêu biểu sau:

             - Từ “nước kiệt” trong câu: “Bởi nếu không có lũ nước kiệt đi thì toàn bộ vùng này thiếu nước”. “Nước kiệt” là từ địa phương được nhóm tác giả biên soạn sách chú thích cùng nghĩa với từ “nước ròng” chỉ hiện tượng nước cạn khi thủy triều xuống ở các con sông trong một ngày. Vậy nên, từ “nước kiệt” được sử dụng trong câu văn trên là không chính xác, gây hiểu lầm vì “lũ không về” nên làm cho “nước kiệt đi”.

            - Từ láy “nhịp nhàng” trong câu “Người dân ở đây vui vẻ sống…, sống chung với nhịp nhàng nước kiệt, nước ròng…”. Nếu “nước kiệt” và “nước ròng” cùng nghĩa (như nhóm biên sọa SGK giải thích) thì không có sự “nhịp nhàng” ở đây. Muốn nói đến tính chất “nhịp nhàng” phải thay từ “nước kiệt” thành “nước lớn” (chỉ hiện tượng nước dâng lên trong một chu kỳ thủy triều). Khi ấy câu văn sẽ là “sống chung với nhịp nhàng nước lớn, nước ròng…”

            - Từ “mùa màng” trong câu “Nó mang phù sa mùa màng về…”. Ý của tác giả trong câu này là muốn nói khi “lũ về” sẽ mang theo phù sa nhờ vậy mà việc gieo trồng của người dân thuận lợi, mùa màng cây trái tốt tươi. Tuy vậy, cách dùng từ “mùa màng” trong câu văn trên là không đúng. Nước lũ chỉ có thể “mang phù sa” chứ không mang “mùa màng”.

-  Các từ “miệt mài”, “quốc hồn, quốc túy” trong câu “Tôi miệt mài ăn hai món quốc hồn quốc túy đồng bằng”; từ “thời trân” trong cụm “…thưởng thức thời trân của trời đất, dẫu chỉ là món thời trân vô cùng dân dã”; từ “thế lực” trong câu “Có một điều cần khẳng định, sen Tháp Mười là một thế lực, thế lực của cái đẹp tự nhiên”; từ “ngạo nghễ” trong câu “Sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác”…

Những từ vừa liệt kê trên đây có thể không sai trong cách nghĩ và sự hiểu biết của tác giả. Dẫu vậy, xét trong toàn bộ nội dung, ý nghĩa của bài du ký, tác giả muốn qua đó bàn về những nét đặc trưng góp phần làm nên cái hồn cốt, sắc thái riêng của xứ sở và con người vùng sông nước ĐBSCL nói chung thì những cách nói như trên là rất xa lạ, sáo rỗng; làm cho ngôn phong của cả bài du kí trở nên “sọc dưa”, pha tạp, màu mè, không thật hợp cảnh, hợp tình…

Lỗi hành văn, diễn đạt
Văn bản “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” mắc khá nhiều lỗi về hành văn và diễn đạt. Ở đây, chúng tôi chỉ liệt kê những lỗi tiêu biểu như sau:

- So sánh, ví von khập khiễng, khiên cưỡng dẫn đến sai kiến thức:
“Lũ tồn tại song song với người miền Tây như con lộ (đường) nào cũng song song với một con kinh (kênh) bên cạnh, làm nên một đặc trưng đồng bằng Nam bộ. Người ta đào kênh để thông thương, để lấy nước, lấy đất đắp đường. Cứ chằng chịt như thế những con kênh huyết mạch nối những cù lao, những giồng... thành một đồng bằng rộng lớn và đầy bản sắc.”
Nhận định trên đây của tác giả về “đặc trưng” văn hóa tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long có lẽ cụ Sơn Nam còn sống cũng phải khóc ròng. Một người bạn là giáo viên phổ thông sống ở huyện Tháp Mười đã nói với tôi như vậy.

            - Pha tạp giữa văn viết với văn nói làm cho giọng văn bị “sọc dưa”:
“Nước ta từ Bắc chí Nam đâu cũng có sen, chả thế mà người ta định lấy sen làm quốc hoa, chả thế mà Vietnam Airlines lại lấy hoa sen làm biểu tượng sơn trên máy bay…”
Có thể nói, mấy từ “chả thế mà” được lặp lại đến hai lần đã vô tình làm hại câu văn và giọng điệu chung của cả bài viết.

-Sai cấu trúc ngữ pháp Tiếng Việt:
            “Bông điên điển chỉ còn lác đác, nhưng nể bạn Hữu Nhân đã chạy lòng vòng xe để kiếm cho tôi thưởng thức”.
Người Việt không ai viết “chạy lòng vòng xe” mà đúng ra phải là “chạy xe lòng vòng”.
            - Dùng từ mơ hồ dẫn đến rối rắm:
“Anh chở tôi len lỏi vào những con đường mà người thường không được đi, khách du lịch lại càng không…”
Viết như trên, bạn đọc không thể không đặt câu hỏi tác giả và người bạn của mình phải chăng không phải là “người thường”? Nếu như vậy thì là người gì mà lại được phép tự do đi lại trên những con đường mà “người thường” hay kể cả “khách du lịch” cũng không được đi?

- Diễn đạt cầu kỳ, khoe chữ, khệnh khạng:
 “Đêm ấy, tôi cùng Hữu Nhân dạo một vòng thành phố và nhận ra một đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung vừa hiện đại, vừa mềm vừa xanh, rất có gu kiến trúc, cứ nao nao như một câu hò vươn trên sóng…”
Với học sinh lớp 6 mà tác giả viết như thế làm sao các em hiểu hay hình dung về một đô thị “vừa mềm vừa xanh” đây? “Rất có gu kiến trúc” là “gu” gì? Rồi “nao nao như một câu hò vươn trên sóng…” là như thế nào?

***
Tóm lại, về hình thức trình bày và biểu đạt có thể thấy, bài học “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” in trong SGK Ngữ văn lớp 6, tập một là một văn bản có quá nhiều lỗi. Một đồng nghiệp của chúng tôi, hiện là Tiến sĩ ngôn ngữ học đang công tác tại một trường Đại học ở ĐBSCL sau khi đọc bài này có nói vui rằng “lỗi trong văn bản này đếm không xuể”. Anh bảo thật sự “không tin được dù đó là sự thật” cũng như không hiểu tại sao những người biên soạn SGK Ngữ văn lớp 6 – Cánh Diều lại đưa vào làm văn liệu giảng dạy cho học sinh.

Câu hỏi này, có lẽ xin được chuyển đến trước hết cho tập thể nhóm tác giả biên soạn sách; sau nữa là tập thể các chuyên gia trong Hội đồng thẩm định trả lời thay vậy.
QUÁCH HẠO NHIÊN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến