GIẢM TRỪ GIA CẢNH: CHƯA HỢP LÝ VÀ CHƯA ĐỦ


GIẢM TRỪ GIA CẢNH:
CHƯA HỢP LÝ VÀ CHƯA ĐỦ

TTCT - Những qui định liên quan đến vấn đề giảm trừ gia cảnh của dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) có nhiều điều chưa hợp lý và chưa đầy đủ. Cụ thể:
1.
Phương án 4-1,6 triệu đồng (mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế và đối với người phụ thuộc/tháng) so với đà giá cả đang tăng một cách phi mã (và chắc chắn sẽ tăng mạnh trong tương lai), cùng với thời điểm Luật TTNCN có hiệu lực (năm 2009) là quá thấp - nhất là với khu vực thành thị. Chi phí để nuôi dưỡng, chăm sóc con cái và cha mẹ là rất lớn, càng nặng nề hơn khi gặp ốm đau, bệnh tật...

Chỉ riêng phần học phí phổ thông (ngoài công lập) cho con cái đã chiếm gần một nửa số tiền được giảm trừ; cha mẹ là những người già nên chuyện chữa trị bệnh tật, chăm sóc trong khi nằm bệnh (ở bệnh viện lẫn tại nhà) rất tốn công, tốn của, tốn thời gian...
2.
Hiểu gia cảnh theo dự thảo Luật TTNCN là gánh nặng nuôi cha mẹ và nuôi con vẫn chưa đủ. Cần mở rộng việc giảm trừ gia cảnh thêm các nhóm đối tượng như: người khuyết tật, người chưa có nhà ở, người mang bệnh mãn tính... Với người khuyết tật là vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội, vừa tạo động lực để họ hòa nhập đời sống cộng đồng bằng cách hăng say làm việc, xóa bỏ tư tưởng “tàn phế”...

Ở các nước, khi người lao động lần đầu tiên mua nhà, xây nhà đều được giảm thuế thu nhập. Ở Việt Nam, vấn đề nhà ở cho người lao động có vẻ đang gặp khủng hoảng. Thực tế, một người lao động làm ăn lương thiện rất khó có được căn nhà hay căn hộ trong suốt đời mình. Nếu không có ưu đãi về thuế cho họ thì cuối đời họ sẽ ở đâu? Trong khi bảo hiểm xã hội khuyến cáo hơn chục căn bệnh cần phải nghỉ việc để chữa trị dài ngày, thì không ít người đang mang các căn bệnh đó vẫn phải vừa làm việc vừa trị bệnh mãn tính.

Họ tham công tiếc việc chăng? Không, họ buộc phải như thế vì nếu không làm việc thì làm gì có được tiêu chuẩn bảo hiểm y tế của công nhân viên, không được đăng ký điều trị ban đầu tại tuyến trên cho đúng chuyên khoa. Và nhất là không làm việc thì lấy đâu ra tiền trả cho phần “thêm” chi phí điều trị mà bảo hiểm y tế không chi trả hết. Mà phần này rất nặng “đô” đối với những bệnh mãn tính như tim mạch, thận, tiểu đường, ung thư..., có khi còn phải bán cả nhà để chữa bệnh! Không giảm trừ thì làm sao cứu được họ.

Công dân phải đóng thuế là việc bình thường của mọi quốc gia, nhưng phải căn cứ vào thực tiễn cuộc sống người dân mỗi nước mà qui định mức thuế phù hợp. Ở VN, mức thu nhập của đa số người dân còn thấp, chính sách an sinh xã hội chưa bảo đảm được cuộc sống tối thiểu cho họ, vì thế qui định mức thuế quá cao (do mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ thấp) chẳng khác nào đánh thẳng vào phần chi tiêu cho cuộc sống và phần tích lũy của người dân. Điều này không chỉ vô tình cản trở người dân nâng cao chất lượng cuộc sống mà có khi còn khuyến khích việc trốn thuế.

TRẦN QUANG THẮNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến