2. NGƯỜI YÊU CỦA THÁNH NỮ

2.
NGƯỜI YÊU CỦA THÁNH NỮ

Ngọn lửa tình khơi dậy
Giáo chủ cũng xiêu lòng
Trái tim hằng lạnh cóng
Bỗng hẹn lời trăm năm


Là thánh nữ và là người được chọn để lên ngôi giáo chủ, Đại Ỷ Ty phải ngoảnh mặt với tất cả những lời tỏ tình. Nàng thao thức, nghĩ tới sứ mệnh bí mật của mình khi đến Trung Hoa, đó là trà trộn vào Minh giáo bản địa, lấy pho Tâm pháp Càn khôn đại nã di vốn là thần công hộ giáo đem về Ba Tư. 


Trước khi đi, giáo chủ Minh giáo Ba Tư viết sẵn một bức thư gửi giáo chủ Minh giáo Trung thổ (là Dương Phá Thiên) và giao ba sứ giả người Ba Tư cầm thư dẫn nàng ra mắt 


Dương giáo chủ. Thư viết: "Có một Tịnh Thiên sứ giả vốn là người Trung Hoa đến Ba Tư đã lâu, gia nhập Minh giáo lập nhiều công trạng, nên đã lấy được một người con gái Ba Tư làm vợ, sinh một con gái. Một năm trước đây, Tịnh Thiên sứ giả qua đời. Lúc sắp chết có nhớ đến cố thổ, để lại di chúc bảo đứa con gái của ông (là Đại Ỷ Ty) về đất Trung Hoa. Tổng giáo chủ (Ba Tư) tôn trọng ý muốn của vị sứ giả đó mới sai người đem cô gái về Quang Minh Đỉnh, mong Minh giáo Trung thổ nuôi nấng và dạy cho".

Đọc thư, Dương giáo chủ đồng ý ngay và cho mời thiếu nữ. Tạ Tốn kể: "Thiếu nữ vừa bước vào, khách sảnh đột nhiên như bừng sáng lên. Nàng đẹp không thể tưởng tượng được! Khi nàng quỳ xuống lạy Dương giáo chủ, Tả hữu Quang Minh sứ, ba Phán Vương, năm Tảng Nhân, Ngũ hành kỳ sứ đều chấn động. Ba sứ giả Ba Tư đi theo nàng ở trên Quang Minh Đỉnh một đêm - đến hôm sau giã từ Dương giáo chủ đi luôn! Còn thiếu nữ tuyệt đẹp tên là Đại Ỷ Ty thì ở lại trên Quang Minh Đỉnh (...). Trong giáo và ngoài giáo có hơn trăm người để ý đến, ai cũng muốn lấy làm vợ". Bấy giờ, Dương phu nhân (vợ giáo chủ Dương Phá Thiên) làm "mai mối" Đại Ỷ Ty cho hữu sứ Phạm Dao nhưng "nàng ta giơ kiếm lên định tự vẫn và nói với mọi người rằng nàng quyết không lấy ai hết, nếu cứ ép buộc thì nàng đành chết chớ không bao giờ ưng thuận". Vì thế, bao nhiêu người đeo đuổi phải nản lòng. Nhưng, tại sao Hàn Thiên Diệp là kẻ bại trận dưới tay Đại Ỷ Ty mà nàng lại nhanh chóng đem lòng thương yêu, bất chấp thánh giáo? Có thể xét đến ba yếu tố: 

Thứ nhất, đó là do lòng hiếu thảo của họ Hàn. Nguyên năm xưa thân phụ Hàn Thiên Diệp bị Dương giáo chủ dùng Đại cửu thiên thủ đánh trọng thương. Quá uất giận, ông ta tuyên bố sau này nhất định sẽ sai con mình đến tìm Dương giáo chủ rửa hận. Dương giáo chủ hứa: "Hễ con của ngươi tới báo thù bất kể là trai hay gái ta cũng nhường cho họ đánh trước 3 thế võ". Nhưng thân phụ Thiên Diệp gạt đi: "Khỏi cần nhường như vậy. Chỉ cần cách đấu như thế nào phải để con cái ta chọn lấy". Dương giáo chủ đồng ý. Mười mấy năm sau, bấy giờ Hàn Thiên Diệp đã lớn, vâng lời cha lên Quang Minh Đỉnh báo thù, thuận theo chữ "hiếu".

Thứ hai, Hàn Thiên Diệp là người có "dũng". Lúc đầu, quần hào thấy anh ta "mặt mũi rất tầm thường mà dám đơn thân độc mã lên Quang Minh Đỉnh tầm thù, ai nấy đều ha hả cười, nhưng Dương giáo chủ rất nghiêm nghị đón tiếp Hàn Thiên Diệp như thượng khách vậy. Giáo chủ còn thết tiệc khoản đãi y nữa". Anh ta nhắc lại lời hứa trước kia của Dương giáo chủ để giành quyền chọn cách giao đấu. Theo đó, anh ta đòi Dương giáo chủ phải cùng nhảy vào hồ nước lạnh Bích Thủy Hằng để quyết thắng bại với mình và "nếu ai thua phải tự vẫn trước mặt mọi người". Nghe thế, ai nấy kinh hãi vì tuy Dương giáo chủ công lực luyện tới chỗ cao siêu nhưng nếu phải lặn dưới nước theo lối "thủy chiến" sẽ không thích hợp với sở trường của giáo chủ. Chắc chắn giáo chủ sẽ không thi triển được võ công và bị chết đuối nửa chừng. Vì thế, quần hùng đồng thanh quát mắng để trấn áp Hàn Thiên Diệp. Song anh ta vẫn bình tĩnh nói lớn: "Tại hạ một thân một mình lên Quang Minh Đỉnh chỉ mong chết trên này thôi. Quý vị anh hùng hào kiệt cứ việc múa đao phân thây tại hạ đi…". Chứng kiến và nghe lời khẳng khái của một thanh niên hiếu đễ can trường như vậy, Đại Ỷ Ty suy ngẫm và chắc hẳn không khỏi xao động tấm lòng...

Thứ ba, khi biết mình không thể giao đấu theo cách họ Hàn đưa ra, Dương giáo chủ lên tiếng: "Này Hàn huynh, năm xưa tại hạ quả có hứa với lệnh phụ thực. Người hảo hán phải quang minh mới được. Tại hạ nhận thua trận đấu này. Hàn huynh muốn xử lý thế nào tùy ý". Quần hùng sửng sốt. Còn Hàn Thiên Diệp bấy giờ mới để lộ một con dao sáng loáng bén nhọn dưới tay áo ra, tự dí vào giữa ngực mình, nói với Dương giáo chủ: "Con dao găm này là của tiên phụ để lại. Tại hạ chỉ mong Dương giáo chủ vái lạy con dao này 3 lạy thôi". Nói thế khác nào buộc Dương giáo chủ phải vái lạy thân phụ họ Hàn đã khuất. Đó cũng là đòi hỏi, là mục đích để họ Hàn dấn thân đến tử địa. Đồng thời đòi hỏi đó khiến quần hào ở Quang Minh Đỉnh bị xúc phạm. Họ tức giận vô cùng nhưng chưa thể đụng gì đến họ Hàn được. Vì theo quy củ giang hồ, trong trường hợp này, Dương giáo chủ "phải tuân theo ý muốn của đối phương" đúng như lời hứa. Mà lạy 3 lạy xong tất nhiên sự việc đồn đãi ra ngoài, uy thế của Dương giáo chủ sẽ xuống thấp. Trọng danh dự, Dương giáo chủ sẽ phải tự vẫn. 


Họ Hàn tuy đang thắng, song cũng lường trước "khung cửa hẹp" mà định mệnh đã dành sẵn cho anh ta. Nghĩa là "nhận 3 lễ của giáo chủ xong, y sẽ phải đâm lưỡi dao găm vào ngực tự tử. Vì y biết, nếu y không tự tử chết, thì thế nào cũng bị quần hào của Minh giáo giết liền". Đã dứt khoát chọn cái chết như thế, thì còn sợ gì những lời hăm he búa rìu trước mắt? Nên họ Hàn vẫn đứng sừng sững vững vàng giữa vòng vây của "triều thần" Minh giáo, ngang nhiên cất lên tiếng nói của riêng mình. Hình ảnh đó không khỏi thầm kín len vào tâm hồn thánh nữ. Rõ ràng, Dương giáo chủ danh trấn giang hồ lại đang bị một gã vô danh trẻ tuổi bức tử. Mà tất cả quần hào tinh hoa của Minh giáo đứng đó đành phải bó tay, lặng người, im phăng phắc vì "vô kế khả thi". Chính lúc ấy, thánh nữ Đại Ỷ Ty tiến lên trước quần hào tự nhận mình là con của Dương giáo chủ và nói: "Thưa cha, người ta có một người con trai hiếu thảo như vậy chẳng lẽ cha lại không có một người con gái hiếu thảo hay sao. Vị Hàn gia tới đây để báo thù cho cha anh ta. Vậy con xin phép được thay mặt cha để đối địch Hàn gia mấy hiệp". Liền đó, trận huyết chiến bên hồ Bích Thủy Hằng diễn ra như đã nói. Nếu trận đánh ấy "giải vây" được cho Dương giáo chủ và phá tan bầu khí bế tắc quanh quần hào, thì chính nó lại "bắt" thánh nữ vào lưới tình trăm năm. Sau này, Tạ Tốn có nói giữa thánh nữ và hữu sứ Phạm Dao đã "phải lòng nhau" trước ngày gặp Hàn Thiên Diệp. Nhưng dù thật như thế, tình cảm ấy cũng chưa đủ chín để "sầu rụng" lên nhau.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến