7. XUÂN VÀ HOA

7.
XUÂN VÀ HOA

Nhắc đến mùa xuân, thường người ta rất dễ liên tưởng đến hoa mai, một loài hoa cánh mỏng ngoài đời, song lại có sức mạnh chế ngự được đao kiếm của quần hùng trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung.

Đó là cành hoa mai do Trương Vô Kỵ sử dụng để đối đầu với các cao thủ thuộc sáu đại môn phái trên Quang Minh Đỉnh. Sáu đại môn phái này kéo lên để vây đánh tiêu diệt Bái hỏa giáo tức Minh giáo. Mà Trương Vô Kỵ là người đứng ra bảo vệ sự sống còn của Bái hỏa giáo. Lúc bấy giờ Trương Vô Kỵ mới 20 tuổi, đã luyện Cửu dương bí pháp suốt 5 năm trong một thung lũng vắng và tình cờ học được thần công Càn khôn đại nã di trong một hang bí mật của tổng đàn Bái hỏa giáo. Trong trận đánh quyết liệt vào phút cuối ở Quang Minh Đỉnh, Vô Kỵ phải một mình đơn độc đứng giữa thế trận giáp công của những cao thủ hai phái Côn Luân và Hoa Sơn.

Về phái Côn Luân, vợ chồng Hà Thái Sung - Bang Thục Nhàn thi triển phần chính Lưỡng nghi kiếm pháp, dịch chuyển từ Chấn vị tới Càn vị. Ngược lại hai trưởng lão của phái Hoa Sơn khai triển phản Lưỡng nghi đao pháp khởi từ Tốn đến Khôn. 

Như vậy một bên sử dụng kiếm để bày phần "chính lưỡng nghi", một bên sử dụng đao theo "phản lưỡng nghi". Hai bên xuất phát và di chuyển biến hóa đao kiếm của mình theo hai hướng thuận nghịch khác nhau, song khớp lại thành một vòng lưỡng nghi kim cương, âm và dương tương tác, đao và kiếm tương hợp, để vây Vô Kỵ vào giữa. Quần hùng đứng ngoài ai cũng chắc chắn rằng mạng sống của Vô Kỵ sẽ rơi vào tử địa như giọt mưa xuân rớt xuống sa mạc. Nhưng tất cả đều ngỡ ngàng vì sự thật đã diễn ra bất ngờ khác hẳn với dự đoán của họ. Vì chính Vô Kỵ đã bứt phá cả "chính" và "phản" lưỡng nghi bằng cách bẻ một cành mai rồi dùng thần công tuyệt thế để vô hiệu hóa đường đi và thế đánh của đao lẫn kiếm. Những bông hoa mai vàng rực trên tay Vô Kỵ đã ngầm phá trận đồ của sắt thép, thể hiện thế nhu thắng cương, yếu hóa mạnh. Kết quả trận đánh đã làm tan rã ý chí của lục đại môn phái và hóa giải được oán thù, như hoa mai hất văng những đường đao mũi kiếm, giúp Minh giáo thoát khỏi bờ vực diệt vong. Những đóa mai vàng của mùa xuân ấy đã đưa Vô Kỵ lên ngôi giáo chủ. Để rồi sau này được cả sáu đại môn phái đồng tôn vinh. Có thể nói, cành mai yếu ớt đó hiển lộ được sức mạnh nội tại, diệu kỳ, khó quên trong đời Vô Kỵ. 

Nói đến xuân, người ta cũng nghĩ đến hoa, mà trong tiểu thuyết Kim Dung 
có hai người mang tên Hoa đáng nhớ là Lăng Sương Hoa và Mã Xuân Hoa. Lăng Sương Hoa có một cuộc tình kỳ lạ gắn liền với hoa. Ngay từ buổi "khai hoa" mối tình giữa tiểu thư Lăng Sương Hoa với giang hồ khách Đinh Điển hoa đã có mặt trong một ngày hội. Họ muốn mãi gần nhau như mùa xuân có hoa đào hoa mai, như màu hoa và cánh hoa không tách rời nhau. Nhưng cuối cùng một người như đóa hoa sầu tàn, người khác thì chết vì hoa độc Kim ba tuần.

Còn Mã Xuân Hoa là cô gái bị cha ruột buộc phải đính hôn với một người mà mình không tha thiết. Phản ứng với cuộc hôn nhân này, Xuân Hoa muốn thoát khỏi ràng buộc và ngả vào vòng tay của Phúc Khang An - một vị quan trăng hoa. Sau cuộc gặp gỡ bên vườn với Xuân Hoa, Phúc Khang An không muốn nhớ đến đóa hoa mà mình đã bẻ. Nhưng với người con gái này Phúc Khang An là mối tình đầu của nàng và nàng luôn mong ngóng để được gặp người mình thương yêu. Biết được tâm trạng đó, Hồ Phỉ đã tìm cách để Trần Gia Lạc đóng giả vai Phúc Khang An tìm đến Mã Xuân Hoa. Cuộc "kỳ ngộ" ấy đã đem lại "hạnh phúc ngậm ngùi" cho Hoa, vì Hoa không hề biết người đến với mình là Trần Gia Lạc, nên vẫn cảm thấy dạt dào, thương yêu như khi gần họ Phúc vậy. Đó mới thật là người Hoa mà sống trong mộng ảo. Tới đây có lẽ nhắc lại một mối tình xuân thắm, tươi đẹp, khác với hai mối tình Hoa ở trên, là Lệnh Hồ Xung và Doanh Doanh. Hai người kề cận bên nhau ở một hồ suối vắng: 

Hoa xuân rơi xuống bên dòng
Hương xuân không ướt đòng đòng như hoa 
Cánh xuân theo nước trôi xa 
Màu xuân hồng tụ trên gò má xuân

Màu xuân này là màu hồng lên môi mắt Doanh Doanh, là màu bất chợt bất ngờ của tương giao tương kiến: "Doanh Doanh cải trang song liền lấy áo của lão nông mặc cho Lệnh Hồ Xung. Mặt nàng đưa gần vào Lệnh Hồ Xung chỉ còn cách chừng mấy tấc. Lệnh Hồ Xung ngửi thấy hơi thở của nàng thơm như hoa lá thì không khỏi ngây ngất tâm thần, những muốn đưa tay ra ôm choàng lấy nàng, nhưng chàng thấy nàng là người cực kỳ đoan chính nên lại không dám (…). Lệnh Hồ Xung phải ráng trấn áp tâm thần không dám cử động. Mắt chàng đột nhiên lộ ra những tia khác lạ, nhưng chàng phải kiềm chế lại ngay. Doanh Doanh nhìn rõ hết, liền mỉm cười nói: - Nào cậu cháu ngoan ! Để bà cưng một cái ! - Nàng thò tay đầy đất cát xoa lên mặt Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung nhắm mắt lại, thấy bàn tay mềm mại đưa lên xuống xoa xuýt trên mặt mình thì trong lòng nảy ra một mối cảm giác dễ chịu vô cùng. Chàng chỉ mong tình trạng này tồn tại mãi mãi không bao giờ chấm dứt". (Hàn Giang Nhạn dịch). Tình yêu đã thầm nở quanh họ như một đóa "hoa vô sắc". 

Như vậy, trên đây, ta thấy hoa trong tiểu thuyết Kim Dung có loài độc, loài hiền. Hoa cúc làm đẹp cho mối tình của Lăng Sương Hoa. Hoa Kim ba tuần chứa đựng chất giết người. Mã Xuân Hoa lớn lên như một loài hoa không có gai ở miền thôn dã, nhưng tình cảnh đã đưa "độc tố" vào cành hoa ấy. Nếu hoa có sắc đẹp lẫn chất độc, thì người có hai mặt thiện ác. Trời đất bao gồm âm và dương. Vật chất, kể cả tính người, đều có cương và nhu. Song tất cả có thể điều hòa trong thể điệu mai hoa mà Kim Dung đã một phần nào muốn nói lên qua hình ảnh của Trương Vô Kỵ trong trận đối mặt với lục đại môn phái ở Quang Minh Đỉnh xuân nào

Nhận xét

Bài đăng phổ biến