Vài lời thưa cùng bạn đọc:
Xuân Tân Sửu 2021, Cha tôi đón Tết trong bệnh viện. Ngày mùng Hai, tôi vui mừng
thấy Cha đã cắt sốt được 3 ngày và bắt đầu hồi phục. Năm này, hai cha con có
hai bài viết về trâu, cùng đăng trên một tờ báo Tết. Trong câu chuyện về bài vở,
chữ nghĩa, Người đã hỏi tôi: "Sang năm Hổ, con sẽ viết gì cho Tết?".
Tôi thưa: "Con sẽ viết về Hổ trành - Ma cọp...". Người gật gù mỉm cười
thú vị: "Ờ, vậy là vẫn có cái để viết..... Mười hai con giáp quay vòng...
Tránh lặp lại là điều không dễ...". Vậy mà Xuân này Người đã
đi xa... Sau đây, xin trân trọng
giới thiệu tới bạn đọc bài viết Tết năm Dần - cái Tết đầu tiên trong đời tôi
thiếu vắng Cha. Trong số 12 con giáp, Dần
(hổ) đứng thứ ba, nhưng lại là con vật dũng mãnh nhất, tượng trưng cho quyền uy
sức mạnh, hiện thân của sự tàn bạo độc ác, gây cho người xưa bao nỗi hãi hùng,
ám ảnh tột độ. Những ghi chép của Paul
Doumer trong sách Xứ Đông Dương cho thấy câu tục ngữ Cọp Khánh Hoà, ma Bình Thuận
hoàn toàn không phải là nỗi sợ bóng sợ gió của dân gian. Tác giả hồi ký này đã
dành nhiều trang ghi lại nỗi sợ hổ và những cái chết của cả người Việt và người
Pháp dưới nanh vuốt hổ. Ông cho biết “số người An Nam chết vì hổ ở Khánh Hoà là
rất đáng kể”, và “với người Pháp, lũ hổ cũng không tôn trọng hơn hay thấy đó là
con mồi kém ngon miệng hơn so với người bản xứ... Trong một làng ở tỉnh Khánh Hòa, một chàng
An Nam trai trẻ mới 18 đang đi làm về như mọi ngày, khi chiều vừa xuống. Những
người lao động khác, trong đó có cha cậu cũng cùng về, đi trước cậu chỉ chừng
trăm bước chân. Vài người quay lại để gọi cậu, bảo cậu đi lên cùng mọi người,
ngay lúc đó họ chỉ kịp nhìn thấy một con hổ lao ra từ khu rừng gần đó, và chỉ bằng
hai bước nhảy đã vồ được kẻ xấu số, ngoạm gáy cậu và tót vào rừng. Một tiếng kêu khủng khiếp, chỉ một tiếng
duy nhất, kịp cất lên từ nạn nhân. Tất cả mọi người hoảng sợ, chạy về nhà mình,
chỉ trừ một người, đó là cha của chàng trai. Ông như chết đứng tại chỗ, vừa
khóc lóc, vừa rên rỉ, vò đầu bứt tóc, bất lực khi con trai phải chết dưới nanh
vuốt loài cầm thú ngay trước mắt mình..." Chết dưới nanh vuốt hổ
là cái chết hãi hùng và đau đớn đến tột cùng. “Nếu con hổ đang đói, người đó sẽ
may mắn được chết ngay bởi nhát cắn đầu tiên, một kết thúc nhanh chóng cho cái
chết kinh hoàng. Nhưng nếu con hổ đã ăn rồi, và người đó không phải là con mồi
đầu tiên trong ngày hôm đó, cuộc giết chóc sẽ tàn ác hơn nhiều. Nó từ từ cắn xé
nạn nhân của mình, đôi khi vờn con mồi như mèo vờn chuột. Kẻ xấu số sẽ phải hứng
chịu nỗi sợ hãi khủng khiếp tận cùng dưới móng vuốt loài thú...…”, Paul Doumer
mô tả. Còn Leopold Cadiere, tác
giả Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, kể rằng: “Một hôm người
ta mời tôi ban phép bí tích cho một cô gái thật đáng thương. Cô này đã bị hổ bắt
ban đêm, kéo ra khỏi nhà, rồi thả ở đó, tước hết da đầu không còn tóc trông rất
ghê…Ít lâu sau thì cô ta chết”. Quả thật, không phải ngẫu
nhiên dân gian Việt Nam dùng thành ngữ hùm tha ma bắt làm lời chửi rủa đối với
những kẻ tồi tệ, đáng phải chết trong đau đớn hãi hùng. Đặc biệt, liên quan đến
những bữa tiệc máu của loài ác thú này, dân gian còn truyền tụng về sự can dự của
kẻ thứ ba – một kẻ chỉ điểm vừa đáng thương vừa đáng sợ. Đó là hổ trành, ma
trành hay ma cọp. Hổ trành, ma trành, ma cọp
là gì? Theo Việt Nam tự điển của
Lê Văn Đức thì ma trành là “ma cọp dữ, thường làm dấu báo-thù người đã giết
nó”. Sự thực không phải vậy. Chữ trành 倀
trong hổ trành 虎倀 hoặc ma trành là một từ gốc Hán. Hán
ngữ đại từ điển giảng chữ trành 倀 (nghĩa 2), là “hồn
ma người bị hổ ăn thịt hoặc người bị chết đuối.” [舊指為虎所食或溺死者的鬼魂]; hổ trành 虎倀, là “loại ma quỷ
dẫn đường cho hổ bắt người ăn thịt.” [俗傳引導猛虎食人的鬼物]; và
trành quỷ 倀鬼 (ma trành) là “người chết vì hổ, hồn
ma làm tay sai, dẫn đường cho hổ.” [謂人死於虎,其鬼魂受虎役使者為“倀鬼”]. Trong thực tế, con người
không phải là đối tượng săn bắt của hổ. Thế nhưng vì sao có những con hổ thích
ăn, và chuyên ăn thịt người? Thậm chí hổ bắt nhiều người trong cùng một nhà? Hơn hai ngàn năm trước,
Khổng Tử đi ngang qua núi Thái Sơn, thấy một người đàn bà đang khóc lóc ở mộ rất
bi thương. Phu tử sai Tử Lộ hỏi bà rằng: “Tiếng khóc của bà dường như đang có nỗi
đau buồn chất chứa?”. Người đàn bà trả lời: “Đúng thế. Ngày trước cha chồng tôi
chết vì cọp, sau đó chồng tôi chết vì cọp, bây giờ con trai tôi cũng chết vì cọp…”. Trong truyện Thuỷ Hử,
con hổ trên đồi Cảnh Dương “hại mạng nhiều người”, đến mức huyện đường Dương Cốc
phải dán tờ yết thị, “phàm khách thương đến đây chỉ nên qua đồi vào ba giờ Tị,
Ngọ, Mùi và phải kết toán họp bạn cho đông đảo mới được...”. Thực tế có những con hổ
ưa rình bắt vật nuôi, trâu bò, lợn gà… trong bản làng khi đêm xuống. Phải chăng
con người trở thành mồi ngon của hổ cũng không ngoài lý do “ăn quen bén mùi”? Để giải thích việc hổ
chuyên ăn thịt người, hay thường quay trở lại và bắt nhiều người trong cùng một
nhà, dân gian cho rằng, oan hồn của kẻ bị hổ ăn thịt không thoát được kiếp, cưỡi
trên lưng hổ, đưa đường chỉ lối cho hổ. Bao giờ hổ bắt được người tiếp theo,
thì hồn ma ấy mới được giải thoát. Thành ngữ gốc Hán Vị hổ
tác trành 為虎作倀 (Làm ma trành cho hổ) xuất phát từ
câu chuyện dân gian Trung Hoa truyền tụng. Xưa, ở động núi kia có một
con hổ cực kỳ hung bạo. Một hôm hổ đói rời hang ra đồng cỏ săn mồi. Núp trong
đám cỏ, nó nhìn thấy một bóng người đang tập tễnh đi tới. Đợi người này đi qua,
hổ liền chồm tới cắn chết rồi ăn tươi nuốt sống. Trong chốc lát, miếng mồi ngon
đã hết veo mà bụng hổ dữ vẫn còn đói. Con hổ liền bắt giữ linh hồn kẻ xấu số lại
và giao ước, nếu tìm thêm được một người thứ hai cho hổ ăn thịt, thì linh hồn ấy
mới được giải thoát. Linh hồn bị hổ bắt giữ đã đồng ý làm kẻ tay chân dẫn đường
cho hổ. Khi gặp người, ma trành làm cho người ta mê man lú lẫn, tự cởi bỏ quần
áo, giúp hổ ăn thịt được dễ dàng. Bởi thế, sách Thính vũ kí đàm - 聽雨記談,
mới chép rằng “nhân ngộ hổ, y đái tự giải, giai trành sở vi” - 人遇虎衣帶自解皆倀所為 (người gặp hổ, tự cởi quần áo dây lưng ra hết, đó là do
ma trành làm vậy). Leopold Cadiere - người
được mệnh danh là “Ông Già Việt Học” đã mô tả về nỗi sợ hổ, cùng các câu chuyện
liên quan đến ma trành của người Việt: “Khi hổ bắt người, hồn người chết sẽ cưỡi
lưng hổ. Hồn này gọi là ma hoặc là ràng, lang thang không huyệt, thiếu của
cúng, sẽ điều khiển hổ buộc nó trở về nhà cũ của mình hầu kiếm của cúng”. Để giải ma trành, người
nhà kẻ bị hổ ăn thịt phải “đi mót” lại những thứ quần áo hay vật dụng còn sót
sau bữa tiệc của loài ác thú, làm một hình nộm hổ và người bằng giấy, đốt đi rồi
đào sâu chôn chặt, để hồn ma còn vất vưởng trên lưng hổ sẽ được xuống mồ. Leopold Cadiere kể lại
câu chuyện “ma trành” do dân gian vùng thung lũng Nguồn Son truyền tụng như
sau: “Có ông già tên Sâm, làm nghề thuốc, một hôm bị hổ vồ. Ít lâu sau, một người
bạn, ông đội Nuôi mộng thấy ông ta hiện về và nói: “Số tôi khổ lắm. Hổ đã bắt
nhiều người nên trên lưng hết chỗ, tôi phải vất vưởng ngồi gần đuôi. Thật khổ.
Cậu phải cứu mình. –“Được rồi, người bạn trả lời, nhưng anh phải giúp tôi bẫy
được hổ […]. Thế là ông đội Nuôi đã đào hố và hôm sau bẫy được hổ”. Những thông tin trên đây
cho thấy, với người Việt, câu chuyện về hổ trành – ma cọp có khác so với người
Trung Hoa. Khi có ma trành giúp sức
thì hổ đã mạnh càng thêm mạnh, chẳng khác nào "Hổ
mọc thêm cánh" (Như hổ thiêm dực) Trong khi hổ trành của người Trung Hoa bằng
lòng dẫn đường cho hổ đói đi bắt người khác để “thế mạng”, đổi lấy sự giải
thoát linh hồn, thì ma cọp, ma trành của người Việt do “lang thang không huyệt”,
đói khát, nên phải “điều khiển hổ buộc nó trở về nhà cũ của mình” để “kiếm của
cúng”. Và như vậy, không phải chủ ý mà là vô tình, ma trành Việt trở thành kẻ dẫn
đường cho hổ bắt người nhà. Lời ma trành “Hổ đã bắt
nhiều người nên trên lưng hết chỗ, tôi phải vất vưởng ngồi gần đuôi”, cho thấy,
những người bị hổ bắt, sau khi thân xác đã vào bụng con ác thú, thì tất cả linh
hồn đều bị cầm giữ. Không có sự thế chân, “đổi mạng” nào. Và cách duy nhất để
người nhà giải thoát cho những oan hồn ấy, là tương kế tựu kế, dùng sự giúp sức
của “điệp viên hai mang” Hổ Trành - kẻ dẫn đường thân tín của hổ để giết hổ! Thông thường, do ma
trành bị đói khát, nên lúc nào cũng chăm chắm điều khiển hổ đi kiếm đồ ăn, chỉ
cho hổ tránh được các mối hiểm nguy. Bởi vậy, nếu không có “tay trong” như linh
hồn ông già tên Sâm, thì khi đào hố bẫy hổ, dân gian cho rằng phải rải ngô rang
trên lối đi. Khi hổ đến, ma trành nghe mùi thơm, rời lưng hổ nhảy xuống nhặt
ngô ăn. Lúc này, hổ không có kẻ dẫn đường chỉ lối nữa nên sẽ bị sa bẫy! Người
ta sẽ xem trên tai của con hổ có bao nhiêu khía để biết được con ác thú đã ăn
thịt bao nhiêu người. Mỗi một mạng người tương ứng với một khía ở vành tai hổ. Như vậy, hổ trành, ma cọp,
hay ma trành không phải là hồn ma của con hổ bị người ta giết, mà là hồn ma của
kẻ xấu số bị hổ ăn thịt, không siêu thoát được, phải cưỡi trên lưng hổ, làm kẻ
tay chân, dẫn đường cho hổ. Bởi thế, thành ngữ gốc Hán Vị hổ tác trành 為虎作倀
(Làm ma trành cho hổ) có nghĩa là làm tay sai, giúp kẻ ác làm điều ác là vậy. Chúng ta cũng thấy, câu
chuyện trành quỷ hay hổ trành của người Trung Hoa diễn biến theo cái vòng luẩn
quẩn, bế tắc, bi thương và tàn nhẫn. Nghĩa là sự giải thoát của kẻ này đồng
nghĩa với sự thay thế đầy bất hạnh của người kia. Trong khi ma cọp của người Việt
có thể sẽ được giải thoát một khi con ác thú bị tiêu diệt mà không cần đến sự
thế mạng nhẫn tâm nào. Dĩ nhiên trong quá trình giao lưu văn hoá, truyền thuyết,
tín ngưỡng của các dân tộc có sự ảnh hưởng qua lại khiến diện mạo hổ trành – ma
cọp không phải lúc nào cũng thuần nhất, duy nhất, mà pha trộn, đan xen vô cùng
phong phú đa dạng trong sự tưởng tượng, thêu dệt của dân gian ngàn đời. HOÀNG TUẤN CÔNG
Nhận xét
Đăng nhận xét