14. NHỮNG NGƯỜI TÌNH LÊN NGÔI THÁNH

14.
NHỮNG NGƯỜI TÌNH LÊN NGÔI THÁNH

Là một vương tử, nhưng tâm hồn đa cảm của Đoàn Dự gần với gió bụi. Ông đi khắp giang hồ. Đến trước tượng thạch nữ sau núi Vô Lượng của phái Tiêu Dao, Đoàn Dự ngây ngất trước một "thiên nhan" mang hai quyền năng gần như mâu thuẫn nhau: sát sinh và tái tạo.

Với những người muốn chiếm đoạt thạch nữ thì sẽ chết dưới chân "nàng". Với Đoàn Dự, thạch nữ đã "sinh" ra cho ông một niềm ngây ngất, nhẹ nhàng như hương trà mà ông từng nếm trải. Và cũng lạ lùng từa tựa như tâm thái quá thân thương trước một người xa lạ mà ta mới gặp và không giải thích được vì sao. Ngày kia, đôi mắt chứa những cơn sóng tình không ngừng vỗ của ông dừng lại ở một người: "Ôi Vương Ngữ Yên! Nàng ở đâu? Người con gái ấy chưa bao giờ động thủ, nhưng võ công nào cũng thấu triệt… Và mỗi lần nàng mở miệng mách một thế võ cho một cao thủ thượng thừa thì, nghe cái giọng yêu kiều và xa xôi như đến từ một thế giới khác, người ta muốn nghĩ rằng nàng ở giữa cuộc đời như nàng tiên của tri thức thuần túy (…). Tiếc thay võ học trong đời này chỉ là chuyện phụ. Người con gái ấy, cũng như Đoàn Dự, ngoài tình yêu chẳng coi gì là trọng" (Đỗ Long Vân).

Nhưng Kim Dung không cho họ "yêu nhau ngay" phút đầu, để một mình Đoàn Dự đeo đuổi nàng Vương hết nơi này đến nơi khác. Mặc dầu nắm trong tay tuyệt kỹ độc bá võ lâm là Lục mạch thần kiếm nhưng Đoàn Dự không mơ tưởng tới việc "trường trị giang hồ". Ông đã không có tham vọng ngồi lên ngai vàng, lại chẳng hề bận tâm đến ngôi bá chủ võ lâm, nhưng người khác như Cưu Ma Trí thì không. Cưu Ma Trí học tuyệt kỹ Thiếu Lâm vẫn còn ham muốn luyện thêm Lục mạch thần kiếm. Thế là, Kim Dung đã bày ra một cuộc chơi giữa hai người. Một đằng nắm giữ tuyệt kỹ nhưng không tham vọng. Một đằng tham vọng nhưng không có tuyệt kỹ trong tay. Họ gặp nhau ở một... đáy giếng. Nơi ấy, nàng Vương của Đoàn Dự cũng có mặt: "Thì ra Đoàn Dự đang hôn mê, mà Bắc Minh Thần Công không phân biệt được bạn thù, nó hút hết nội lực Cưu Ma Trí rồi hút luôn cả nội lực của Vương Ngữ Yên nữa. Một lát sau, cả Vương Ngữ Yên lẫn Cưu Ma Trí đều ngất đi", đến giờ ngọ khi ba người dần tỉnh lại thì thế giới quanh họ đã thay đổi. "Thoạt kỳ thủy" là nàng Vương (lần đầu) ôm lấy Đoàn Dự, khóc, vì ngỡ ông đã chết, khác nào cơn mưa âu yếm dịu ngọt đột nhiên trút xuống người Đoàn Dự. Bởi lúc ấy ông không chết, mà "vui sướng đến phát điên". Khi nàng hiểu ra là "chàng cố ý không nhúc nhích để được mình ôm lấy, bất giác hổ thẹn vô cùng, thốt lên: Cái anh này! Đoàn Dự cũng thẹn đỏ mặt lên, vội vàng xoay người nhích ra một bên, ngồi tựa vào thành giếng (...). Hai người ra khỏi giếng, nhìn thấy ánh dương quang chiếu vào mặt đối phương trông rất lem luốc, tự hiểu là mặt mình cũng vậy thì không khỏi bật cười. Cả hai tìm đến một khe suối nhỏ, để cả quần áo lội xuống tắm rửa đồng thời giũ bớt bùn sình. Vương Ngữ Yên đã mất nội lực, cũng may mà đang tiết Trung thu, trời chưa lạnh lắm, nên nàng dầm mình xuống nước suối mà vẫn chịu đựng được. Hai người từ dưới suối bước lên, ướt như chuột lột (...). Vương Ngữ Yên nói: "Chúng ta ướt sũng thế này mà để cho người ngoài trông thấy thì thẹn chết đi được". Đoàn Dự nói: "Chi bằng ở đây phơi nắng cho khô, đến tối hãy về". Vương Ngữ Yên gật đầu đồng ý rồi ngồi lên một tảng đá. Đoàn Dự ngắm nghía nàng, thấy người đẹp như ngọc, tóc xanh như mây, thì trong lòng vui sướng khôn tả. Vương Ngữ Yên thấy tình lang đứng nhìn qua nhìn lại thì mặt thẹn đỏ bừng. Hai người mải mê nói không hết chuyện, thời gian qua nhanh như chớp, chốc lát đã thấy mặt trời khuất sau núi" (Thiên long bát bộ, Đông Hải dịch, sđd).

Hẳn bạn đọc thấy bức tranh của đôi người yêu nhau trong thế giới võ hiệp Kim Dung vừa lãng mạn, vừa nhẹ nhàng, không khí êm đềm tương tự trong Tiếu ngạo giang hồ, như đoạn trích dẫn bản dịch của Hàn Giang Nhạn tiên sinh về cuộc gặp gỡ giữa Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh: "Hai người sóng vai ngồi trong xe nhìn ra hồ nước. Lệnh Hồ Xung đặt tay phải lên lưng bàn tay trái Doanh Doanh. Bàn tay Doanh Doanh khẽ run lên một cái nhưng không rụt về. Lệnh Hồ Xung nhủ thầm trong bụng: "Ước gì vĩnh viễn ta được ở trong hoàn cảnh này khỏi phải trở lại dấn thân vào làng gió tanh mưa máu trong võ lâm. Dù ta có được làm thần tiên cũng không sướng bằng". Doanh Doanh thấy chàng vẻ mặt trầm ngâm liền hỏi: "Xung lang đang nghĩ gì vậy?". Lệnh Hồ Xung liền đem những điều tâm nguyện ấy nói cho nàng nghe. Doanh Doanh xoay bàn tay trái lại nắm lấy tay mặt Lệnh Hồ Xung nói: "Xung lang! Tiện thiếp rất lấy làm sung sướng". Lệnh Hồ Xung đáp: "Tiểu huynh cũng vậy". Ngọt ngào là thế. Bây giờ, chúng ta quay về với Đoàn Dự - người đã chứng kiến một kẻ si tình tuyệt vọng lao từ sau lưng mình xuống hố sâu, là Du Thản Chi. Du Thản Chi yêu A Tử một cách cuồng điên, mê dại. Đến nỗi ông ta sẵn sàng biến thành một trò mua vui, một con rối thừa thãi, chịu bị hành hạ, hắt hủi, mắng nhiếc chỉ để được thấy, được gần gũi A Tử. Như thế vẫn chưa đủ, Du Thản Chi còn dâng hiến cho A Tử ngay cả đôi mắt mình để trở nên mù lòa, quờ quạng giữa ban ngày. Trong bóng tối, trong niềm cô tịch dày đặc, ông vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được nghe dầu không phải giọng cười mà một lời quở trách. Như từ một thế giới khác đến, Du Thản Chi đi tìm khắp trần gian này âm thanh, giọng nói của người mình yêu. Cuối cùng, ông đến gần A Tử trong tình cảnh bi thảm, lúc A Tử cúi mình ôm thi thể Kiều Phong là người A Tử đang yêu và lớn tiếng xua đuổi ông: "Ngươi hãy đi thật xa đi! Ta không muốn nhìn thấy ngươi nữa". Du Thản Chi đau lòng, nhưng vẫn chưa tuyệt vọng bằng lúc A Tử đột nhiên đưa tay lên móc cặp mắt ra và ném về phía Du Thản Chi: "Trả lại ngươi! Trả lại ngươi! Từ nay ta không còn thiếu nợ ngươi nữa". Đoạn này khiến liên tưởng đến đôi mắt của một vị thánh đi khất thực gặp một người khác cũng đi khất thực. Ông hỏi người kia: ngươi cần được bố thí những gì? Người kia đáp cần vật thực, quần áo, nhưng cần nhất là một con mắt của ông. Vị thánh bảo: "Được, ta sẽ cho ngươi ngay bây giờ". Xong ông ta đưa tay lên móc con mắt bên phải đưa cho người kia, máu chảy ròng ròng xuống đôi má lõm sâu vì khổ hạnh. Người kia nhận được mắt, thay vì cám ơn, đã vứt xuống đất, dùng chân đạp lên trên, dí đi dí lại cho nó nát ra, rồi trách: "Thật là vô ích, ông phải cho tôi con mắt bên trái của ông kia". Vị thánh không hề giận một tí nào, vẫn điềm tĩnh bảo: "Tội nghiệp nhà ngươi quá, ngươi không nói trước, ta chẳng tiếc gì con mắt còn lại, nhưng ta còn để nó trên mặt ta để đi tìm những người cần được bố thí niềm thương khác nữa". Người kia nổi cơn tức giận một cách vô lý, làm cho máu nóng trong người hắn bốc lên thành một ngọn lửa vô hình đốt cháy tủy sống và làm mù đôi mắt của y tức khắc. Một niềm ân hận bất ngờ tràn ngập lòng y. Ngay giây phút đó, vị thánh giảng cho y về sự vô thường của cả những thứ không nắm được bằng tay như ánh sáng. Y thức tỉnh theo vị thánh tu học, và mở được thánh nhãn, không có đôi mắt cũ nhưng vẫn có thể nhìn xuyên qua đại ngàn biển cả, thấy được hết lòng người sâu cạn, thấp cao. Du Thản Chi và A Tử thì không như vậy. Cả hai choáng váng vì tình yêu, mù lòa vì không còn đôi mắt và lần lượt lao xuống đáy hang sâu vạn trượng. Kim Dung kết thúc chuyện tình này bi thảm như thế.

Cùng một tác phẩm, hai cuộc tình, hai hoàn cảnh, hai diễn biến, hai kết cục khác nhau cho Đoàn Dự và Du Thản Chi. Cả hai được Vương Hải Hồng và Trương Hiểu Yến đưa vào danh sách Mười hai tình thánh trong giang hồ của cuốn Giải mã tiểu thuyết Kim Dung (Cao Tự Thanh dịch, NXB Trẻ và Công ty Phương Nam ấn hành). Mười nhân vật còn lại trong "tình thánh" gồm: Địch Vân, Vạn Khuê (trong Liên thành quyết), Kiều Phong, Đoàn Chính Thuần (Thiên long bát bộ), Quách Tĩnh (Xạ điêu anh hùng truyện), Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký), Dương Qua (Thần điêu hiệp lữ), Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi (Tiếu ngạo giang hồ), Ân Lợi Hanh (Ỷ thiên Đồ long ký). Ở một cuốn khác, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh viết: "Nhiều nhân vật người tình của Kim Dung chính là những người hùng trong lĩnh vực tình cảm, và vì tình yêu vốn vẫn tự do hơn tài năng và đạo đức nên trong nhiều trường hợp họ còn mạnh mẽ hơn cả những người hùng. Hành xử theo lý lẽ của trái tim, nhiều khi họ phải vượt khỏi chính mình để chống lại sự ràng buộc của thứ đạo nghĩa tầm thường với các tín điều công cộng". Phải chăng khi "vượt khỏi chính mình" là lúc con người bắt đầu phát hiện những mảnh đất mới lạ, vốn mênh mông không bờ bến nơi mình, trong đó có tình yêu. Nếu không "vượt khỏi chính mình", con người có thể sẽ tự rơi vào hố thẳm như Du Thản Chi, hoặc sẽ ở lại nhìn trần gian với đôi mắt mù muôn thuở. Chợt nhớ đến vị thánh đã bố thí con mắt của mình cho sự sáng người khác. Cái "tình" của vị ấy đã lên ngôi như một mặt trời tại thế.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến