BA TÀU


BA TÀU
Chữ Xa , âm Hán Việt có nguồn gốc từ Hoa Nam (ở Nam Xương và Mai Huyện – Quảng Đông ngày nay người ta vẫn đọc là [cha]). Âm Xe của nó lại gần với âm Quảng Châu nhất [čhɛ]. Chữ Tàu của Việt ngữ xuất phát từ chữ Tào bộ thủy có từ thời Chiến Quốc, nghĩa là vận tải bằng đường thủy. Hán âm [ʒ(h)ǝ̄w], Minh âm [ʒâw].

Từ đó sinh ra từ “Tàu xe” ở Việt ngữ là phương tiện vận chuyển nói chung, đôi khi nó đơn âm hóa chỉ còn mỗi chữ Tàu hoặc Xe như trong Tàu bay, Tàu lửa, Xe lửa… hoặc hoán chuyển thành Xe Đò chính là Xe Tàu.

Do đó hẳn nhiên từ Người Tàu là để chỉ các nhóm dân Hoa Nam di cư đến Việt Nam bằng đường thủy. Còn Ba Tàu theo chúng tôi chữ Hán là 番漕, âm đọc lên thành Ba Tào. Chữ Ba còn có âm khác là Phiên, ở Hán ngữ chúng chỉ những dân tộc vùng biên giới (phiên rợ, phiên di 番夷) hoặc các nhóm thiểu số từ ngoại quốc đến. Thế kỷ 18 và 19, bộ ngoại giao Anh đã tốn rất nhiều giấy mực để phản bác chữ “phiên” trong các công văn của nhà Thanh. Nó thường được dùng để chỉ nước Anh nói riêng và các nước Âu – Mỹ nói chung. Sự miệt thị của từ Ba Tàu nằm ở chữ Ba và khá kín đáo.
Từ Ba Tàu nhìn từ góc độ dân tộc học, sẽ bổ sung cho chúng ta thời điểm mà người Việt củng cố ý thức về bản sắc riêng biệt của mình, sau khi đã khẳng định ở Bình Ngô Đại Cáo về cương vực, văn hiến và các triều đại độc lập lâu đời.

Dựa vào đặc điểm và quá trình hình thành dân tộc Kinh, từ Ba Tàu có niên đại sớm nhất là ở đầu triều Lê mà thôi. Bởi vì về bản chất, hoàng gia Lý – Trần cũng là một dạng Ba Tàu, đến Việt Nam từ Hoa Nam. Họ không thể tự miệt thị mình bằng từ ngữ ấy.
Tiện đây, chúng tôi cũng xin bác bỏ giải thích cũ của tác giả An Chi mà nhiều người từng cho là đúng.

Trương Thái Du

Nhận xét

Bài đăng phổ biến