ĐỪNG ĐỂ QUÁ MUỘN


ĐỪNG ĐỂ QUÁ MUỘN

TTCT - Liên hệ với những gì đang diễn ra trên đất nước ta, “Bài học từ Argentina” (TTCT số 20, ngày 27-5-2007) cho thấy những cảnh báo này chẳng thừa chút nào, vì ngay giai đoạn đầu tiên, chương trình tái cấu trúc nền kinh tế VN có vẻ rất “khớp” với những hình ảnh trong “bài học” ấy.

Tuy dự báo nợ nước ngoài của VN trong năm 2007 là 37,2% (“đụng trần” của ngưỡng an toàn, theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới), nhưng rất nhiều quan chức Chính phủ khi đăng đàn đều kêu gọi người dân “hãy yên tâm” vì Nhà nước dư sức trả được những món nợ này.

Có lẽ dựa vào sự tín nhiệm của quốc tế (cùng sự “tự tin” về khả năng thanh toán nợ) nên Chính phủ tiếp tục cho phát hành những đợt trái phiếu quốc tế mới (mặc dù tốc độ phát triển kinh tế của nước ta - công bằng mà nói - chưa đến mức để có thể gọi là “thần kỳ”). Điều này có thể đẩy số nợ nước ngoài của VN vượt quá ngưỡng an toàn.

Vậy dựa vào đâu để tin tưởng ở khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia? Chắc chắn không thể dựa vào sự tín nhiệm của quốc tế, đơn giản là sự tín nhiệm này chỉ giúp Chính phủ dễ vay nợ mà thôi. Thậm chí khi các nhà tài trợ quốc tế chỉ mới “đánh hơi” thấy một chút bất ổn về kinh tế của con nợ, họ có thể ra tay thật mạnh để đẩy nhanh tiến trình khủng hoảng nợ. Dựa vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô?

Việc này cũng không khác gì ngành điện giao phó tất cả cho thủy điện - tức “nhờ trời”. Nguồn “vàng đen” của nước ta vốn không nhiều như có người đã từng lạc quan tếu; rất khó thăm dò, khai thác nên chi phí nhiều khiến giá thành cao, lại xuất khẩu thô nên lợi nhuận không nhiều, chủ yếu nhờ vào những biến động chính trị, chiến tranh trên thế giới nên gần đây mặt hàng này mới có “thu nhập” khá cao. Vả lại, tài nguyên gần như trời chỉ cho có một lần, ngay những mỏ dầu bao la ở Trung Đông họ cũng đang cho khai thác vừa phải vì sợ... cạn!

Có thể dựa vào nguồn nào khác để trả nợ nước ngoài? Trong vòng 10 năm tới (và có thể xa hơn nữa), câu trả lời chắc chắn sẽ là không! Trong trường hợp tỉ lệ nợ vượt qua con số 50% và cứ tiếp tục leo lên, để tránh “vỡ nợ” Chính phủ - do đã cổ phần hóa các xí nghiệp quốc doanh nên không còn nguồn thu nào khác ngoài thuế - chỉ còn một con đường là tiếp tục vay những món nợ quốc tế mới, ngày càng lớn hơn. Nhưng nếu trả theo cách dùng món nợ vay sau để trả cho món nợ vay trước (kèm thêm phần lãi) thì đó sẽ là một thảm họa.

Số tiền vay nước ngoài rất lớn - có thể đến hàng chục tỉ USD - nhưng chỉ được phân bổ cho một vài nơi rất cụ thể, mà đều là doanh nghiệp nhà nước, cũng đã làm nhiều người băn khoăn. Trên nguyên tắc, vay nợ đứng trên danh nghĩa quốc gia nên toàn dân phải có nghĩa vụ đối với món nợ này. Đời này không trả được thì đời sau phải gắng “cày” để trả nợ. Mọi người đều phải đóng góp để Chính phủ có cái mà trả.

Trong trường hợp các đơn vị, tổ chức này làm ăn không hiệu quả hay bị phá sản, chắc chắn Chính phủ cũng phải đứng ra lãnh nợ cho họ, bởi chủ nợ khi cho một quốc gia vay họ không cần biết nguồn vay này sẽ “rót” về đâu, hiệu quả thế nào, cứ đến hạn là đến đòi ngay nơi Chính phủ. Như vậy, khi những nơi được ưu ái vay nợ làm ăn khá giả, người dân chưa chắc đã được hưởng lợi từ họ, nhưng khi họ “thất bát” người dân lại “lãnh đủ”! Đó cũng là một nghịch lý!

Nhưng lo lắng nhất chính là điều tác giả của “Bài học từ Argentina” đã chỉ ra. Đó là cơ chế giám sát hữu hiệu các khoản vay nợ nước ngoài. Thực tế ở nước ta, giám sát, kiểm tra, kiểm toán là khâu yếu, kể cả nơi có quyền giám sát cao nhất nước là Quốc hội. Mong rằng Quốc hội VN sẽ không vào cuộc quá muộn như đã từng xảy ra ở đất nước Argentina.

TRẦN QUANG THẮNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến