AI ĐƯỢC HỌC BỔNG?

AI ĐƯỢC HỌC BỔNG?

TTCT - Theo quan điểm mới nhất của Bộ GD-ĐT, chương trình cấp học bổng khuyến khích học tập là một bộ phận của quá trình đào tạo, được cấp dựa trên năng lực, kết quả học tập, rèn luyện của SV chứ không phải là một chính sách xã hội.

Điều này được hiểu SV nào học khá, giỏi, xuất sắc thì được xét cấp học bổng khuyến khích học tập mà không kể đến việc

SV đó có thuộc diện chính sách, trợ cấp xã hội hay không. Nguyên tắc là đúng, nhưng phân tích vấn đề vẫn thấy còn nhiều điều băn khoăn.

Trong thực tế, một cách khái quát, xã hội có ba hạng người: giàu có (và khá giả) - trung bình - nghèo khó. Theo địa lý, có ba vùng, miền: thành phố - thị trấn - nông thôn (và miền núi). Cũng có một “chân lý” khá phổ biến: điều kiện vật chất đầy đủ là đòn bẩy chính yếu tạo thuận lợi cho nhiều điều trong cuộc sống.

Mặc dù vẫn có các thủ khoa con nhà nghèo, thuộc vùng nông thôn trong các kỳ tuyển sinh đại học, nhưng nhìn chung tỉ lệ số SV này - so với số SV con nhà giàu, khá giả, thành phố - được ngồi trong giảng đường đại học là không nhiều. Đơn giản, học sinh nghèo, vùng nông thôn không có điều kiện học tập tốt nên khó có kết quả tốt trong thi tuyển. Trước hết, thu nhập của hộ nông thôn thấp nên chi phí học tập cho con họ rất hạn chế, thậm chí có nơi phải “giật gấu vá vai” để đóng tiền trường cho con mỗi kỳ khai trường.

Trường lớp nông thôn thường gặp rất nhiều vấn đề như thiếu lớp, tạm bợ, hư hỏng nặng... Giáo viên nông thôn, công bằng mà nói không có nhiều thầy cô giỏi. Và tình trạng học chay, không có đủ dụng cụ hỗ trợ học tập khá phổ biến. Ngoài ra, học sinh nông thôn còn phải phụ giúp bố mẹ trong công việc đồng áng, mưu sinh của gia đình. Nhiều năm trong tình trạng học tập như thế khiến khả năng học tập của các em cùn lụt dần, nếu không có ý chí kiên cường rất khó có thể thi đậu đại học.

Sau khi đậu đại học, một núi vấn đề đổ xuống đầu tân SV và gia đình họ. Nếu ở đâu đó người ta làm tiệc mừng con thi đậu đại học thì không ít gia đình nông thôn thẫn thờ không biết lấy đâu ra tiền cho con lên thành phố nhập học. Rồi đôn đáo kiếm nhà trọ, đóng tiền ăn, tiền ở. Rồi chạy tìm công việc làm thêm để bù đắp khoản thiếu hụt mỗi tháng gia đình gửi cho... Và cả một khoảng dài bốn năm trước mắt không biết có theo nổi không? Trong điều kiện học đại học cũng “thê lương” chẳng khác gì thuở trung học, thậm chí còn khó khăn hơn vì phải xa nhà, qua được bậc đại học với mức học trung bình cũng đã là một “kỳ tích”.

Phân tích như thế để thấy rằng SV con nhà giàu, khá giả, ở thành phố do tình hình tài chính của gia đình khá hơn, môi trường sinh sống thuận lợi, điều kiện học tập tốt hơn nên thường có căn bản học lực vững chắc từ trước, tạo đà cho việc đạt được các kết quả học tập khá, giỏi, xuất sắc so với SV nông thôn cùng lớp, cùng trường. Và số này cũng chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều.

Vì thế, cơ may để SV nông thôn, nghèo được cấp học bổng khuyến khích học tập - theo quan điểm xét năng lực học tập - là vô cùng nhỏ nhoi. Hệ quả sẽ là SV con nhà giàu lại được Nhà nước “cho” thêm tiền để học, trong khi chưa chắc gia đình họ đã cần; còn SV con nhà nghèo, nông thôn đang “chiến đấu” - nhiều khi tuyệt vọng - với chi phí học tập, sinh hoạt hằng tháng lại rất khó “xơ múi” gì trong khoản phúc lợi quốc gia này. Đó là chưa nói đến những tiêu cực có thể xảy ra - từ những người giàu có, quyền lực - trong việc “chạy” học bổng.

Có người cho rằng còn có khoản vay ưu đãi dành cho SV nghèo đấy thôi. Nhưng vay thì phải trả dù có được ưu đãi cỡ nào. Nghĩa là SV nghèo luôn có nguy cơ mắc nợ hơn là nhận được trợ giúp trong chính sách hỗ trợ học tập hiện nay.

TRẦN QUANG THẮNG
http://tuoitre.vn/Tuoi-tre-cuoi-tuan//Tuoi-tre-cuoi-tuan/223362/Ai-duoc-hoc-bong.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến