SỰ TRÙNG HỢP THÚ VỊ TRONG THƠ

SỰ TRÙNG HỢP
THÚ VỊ TRONG THƠ

Trong thơ, “các tư tưởng lớn thường gặp nhau”, cũng có khi chịu ảnh hưởng lẫn nhau, tạo nên sự trùng hợp thú vị khiến cho người thưởng thức vô cùng thích thú.
1.
Trong “Đoạn trường tân thanh”, lúc Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, Nguyễn Du tả tiếng đàn của Kiều, trong đó có hai câu:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Trên trang phụ trương văn chương báo T.M. ra ngày 3-5-1940 ở Hà Nội, nhà văn Cuồng Sĩ cho rằng Nguyễn Du đã dịch từ hai câu thơ chữ Hán:

“Thanh như hạc lệ phi thiên thượng,
Cấp tự lưu tồn tống tiểu khê”.
nghĩa là:
“Trong như tiếng hạc bay trên trời,
GẤP như suối chảy vào lạch nhỏ”.

Do đó, ông cho rằng viết: “ĐỤC như nước suối mới sa nửa vời” là sai. Phải viết:“GIỤC như nước suối mới sa nửa vời” mới đúng, vì chữ CẤP nghĩa là GẤP, là GIỤC (giục giã).

Nhà phê bình Văn Hạc phản bác ý kiến ấy, cho rằng trước khi phê phán, ông Cuồng Sĩ hãy tìm xem các bản Kiều cổ bằng chữ Nôm trước đã, coi người ta chép thế nào, chứ đừng căn cứ vào các bản quốc ngữ mà tự ý sửa chữa.

Rồi ông Văn Hạc viết tiếp: “Trong đoạn đó, cụ Nguyễn Du tả tiếng đàn của nàng Kiều: tiếng trong như tiếng hạc bay qua, tiếng đục như tiếng suối dội, tiếng khoan như tiếng gió thoảng, tiếng mau như tiếng trời đổ mưa:

TRONG như tiếng hạc bay qua,
ĐỤC như tiếng suối mới sa nửa vời.
Tiếng KHOAN như gió thoảng ngoài,
Tiếng MAU sầm sập như trời đổ mưa.

Tiếng TRONG là tiếng thanh thanh lanh lảnh, the thé (dây văn), tiếng ĐỤC là tiếng ồ ồ (dây vũ), tiếng KHOAN là tiếng từ từ, tiếng MAU là tiếng vội, gấp.
Nếu đổi câu: “ĐỤC như nước suối mới sa nửa vời” thành: “GIỤC như nước suối mới sa nửa vời” thì câu đó thành ra thừa và bắt cụ Nguyễn Du nói lắp vì GIỤC tức là MAU, mà tả tiếng đàn MAU, tác giả đã viết “Tiếng MAU sầm sập như trời đổ mưa” ở câu dưới”.

Đó là chưa kể chữ ĐỤC đối với chữ TRONG ở câu trên, cũng như chữ MAU đối với chữ KHOAN ở hai câu dưới là dụng ý của tác giả, mặc dù thơ lục bát không bắt buộc phải đối như thơ Đường. Mà cho dù cụ Nguyễn Du dịch hai câu thơ chữ Hán đi nữa thì cụ cũng có quyền sửa đổi để tránh điệp ý và thêm phần sáng tạo chứ!

Trong cuốn Kiều dịch ra Pháp văn, cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) dịch chữ trên đây là TROUBLE, SOURD thì cũng có nghĩa là ĐỤC. Cụ Nguyễn lại cho rằng 4 câu thơ ấy dịch từ 4 câu thơ chữ Hán nhưng đảo lộn thứ tự các câu:

“Sơ nghi táp táp lương phong động,
Hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh.
Cận nhược lưu tồn lai bích chướng,
Viễn như huyền hạc hạ thanh minh”

nghĩa là:

“Thoạt đầu, tiếng đàn nhẹ nhàng như cơn gió mát thoảng qua,
Rồi thì dồn dập như trận mưa rào buổi tối.
Tiếng gần nghe như tiếng suối dội từ vách núi xuống,
Tiếng xa nghe như tiếng hạc buông tự trời cao”.

Rồi cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch 4 câu thơ chữ Hán trên đây ra tiếng Pháp:

“D’abord c’est léger comme une douce brise qui souffle,
Puis cela se précipite comme une averse du soir.
Entendu de près, cela fait l’effet d’une eau courante qui rencontre un barrage,
De loin, on dirait un vol de grues qui laisse tomber des voix clairs”.

Nếu cụ Nguyễn Văn Vĩnh đúng - mà chắc là đúng - thì trong 4 câu thơ chữ Hán trên đây không có chữ CẤP (gấp, giục), do đó sự phê phán của ông
Cuồng Sĩ không còn đứng vững nữa. Tiếc rằng cả hai vị đều không ghi xuất xứ và tác giả của các câu thơ trên. Chỉ có cụ Trần Trọng Kim (1882-1953) ghi trong cuốn Truyện Thúy Kiều: “Mấy câu này là dịch bài thơ Cầm trong Đường thi” nhưng chúng tôi không tìm thấy bài thơ ấy trong hàng chục cuốn thơ Đường.
2.
Nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) ở Hà Tiên có bài thơ “Mua áo” được nhiều người khen là thơ hay, trong đó có mấy câu thật thú vị:

“Hàng bông mai biếc, màu em thích,
Màu với hàng, em đã dặn rồi.
Còn thước tấc, quên! Em chửa bảo,
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
- Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai.
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó,
Ngắn dài, người mới tựa bên vai”.

Nhân đọc lại cuốn “Chương Dân thi thoại” của cụ Phan Khôi, chúng tôi thấy có bài thơ mà ý tứ cũng tương tự như bài trên. Cụ Phan kể:

“Có người mượn chuyện đàn bà mà mượn đến chuyện rất tầm thường, viết ra nghe cũng thanh bai dễ chịu. Năm ngoái, tôi ở Sài Gòn, có người bạn viết thư cậy kiếm chỗ làm. Tôi viết lại, hỏi muốn tiền lương mỗi tháng bao nhiêu. Sau tiếp thư người bạn, mở ra coi, không phải là thư mà chỉ có mấy câu lục bát:

“Cậy chàng mua lụa Đồng Nai,
Chàng sao lại hỏi vắn dài làm chi?
Đã từng ăn cận ngồi kề,
Vóc này bao nả, chàng thì nhớ cho.
Thì chàng liệu lấy mà mua”.

Cũng tương tự như thế, trong một cuốn sách thuộc loại hoạt kê của Trung Hoa in năm 1927, người ta đọc thấy một chuyện như sau:

“Thi nhân hay tự ví mình với con gái như mấy nhà thơ Đường chẳng hạn. Có một người hàn sĩ cậy bạn tìm giúp một nơi để ngồi “gõ đầu trẻ”. Người bạn ấy viết thư hỏi anh ta muốn số tiền thù lao là bao nhiêu, hàn sĩ nọ trả lời bằng một bài thơ:

Sách mãi Ngô Lăng đoạn,
Hà tu vấn đoản trường.
Thiếp thân lang quán bão,
Xích thốn tế tư lường.

Tạm dịch:
Cậy mua đoạn Ngô Lăng,
Còn hỏi chi vắn dài.
Mình em, chàng ôm thường,
Thước tấc chàng đà hay.

Kể ra mượn lời thơ để ký thác như thế thì thật khéo”.

Chẳng biết lúc làm bài thơ “Mua áo”, thi sĩ Đông Hồ có biết hai bài thơ này không?

HUYỀN VIÊM


Nhận xét

Bài đăng phổ biến