‘Giáo dục cần những chuyển động có lộ
trình, không phải là cú sốc’
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, giáo dục cần những chuyển động
có lộ trình, không phải những cú sốc từ đề thi - nhất là khi người chịu ảnh hưởng
trực tiếp là học sinh.
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi môn Tiếng Anh trở thành tâm
điểm tranh luận. Nhiều học sinh và giáo viên cho rằng đề quá khó, có phần học
thuật, và so sánh độ khó với bài thi IELTS. Trong bài viết So sánh đề thi tốt
nghiệp môn Tiếng Anh với bài thi IELTS là khập khiễng mới đây, một giáo viên tiếng
Anh cho rằng sự so sánh đó là “khập khiễng”, đồng thời khẳng định đề thi là một
cú “đánh động” đúng đắn với toàn hệ thống.
Những điều tôi trao đổi dưới đây được đưa ra từ góc nhìn của một người
làm chính sách giáo dục, không nhằm phê phán cá nhân hay phủ nhận công sức ra đề,
mà để góp thêm một góc nhìn, vì mục tiêu chung là một kỳ thi công bằng, minh bạch,
phù hợp với triết lý giáo dục mà chúng ta đang hướng tới.
So sánh đề Tiếng Anh với IELTS không hề “khập khiễng” nếu bản chất đề thi
đã nghiêng về học thuật
Có ý kiến cho rằng không nên so sánh đề thi tốt nghiệp với IELTS vì hai kỳ
thi phục vụ mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu đề thi tốt nghiệp được mô tả như
một bài thi có tính phân hóa cao, mang tính tuyển chọn, thì việc đối chiếu với
một kỳ thi học thuật quốc tế như IELTS không còn là khập khiễng, mà hoàn toàn hợp
lý để tham khảo và đánh giá.
Điều cần được đặt lên bàn cân không phải là tên gọi kỳ thi, mà là bản chất
năng lực mà đề kiểm tra. Một đề thi yêu cầu tốc độ đọc hiểu cực nhanh, xử lý lượng
thông tin dày đặc trong thời gian ngắn (40 câu/50 phút), sử dụng nhiều từ vựng
học thuật và văn cảnh phức tạp - thì việc đem so sánh với bài IELTS Reading là
hoàn toàn hợp lý. Và nếu một học sinh đạt 7.0 IELTS vẫn thấy khó khăn với đề tốt
nghiệp, chúng ta cần đặt câu hỏi: Liệu đề thi có còn đang phản ánh đúng chuẩn đầu
ra của chương trình phổ thông hay đã vượt quá ngưỡng đó?
Một đề thi quốc gia không nên “dạy một bài học” bằng cách khiến học sinh
hoang mang
Việc khuyến khích học thực chất, chống bệnh thành tích và cải thiện dạy -
học tiếng Anh là rất cần thiết. Tuy nhiên, một đề thi quá khó, gây choáng váng
không nên là công cụ tạo ra cú hích thay đổi. Giáo dục cần những chuyển động có
lộ trình, không phải những cú sốc – nhất là khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp
là học sinh.
Nếu chương trình chưa đảm bảo đủ thời lượng và chất lượng dạy - học kỹ
năng đọc hiểu sâu; nếu sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn trong học tiếng
Anh còn lớn; nếu sách giáo khoa chưa cung cấp đủ kiểu ngữ liệu như đề thi - thì
việc bất ngờ nâng độ khó sẽ tạo cảm giác đánh đố, thay vì khuyến khích học sinh
học tập nghiêm túc.
Một đề thi tốt nghiệp không thể mang tư duy của một kỳ thi “tuyển lọc”
trong khi chưa có lộ trình chuyển đổi chính thức và không chuẩn bị trước cho học
sinh. Sự chuyển dịch trong kiểm tra đánh giá cần đi cùng cải cách đồng bộ ở
chương trình, phương pháp giảng dạy, tài liệu học tập, và đặc biệt là truyền
thông sư phạm rõ ràng, nhất quán từ đầu.
Cấu trúc tương tự không có nghĩa là mức độ hợp lý
Trong bài viết, tác giả lập luận rằng đề thi không bất ngờ vì bám sát đề
minh họa đã công bố. Song, điều quan trọng không chỉ nằm ở cấu trúc kỹ thuật (gồm
mấy câu từ vựng, mấy câu đọc hiểu…), mà ở mức độ khó thực tế của từng phần. Từ
vựng “xa lạ”, chủ đề trừu tượng, văn bản dài và đòi hỏi tư duy học thuật khiến
nhiều học sinh - dù ôn luyện theo cấu trúc cũ - cảm thấy bất lực.
Nếu đề thi tạo ra cảm giác “lệch chuẩn” với điều đã học, thì dù cấu trúc
giống bao nhiêu, học sinh vẫn bị sốc và ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm
bài. Và đó là vấn đề nghiêm trọng về mặt đánh giá giáo dục, khi kỳ thi không
còn phản ánh chân thực hành trình học tập của người học.
Chúng ta đang thiếu dữ liệu về chuẩn hóa đề thi
Tính đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa công bố bất kỳ thông tin nào về quá
trình thử nghiệm đề thi, độ khó, độ phân biệt, độ tin cậy hay các chỉ số kỹ thuật
quan trọng khác. Trong khi đó, ở các quốc gia có hệ thống kiểm tra nghiêm túc,
mọi đề thi đều phải được thử nghiệm, phân tích dữ liệu, chuẩn hóa theo tiêu chí
đo lường giáo dục. Ngay cả IELTS - một kỳ thi thương mại - cũng được kiểm chứng
định kỳ qua dữ liệu từ hàng triệu thí sinh.
Chúng ta không thể khẳng định một đề thi là hợp lý chỉ vì nó “giống đề
minh họa” hoặc “có phổ điểm phân hóa”. Phân hóa điểm số có thể đến từ sự bất hợp
lý trong mức độ khó - chứ không đồng nghĩa với đánh giá chính xác năng lực học
sinh.
Một đề thi quốc gia cần là sự công bằng, không phải một cú
sốc
Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi có tính chất phổ thông, vừa để xét tốt
nghiệp, vừa làm căn cứ tuyển sinh. Khi chưa có định hướng rõ ràng về tách bạch
hai mục tiêu đó, đề thi cần bảo đảm nguyên tắc kép: Phản ánh đúng chương trình
học, đồng thời có ngưỡng phân loại hợp lý, dễ hiểu, dễ chuẩn bị. Một đề thi tốt
phải khiến học sinh khá giỏi cảm thấy được thách thức, nhưng học sinh trung
bình cũng có cơ hội thể hiện thay vì bị loại khỏi “cuộc chơi” vì những đoạn văn
đọc hiểu như trong kỳ thi học thuật chuyên sâu.
Tôi đồng tình với nhiều tâm huyết của thầy Triết về việc thay đổi cách dạy
và học tiếng Anh. Nhưng tôi tin rằng: Thay đổi bền vững không thể bắt đầu bằng
một đề thi gây sốc, thiếu minh chứng chuẩn hóa, và có thể khiến học sinh mất niềm
tin vào nỗ lực học tập của chính mình. Giáo dục cần dẫn dắt, không gây choáng
váng. Và kỳ thi quốc gia - ở tầm vóc hệ thống - cần được thiết kế trên nền tảng
minh bạch, khoa học, nhân văn, công bằng. Bộ GD-ĐT rất cần những người làm đề
có trình độ chuyên nghiệp được kiểm định.
Nhận xét
Đăng nhận xét