KỲ CỤC


KỲ CỤC

Ngoài Bắc nói kỳ quặc, trong Nam nói kỳ cục. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng kỳ quặc là “kỳ lạ đến mức trái hẳn lẽ thường, khó hiểu”. Còn kỳ cục thì sao?

Từ điển phương ngữ Nam bộ do Nguyễn Văn Ái chủ biên giảng là “kỳ lạ, vô cùng, hết sức, tuyệt”. Thế là quyển từ điển này chỉ lấy có phần ngọn mà bỏ hẳn phần gốc trong cấu trúc ngữ nghĩa của hai tiếng kỳ cục.

Nói về xuất phát điểm của nó thì dân Nam kỳ dùng hai tiếng kỳ cục để chê chứ đâu có phải để khen. Ta hãy xem Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng thế nào. Là: “Lạ đời ngộ-nghĩnh - Chướng đời khó coi”. Tuy không kỳ cục nhưng lại giảng ngược “quy trình”. Lẽ ra phải là: “Chướng đời khó coi - Lạ đời ngộ-nghĩnh”. “Quy trình” là chê trước khen sau. Cái nghĩa “vô cùng, hết sức, tuyệt” của Từ điển phương ngữ Nam bộ còn có thể thấy với những từ/ngữ “chê trước khen sau” như: dễ sợ, dữ, ghê... Thấy mà ghê thì đúng là chê nhưng Đẹp ghê thì hết chê. Tự-điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai-Trí đã giảng đúng boong cái nghĩa gốc - và cũng chỉ giảng có cái nghĩa này mà thôi - của hai tiếng kỳ cục: Khác thường một cách lố bịch. Vậy, nếu quay về với nghĩa gốc của nó, thì kỳ cục trong Nam là kỳ quặc ngoài Bắc.

Nhưng đâu là xuất xứ của hai tiếng kỳ cục? Đây là một cấu trúc đẳng lập tiếng Hán gồm hai thành tố kỳ [] và cục []. Kỳ là lạ, hiếm thấy còn cục là cong, hẹp, quanh co. Vì vậy nên kỳ cục [奇局] thường được giảng là “tân kỳ khúc chiết” [新奇曲折], tức “mới lạ, lắt léo”. Cấu trúc đẳng lập này có một danh ngữ đồng âm mà chữ Hán là [棋局]. Hai chữ Hán (kỳ cục) này vốn có nghĩa là bàn cờ, tức kỳ bàn [棋盤] nhưng ngày nay thường được hiểu là cái thế trận, cái nước đi của hai đối thủ trên bàn cờ. Vì vậy nên người ta đã chơi chữ mà tạo ra cái cấu trúc Chủ - Vị (nhận định, tường thuật) thú vị là kỳ cục kỳ cục [棋局奇局] để khen cái nước đi mới lạ, lắt léo, khó đối phó trên bàn cờ. Khốn nỗi dân Việt miền Nam lại không biết được cái nghĩa gốc chính xác của hai tiếng kỳ cục nên lại dùng nó để chê cái mới mà không hay, cái lạ mà lại tệ, nghĩa là đã xài nó theo cái nghĩa đã cho trong Tự-điển Việt Nam của Ban Tu thư Khai-Trí.

Đó là hệ quả của từ nguyên dân gian (folk etymology). Vì chỉ hiểu kỳ cục một cách chung chung mà không biết nghĩa gốc của nó trong tiếng Hán là gì nên người ta đã đánh đồng chữ cục của nó với cục trong cục cằn, cục mịch, cục súc..., mà xài hai tiếng đó theo cái nghĩa “chướng đời khó coi” (Lê Văn Đức), “khác thường một cách lố bịch” (Ban Tu thư Khai-Trí). Phải nói thẳng rằng nhiều khi diễn tiến ngữ nghĩa của một số từ, ngữ đã đi theo một lộ trình kỳ cục chỉ vì sự không biết chữ.

AN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến