ĐỂ THẤY HỒN TÔI TRONG MẮT XANH


ĐỂ THẤY HỒN TÔI
TRONG MẮT XANH

Khi gặp Thúy Kiều lần đầu, Từ Hải hỏi: "Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào có không?" (Truyện Kiều, câu 2181-2182).
1) 
Các nhà nghiên cứu đều cho rằng "mắt xanh" trong câu thơ tương ứng với "thanh nhãn" trong tiếng Hán và liên quan đến điển cố về Nguyễn Tịch (210-263) - một danh sĩ trong Trúc lâm thất hiền thời Tây Tấn (Trung Quốc).

Theo Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh (1904-1988), khi Nguyễn Tịch tiếp khách, gặp người vừa ý thì nhìn thẳng nên để lộ tròng mắt xanh, gặp người không vừa ý thì nhìn nghiêng nên tròng mắt trắng. Vì vậy, câu hỏi của Từ Hải có thể hiểu: nghe nói lâu nay nàng chưa vừa ý người đàn ông nào phải không?
2) 
Một câu hỏi khác nảy sinh là tại sao tròng mắt Nguyễn Tịch lại có màu xanh mà không đen hay nâu? Thật ra, từ "thanh" (bộ thanh, 8 nét) trong tiếng Hán ngoài việc chỉ màu xanh lục, xanh lam còn dùng để chỉ màu đen. Chẳng hạn, "thanh ngưu" (trâu đen, bò đen), "thanh hồ" (cáo đen), "thanh bố" (vải đen), "thanh y nhân" (người giúp việc ngày xưa thường mặc áo đen).

Trong Tương tiến tửu (Mời uống rượu), Lý Bạch (701-762) viết: "Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát / Triêu như thanh ti, mộ thành tuyết" (Bạn có thấy mẹ cha soi gương buồn tóc bạc/ Sáng tơ đen, chiều đã hóa tuyết sương). Như vậy, "thanh nhãn" trong tiếng Hán có thể hiểu là mắt đen.
3)
Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes (NXB Khoa Học Xã Hội, 1991) có mục từ "xanh, râu xanh" và giảng nghĩa là "râu đen". Ngoài ra, từ điển còn cho ví dụ "tóc xanh" với nghĩa "tóc còn đen chưa bạc". Vì vậy, từ "mắt xanh" ngày xưa còn có nghĩa là mắt đen và "mắt xanh" trong Truyện Kiều hoàn toàn tương đương với "thanh nhãn" trong tiếng Hán.
4) 
Ngày nay, "mắt xanh" không chỉ thể hiện sự vừa ý mà còn được dùng để chỉ cách nhìn phát hiện người tài. Chẳng hạn, "cặp mắt xanh của Deschamps đã sớm nhận ra tài năng của tiền đạo trẻ Mbappé".

"Mắt xanh" được Tố Hữu dùng theo nghĩa đen để chỉ cặp mắt màu xanh: "Một thằng cướp, mắt xanh mũi lõ/ Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay" (Bà má Hậu Giang). "Mắt xanh" còn được Xuân Diệu (1916-1985) dùng để chỉ sự hồn nhiên, tươi trẻ: "Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non/ Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo" (Đôi mắt xanh non). Thú vị nhất vẫn là trường hợp "mắt xanh" đa nghĩa trong thơ tình để người đọc phải bâng khuâng: "Tôi nhìn cặp mắt trong xanh ấy/ Để thấy hồn tôi trong mắt xanh" (Hương, Đinh Hùng).

TRƯỜNG LÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến