52. LỆNH HỒ XUNG

52.
LỆNH HỒ XUNG 
Tiếu ngạo giang hồ


Nếu để cho những người mê Kim Dung bỏ phiếu chọn nhân vật yêu thích nhất, thì nhân vật chính của Tiếu ngạo giang hồ là Lệnh Hồ Xung chắc sẽ là ứng cử viên số một. Nguyên nhân ưa thích thì e rằng sẽ không giống nhau. Người này thông minh lanh lợi mà cơ trí hóm hỉnh, hiền lành dễ gần mà thâm tình cố chấp, xốc nổi hăng hái mà lương thiện hồn nhiên, cẩu thả tùy tiện lại tự do phóng khoáng, quả thật có nhiều cái đáng yêu. Thực ra, giá trị thật sự của hình tượng nhân vật Lệnh Hồ Xung không chỉ ở đó, mà chủ yếu ở chỗ lĩnh hội dần dần và thể hiện chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tự do, - tức tinh thần nhân văn hiện đại "tiếu ngạo giang hồ", - là thứ trái nghịch với môi trường và truyền thống chuyên chế văn hóa, bá quyền chính trị.

I

Khởi đầu, Lệnh Hồ Xung là một gã thanh niên "có vấn đề". Là đệ tử danh môn chính phái, nhất là đại đệ tử khai sơn của "Quân tử kiếm" Nhạc Bất Quần lừng danh trong võ lâm, song tác phong và hành vi của Lệnh Hồ Xung chẳng những không thể làm gương cho đồng môn, mà rõ ràng còn làm tổn hại thanh danh của đệ tử chính phái. Trước khi Lệnh Hồ Xung xuất hiện, đã có nhiều tin đồn lan rộng về chàng, khiến có người há mồm trố mắt, có người khóc dở mếu dở, có người thậm chí thương tiếc cho chàng. Sư phụ Nhạc Bất Quần của chàng càng đau đầu hơn về chàng.

Cụ thể, Lệnh Hồ Xung có ba việc làm sai trái.Thứ nhất, đặc biệt thích rượu, một bữa uống đến say mèm, còn công khai đùa giỡn với đệ tử Cái Bang, làm mất thể diện đại đệ tử phái Hoa Sơn. Thứ hai, tự dưng vô cớ nghe thấy danh hiệu "Anh hùng hào kiệt, Thanh Thành tứ tú”, lại ngứa miệng nói "Cẩu hùng dã trư, Thanh Thành tứ thú (Gấu chó lợn lòi, bốn con thú Ở Thanh Thành), khiến đối phương động thủ, rồi chàng ném họ xuống khỏi tửu lâu, còn trào phúng bảo đấy là võ công độc môn của phái Thanh Thành, có tên là chiêu "bình sa lạc nhạn mông đít chạm đất". Vụ đó nếu không có sư phụ xử lý khôn khéo, thì suýt nữa làm cho hai đại môn phái tranh chấp vô vị.

Thứ ba, Lệnh Hồ Xung công khai uống rượu với Điền Bá Quang, một gã nổi tiếng dâm tặc, lại còn rủ tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn lên trên tửu lâu ba hoa khoác lác, tiếp đó lại xảy ra xung đột đẫm máu với đệ tử phái Thanh Thành, đôi bên đều bị thương vong nặng nề. Vụ này tuy có được Nghi Lâm nói đỡ phần nào, song hành vi sai trái của Lệnh Hồ Xung là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa. Lệnh Hồ Xung chính thức xuất hiện, là ở một kỹ viện trong thành Hoành Sơn, tuy chàng vào đó không phải do chủ động, nhưng sau khi tỉnh lại, các biểu hiện của chàng khiến các chính nhân quân tử phải cau mày. Trở về Hoa Sơn, Lệnh Hồ Xung bị sư phụ Nhạc Bất Quần trách mắng, phạt ra dãy núi sau, một mình quay mặt vào vách núi mà suy nghĩ về lỗi lầm của mình, chắc rằng mọi người đều cho rằng Lệnh Hồ Xung bị phạt như thế là đích đáng.

Lệnh Hồ Xung khi đó quả thật là một thanh niên "có vấn đề", nếu không quản lý chặt chẽ, sao có thể làm gương cho sư môn? Nếu bảo Lệnh Hồ Xung vừa xuất hiện nói chung không khác gì một gã thanh niên "có vấn đề", thì dưới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của ba sự việc tiếp theo, hình tượng Lệnh Hồ Xung mới bắt đầu có biến đổi khác lạ. Việc thứ nhất, Nghi Lâm dẫn chàng từ kỹ viện chạy trốn ra ngoại thành Hoành Sơn, tình cờ được nghe Lưu Chính Phong phái Hoành Sơn cùng với trưởng lão Ma giáo Khúc Dương hợp tấu khúc “Tiếu ngạo giang hồ" bằng đàn và sáo như nghe khúc nhạc thần tiên, bất giác đến gần cái hiện trường lịch sử đầy ý nghĩa tượng trưng đó.

Thế là chàng nhìn thấy cao thủ phái Tung Sơn Phí Bân đối xử như thế nào với Lưu Chính Phong và Khúc Dương, thậm chí Phí Bân còn hạ sát một cách tàn bạo đứa cháu gái bé bỏng của Khúc Dương ra sao; nhìn thấy Mạc Đại tiên sinh, chưởng môn phái Hoành Sơn, nghe đồn đối địch như nước với lửa với Lưu Chính Phong, đã bất ngờ giết tên sát nhân Phí Bân như thế nào. Cuối cùng Lệnh Hồ Xung nhận lời dặn dò của Lưu Chính Phong và Khúc Dương, sẽ phổ biến rộng "khúc Tiếu ngạo giang hồ" cho họ. Khi đó Lệnh Hồ Xung căn bản chưa hiểu âm nhạc, càng không hiểu rồi "khúc Tiếu ngạo giang hồ" sẽ có ảnh hưởng và ý nghĩa lớn chừng nào đến cuộc đời chàng, nhưng chàng tối thiểu cũng được chứng kiến hiện trường lịch sử, cảm thấy rõ ràng đồng tình với Lưu Chính Phong và Khúc Dương, có ác cảm với liên minh Ngũ Nhạc và những hành động của cao thủ Phí Bân phái Tung Sơn.

Việc thứ hai, sau khi bị phạt trên núi Hoa Sơn, trong sơn động chàng vô tình phát hiện vách động có một lối đi, thế là chàng bước vào một "thông đạo lịch sử" khó tin. Ở đó, Lệnh Hồ Xung vô cùng kinh ngạc phát hiện trên vách đá mười sáu chữ lớn rành rành "Ngũ Nhạc kiếm phái, vô sỉ hạ lưu, tỷ võ bất thắng, ám toán hại nhân" (Ngũ Nhạc kiếm phái là hạng người vô sỉ, đấu võ không thắng lại ngầm hại người), cùng nhiều chữ nhỏ như "vô lại hèn hạ", "cực kỳ xấu xa", "hết sức khiếp nhược". Tiếp đó chàng phát hiện trên vách đá khắc chữ và hình vẽ "Phạm Tùng, Triệu Hạc phá kiếm pháp Hằng Sơn ở đây”, "Trương Thừa Vân tận phá Hoa Sơn kiếm pháp", rồi kiếm pháp Hoành Sơn, Thái Sơn, Tung Sơn cũng đều bị "phá tan!".

Giống như khi vừa tiếp xúc “khúc Tiếu ngạo giang hồ" chưa hiểu ý nghĩa của nó, Lệnh Hồ Xung đương nhiên không muốn tin lối nói "Ngũ Nhạc kiếm phái, vô sỉ hạ lưu”, nhưng kiếm pháp phái Hoa Sơn bị phá, các chiêu đều có hình vẽ ở đây, sự thực rành rành, không thể không tin. Điều đáng sợ là không chỉ các tuyệt chiêu kiếm pháp phái Hoa Sơn mà Lệnh Hồ Xung nắm được bị phá, mà ngay cả những tuyệt chiêu bị thất truyền từ lâu, lợi hại hơn nhiều, cũng bị người ta phá sạch! Thậm chí kiếm pháp của bốn phái còn lại trong liên minh Ngũ Nhạc cũng như thế cả! Chân tướng lịch sử bất ngờ này làm sụp đổ hoàn toàn lòng tin của Lệnh Hồ Xung vào võ công phái Hoa Sơn và toàn bộ liên minh Ngũ Nhạc, trong tiềm thức, niềm tin đạo đức của chàng vào phái Hoa Sơn và toàn bộ liên minh Ngũ Nhạc cũng lung lay.

Thế là Lệnh Hồ Xung hồn xiêu phách lạc, ốm nặng một trận. Việc thứ ba, khi Điền Bá Quang lên núi Hoa Sơn rủ Lệnh Hồ Xung đi gặp Nghi Lâm định giở thủ đoạn cưỡng chế, thì cao thủ tiền bối còn sót lại của phái Hoa Sơn là Phong Thanh Dương xuất hiện. Sự xuất hiện của Phong Thanh Dương không chỉ cứu môn "Độc Cô cửu kiếm" thiên hạ vô song của ông, thậm chí không chỉ cứu cái đạo võ học tự nhiên, linh hoạt, cơ động, hoạt học hoạt dụng, mà còn dạy chàng hiểu mình, tự tin ở mình, phát huy tính năng động chủ quan của mình như thế nào. Bước ngoặt này trong cuộc đời Lệnh Hồ Xung hiển nhiên có ảnh hưởng quan trọng, không chỉ khiến chàng trở thành một cao thủ võ học kiểu mới, mà còn trở thành một con người mới tự chủ.

II

Cần phải nói rằng Lệnh Hồ Xung không phải là người có học vấn, không phải là một phần tử trí thức thật sự, càng không phải là một nhà tư tưởng. Cho nên chàng khi xảy ra không biết, thậm chí sau đó cũng không biết, hoặc giả có biết, nhưng không rõ, ba sự việc trên có ảnh hưởng thế nào tới chàng, ý nghĩa của chúng ta ra sao. Nhưng tác giả thì biết, và độc giả cũng cần phải biết. Ý tôi muốn nói, ba hành động sai trái của Lệnh Hồ Xung, tiếp đến ba sự việc quan trọng kia cần được nhận thức lý luận sâu xa.

Lệnh Hồ Xung uống rượu với dân ăn mày, xung đột với đệ tử phái Thanh Thành, quan hệ với kẻ xấu Điền Bá Quang, ba sai phạm ấy bảo là nhỏ cũng được, bảo là lớn cũng được. Bảo là nhỏ, tức là chàng ngang bướng gây sự, hành vi thiếu kiềm chế, tác phong tản mạn. Bảo là lớn, tức là chàng đã phạm sai lầm tự do chủ nghĩa, ảnh hưởng đến mặt trận thống nhất, thậm chí mơ hồ về lập trường đường lối đấu tranh. Nghiêm trọng hơn, hành vi tự do chủ nghĩa ấy của Lệnh Hồ Xung hiển nhiên xuất phát từ cá tính mạnh mẽ của chàng, mang tính chất cá nhân chủ nghĩa nặng nề, đây là vấn đề lớn về quan điểm tư tưởng và lập trường sống, từ đó mất đi tác dụng gương mẫu của một đại đệ tử của "Quân tử kiếm" Nhạc Bất Quần phái Hoa Sơn. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Nên biết, trong thế giới mà Lệnh Hồ Xung đang sống, quan niệm giá trị chính thống là tập thể vĩnh viễn lớn hơn cá nhân, lợi ích của môn phái vĩnh viễn quan trọng hơn lợi ích cá nhân, lập trường tư tưởng và trận tuyến đấu tranh là thứ tuyệt đối không thể xem nhẹ. Lưu Chính Phong không làm việc gì sai, chỉ hợp tấu đàn sáo với trưởng lão Ma giáo, mà bị liên minh Ngũ Nhạc nghiêm khắc trừng phạt đến mức người chết nhà tan. Nói thực, trong các tin đồn trước khi chính thức xuất hiện, tác phong tự do tản mạn của Lệnh Hồ Xung và khí chất cá tính tuy đều lộ rõ, nhưng còn lâu mới tới mức tư tưởng, tinh thần, càng chưa đạt tới mức "chủ nghĩa".

Nhưng sau khi Lệnh Hồ Xung chứng kiến cảnh tượng lịch sử Lưu Chính Phong và Khúc Dương bị sát hại, niềm tin của chàng vào trận tuyến đấu tranh của mình hiển nhiên bắt đầu bị lung lay. Tiếp đó, trong "thông đạo lịch sử" ở sơn động, nhìn thấy các dòng chữ, các hình vẽ, niềm tin cua chàng vào trận tuyến tập thể cơ hồ mất hẳn, nên chàng bị ốm nặng một trận. Nhưng Phong Thanh Dương xuất hiện, kịp thời giúp chàng xác lập một niềm tin hoàn toàn mới vào cuộc sống, phù hợp với bản chất cá tính yêu đời của chàng. Cũng có nghĩa là bắt đầu từ khi xuất hiện, quá trình tâm lý của chàng là một sự giải phóng tư tưởng, ý thức giác ngộ về bản thân mình đạt tới trình độ lý luận nhất định. Tôn chỉ và bản chất của "Độc Cô cửu kiếm" là tinh thần tự do cơ động linh hoạt và niềm tin chắc chắn vào cá tính bản thân. "Độc Cô”, tức là cô độc, biểu thị tinh thần cá nhân.

Tôi đã nói, Lệnh Hồ Xung không phải là tư tưởng gia, mà là một con người hành động. Chàng không có thứ do dự kiểu Hamlet "Làm hay không làm? Chết hay là sống?" cũng không giống đại đa số các phần tử trí thức Trung Quốc luôn luôn là người khổng lồ về tư tưởng, song về hành động lại là kẻ lùn. Biểu hiện cái đẹp đầu tiên của Lệnh Hồ Xung là chàng đã nắm chặt lấy cánh tay bè bạn mà Điền Bá Quang chìa về phía chàng. Hơn thế, khi sư phụ Nhạc Bất Quần ra lệnh bảo chàng đi giết Điền Bá Quang, thì chàng thà tự đâm mình một kiếm, đánh lừa sư phụ, chứ không nỡ giết người đã có lòng hối hận là Điền Bá Quang.

Ý nghĩa của việc này là ở chỗ, Lệnh Hồ Xung trước hết là người kết giao với Điền Bá Quang, tự giác tách cá nhân mình ra khỏi trận doanh mà chàng sở thuộc; thứ nữa, đây là lần đầu tiên chàng công khai hoài nghi và phản đối vị sư phụ "luôn luôn đúng đắn": chàng không chấp hành mệnh lệnh của sư phụ là do hoài nghi, việc chàng đánh lừa sư phụ rõ ràng là một sự chống đối. Thứ nữa, chàng lúc ấy có lẽ cũng không lý giải, rằng hành động của mình thực chất là sự thách thức không tự giác đối với toàn bộ lý lẽ đạo đức cũ và cơ chế vận hành của nó. Đương nhiên việc đó cũng khiến Nhạc Bất Quần tức giận, về sau ông ta đuổi Lệnh Hồ Xung ra khỏi sư môn là khởi đầu từ đây.

Từ đây trở đi, Lệnh Hồ Xung thực ra tự giác hoặc không tự giác ly tâm ly đức với sư phụ, càng ngày càng xa dần qui phạm chính thống của dòng chủ lưu xã hội mà sư phụ đại diện. Tại Lạc Dương chàng kết giao với Lục Trúc ông và "cô cô" của ông ta, được nghe lại "khúc Tiếu ngạo giang hồ", giống như kẻ lãng du tìm về cố hương tinh thần. Cũng chính vì thế, sau này trên gò Ngũ Bá, chàng không hề do dự uống rượu kết giao với các nhân vật không hề quen biết, nhưng rõ ràng họ là những người thuộc về tam giáo cửu lưu. Không chỉ uống rượu, Lệnh Hồ Xung còn cùng với họ đưa ra những tuyên ngôn kết giao, mà xét về mặt tinh thần thì đó là tín hiệu công khai thách thức và chống đối Nhạc Bất Quần cùng phái Hoa Sơn chính tông chính thống. Có thể bản thân Lệnh Hồ Xung còn chưa ý thức được ý nghĩa thực sự của hành vi mình làm, nhưng Nhạc Bất Quần lão luyện thì rõ ngay, nên không chút do dự thông báo võ lâm thiên hạ biết ông ta chính thức khai trừ Lệnh Hồ Xung ra khỏi sư môn.

III

Chính vì Lệnh Hồ Xung không phải là một nhà tư tưởng, nên chàng không hiểu ý nghĩa thật sự của hành vi và tác phong tinh thần của mình, cũng không hiểu chân tướng của sư phụ Nhạc Bất Quần cùng liên minh chính trị phái Hoa Sơn, Ngũ Nhạc kiếm phái mà ông ta đại diện. Bởi vậy, việc sư phụ khai trừ chàng ra khỏi sư môn làm cho chàng suốt một thời gian dài không hiểu tại sao và cứ hết sức đau khổ. Sự kính ngưỡng đối với sư phụ Nhạc Bất Quần và sự khổ luyến đối với sư muội Nhạc Linh San là tâm trạng trầm trọng suốt một thời gian dài không sao giải tỏa được ở Lệnh Hồ Xung. Điều này khiến một số độc giả cứ băn khoăn, cớ sao một người thông minh lanh lợi như Lệnh Hồ Xung mà lại "hồ đồ như thế? Kỳ thực tác giả viết thế có nhiều cái hay. Thứ nhất, để chứng minh điều đã nói, Lệnh Hồ Xung. Là "một người hành động", chứ không phải là "một nhà tư tưởng", hoàn toàn không rõ về quan điểm tư tưởng.

Thứ hai, cũng để chứng minh, Lệnh Hồ Xung tuy ngang bướng tinh nghịch, nhưng lòng dạ lương thiện chất phác, lại đơn giản, cái ơn đức dưỡng dục, dạy dỗ của sư phụ, chàng không quên;cái tình thanh mai trúc mã với Nhạc Linh San, cũng luôn luôn là kỷ niệm đẹp nhất trong đời chàng. Thứ ba, còn để chứng minh cái chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa cá nhân mà bao đời từng bị coi như hồng thủy, mãnh thú, hoàn toàn không như người ta tưởngtượng, không phải là khi sư diệt tổ, tự tư tự lợi, hoang dâm vô sỉ, hại nước hại dân; ngược lại, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân chân chính thường thường là những người thông minh đa trí, ngông nghênh phiêu dật nhưng tâm địa chất phác, lương thiện, phẩm cách cao thượng, như Lệnh Hồ Xung vậy.

Cuối cùng, quan trọng hơn, là để mọi người hiểu rằng xung đột không thể điều hòa giữa Lệnh Hồ Xung với Nhạc Bất Quần hoàn toàn không phải là xung đột tình cảm cá nhân giữa hai thầy trò, thậm chí cũng không chỉ là xung đột giữa Lệnh Hồ Xung với trận tuyến phái Hoa Sơn hoặc liên minh Ngũ Nhạc, mà là xung đột giữa hai loại lập trường văn hóa, quan niệm giá trị, lựa chọn cuộc sống. Nói rõ hơn, một bên đại diện cho các giá trị chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống, còn Lệnh Hồ Xung thì đại diện cho tinh thần nhân đạo lấy chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân làm giá trị, - tinh thần đó mới ở giai đoạn manh nha, song đã không thể vùi dập, đè nén.

Thể hiện rõ nhất tinh thần nhân đạo ấy là khi Lệnh Hồ Xung bị sư phụ đuổi khỏi sư môn và thân bị trọng thương, chàng đã lần lượt từ chối lời mời nhập môn của Thiếu Lâm tự và Nhật nguyệt thần giáo. Lệnh Hồ Xung tuy về lý từ còn chưa rõ, nhưng trên hành vi thì đã biểu hiện cái tinh thần nhân đạo "thà chết còn hơn mất tự do" cực kỳ hiếm thấy trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Từ chối lời mời của Nhậm Ngã Hành, còn có thể lý giải, chẳng hạn trong lòng vẫn có sự phân biệt chính tà theo lối truyền thống, huống hồ bản thân Nhậm Ngã Hành mới thoát khỏi ngục tù, chưa biết tương lai thế nào. Nhưng từ chối thịnh tình của chùa Thiếu Lâm thì thật là bất ngờ lớn, bởi vì thứ nhất, Thiếu Lâm tự chiếm địa vị Thái Sơn, Bắc Đẩu trong võ lâm thiên hạ, biết bao nhân vật võ lâm mơ ước được trở thành tục gia đệ tử của Thiếu Lâm tự.

Thứ hai, Lệnh Hồ Xung vừa bị sư phụ đuổi khỏi sư môn, thân phận tự do, gia nhập phái Thiếu Lâm đã không có trở ngại gì, lại còn rửa được nỗi oan và tiếng xấu bị phái Hoa Sơn khai trừ. Thứ ba, Lệnh Hồ Xung thừa biết rằng nội thương của chàng chỉ có môn "Dịch cân kinh" của Thiếu Lâm tự mới chữa trị được, từ chối lời mời gia nhập phái Thiếu Lâm cũng là từ chối cơ hội cầu sinh duy nhất vậy. Nhưng Lệnh Hồ Xung đã từ chối không hề do dự, thực ra chàng từ chối không phải một môn phái võ lâm cụ thể, mà là từ chối một tập thể chính trị có sự trói buộc tự do cá nhân và tuyệt đối không lấy tự do cá nhân làm mục tiêu. Bên cạnh đó , Lệnh Hồ Xung được tin tiểu thư Nhậm Doanh Doanh vì cứu chàng mà bị nhốt ở Thiếu Lâm tự, chàng được chưởng môn Hoành Sơn Mạc Đại tiên sinh khởi phát và thúc giục, Lệnh Hồ Xung cuối cùng giương cao ngọn cờ giải cứu Nhậm Doanh Doanh, công khai suất lĩnh mấy ngàn nhân sĩ tam giáo cửu lưu tiến đánh Thiếu Lâm tự.

Tuy danh nghĩa là giải cứu Nhậm Doanh Doanh để báo đáp tình ý của nàng đối với mình, nhưng cuối cùng nhân đó hạ quyết tâm chính thức chấp nhận thân phận lãng tử, giương cao ngọn cờ tự do cá nhân và tự đo tinh thần. Điều đáng chú ý là tùy Lệnh Hồ Xung từ chối lời mời nhập môn của Thiếu Lâm tự và Nhật Nguyệt thần giáo, hai đoàn thể đại diện cho hai đại trận chính tà, về sau không ngờ chàng lại nhận lời trối trăn của chưởng môn phái Hằng Sơn, một phái vốn gồm toàn phụ nữ, để làm chưởng môn phái đó. Nhưng tình hình lần này khác hẳn trước, một là vì tình thế cấp bách, nếu Lệnh Hồ Xung không đáp ứng, lão chưởng môn phái Hằng Sơn sẽ chết không thể nhắm mắt, nên đó là việc bất đắc dĩ.

Hai là chàng từng cùng đệ tử phái Hằng Sơn kề vai chiến đấu, các nữ đệ tử phái này từng là nguồn an ủi tinh thần rất lớn của chàng. Giờ đây phái Hằng Sơn gặp nguy cấp, Lệnh Hồ Xung vốn là người không từ chối giúp đỡ người khác, thành thử tất nhiên là chàng nhận lời. Thứ ba, trong số danh môn chính phái võ lâm, phái Hằng Sơn là tập đoàn hiển nhiên ít có dã tâm chính trị hơn cả, bao lâu nay trong cục diện chính trị chỉ giữ địa vị không đáng kể, đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến Lệnh Hồ Xung giúp đỡ họ.

Cuối cùng, độc giả cũng nên thấy rằng Lệnh Hồ Xung tuy dần dần đi theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân, vì thế chàng không muốn gia nhập bất cứ đoàn thể chính trị nào, song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chàng không muốn gia nhập đoàn thể xã hội, càng không có nghĩa chàng tuyệt đối bài chiết sinh hoạt tập thể xã hội hiện có. Việc trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, thực ra cũng đem lại cho Lệnh Hồ Xungmột cảm giác đặc biệt thân thiết, thậm chí như về nhà mình vậy.

IV

Lệnh Hồ Xung làm chưởng môn phái Hằng Sơn, tuy không xây dựng phái này thành một đoàn thể dân chủ hợp ý, song cũng khác hẳn các môn phái khác. Bởi vậy, ngày Lệnh Hồ Xung lên làm chưởng môn phái Hằng Sơn, các nhân vật chóp bu của liên minh Ngũ Nhạc đều không tới dự. Chỉ có phương trượng chùa Thiếu Lâm và chưởng môn phái Võ Đang tới dự lễ. Cái đó đương nhiên không chỉ là chuyện lễ lạt đơn thuần, mà là họ đến hỏi rõ Lệnh Hồ Xung một số việc. Dẫu Nhậm Ngã Hành, Tả Lãnh Thiền, Nhạc Bất Quần ... trận doanh, ngọn cờ khác nhau, tính cách và phương thức hành động khác nhau, song dã tâm "nhất thống giang hồ" của họ thì là một. Nghĩa là giữa các đảng phái chính trị đối lập nhau, tuy có xung đột mâu thuẫn kịch liệt, song bản chất thì đều như nhau. Thực sự khác biệt, chỉ có một mình Lệnh Hồ Xung là người không có dã tâm chính trị.

Đó là nguyên nhân căn bản khiến người ta muốn Lệnh Hồ Xung tham gia việc lựa chọn người làm chưởng môn phái Ngũ Nhạc. Sau đó không lâu, Lệnh Hồ Xung cùng Nhậm Doanh Doanh đến Hắc Mộc nhai giúp Nhậm Ngã Hành đánh bại Đông Phương Bất Bại, giúp ông ta lấy lại quyền bính của Nhật Nguyệt thần giáo, việc đó cũng chứng tỏ sự khác biệt của Lệnh Hồ Xung. Càng khác biệt hơn, khi Nhậm Ngã Hành lúc này đã nắm đại quyền, một lần nữa mời Lệnh Hồ Xung gia nhập Nhật Nguyệt thần giáo, làm phó giáo chủ, sẵn sàng thay thế chức giáo chủ của ông ta. Lệnh Hồ Xung lại từ chối. Tuy chàng không nói rõ lý do, nhưng chàng đã cảm thấy sự bất hợp lý trong thể chế chuyên chế của Nhật Nguyệt thần giáo: "Cái lối vũ nhục anh hùng thiên hạ thế này, tự mình làm sao có thể coi là anh hùng hảo hán?" (Xem Tiếu ngạo giang hồ).

Lệnh Hồ Xung không muốn làm phó giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo, đương nhiên cũng không muốn tham gia cuộc bầu chọn chưởng môn Ngũ Nhạc phái. Tại đại hội Tung Sơn, chàng cố ý nhường sư muội Nhạc Linh San, cũng tức là gián tiếp đem chức vị chưởng môn nhường cho sư phụ Nhạc Bất Quần. Mãi đến khi liên minh Ngũ Nhạc hợp nhất thành một phái, Nhạc Bất Quần bất ngờ sử dụng Tịch Tà kiếm phổ đâm mù hai mắt Tả Lãnh Thiền, lên làm tổng chưởng môn Ngũ Nhạc phái, thì Lệnh Hồ Xung mới bắt đầu thật sự nhận ra chân tướng của Nhạc Bất Quần, trong lòng cảm thấy e sợ và ân hận. Cũng nhân đó mà lập trường chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cá nhân của Lệnh Hồ Xung bắt đầu từ đây mới trở nên rõ ràng và hoàn toàn kiên định.

Cho nên, khi Nhậm Ngã Hành chỉ huy Nhật Nguyệt thần giáo mấy vạn người vây đánh Hoa Sơn, lần cuối cùng lại mời Lệnh Hồ Xung lúc này thế lực cô đơn, gia nhập Nhật Nguyệt thần giáo, thì Lệnh Hồ Xung trả lời: "Vãn bối vốn là kẻ không biết giữ qui củ, nếu gia nhập quí giáo, nhất định sẽ chỉ làm hỏng đại sự của giáo chủ. Vãn bối đã nghĩ kỹ, mong giáo chủ thu lại thành ý này". (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Đó không phải là "tuyên ngôn tự do chủ nghĩa" có lý luận cao siêu gì, song nó chứng tỏ thái độ rõ ràng của chàng, hơn nữa hành động của chàng cũng tăng thêm vẻ tráng lệ : trước hết chàng từ chối gia nhập giáo phái, tiếp đó chàng xin Nhậm Ngã Hành cho phép chàng cầu hôn con gái của ông ta. Nhậm Ngã Hành dùng vũ lực uy hiếp phái Hằng Sơn, thì Lệnh Hồ Xung công khai biểu thị, chàng kiên quyết giữ vững và tôn trọng tự do đến cùng! Đến đây, ý nghĩa đích thực của "khúc Tiếu ngạo giang hồ" mà Lưu Chính Phong và Khúc Dương giao cho Lệnh Hồ Xung mới thể hiện ra.

Từ "khúc Quảng Lăng" của cổ nhân Kê Khang, đến khúc "Tiếu ngạo giang hồ" của Lưu Chính Phong và Khúc Dương, tuy có sự đứt quãng, song vẫn được lưu truyền từ hàng ngàn năm. Không chỉ vì âm nhạc quá hay và người ta mê nhạc, cũng không chỉ là tình cảm của ẩn sĩ hoặc hoan ca của lãng tử, mà chủ yếu là nhờ nhận thức tự do tinh thần, thà chết quyết tôn trọng tự do tinh thần. Chương cuối cùng của bộ tiểu thuyết nhan đề "Khúc Tiếu ngạo từ đây vang mãi", tả Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cuối cùng thành hôn, trong lễ cưới hai người cầm tiêu hợp tấu khúc "Tiếu ngạo giang hồ". Hai người được "hợp tấu” dĩ nhiên là do tác giả bố trí, trong đó rõ ràng tác giả yêu mến và tưởng thưởng cho hai nhân vật chính này.

Không khó tưởng tượng rằng, giả dụ bạo quân chuyên chế Nhậm Ngã Hành không chết, thì ai dám bảo đảm Hằng Sơn cho đến Ngũ Nhạc sẽ không bị thiêu trụi? Nếu Nhậm Ngã Hành không bị bệnh chết, thì cái khẩu hiệu "Thiên thu vạn đại, nhất thống giang hồ" của Nhật Nguyệt thần giáo làm sao có thể biến thành "Thiên thu vạn đại, vĩnh viễn vợ chồng"? Có thể tác giả tả như thế, vì ông viết tác phẩm này vào cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi, muốn cho vô số các vị tiền bối như Phong Thanh Dương, Khúc Dương, Kê Khang, những người đã hi sinh vì tự do cá nhân và sự tôn trọng cá nhân, có một số phận tốt đẹp, là những ngôi sao sáng chiếu rọi thật nhiều hậu nhân vãn bối.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến