ĐÈO HEO HÚT GIÓ

ĐÈO HEO HÚT GIÓ

Người ta hay dùng thành ngữ "Đèo heo hút gió" để nói về một nơi hoang vu, vắng vẻ, ít người qua lại, điều này thì đã rõ, tất cả các từ điển về thành ngữ, tục ngữ xưa nay đều giải thích như thế. Chẳng hạn Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (NXB Văn Học-2010), ghi: đèo heo hút gió,Nói những nơi rừng núi xa xôi, hẻo lánh. Hay Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1998): Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ. Những quyển từ điển này chỉ giải thích ý của thành ngữ, chứ không đi sâu vào giải thích từ nguyên.

Tôi thử xem những ý tứ gì trong thành ngữ "Đèo heo hút gió" để cho ta hiểu, hay để những từ điển giải thích là "Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ".Trước hết đây là một thành ngữ gồm bốn từ, khá thông dụng trong thành ngữ Việt Nam, chẳng hạn như "Mưa thuận gió hòa", "Quạ tha diều mổ", "Giấy trắng mực đen", "Con dại cái mang", "Bỏ mồi bắt bóng"... và còn rất nhiều nữa. Những đặc trưng của thành ngữ này là "ý nghĩa đi từng cặp từ", đối nhau, bổ túc nghĩa cho nhau, như "Mưa thuận (thì) gió hòa", "Quạ tha (lại bị) diều mổ", "Giấy trắng (thì có) mực đen", "Con dại (thì) cái (phải) mang", "Bỏ mồi (để) bắt bóng"... Nếu thành ngữ "Đèo heo hút gió" mà phân tích như thế sẽ ra sao? "Đèo heo - hút gió", "Đèo heo" có nghĩa là gì? để "dẫn tới" "hút gió"? "Đèo" có phải là "ngọn đèo (núi)" hay không? Hình như khi ta hiểu cả thành ngữ "Đèo heo hút gió" là "Nơi rừng núi hoang vu, xa xôi, vắng vẻ", có vẻ như ta đã bị ảnh hưởng của hai từ "heo hút" (chữ thứ nhì và thứ ba trong thành ngữ), có nghĩa là nơi xa xôi, vắng vẻ. Như vậy thành ngữ này khi đọc phải ngắt quãng "Đèo heo hút - gió", chứ không phải là "Đèo heo - hút gió" nữa. Nếu đọc "Đèo heo hút - gió", nghe như một bài Haiku của Nhật vậy... Như bài thơ "Trên cành khô - cánh quạ đậu - chiều thu", hoặc "Trong thinh lặng - tiếng một con ếch nhảy xuống ao - tõm"...

Quyển Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1994), đi sâu vào chi tiết hơn, giải thích: Đèo heo hút gió, Nơi rừng núi hoang vắng, ít người qua lại, hoặc nơi xa xôi cách trở, ở các vùng miền nói chung. (heo: gió; hút: luồng xoáy gió). Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích từ Heo.Gió lạnh mùa thu. Heo may. Gió tây-bắc. Như vậy ta có thể hiểu theo cách giải thích của Từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, Đèo heo: đèo gió, hút gió: luồng gió xoáy, Đèo heo hút gió, Đèo gió có luồng gió xoáy.

Trong tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư số 4(12) tháng 7-2011, có bài ĐÈO HEO HÚT GIÓ HAY ĐÈO NEO HÚT GIÓ? Của tác giả Đỗ Thị Thu Hương (ThS Ngôn ngữ học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội). Trong bài viết có đoạn: "Trong Tiếng Việt tinh nghĩa, tác giả Trịnh Mạnh đã giải thích thành ngữ này như sau:  "Chinh là "đèo neo hút gió" bị nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ đi từ Thăng Long lên ải Nam Quan phải đi qua đèo Neo (một đèo gần thị xã Bắc Giang bây giờ). Tiễn người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến đèo Neo, đặt rượu tiễn hành rồi quay về. Người đi sứ phải đi vào đoạn đường rừng hoang vắng để lên cửa ải".

Trong bài viết có nói tác giả Trịnh Mạnh đã cất công đến tận đèo Neo, nằm ở huyện Yên Dũng tĩnh Bắc Giang. Bây giờ tuy không còn hoang vu hiểm trở như xưa, nhưng vẫn còn là một nơi vắng vẻ, ít người qua lại, và từ "đèo Neo hút gió" đã chuyển thành "đèo heo hút gió". Đây cũng là một cách giải thích nguồn gốc của thành ngữ.

Trong hai cách giải thích như trên thì "trật tự" thông thường của thành ngữ "Đèo heo hút gió" đã được "phục hồi", nghĩa là thành ngữ bốn từ (chữ) này được chia làm hai vế "Đèo heo" và "hút gió".

Qua những lý giải trên, như trong từ điển của nhóm Nguyễn Như Ý, và bài viết của tác giả Đỗ Thị Thu Hương, ý nghĩa nguồn gốc của thành ngữ "Đèo heo hút gió" đã khác nhau, nhưng từ "Đèo" vẫn được hiểu là "ngọn đèo". Nhưng trong quyển Việt Nam Tự điển của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (NXB Khai Trí Saigon-1970), trong phần phụ lục, giải thích tục ngữ, thành ngữ, đã giải thích thành ngữ "Đèo heo hút gió" như sau: thng. Tức Đìu hiu hắt gió, trên núi cao vắng vẻ, lúc nào cũng có gió. Tuy nghĩa tổng quát của thành ngữ vẫn có nói tới "núi cao vắng vẻ", nhưng khi chuyển "Đèo heo hút gió" thành "Đìu hiu hắt gió", thì ta có hai vế "Đèo heo - Đìu hiu", và "hút gió - hắt gió". "Đìu hiu" là tính từ, Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích là "vắng vẻ và buồn bã", ở đây đã mất hẳn ý nghĩa của từ "Đèo" có nghĩa là "ngọn đèo" (ở vùng núi).

Một thành ngữ chỉ gồm có bốn chữ "Đèo heo hút gió", nghĩa tổng quát ai cũng hiểu như nhau, nhưng khi đi vào phân tích từ nguyên, thì mỗi nơi lại giải thích mỗi khác, thật thú vị.



Phạm Ngọc Hiệp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến