MƠ HỒ...TÍT BÁO




MƠ HỒ...TÍT BÁO

Tít báo là phần không thể thiếu được của một bài báo. Nhưng đọc xong một số tít báo, người đọc cảm thấy rất khó chịu vì nó mơ hồ, không chuẩn nghĩa tiếng Việt.

Là một độc giả thường xuyên của các báo điện tử, tôi thấy rất nhiều tờ báo đã chú trọng đến việc đặt tít bài sao cho hợp lí, hấp dẫn, phù hợp với nội dung bài báo và đặc biệt là đảm bảo chuẩn về nghĩa tiếng Việt.

Tuy vậy, cũng có những tờ báo chưa thực sự chú trọng đến điều này nên còn có những tít bài rất mơ hồ về nghĩa.

Những tít bài đó làm cho người đọc cảm thấy rất băn khoăn, dễ gây hiểu lầm, có lúc luận mãi mới hiểu ra chủ ý mà tác giả muốn diễn đạt, thậm chí có khi phải đọc xong bài báo mới hiểu được tít bài đó muốn nói gì.

Báo Vietnamnet.vn là tờ báo điện tử có uy tín được xếp vị trí hàng đầu trong làng báo điện tử Việt Nam. Song đáng tiếc thay, không ít các bài báo của báo này có những tít bài mang nghĩa rất mơ hồ, làm cho người đọc đôi lúc rất khó chịu.

Chỉ trong 2 ngày, 27 và 28/6, tờ báo rất nổi tiếng này có đến 4 bài báo có tít bài kiểu “đa nghĩa”, nhiều cách hiểu.
 
Ngày 27/6, trong mục Kinh doanh (báo Vietnamnet.vn) có bài Ô tô sang giá hời đang mua nhất sau 1/7. Đọc tít bài này, độc giả cảm thấy rất khó hiểu, không biết cụm từ “ô tô sang giá hời” có nghĩa là gì. Có phải nó có nghĩa là “ô tô bán lại với giá hời” hay là “ô tô loại sang được bán với giá hời”?

Có vẻ như cách hiểu thứ hai đúng hơn. Nếu vậy, tít bài sẽ phải là “Ô tô sang, giá hời đang mua nhất sau 1/7”. Tức là phải thêm một dấu phẩy ở sau từ “sang” để ngăn cách giữa 2 ý (sang và giá hời) thì tít bài đó mới đảm bảo rõ nghĩa, không gây mơ hồ cho người đọc.

Ngày 28/6, cũng trong mục Kinh doanh của báo này có bài báo Chấn động trời Tây, đại gia Việt đi bay nghìn tỷ đô. Đọc tít bài này, người đọc ngơ ngác không hiểu “đi bay nghìn tỉ đô” là đi bay thế nào. Phải chăng tác giả định nói việc “đi bay” (tức là đi máy bay theo kiểu sành điệu, đẳng cấp nào đó) của các đại gia Việt làm cho cả bên “trời Tây” cũng “chấn động”? Hay là cách hiểu “đại gia Việt bị mất đi nghìn tỉ đô”.
Đọc xong  bài viết thì mới rõ đúng là tác giả định diễn đạt theo nhận định thứ hai. Nếu như vậy thì có thể dúng tít là Chấn động trời Tây, đại gia Việt bị “bay đi” nghìn tỉ đô. Tức là phải đổi lại “đi bay” bằng “bay đi” và phải đưa kết hợp từ này vào ngoặc kép (vì nó được dùng theo nghĩa bóng), đồng thời phải thêm động từ “bị” vào trước nó. Có như vậy, tít bài mới không gây hiểu lầm cho người đọc.

Cũng lỗi tương tự như trên về cách dùng từ không theo nghĩa gốc (tức là được dùng theo nghĩa bóng, nghĩa chuyển), ngày 28/6, trong mục Thể thao của báo Vietnamnet.vn  lại có bài Đá bay tuyển Anh, Iceland gây địa chấn. Nếu theo cách viết như trên thì người đọc sẽ hiểu câu này theo nghĩa :“Iceland đã đá bay đội tuyển Anh đi và gây động đất”. Như vậy thì khủng khiếp quá!

Thực ra, ở tít bài này, để cho đúng cách viết tiếng Việt thì các từ “bay”và “địa chấn” phải được viết trong ngoặc kép vì chúng được dùng theo nghĩa khác chứ không phải nghĩa đen vốn có của từ.

Vẫn trong ngày 28/6, mục Giải trí của báo này có bài Người chồng cực giỏi hơn 21 tuổi của MC Thời sự 19h. Cái tít bài này cũng làm cho người đọc khó chịu vì nghĩa của nó cũng rất mơ hồ, dẫn đến nhiều cách hiểu.

Nghĩa của cụm từ “người chồng cực giỏi hơn 21 tuổi” có phải là tác giả định nói “người chồng đó cực giỏi và mới trên 21 tuổi”, kiểu như chúng ta nói: Anh ấy mới hơn 20 tuổi mà tài cao”? Hay là người viêt muốn nói “người chồng đó cực giỏi và ông ấy hơn vợ 21 tuổi”?

Cũng may là đọc xong sa-pô của bài báo này thì người đọc mới biết cách hiểu sau là đúng theo ý tác giả. Hóa ra, chỉ vì cách diễn đạt của người viết mà người đọc dễ hiểu lầm vì nó không rõ nghĩa theo chuẩn tiếng Việt.

Tít bài đó có thể viết thành Người chồng cực giỏi và hơn vợ 21 tuổi của MC Thời sự 19h  hoặc ít ra thì cũng phải có dấu phẩy sau chữ “giỏi” nếu không muốn sửa theo cách trên.

Tóm lại, tít bài là một thành phần rất quan trọng của một bài báo. Nhiều khi, độc giả quyết định đọc hay không đọc bài báo đó cũng chỉ vì tít bài. Vì vậy, các nhà báo, đặc biệt là các biên tập viên các tờ báo cần phải hết sức lưu ý đến việc đặt tít cho các bài báo. Nó cần được đảm bảo về các nguyên tắc về nghiệp vụ báo chí nhưng cũng cần đảm bảo các quy định về chuẩn tiếng Việt.

Đó cũng chính là góp phần quan trọng vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

TRẦN SƠN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến