XÓA SỔ TRƯỜNG CÔNG LẬP?


XÓA SỔ
TRƯỜNG CÔNG LẬP?

TTCT - Định hướng kinh tế thị trường của Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đã có một khẳng định: trường công lập ở VN sẽ thu đủ học phí (“Công lập mà đóng học phí” - TTCT số 25, ngày l-7-2007). Xem như hệ thống phổ thông công lập ở nước ta sắp cáo chung; nếu còn thì chỉ còn trên danh nghĩa, chính xác là chỉ tồn tại trên cái bảng hiệu treo trước cổng trường.

Trên nguyên tắc, bất cứ chủ trương, chính sách nào của Nhà nước khi ban hành đều phải hướng đến mục đích tối thượng là “vì dân”, trong đó ưu tiên xem xét sự tác động, ảnh hưởng của nó đối với nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất trong cộng đồng xã hội. Nói gọn là phải nắm rõ mức độ có thể chịu đựng được của người lao động nghèo và cận nghèo khi ban hành chủ trương, chính sách mới. Xét trên quan điểm này, chủ trương tăng học phí trường công lên 2-3 lần của TP.HCM - mở đầu cho việc cả nước biến trường công lập thành tư thục - là không thỏa đáng.

Ở nước ta, người nghèo vùng nông thôn nhiều đã đành, những người “làm bữa nào xào bữa ấy” ở các thành thị cũng đâu có hiếm. Nhưng việc cho con được cắp sách đến trường thì không bao giờ chịu nhịn. Đây là truyền thống quí báu của cả dân tộc. Khi học phí ngay ở trường công lập cũng bị đẩy lên quá cao (gấp 2-3 lần), vượt ngoài khả năng kiếm tiền của họ thì theo thói thường, phải ưu tiên cho việc nuôi cái miệng trước đã. Hệ quả rất rõ ràng: học trò bỏ học tăng nhanh, trẻ em vào đời sớm hơn nhưng lại thiếu một nền tảng kiến thức tối thiểu để đương đầu với cuộc đời khắc nghiệt.

Giáo dục không chỉ là niềm hi vọng và tương lai của mỗi gia đình mà còn là của cả một quốc gia, thậm chí là của toàn nhân loại. Thế nên, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều duy trì hệ thống giáo dục phổ thông công lập miễn phí; bởi đó không chỉ là để công dân họ được hưởng “phúc lợi xã hội” (vốn đương nhiên có từ việc đóng thuế) mà còn là bổn phận của nhà nước đối với tiền đồ đất nước mình.

Nhà nước ta là một nhà nước XHCN, dù có buộc “hợp tác” với các định chế tài chính quốc tế, các nhà tài trợ, phải nhất trí với “đồng thuận Washington”, phải giữ đúng cam kết với WTO... để cải cách, thì bao giờ Nhà nước cũng khẳng định chủ trương: “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chẳng lẽ định hướng được kinh tế thị trường mà đi xóa sổ hệ thống trường phổ thông công lập miễn phí hay sao?

TRẦN QUANG THẮNG 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến